Vợ chồng ông chú ngồi kể chuyện lúc đi học phải ăn bo bo, hôm nào ăn được cơm là ngon dữ lắm rồi. Nồi cơm đâu được trắng và sạch như bây giờ, bới chén cơm đầy những hạt bông cỏ hạt nằm nghiêng hạt nằm ngửa trong đó.
Dĩa bánh mặn chỉ với miếng bột, rau giá, nhân và nước mắm thôi vậy mà ngon vô cùng mà nhớ hoài chẳng quên. |
Vợ chồng ông chú ngồi kể chuyện lúc đi học phải ăn bo bo, hôm nào ăn được cơm là ngon dữ lắm rồi. Nồi cơm đâu được trắng và sạch như bây giờ, bới chén cơm đầy những hạt bông cỏ hạt nằm nghiêng hạt nằm ngửa trong đó. Và ôi những món phải ăn, bị ăn, ráng ăn được vợ chồng chú người kể người tiếp, kể cả nguyên buổi chiều tối mà chưa hết chuyện mà được gọi là “thời” ăn bo bo.
Đứa con gái chú ở tuổi teen quay sang cằn nhằn: “Tối ngày ba mẹ em cứ ngồi kể chuyện thời xửa thời xưa nghe buồn muốn chết…”. Không phải mình em mà nhiều người hay cằn nhằn cha mẹ mình như thế.
Không phải riêng vợ chồng chú, ai cũng nhớ đến những ngày phải ăn canh tập tàng, ăn khoai lang luộc, ăn canh mồng tơi… Những món có sẵn không mất tiền mua, vì thời đó cũng chẳng có nhiều tiền để mua.
Hay những người có tuổi tí như vợ chồng chú, họ lại nhắc đến những ngày phải ăn bo bo, khoai mì, khoai lang độn thay cơm,… Tôi chắc người lớn ai cũng vậy là vì, giờ họ ngồi ăn những món đắt tiền bên bạn bè, người thân nhưng họ luôn kể lại những món ăn “đặc sản” ngày khó. Hay, khi họ có tuổi họ lại muốn sống nơi có dòng sông, cánh đồng, có cây trái xanh tươi… Giống như nơi họ đã từng sống ngày còn thơ.
Ai đã từng trải qua thời phải ăn những món bị ăn, phải ăn… Họ ước mơ làm giàu và họ đã thỏa ước mơ là có nhiều tiền, ăn được các món ngon vật lạ, ngủ nệm, đi xe hơi… Rồi đến một lúc nào đó ở cái tuổi nào đó, họ lại muốn quay về sống cảnh mình đã từng sống.
Tôi không sống trong cảnh phải ăn và bị ăn nhưng ngồi nói chuyện với chú mà tôi đang thèm dĩa bánh mặn. Tôi hạnh phúc và may mắn, nên tôi nhớ những món mình được, mình đã.
Nhớ cảnh những đứa trẻ quây quần, đứa xắt bánh, đứa xắt dưa leo, đứa làm nước mắm. Mỗi đứa tự làm cho mình một dĩa bánh và ngồi vừa ăn vừa nhí nhố. Cuộc sống thảnh thơi của tuổi thơ, ăn xong rồi lại chạy ra chặt tàu dừa, xé lá dừa để đứa thắt con chim, con cào cào, chong chóng, chiếc đồng hồ, chiếc nhẫn,…
Tình thương yêu và sự chia sẻ, sự giúp đỡ của những người dân quê. Hạnh phúc trong cuộc sống chỉ là thế, rất đơn giản. Đơn giản như dĩa bánh mặn chỉ với miếng bột, rau giá, nhân và nước mắm thôi. Vậy mà ngon vô cùng mà nhớ hoài chẳng quên.
Ngày nhỏ ăn thấy ngon và ăn đến no cho đã cái bụng, chớ có biết thưởng thức cái đặc biệt của loại bánh này đâu. Lớn lên một tí mới cảm nhận được độ béo của bột, cái mằn mặn chua chua của nước mắm, cái độ giòn giòn của giá với dưa leo. Ngọt ngào cảm xúc bởi loại bánh thơm thảo, đầy hồn quê nữa chứ.
Quá khứ quay về với người lớn đó là sự bình thường, vì thời trẻ, khỏe, yêu cuộc sống sôi nổi và với bao nhiêu là nhiệt huyết. Khi xế chiều, họ muốn sống trong sự nhẹ nhàng, an nhiên. Lẽ thường thôi, não chúng ta là một kho sách lớn, lưu giữ kỹ những gì nếm qua thời trẻ, cái gì chúng ta quý, chúng ta yêu nên chúng ta hay nhớ. Tôi gặp ở đâu đó với lời khuyên nhẹ nhàng, cũng như sự gửi gắm: “Hãy bớt cằn nhằn ba mẹ mình một chút có được không?”
Bài, ảnh: MAI KHA
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin