Do địa hình có nhiều sông rạch, muốn xây cầu cần vốn lớn nên một thời gian dài, người dân xã Tân Phú (Tam Bình) đi bộ trên những chiếc cầu đúc nhỏ hoặc cầu tạm bằng tre, ván gỗ… Trong khi, phần lớn người và phương tiện lớn đi lại phải qua đò. Đồng chí Lê Văn Sáu- nguyên Bí thư Đảng ủy xã cho hay: "Điều kiện đi lại khó khăn nên đảng bộ có suy nghĩ là phải làm sao giải quyết cho được vấn đề lưu thông này. Từ đó đề ra chủ trương, rồi vận động".
Do địa hình có nhiều sông rạch, muốn xây cầu cần vốn lớn nên một thời gian dài, người dân xã Tân Phú (Tam Bình) đi bộ trên những chiếc cầu đúc nhỏ hoặc cầu tạm bằng tre, ván gỗ… Trong khi, phần lớn người và phương tiện lớn đi lại phải qua đò. Đồng chí Lê Văn Sáu- nguyên Bí thư Đảng ủy xã cho hay: “Điều kiện đi lại khó khăn nên đảng bộ có suy nghĩ là phải làm sao giải quyết cho được vấn đề lưu thông này. Từ đó đề ra chủ trương, rồi vận động”.
Chiếc cầu qua sông là “mơ ước cả đời” nên người dân nhiệt tình hưởng ứng: hiến đất, góp tiền, góp sức thi công và chung tay nấu nướng… Nhiều người phấn khởi cho hay, những ngày xây cầu là những ngày rộn ràng như hội.
Kỳ 1: Chủ trương ra đời từ nhu cầu bức xúc của nhân dân
Những chiếc cầu nối nhịp đôi bờ, xóa nỗi lo đò giang cách trở. |
Hình ảnh hàng trăm người tất tả dưới mé sông bẻ sắt, trộn hồ; hàng chục người bên gian bếp ấm của xóm làng lặt rau, thái thịt… chắc chắn sẽ lưu lại rất lâu trong lòng người dân và mạnh thường quân từ khắp nơi đã đóng góp tiền của, công sức chung tay cùng Tân Phú xây cầu.
Lòng dân thành ý Đảng
Theo đồng chí Lê Văn Sáu- nguyên Bí thư Đảng ủy xã, Tân Phú là vùng kháng chiến cũ, trước năm 1975 người dân tản cư đi chỗ khác. Diện tích của xã không lớn, 6 ấp thôi nhưng nằm giữa các sông rạch. Cho nên, sau giải phóng tới trước năm 2015, xã còn những cây cầu nhỏ, cầu tạm để qua sông bằng bộ. Tuy nhiên, phần lớn người và phương tiện lớn đều phải đi đò nên vừa mất thời gian, tiền bạc hàng ngày mà còn tiềm ẩn nguy hiểm.
Xác định “nhu cầu bức xúc nhất của người dân là những cây cầu qua sông” nên đảng ủy, UBND xã có chủ trương. Trong đó, việc cần phải huy động như thế nào… cũng được tính kỹ. Đồng chí Phan Thị Loan- Bí thư Đảng ủy xã cho biết, phải tính thiết kế công trình sao cho vừa không sai quy định, vừa không phát sinh chi phí.
Sau khi dự trù kinh phí thì cần có vốn “mồi” trước khi vận động. Lúc đó, xã được Hội từ thiện Cà phê Suối Mơ hỗ trợ 250 triệu đồng. Bên cạnh, cán bộ, công chức xã đóng góp 1 triệu đồng/người, có người góp cả tháng lương.
Từ số tiền này, ông Lê Văn Sáu lúc đó là Bí thư Đảng ủy xã, bà Phan Thị Loan là Chủ tịch UBND và các đoàn thể tiếp tục vận động nhà hảo tâm ở khắp nơi và người dân địa phương đóng góp tiền của và công sức… để xây cầu. Bên cạnh, lãnh đạo xã còn “xắn tay” cùng với đội thi công đi xin bạch đàn, kéo cây, xẻ gỗ, trộn hồ và bẻ sắt…
Việc xây cầu lúc đầu gặp khó do công trình “phụt vào đất của dân”, người theo nghề chạy đò bị ảnh hưởng “cần câu cơm” nên phản ứng... Theo đó, lãnh đạo đảng ủy, UBND xã và các đồng chí trực tiếp đi vận động tiếp tục tuyên truyền về ý nghĩa thiết thực của công trình. Đồng thời, chọn người có uy tín vận động người thân, xóm giềng đồng lòng thực hiện chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Vận động người thân, xóm giềng cùng đóng góp
Khi xây cầu, ông Phạm Văn Nam (Tư Thậm, sinh năm 1952, ở ấp Phú Thành) không chỉ góp sức, góp tiền, mà còn động viên bà con, hàng xóm cùng đóng góp. Ông được xã chọn làm Trưởng Ban Giám sát đầu tư cộng đồng. Với hộ khá giàu, ông thủ thỉ chân tình: Mình chỉ đóng góp một lần theo khả năng là có cầu đi suốt, trong khi đi đò mỗi năm tốn tới 6 triệu đồng chứ không ít”.
Với hộ khó khăn, ai trẻ, khỏe thì ông vận động góp sức, góp công; lo hậu cầu, cơm nước… Nói chung, ai nấy đều “góp tinh thần, góp tấm lòng” cho công trình chung của xã. Ông gương mẫu đi đầu lại thấu tình đạt lý nên hàng xóm láng giềng không chỉ đóng góp phần mình, có người còn hăng hái “ai góp còn thiếu, để tui lo”.
Nhà ở dốc cầu Phú Thành bắc qua sông Chà Và và gắn bó với nghề đưa đò từ thời trẻ, ông Chín Vuông- em trai ông Tư Thậm- chân tình cho biết, trước đây mỗi ngày ông kiếm cả triệu đồng tiền đò.
Vì vậy, khi địa phương vận động hiến đất xây cầu Phú Thành và mở rộng đường liên ấp Phú Thành- Phú Yên, ông Chín Vuông cũng không khỏi băn khoăn. Song, nhờ những lời lẽ thấu tình đạt lý của địa phương và ông Tư Thậm, ông Chín Vuông đã gật đầu và cho lấy nhiều hơn phần đất Nhà nước cần: “Xã vận động tui hiến 5 tấc đất, tui cho luôn 1,5m ngang, chạy dài 25m để xe đi lại thoải mái”- ông Chín Vuông kể.
Hướng mắt ra chiếc cầu mới toanh nối với con đường nhựa bên hông nhà, thấp thoáng các em học sinh tan trường vào buổi trưa nắng đẹp, ông Chín Vuông nở nụ cười hạnh phúc: Có cầu, đường đi lại thật tiện lợi, buôn bán cũng dễ dàng hơn. Đó là cái chung, còn về bản thân thì ông bộc bạch: “Trước đây tui lo đưa đò tối ngày, cứ bỏ thí vườn sầu riêng nên thu hoạch chẳng được bao nhiêu. Sau khi cầu đường thông thương, nông sản bán có giá hơn và nhờ chăm sóc vườn tốt nên năm rồi tui bán 4 công sầu riêng được 270 triệu đồng- kinh tế gia đình thêm cải thiện”.
Người dân đóng góp tùy theo khả năng, người khá giàu thì đóng góp tiền từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng, người thì góp thi công hoặc nấu nướng. Đồng chí Lê Văn Sáu cho biết, nói chung là “đa dạng mọi hình thức chớ không đặt ra con số cào bằng”. Theo đó, tổng kinh phí xây cầu báo cho dân hay, công khai đã vận động được bao nhiêu, còn lại bao nhiêu cần người dân đóng góp. Từ đó, “người dân thấy được giải quyết nhu cầu chính đáng thì nhiệt tình hưởng ứng”.
Đồng chí Lê Văn Sáu vui vẻ cho biết thêm “bắc cây cầu này trước, nơi khác vẫn đi đò thì người dân đặt vấn đề với chính quyền nên làm cầu. Rồi tiếp tục thiết kế, rồi cũng cách làm như vậy, dân đồng tình và lan rộng ra”.
>> Kỳ 2: Những chiếc cầu của ước mơ, của lòng dân- ý Đảng
Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN- XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin