Lớp đại học của tôi ở Sài Gòn là nơi hội tụ của sinh viên tứ xứ từ Bắc đến Nam. Cùng ăn, cùng học, cùng nhau trưởng thành, chúng tôi vẫn thường hay thắc mắc vì sao đa phần các bạn đến từ miền Trung đều có tính cách khẳng khái, quyết đoán và thành tích học tập luôn vượt bậc so với những người khác.
Lớp đại học của tôi ở Sài Gòn là nơi hội tụ của sinh viên tứ xứ từ Bắc đến Nam. Cùng ăn, cùng học, cùng nhau trưởng thành, chúng tôi vẫn thường hay thắc mắc vì sao đa phần các bạn đến từ miền Trung đều có tính cách khẳng khái, quyết đoán và thành tích học tập luôn vượt bậc so với những người khác. Câu hỏi ấy được giải đáp khi tôi gặp người “sếp” đầu tiên là một người Huế…
Nhiều năm học ở nước ngoài, nhiều năm bôn ba làm việc ở Sài Gòn nhưng sếp vẫn giữ chất giọng Huế đặc sệt. Dù không dùng phương ngữ “mô, tê, răng, rứa…” nhưng chỉ cần anh cất giọng trầm trầm đầy chất thơ chất nhạc, khỏi ngước mắt, khỏi ngoái đầu tìm cũng biết là một người Huế đang “giữ chút gì rất Huế” ở giữa Sài Gòn.
Khi chúng tôi tập tành viết báo, sếp cực kỳ nghiêm khắc, anh sửa từng câu chữ mà chúng tôi viết sai, bắt chúng tôi soạn đi soạn lại chỉ một cái thư điện tử đến khi anh hài lòng. Cho đến một ngày, tôi tự có đáp án trong lòng mình, tính cách của người miền Trung không tự nhiên mà có, thành công của họ cũng không vì giỏi giang, tài ba hơn vùng khác, mà vì họ trưởng thành từ giông bão, họ chịu thương, chịu khó và biết trân trọng tất cả những gì đến với cuộc đời mình- dù là giông bão.
Sếp kể rằng, ký ức tuổi thơ của anh là năm nào cũng ngồi bó gối trên giường, trong khi 4 chân giường đã được đặt trên 4 cái ghế gỗ cao. Người lớn không cho xuống giường vì người lớn lội nước trong nhà thì nước đã ngang ngực.
Cứ ngồi như thế, nhìn vào biển nước vàng đục ngầu phù sa trước mặt, trải dài đến khi không còn nhìn thấy, giữa mù khơi mưa xối xả trắng trời.
Người ta bảo người Huế hay nhìn mộng mơ, chứ thực ra, với sếp cái kiểu nhìn đấy là một thói quen, ngồi bó gối nhìn nước lênh láng mấy lần mỗi năm. Nhìn nước lụt suốt bao nhiêu thế hệ. Cũng vì sinh ra trong khắc nghiệt, con người cũng phải học cách thích nghi, người lớn thì cần cù lao động, trẻ con thì học hành thật chăm chỉ để có cuộc sống tốt hơn.
Mấy ngày qua, cả nước lại thấp thỏm hướng về miền Trung. Bão lụt lại phủ lên màu tang tóc. Lũ lụt cũng như hồi xưa trong ký ức của sếp. Nhưng mà, bây giờ người miền Trung không đơn độc đi qua cơn lũ.
Cả cộng đồng vòng tay ôm lấy miền Trung, tình họ hàng, nghĩa xóm giềng vẫn vậy, người cùng người đùm bọc, sẻ chia. Đáng quý biết bao khi người ở miền ngược, miền xuôi không ngại nguy hiểm về miền Trung truyền chút hơi ấm đến đồng bào qua những thùng mì gói, những chiếc bánh chưng gói yêu thương, tập sách và những vật dụng cần thiết trong mùa mưa bão…
Trong quyển sách “Kafka bên bờ biển”, Haruki Murakami đã viết: “Và khi cơn bão qua đi, bạn sẽ không nhớ bạn đã vượt qua như thế nào, bạn xoay xở để tồn tại được ra sao. Bạn thậm chí sẽ không dám chắc, thật ra, liệu cơn bão có thật sự đi qua. Nhưng có một điều chắc chắn. Là khi bạn ra khỏi cơn bão, bạn sẽ không còn là cùng một người mà đã bước vào. Đó là những gì về cơn bão”.
Đi qua giông bão, để lại những tấm gương đã ra đi vì sự an nguy của cộng đồng. Đi qua giông bão, để thấy cần phải chung tay bảo vệ môi trường, gìn giữ thiên nhiên. Đi qua giông bão, chính là để chờ những ngày nắng. Và những người trưởng thành qua giông bão sẽ mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Tin bão số 8 lại sắp vào miền Trung. Dù nhấp nhổm, lo âu nhưng tin rằng tình cảm của cả cộng đồng sẽ là động lực để tất cả cùng vượt qua khó khăn. Chờ một ngày nắng. Tôi lại thấy nhớ câu chuyện về lũ của người sếp cũ và những bài học đầu đời ấm áp mãi đến sau này.
PHƯƠNG THƯ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin