Chuyện của má Năm Cái Côn

07:11, 29/11/2020

Từ lúc chính thức là cư dân của địa phương này, tôi đã không thể nhớ nổi là mình đã có hàng bao nhiêu lần ra chợ Trường An, một khu chợ nửa tỉnh nửa quê nhưng cũng khá phong phú các mặt hàng vùng quê sông nước. 

 

Cụ Năm Cái Côn trò chuyện với khách mua hàng tại chợ Trường An.
Cụ Năm Cái Côn trò chuyện với khách mua hàng tại chợ Trường An.

Từ lúc chính thức là cư dân của địa phương này, tôi đã không thể nhớ nổi là mình đã có hàng bao nhiêu lần ra chợ Trường An, một khu chợ nửa tỉnh nửa quê nhưng cũng khá phong phú các mặt hàng vùng quê sông nước.

Từ các gian hàng phục trang may mặc, đến những sạp lương thực, thực phẩm,... cả những mớ, món linh tinh rau màu của các dì, các chị, đủ cả trăm thứ để không làm phật lòng một ai khi đặt chân thả bộ vào chợ.

Giữa chốn đông đúc, trăm người bán vạn người mua của mỗi phiên chợ, có điều gì đó hữu tình đã khiến tôi chú ý đến cụ- một bà lão có dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn đầy vẻ tảo tần nhưng khuôn mặt hiền lành, phúc hậu.

Những nếp nhăn nhì nhằng hay những vết chân chim trên gương mặt đã không giấu được những năm tháng nhọc nhằn của cụ. Nhưng có lẽ đẹp nhất vẫn là khuôn miệng móm mém hay cười nói hồ hởi, nhiệt tâm.

Cụ kể, mình là một trong dăm ba tiểu thương đầu tiên của những ngày đầu chợ mới hình thành vào thuở khá xưa ấy. Và ngày đó, khi được chính thức khai sinh chợ có tên là Cái Côn, để tiện giao dịch với các mối lái, bà đã tự đặt cho mình cái bí danh “Năm Cái Côn” như là một quy ước riêng để nhớ. Năm Cái Côn đã “chết danh” như vậy gần nửa thế kỷ đã qua. Và cũng từ ngày đó, người ta quên luôn cái tên thật của cụ là Lương Thị Sự.

Cụ đã từng bán qua rất nhiều mặt hàng theo từng giai đoạn tuổi tác, sức khỏe. Mớ cá, cần xé rau, trái cây,… hay năm ba món hàng không thành tên gì đó, lời lãi cũng chỉ đủ đắp đổi một vài ký gạo cho bữa cơm con thơ qua ngày. Chợ đời, bon chen cũng đã nhiều mệt mỏi, đến cái tuổi xưa nay hiếm, vẫn cứ phải bon chen không khác chi được. Có ai mà thấu cảnh, thôi thì còn chút sức coi như còn ý nghĩa, buôn bán như là niềm vui, là nguồn sống đỡ phần con cháu, để không trông chờ và không lệ thuộc mà thôi.

Khiêm tốn, ngăn nắp trên cái sạp nhỏ của cụ là mớ chanh, bó rau tập tàng, vài ba nhánh chuối xanh kèm rổ khế, mớ ớt hiểm đặt xen năm ba trái dừa khô, hơn chục quả trứng gà, trứng vịt...

Cả chục món tạm gọi là “hàng hóa” của bà cụ, tôi ước đoán không lên nổi ba trăm ngàn tiền vốn cho quãng ngồi chợ hơn tám tiếng mỗi ngày. Vốn nhỏ nhưng ở khu chợ Trường An be bé này thì cụ Năm Cái Côn thuộc tốp “giàu” cái tuổi nhất. Cuộc đời như vó câu qua cửa, nghèo tiền nhưng trường thọ với kiếp nhân sinh âu cũng là phúc với nhân tình thế thái đó thôi, cụ cười móm mém và rất bằng lòng khi tâm tình thế với khách mua cũng rất ít tiền là tôi.

Mồ côi cha, rồi anh, chị, em ruột rà của cụ cũng vì bệnh mà ra đi khi chưa qua nổi tuổi thiếu thời. Một sự đau đớn đến tột cùng của một gia đình bất hạnh! Mẫu thân của cụ đã như điên loạn trong những năm tháng đau thương, nhưng vì thương con gái côi cút mà gắng gượng ngồi dậy dắt díu bà Sự phiêu dạt từ Nha Trang đến miền Tây Nam Bộ xa xôi này.

Lên 9 tuổi, cụ đã phải cùng mẹ nhọc nhằn mưu sinh. Hai mẹ con cụ phiêu diêu giữa cuộc đời, mỏng manh và yếu ớt. Nhưng thật may mắn, mẹ cụ cũng là người phụ nữ kiên cường nên năm tháng dù không nhẹ nhàng cũng đã lặng lẽ trôi qua. Xuất giá theo chồng, những tưởng sẽ có thêm một bờ vai che chở, an ủi, yêu thương.

Nhưng không, số phận vẫn cứ muốn thử thách, trêu ngươi Năm Cái Côn nên chưa đầy chục niên hạn hạnh phúc sau ngày xuất giá, người chồng mãi mãi ra đi theo những người thân ở thế giới bên kia. Mong manh và nguy cơ gục ngã là hai điều nghĩ suy không mấy khi xa rời người đàn bà quá ư phiêu diêu này!

Tôi đến thăm nhà cụ vào một buổi chiều nắng nhẹ. Từ cái cổng đơn sơ gọi cửa, người viết có chút thời gian quan sát ngôi nhà trong khoảnh vườn còn lại cuối cùng của gia đình cụ. Cái được gọi là “ngôi nhà” thực tế là một túp lều được chắp vá bởi những nguyên, vật liệu như gỗ tạp, tôn mục, lá dừa nước tuềnh toàng trên khoảnh đất chỉ khoảng 20m2. Cụ xuýt xoa với tôi: “Nhà bà luộm thuộm quá con ơi!

Độ rày bà bịnh hoài nên nhà cửa bề bộn thế đấy con à!”. Tôi chỉ biết nhoẻn miệng cười xòa với hy vọng là một sự đồng cảm nhẹ nhàng với người phụ nữ truân chuyên sống gần ngót cửu thập nơi chốn phồn hoa trăm họ này.

Tiếp tôi, vẫn nụ cười hiền, thân thiện, vẫn sự xởi lởi thường nhật, bà kể tôi nghe về những người con bệnh tật còn vất vả, khó khăn của mình. Ba người con của cụ, có người đã lên tuổi bà không còn đủ sức khỏe để làm chủ cuộc sống của mình; người con gái thứ cũng tảo tần không đủ sống; chàng út của cụ đã ở tuổi trung niên cũng chỉ buôn bán nhỏ mưu sinh qua ngày…, giúp gì nổi người mẹ già côi cút xứ tha phương.

Trời ở quá cao và khó thương người khổ nên bao nhiêu đất đai của cải cũng lần lượt “đội nón ra đi”. Bây giờ thì tôi hiểu tại sao “túp lều” của cụ lại nép sát cái hàng rào tạm bợ. Mảnh vườn rộng phải vài ba lần cắt bán đến buồn lòng.

Tuy khóe mắt cụ vẫn luôn chực trào nước mắt mỗi khi nhắc lại những cay đắng đời mình nhưng tuyệt nhiên không hề thấy sự mệt mỏi. Không những thế cụ còn khuyên tôi hãy sống theo chánh pháp, nỗ lực hết mình sẽ vượt qua bể khổ. Nên cái gia tài quý giá cụ vẫn luôn cất giữ cẩn thận, tôn kính đó là những cuốn sách kinh Phật mà cụ đọc hàng ngày.

Kinh Phật cao siêu nhưng cũng vô cùng thiết thân gần gũi, với phận người quá bèo bọt trong kiếp nhân sinh thì lại quá ư là đời, là lẽ sống nhập thế. Tôi nghĩ chắc cụ Năm cũng mường tượng như kẻ hậu sinh này thôi.

Bài toán cuộc đời cụ Năm Cái Côn hay Lương Thị Sự dường như chưa khúc nào có lãi cả. Và tôi thiển nghĩ, sống bằng an, “biết đủ là đủ” âu cũng là lãi lớn mà cụ đã luôn luôn được trả một cách phì nhiêu.

Bài, ảnh: NGUYỄN THỊ NGỌC DIỆP

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh