Không còn đò giang cách trở, Tân Phú hôm nay bờ nối bờ, đường sá thông thương. Những chiếc cầu hiện diện trên những nhánh sông không chỉ là hiện thực của ước mơ mà còn là minh chứng cho sự gắn kết, sẻ chia của lòng dân- ý Đảng.
>> Kỳ 1: Chủ trương ra đời từ nhu cầu bức xúc của nhân dân
Chiếc cầu mơ ước bắc qua sông giúp đi lại dễ dàng, thông thương hàng hóa… |
Không còn đò giang cách trở, Tân Phú hôm nay bờ nối bờ, đường sá thông thương. Những chiếc cầu hiện diện trên những nhánh sông không chỉ là hiện thực của ước mơ mà còn là minh chứng cho sự gắn kết, sẻ chia của lòng dân- ý Đảng.
Chiếc cầu mơ ước bắc qua sông
Trong số những chiếc cầu “Nhà nước và nhân dân cùng làm” thì cầu Phú Thành là lớn và dài nhất (dài 72m, rộng 3m). Do đặc thù địa hình khu vực này nên cầu được thiết kế hình cánh cung và việc thi công không hề đơn giản.
Cầu Phú Thành là ước mơ bấy lâu nay của người dân xã Tân Phú, bởi nhánh sông Hậu xuyên qua đây đã chia cắt ba ấp Phú Thành, Phú Yên và Phú Long. Giờ đã có cầu, muốn qua sông không còn cảnh phải lụy đò.
Chú Phạm Văn Nam (Tư Thậm, ngụ ấp Phú Thành) vui vẻ kể: “Ngày đổ sàn xây cầu rất đông người tới phụ, không chỉ bà con trong ấp mà nơi khác cũng đến. Đã chuẩn bị trước, tui vẫn kêu sắp nhỏ ra sau nhà bắt cá, mần thêm gà vịt”.
Đồng chí Phan Thị Loan- Bí thư Đảng ủy xã Tân Phú cho hay, không riêng cầu Phú Thành, nhiều cây cầu khác đã dần được hoàn thành trong niềm mong ước của người dân. Là người trực tiếp cùng làm với “đội thi công”, đồng chí Phan Thị Loan bộc bạch, ngày làm cầu, cũng có hàng trăm người phụ thi công, hàng chục người nấu nướng; gạo, củi… thì được cho sẵn; có khi “phải chia lịch ra để không lãng phí thời gian và công sức của bà con”.
Khi xây cầu, nhiều người xuống sông phụ tay chân phồng dộp hết nhưng họ vẫn làm. Ông Bùi Dân Rọt (đã gần 80 tuổi) nhiệt tình phụ giúp nhóm thanh niên xây cầu, ông nói: “Tui ao ước có được cây cầu từ hồi tiếp thu đến giờ mới có được, xây cầu xong có mất cũng an lòng”.
Đồng chí Lê Văn Sáu- nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tân Phú vui mừng nói: Được mấy cây cầu giúp lưu thông của bà con nhân dân, trong đó giúp việc đi lại của học sinh rất thuận lợi, không tốn chi phí đi đò và thời gian chờ đợi. Bênh cạnh, giúp việc mua bán, vận chuyển hàng hóa dễ dàng.
Sau khi có cầu, có đường, ấp Phú Thành còn được sáng đèn từ nguồn khen thưởng xã về đích nông thôn mới, tình hình an ninh trật tự ổn định hơn. Quê hương đổi khác, phát triển thông thương, đường nối liền là cảm nhận của nhiều người dân của xã.
“Chủ trương hợp lòng dân thì dân đồng tình”
Nhà ở gần dốc cầu đường Trâu, chị Lâm Thị Hạnh vui mừng: Cầu này hồi trước thấp và không có lan can nên vừa không đảm bảo an toàn cho người qua cầu, mùa nước lớn thì ghe tàu qua lại bị vướng. Ngày làm cầu này, bà con ai nấy vui mừng. Tui bán tạp hóa cũng phụ làm nước cho đội thi công làm cầu đỡ mệt.
Cô Trần Thị Hoa thì xởi lởi: Nhà tui ở bên kia sông, hồi trước lâu lâu mới qua phía bên này vì cầu nhỏ hổng dám đi. Giờ một ngày tui đi mấy lần, đi bộ tập thể dục, mua bịch xà bông… lúc nào cũng được. Cô Nguyễn Thị Hương thì nói, tui cũng ngày mấy bận qua sông bán trái mướp, trái dưa đều tiện lợi. Nói thẳng ra, lớn tuổi rồi, lỡ bệnh đau thì xe 4 bánh tới nhà cũng yên tâm phần nào.
Đồng chí Lê Văn Sáu đúc kết, tôi thấy công trình nào bức xúc, phục vụ thiết thực đời sống dân thì huy động tốt. Nhiệm kỳ vừa rồi xây mấy cây cầu, vốn rất lớn là nhờ có huyện hỗ trợ hàng chục triệu, còn lại mạnh thường quân, rồi dân đóng góp. Đặc biệt, trong đầu tư xây dựng thì mình chỉ tiền dân đóng góp mua vật tư là chủ yếu. Còn lại công lao động là sức dân hết nên giảm chi phí xuống rất lớn.
Theo thống kê, từ năm 2015- 2020, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị đã đưa hạ tầng nông thôn xã Tân Phú phát triển vượt bậc, thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã xây và sửa 7 cây cầu bê tông, rãi đá và đan hóa trên 15.700m đường với tổng kinh phí trên 18,9 tỷ đồng và hơn 2.850 ngày công lao động. Bên cạnh, xã còn được đầu tư xây và nâng cấp 3 tuyến đường với tổng chiều dài trên 8.200m. Nhờ vậy, người dân trong xã không còn ngăn sông cách trở, giao thương thuận tiện đã làm đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội địa phương.
Đồng chí Lê Tiến Dũng- Bí thư Huyện ủy Tam Bình cho hay, thời gian qua công tác vận động xã hội hóa trên địa bàn huyện được người dân tích cực tham gia, nhất là trong xây dựng kết cấu hạ tầng. Trong đó, Tân Phú làm rất tốt công tác xã hội hóa, nhờ vậy, đường sá ngày càng thông thương, chất lượng cuộc sống người dân nâng lên.
Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN- XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin