Sinh thời, đồng chí Võ Văn Kiệt thường xuyên về thăm quê ở xã Trung Hiệp (Vũng Liêm), thăm đồng đội cũ và những gia đình đã nuôi giấu, che chở mình trong những năm tháng ác liệt của 2 cuộc kháng chiến.
Cô Nguyễn Minh Nguyệt với 2 chiếc áo do Thủ tướng Võ Văn Kiệt tặng. |
Sinh thời, đồng chí Võ Văn Kiệt thường xuyên về thăm quê ở xã Trung Hiệp (Vũng Liêm), thăm đồng đội cũ và những gia đình đã nuôi giấu, che chở mình trong những năm tháng ác liệt của 2 cuộc kháng chiến.
Những ngày tháng 11 lịch sử này, chúng tôi về Trung Hiệp tìm lại câu chuyện Nam Kỳ khởi nghĩa và không khỏi xúc động vì trong mỗi lời nói của người dân địa phương đều gọi tên anh Chín Hòa, chú Sáu Dân một cách thân thương. Hình ảnh vị Thủ tướng gần gũi, cởi mở, gắn bó cuộc sống của mình với từng bước đi của dân tộc, trong từng nhịp thở của người dân được thể hiện qua những câu chuyện bình dị nhất.
Chiếc áo không khuy
Nhà cô Nguyễn Minh Nguyệt nằm đối diện đình Bình Phụng- nơi gắn bó mật thiết với cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Đây là nơi hơn 20 nghĩa quân khởi nghĩa Nam Kỳ tụ họp và sau này, chính quyền cách mạng sử dụng đình Bình Phụng làm trụ sở Ủy ban Hành chính xã, là nơi hội họp các đoàn thể như Phụ nữ, Thanh niên Tiền phong,... của xã Trung Hiệp. Gần 20 năm, vợ chồng cô Nguyệt nhận nhiệm vụ trông coi đình, chăm lo nhang khói nên cô đã có nhiều cơ hội gặp cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt mỗi lần ông về thăm đình, thăm đồng đội cũ.
“Chú Chín Hòa về không gọi tên chồng tôi mà nói rằng về để thăm “bạn mình”. Chú ghé đình rồi đi thẳng qua nhà tôi. Sau giải phóng, ai cũng nghèo. Thấy căn nhà ọp ẹp, 5 đứa con tôi còn nhỏ, chú động viên vợ chồng tôi cố gắng lo cho con ăn học đàng hoàng, không được bỏ cuộc giữa chừng. Con hổng biết chữ, hổng có nghề nghiệp thì tội nghiệp lắm!”- cô Nguyệt kể.
Năm 1975, không may bị tai nạn, cô Nguyệt mất đi bàn tay phải, chồng cô cũng bị tai nạn lao động mất hết 5 ngón chân. Vợ chồng cô làm đủ nghề, có việc gì cũng làm để chắt chiu nuôi con ăn học. Nhà có gần 6 công đất, cô hiến 1 công để xây lại đình Bình Phụng và bán 1 công cho con đi học.
Cô quan niệm: “Nhà chỉ có 6 công đất, nếu chia cho 5 đứa con thì sau này cũng sẽ khó khăn lắm. Tôi bàn với chồng bán đất cho con đi học. Có con chữ, có nghề sẽ tốt hơn có 1 công đất. Tôi luôn biết ơn lời căn dặn của chú Chín Hòa không để các con nghỉ học. Vợ chồng tôi không biết nhiều chữ nên phải cố gắng để con sống cuộc đời khác đi”. Và giờ niềm tự hào nhất cuộc đời cô là 5 người con đều trưởng thành và sống tốt: người làm cô giáo, người làm y sĩ, con trai duy nhất là công an ở Trà Vinh.
Cô Nguyệt nhớ lại: “Mỗi lần chú Chín về đều rất bình dị, gần gũi với dân. Chú đi một mình, chú ghé hỏi thăm từng nhà, không phân biệt giàu nghèo. Lần nào về chú cũng gọi cháu ngoại của tôi ra lì xì. Hơn 20 năm trước, đúng 27 tết, trước khi lên xe ra về, chú gọi tôi ra tặng 1 hộp quà, trong đó có 2 xấp vải. Tôi mừng muốn rớt nước mắt, có ai ngờ được Thủ tướng tặng quà, tôi đưa con gái xấp vải may áo liền nhưng treo vô tủ chứ hổng nỡ mặc”.
Mái tóc điểm bạc, cô Nguyệt rưng rưng chạy vào mở tủ nâng niu lấy 2 chiếc áo ra cho chúng tôi xem. Thật may mắn khi được cô Nguyệt “tiết lộ” chúng tôi là người lạ đầu tiên thấy chiếc áo này vì cô chỉ khoe với con cháu thôi, hàng xóm cũng hổng biết. Chỉ treo trong tủ, không mặc cũng không giặt vì sợ áo cũ đi, chiếc áo màu vàng loang lổ úa màu thời gian, còn chiếc áo xanh thì… không có khuy áo. Khi phát hiện điều này, cô Nguyệt cười sảng khoái “không có khuy để khỏi mặc, để dành làm kỷ niệm thôi”.
Dù thời gian qua bao lâu, chiếc áo không khuy vẫn được treo trong tủ, áo không để mặc mà để nhớ một người anh, một người chú bận trăm công nghìn việc nhưng lại rất ấm áp, thân tình. Áo cũng là lời nhắc nhở, động viên cô Nguyệt luôn phải phấn đấu vươn lên, không được buông tay dù khó khăn đến thế nào, vì cô Nguyệt, vì chú Chín Hòa là người con của quê hương Nam Kỳ khởi nghĩa, của “Nam Bộ thành đồng”.
Nối đường, thông kinh, xây hy vọng
3 đời nhà chú Phạm Văn Kịch đều gắn bó với đình Bình Phụng. Từ ông nội Phạm Văn Nghĩa, đến cha Phạm Văn Bộ đến thời của chú đảm nhận vai trò Trưởng Ban quản lý đình.
Chú Kịch nghe kể lại, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi, giữ trâu và làm công tác mật, đến năm 1940 cùng tham gia vận động xã Trung Hiệp và ấp Bình Phụng hơn 20 nghĩa quân khởi nghĩa Nam Kỳ ở huyện Vũng Liêm.
Từ lúc đảm nhận trọng trách cao nhất của Chính phủ và ngay cả lúc về hưu, lúc nào cũng vậy, đồng chí Võ Văn Kiệt mỗi lần về thăm quê hương đều ân cần thăm hỏi từng người, từ các đồng chí lãnh đạo, các đồng chí đã nghỉ hưu và cả người phục vụ nấu ăn trong bếp.
“Chú Chín Hòa trìu mến với cô bác địa phương lắm, hỏi thăm, dặn dò, giải thích từng ly từng tý, nên chú đi tới đâu là dân theo ì ì tới đó. Hồi đó Ấp 5 (ấp Bình Phụng và ấp Ruột Ngựa ngày nay), dân rất nghèo, đường đất, điện nước không có, còn con kinh thì cạn khô, bộ đội chỉ cần bẻ tàu lá là đi qua được. Chú Chín Hòa về thấy cảnh quê mình khổ quá, chú kêu đào con sông Ruột Ngựa thông qua tới xã Trung Hiếu luôn, chú vận động kéo điện cho hơn 500 hộ.
Chú dặn cố gắng mà làm, rơm bỏ ngoài đồng đốt phí quá đi, tận dụng mà trồng nấm, chăn nuôi bò, chỗ nào lúa không trúng thì trồng hoa màu, một số cô bác trồng dưa, cà rất là hiệu quả. Phải chăm chút từng mảnh đất nhỏ, không được bỏ phí, hòa bình rồi mà ngồi đó trông chờ thì biết khi nào mới cải thiện cuộc sống”- chú Kịch nhớ lại.
Con sông Ruột Ngựa dài gần 6km nối ấp Bình Phụng đến xã Trung Hiếu là niềm phấn khởi của tất cả bà con trong xã.
Chú Phạm Văn Kịch dẫn cháu nội ra xem con sông Ruột Ngựa thông thương, là tâm huyết của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. |
Chú Kịch giải thích: “Con sông rất nhỏ, xuồng 50 giạ chống chèo chứ hổng chạy máy được, bà con chở hàng hóa khó khăn, giờ được nạo vét 3 lần, thuận lợi tưới tiêu và đắp đê ngăn mặn. Một người làm thì không được nhưng Đảng và nhân dân cùng làm thì sẽ nhanh chóng hoàn thành”.
Theo chú Kịch, ấp Bình Phụng mừng nhất là được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo và sự đoàn kết đồng lòng của bà con: “Mỗi nơi có nóc nhà thì đều có điện, con lộ từ Trung Hiếu qua Trung Hiệp, lộ liên ấp hoàn chỉnh. Con tui là cán bộ thú y, nó nói gia súc, gia cầm của xã Trung Hiệp đứng hàng đầu cả huyện Vũng Liêm. Kinh tế thay đổi rất nhanh từ thời tui đến con cháu…
Sự thay đổi cả ấp, xã, huyện đến tỉnh là sự đoàn kết của Đảng bộ chính quyền, gắn bó mật thiết với nhân dân. Đảng vì dân, Đảng làm việc có lợi cho dân thì dân đoàn kết. Chú Chín Hòa nối đường, thông kinh, xây hy vọng và chúng tôi đoàn kết phát huy thật tốt xây dựng quê hương”.
Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin