Suốt hơn cả tháng nay, bà con ở xã Tân An Luông (Vũng Liêm) ngày nào cũng như ngày nào, vui mừng như trẩy hội, còn vui hơn thế nữa khi đón nhận niềm vui kép!
TUYẾT TRINH
Suốt hơn cả tháng nay, bà con ở xã Tân An Luông (Vũng Liêm) ngày nào cũng như ngày nào, vui mừng như trẩy hội, còn vui hơn thế nữa khi đón nhận niềm vui kép!
Thứ nhất là cây cầu Mới vừa khánh thành đúng nghĩa là cầu mới. Dù tên của nó là cầu Măng Thít, nhưng người dân ở hai bên cầu quen gọi tên cũ là cầu Mới.
Khang trang và rộng rãi hơn cây cầu cũ với hai mái vòm vòng cung nửa như cổ kính nửa như hiện đại, bởi mái vòm hình bán nguyệt (không phải dây giăng), các trụ đỡ tủa ra giống như mặt trời vừa ló dạng trên mặt sông, về đêm càng lung linh hơn khi ánh đèn tỏa sáng xuống lòng sông vừa lung linh mờ ảo như bức tranh sơn thủy hữu tình, chạy dài nối tiếp cùng những con đường hoa nở rộ khi có những hạt mưa góp thêm phù sa cho hoa cho đất, đúng là cờ và hoa, tình đất tình người hòa quyện đã tạo nên một xã Tân An Luông vững chắc nơi tuyến đầu của huyện.
Tại dòng sông này đã chứng kiến nhiều trận đánh lịch sử của cô Chuẩn, cô Năm từng nhấn chìm tàu giặc…
“Sông Măng Thít có dòng Nước Xoáy
Rạch Bà Soi nước chảy vòng cung
Người đi xa cách nhớ nhung
Sông thì một dạ thủy chung đợi người…”
Những sáng đầu tuần sinh hoạt dưới cờ, các bạn trẻ cũng thường hát vang: Ai đến Vũng Liêm ĐBSCL, có dòng sông Măng nối liền Tiền Giang- Hậu Giang/ Cánh đồng hợp tác bát ngát ruộng lúa Ba Trăng, câu hò tiếng hát vần công rộn vui xóm làng/ Ai đến Vũng Liêm mà xem bao cô gái… Cô Chuẩn, cô Năm lừng lẫy đất anh hùng…
Cây cầu xưa đã chứng kiến chiến tích oai hùng của những người con gái trên quê hương đất thép! Giờ lại là nơi hò hẹn cùng nhau xây nên cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Niềm vui thứ hai là xã vừa được công nhận xã nông thôn mới nâng cao, ngay trong thời điểm cả nước đang nô nức thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp. Về thăm xã, tôi gặp được anh Nguyễn Văn Sang- Chủ tịch UBND xã cũng là Trưởng Ban vận động xây dựng nông thôn mới, nghe anh kể về quá trình xây dựng xã nông thôn mới có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn.
Cái khó ở đây là nông dân quen sống và tập tục đơn giản, muốn vào khuôn khổ cũng phải vận động, điều cốt yếu là phải thấy cái lợi trước mắt họ mới thực hiện.
Anh nhớ lại ngày đầu của nhiều năm trước đó, khi được huyện chọn xây dựng xã văn hóa nông thôn mới, với lợi thế là xã anh hùng của huyện anh hùng từ thời kháng chiến, xã cũng là địa đầu của huyện, bộ mặt phải cho xứng tầm, khoảng cách địa lý của xã với TP Vĩnh Long không xa lắm, chỉ hơn 20km, cũng là cái rốn giữa 3 huyện Mang Thít- Trà Ôn và Tam Bình, có diện tích tự nhiên 1.685,7ha, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp 1.355,98ha, có 12 ấp và dân số 2.904 hộ, 10.637 nhân khẩu, đa số sống về nông nghiệp.
Nhờ có vị trí địa lý thuận lợi như phía Tây và phía Bắc giáp sông Măng Thít, là đường giao thông nội địa, thuận tiện cho việc phát triển nuôi trồng thủy sản, lại có QL53 ngang qua nối 2 tỉnh Vĩnh Long- Trà Vinh, Đường tỉnh 901 kéo dài dọc sông Măng Thít nối 2 huyện Trà Ôn và Vũng Liêm cùng với hệ thống sông ngòi chằng chịt, tiềm năng là đất phù sa nước ngọt quanh năm, thuận lợi cho trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, đáp ứng sản xuất, chế biến thủy sản phục vụ đời sống nhân dân trong xã; lực lượng lao động dồi dào thuận lợi phát triển trên các lĩnh vực kinh tế, lao động có tay nghề ngày được nâng cao…
Anh Sang trầm ngâm như để nhớ lại chuyện mình cùng tất cả cán bộ và nhân dân làm thế nào để đạt được kết quả như hôm nay. Hồi 9 năm về trước, khi mới bắt đầu, cả Đảng bộ và nhân dân xã Tân An Luông tổ chức thực hiện chương trình về xây dựng xã nông thôn mới với bộ mặt nông thôn từng bước đổi thay, đời sống vật chất- tinh thần của nhân dân không ngừng nâng lên, chính trị ổn định, an ninh trật tự xã hội được giữ vững.
Năm 2017, xã hoàn thành 19/19 tiêu chí được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, năm 2018 kiểm tra đánh giá giữ vững và nâng chất, đến năm 2019 căn cứ các quyết định, tiêu chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, bằng quyết tâm nỗ lực sẵn có, cùng với sự giúp đỡ và hỗ trợ của BCĐ xây dựng nông thôn mới ở huyện, ban ngành tỉnh, xã Tân An Luông tiếp tục phấn đấu để hoàn thành xã nông thôn mới nâng cao… Cuộc nói chuyện xoay dần về quá khứ.
Anh Sang cho biết: “Ngày ấy, hưởng ứng phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, do Thủ tướng Chính phủ phát động” và “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, BCĐ giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới xã và các ban ngành, đoàn thể tích cực tổ chức quán triệt về mục đích, nội dung chương trình.
Nói đến đây, anh Nguyên- cán bộ công chức văn hóa xã- vui vẻ hẳn lên: “Chúng tôi tuyên truyền mọi lúc mọi nơi, mọi thời điểm và mọi phương tiện có thể, áp dụng theo từng ngành. Từ cán bộ đảng viên ra các ngành đoàn thể, giáo viên và học sinh trên địa bàn, lấy gia đình cán bộ và gia đình chính sách làm nòng cốt rồi nhân rộng ra, được cái toàn thể cán bộ ở đây (22/22) đều đạt chuẩn nên tiếp thu chính sách và làm gương triệt để! Trong tuyên truyền vận động luôn phát huy tính chủ động sáng tạo của người dân, thực hiện các nguyên tắc dân chủ, công khai minh bạch, quan tâm tới lợi ích của dân trong các hoạt động…
Nắm vững mục tiêu và tập trung triển khai các nhiệm vụ, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện để kịp thời điều chỉnh và đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, cũng cần biểu dương nhân tố tích cực kịp thời. Tuyên truyền đến đâu áp dụng đến đó, như làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng, đê bao sản xuất, hoạt động sản xuất kinh doanh để tăng thu nhập, vệ sinh môi trường với phương châm: Khu dân cư an toàn, sáng- xanh- sạch- đẹp…
Bên cạnh đó còn mở rộng tuyên truyền bằng các phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh của xã phủ sóng khắp các ấp, tờ rơi, tờ bướm, các khẩu hiệu, pa nô, hội thi, hội diễn, đi từng ngõ, gõ từng nhà… tổng số 286 cuộc tuyên truyền, 10.679 lượt người nghe và tham dự, phát 25.000 tờ rơi các loại, lắp đặt 8 pa nô về nông thôn mới, trong triển khai tổ chức thực hiện được sự đồng thuận của nhân dân, nhất là trong vận động xây dựng các công trình phúc lợi công cộng.
Qua đó, nhận thức về nông thôn mới nâng cao được thuận lợi trong thực hiện chương trình, bộ mặt nông thôn được đổi mới, văn minh hơn, sạch, đẹp hơn, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp, hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố, thu nhập và điều kiện sống của nhân dân không ngừng cải thiện và nâng cao, nhiều năm liền xã được bằng khen của Trung ương về an toàn an ninh trật tự.
Đầu tháng 7/2020, tin xã Tân An Luông được công nhận xã nông thôn mới nâng cao đã làm nức lòng dân, tạo thêm niềm tin cho bà con nơi đây, với 19/19 tiêu chí đều đạt khi đoàn kiểm tra khảo sát, kết luận và công bố.
Điểm nổi bật là bộ mặt xã khang trang từ cơ sở vật chất đến đời sống nhân dân được nâng lên, cứ như ngày sau cao hơn ngày trước, với mức thu nhập bình quân hàng năm: Vào năm 2011, mức thu nhập từ 16 triệu đồng/người/năm lên mức 34,2 triệu đồng/người/năm năm 2016 và đến nay lên 46,2 triệu đồng/người/năm.
Thực hiện chương trình với tổng kinh phí đầu tư hơn 14,082 tỷ cho những công trình như: Chợ loại III với 320 hộ tiểu thương hoạt động mua bán.
Chợ đạt tiêu chuẩn vệ sinh, có bãi để xe, đảm bảo trật tự an toàn cho khách, có hệ thống cấp điện, cấp nước đảm bảo cho hoạt động, có hệ thống cống rãnh thoát nước, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa có hệ thống thiết bị, phương án phòng cháy chữa cháy đúng quy định, khu bán thực phẩm tươi sống, khu dịch vụ ăn uống được bố trí riêng biệt, các điểm kinh doanh bao gồm quầy hàng, sạp hàng, ki ốt hoặc cửa hàng được bố trí cố định trong phạm vi chợ phù hợp với thiết kế xây dựng chợ và được niêm yết giá cả công khai, toàn xã có 980 cơ sở sản xuất kinh doanh giải quyết việc làm cho 1.980 lao động, có 57 doanh nghiệp và công ty trên địa bàn xã thuộc các ngành nghề như cơ khí, đóng tàu, vật liệu xây dựng, sản xuất xơ dừa, cưa xẻ gỗ… góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp được chú trọng phát triển như đan thảm lục bình, đan đát, tách vỏ hạt điều, lộn sên, kết cườm cũng góp phần tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn…
Riêng nấm bào ngư sản xuất đúng quy trình được chứng nhận đạt chuẩn VietGAP, an toàn vệ sinh thực phẩm, có nhãn mác thương hiệu, được đưa vào bán trong các chuỗi siêu thị.
Anh Nguyên còn cho biết thêm về nông nghiệp trong quá trình thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới gắng với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, xã đã thực hiện tốt khi tuyên truyền vận động, giúp cho đội ngũ cán bộ nhận thức chuyên môn cao và nhân dân có thay đổi cơ bản về cơ cấu lại nông nghiệp trong sản xuất, sắp xếp lại sản xuất để tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích đất tạo được sự chuyển biến khá mạnh, từ đó góp phần tăng thêm thu nhập nên được người dân đồng tình và tích cực tham gia, nhờ vậy mà mô hình cánh đồng mẫu lớn hiện nay được 710/810ha, đạt 87,6%, mô hình sản xuất lúa được chứng nhận VietGAP 49ha ở ấp Nước Xoáy đang được nhân rộng ra các ấp,… Nói đến đây, anh Nguyên đột ngột quay sang cất giọng:
- Nếu không gấp, mời chị tham quan một vòng quanh các ấp, vừa xem hoa vừa kiểm tra hệ thống đường giao thông nông thôn, đảm bảo không hề lấm chân dù trời mưa…
Nói vậy để chị biết là hệ thống đường liên ấp, liên xóm đạt chất lượng cao, với hệ thống đường liên xã 2,7km- tuyến Quang Phú đi Trung Chánh, đường liên ấp liên xóm 13,4km, đường trục chính nội đồng dài 14,7km được duy tu bảo dưỡng thường xuyên nên không bị xuống cấp. Sẵn dịp mời chị tranh thủ đến nhà xem qua quá trình chăn nuôi và vợ tôi nấu món vịt nấu chao đãi chị, đảm bảo chị ăn rồi nhớ hoài…
Rồi anh nói nhờ vào các mô hình như cánh đồng mẫu lớn, mô hình trồng nấm rơm, nấm bào ngư, sản xuất lúa giống, nuôi bò sinh sản… được người dân áp dụng góp phần cải thiện thu nhập và phát triển kinh tế, chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu, vận động nhân dân tham gia vào hợp tác xã, thành lập tổ hợp tác để hoạt động mang lại hiệu quả, cho nên hiện nay xã có 15 hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp và 2 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động đúng Luật Hợp tác xã năm 2012. Qua đó giảm được hộ nghèo đáng kể, từ 58 hộ xuống còn 52 hộ, đạt tỷ lệ 1,8%, nhà ở được kiên cố hóa 2.371/2.904 căn, không còn nhà tạm bợ.
Về mức hưởng thụ văn hóa của người dân ở đây không thua ở huyện, xã có Nhà Văn hóa thể thao phục vụ sinh hoạt văn hóa cho nhân dân toàn xã. Sân bóng đá 7.000m2, xây dựng tại ấp Rạch Cốc.
Có tụ điểm vui chơi, giải trí như sân cầu lông, sân bóng chuyền, sân tập thể dục, sân chơi cho thiếu nhi, hàng năm có nội dung hoạt động phòng chống đuối nước cho trẻ em nên trong xã không xảy ra trường hợp đuối nước đáng tiếc.
Xã còn xây dựng được 3 cụm văn hóa- khu thể thao ở 6 ấp, phát động được 35,16% người tham gia tập luyện thể dục thể thao, sinh hoạt văn hóa văn nghệ, các CLB thể thao được duy trì và CLB Đờn ca tài tử, cờ tướng luôn đi đầu trong huyện, Trung tâm Văn hóa xã được duy tu và bảo dưỡng thường xuyên nên là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa- văn nghệ tiêu biểu, là nơi bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương.
Hệ thống giáo dục được xóa mù chữ mức độ 2, phổ cập giáo dục tiểu học và trung học đạt mức độ 3, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp đạt 90,4%, 3/4 số trường có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia, hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe cho người dân cũng được quan tâm...
Như để kết luận buổi trò chuyện, anh Nguyễn Văn Sang nhắc lại việc xây dựng xã nông thôn mới, xây dựng đã khó, giữ vững và phát huy càng khó hơn, chính vì vậy mỗi con người nơi đây càng hết sức trân trọng, không được lơ là dù chỉ một ngày. Anh nhắc thêm lời bài hát của chú Ba Kiên ngày nào, cũng là động lực thúc đẩy cho công cuộc phát triển hôm nay:
“Tân An Luông ngày nay thay đổi mới
Vẫn xứng oai danh là đất anh hùng
Bóng giặc hết rồi vang câu hát trong ta
Bóng giặc hết rồi muôn câu hát bay xa”
Vâng… câu hát bay xa cùng với tuổi trẻ Tân An Luông luôn vươn xa, vươn cao… Thành công này không của riêng ai mà của tất cả chúng ta, nhân dân toàn xã và chúng ta dành hết để làm món quà dâng lên chào mừng Đại hội Đảng. Chúc cho xã Tân An Luông mãi là lá cờ đầu, xã anh hùng trong kháng chiến cũng như trong xây dựng cuộc sống mới ngày nay.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin