Chiếc vỏ lãi cứ phom phom trên mặt sông đầy bông súng đang trổ hoa đỏ rực chốc chốc lại "bẻ cua" vào những con rạch nhỏ hơn để chúng tôi ghi lại những tấm ảnh rất đẹp và hiếm hoi của Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (ấp Phương Hòa, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp- Hậu Giang).
Rừng Tràm của khu bảo tồn nhìn từ trên cao. |
Lá phổi xanh của miền Tây sông nước
Chiếc vỏ lãi cứ phom phom trên mặt sông đầy bông súng đang trổ hoa đỏ rực chốc chốc lại “bẻ cua” vào những con rạch nhỏ hơn để chúng tôi ghi lại những tấm ảnh rất đẹp và hiếm hoi của Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (ấp Phương Hòa, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp- Hậu Giang).
Những khu rừng nguyên sinh cứ lần lượt nối tiếp nhau. Thỉnh thoảng những đàn vịt trời, cồng cộc bất ngờ bay nhanh qua rồi biến dạng sau những cánh rừng tràm, giá tỵ, mắm, mua, bằng lăng,… Cạnh đó là hàng ngàn cây cà na được trồng dọc theo tuyến đường dài hơn 5km đang nở hoa vàng rực hứa hẹn mùa bội thu.
Đường vào khu bảo tồn thiên nhiên nay đã khang trang hơn trước nhiều bởi ngoài cà na bên đường còn có nhiều giàn hoa, hàng rào, cột cờ thẳng tắp.
Dưới sông, các phương tiện thủy chở đầy bông súng tím, mía làm đường, lúa gạo… dập dìu. Tất cả đã minh chứng cho một cuộc đổi đời rất nhanh chóng của cư dân sinh sống xung quanh “rún cá” độc đáo của vùng sông nước miền Tây.
Đường vào lung Ngọc Hoàng. |
Không biết hư thực ra sao nhưng nhiều lão tri điền ở đây quả quyết: xưa kia có rất nhiều đàn voi khổng lồ kéo nhau đi qua đây nên để lại những cái ao rộng lớn, lâu ngày biến thành lung (ao sâu vùng ngập mặn) khổng lồ. Lâu lâu Ngọc Hoàng hạ giới xuống trần du ngoạn tại đây nên dần dần lung này có tên lung Ngọc Hoàng (?)
Riêng nhà Nam Bộ học Sơn Nam cho biết: Vùng đất Phụng Hiệp ngày xưa là một vùng đất trũng, hoang vu đầy lau sậy, người Pháp gọi là đồng sậy (Plaine des roseaux), người dân địa phương gọi là “lung”. Cách nay trên 120 năm đã có người đặt chân đến lung Ngọc Hoàng để khai hoang.
Trước Cách mạng Tháng Tám, cũng có nhiều địa chủ đến trồng lúa và khai thác cá. Sau đó chiến tranh tràn tới, họ bỏ chạy ra thành, lung Ngọc Hoàng trở thành căn cứ cách mạng vững chắc trong suốt 2 thời kỳ kháng chiến.
Lung này trước đây có rất nhiều cá, rùa, rắn và các loại thủy sản vì không ai đánh bắt nhưng nay sản lượng đã vơi đi khá nhiều dù khu bảo tồn đã canh phòng rất nghiêm ngặt.
Nhiều người dân còn kể nhau nghe về câu chuyện cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nhiều lần đến đây và kiên quyết chỉ đạo bảo vệ cho bằng được khu bảo tồn thiên nhiên duy nhất còn lại của ĐBSCL.
Ông Lư Xuân Hội- Giám đốc khu bảo tồn thiên nhiên thông tin: Diện tích lung hiện nay trên 2.800ha được phân chia làm 3 phân khu gồm: khu bảo vệ nghiêm ngặt; khu hành chính; khu sinh thái.
Khu bảo tồn là một quần thể động vật, thực vật đa dạng với 76 loài chim, 31 loài bò sát, 135 loài chim nước quý hiếm như bạc má, cà cuốc, cò ốc, giang sen, đà đẩy, vạc, ác là,...
Cạnh đó còn đang sở hữu 73 loài cá khác nhau. Đây vừa là rún cá vừa là lá phổi xanh bảo vệ một phần sinh thái đồng bằng; đồng thời góp phần bảo tồn các giá trị về văn hóa, lịch sử của địa phương.
Điều đáng mừng là hiện nay các loài thú, cá quý hiếm như dơi chó, chồn mực, cáo mèo, càng đước, cua đinh, rùa vàng, cá còm... xuất hiện ngày càng nhiều, càng làm cho lung Ngọc Hoàng tăng thêm sức hấp dẫn với du khách trong tương lai gần.
Trăn trở việc bảo tồn và phát huy thế mạnh du lịch
Điều mà chúng tôi hết sức lo lắng là với diện tích hàng ngàn héc ta rừng nhưng lực lượng bảo vệ chỉ khoảng 10 người thì việc phòng cháy rừng và phòng chống đánh bắt thủy sản, động vật quý hiếm là vô cùng nan giải.
Chim ở lung Ngọc Hoàng. |
Anh Nguyễn Quốc Thái- nhân viên bảo vệ khu bảo tồn thiên nhiên- nói thật buồn: “Lương hợp đồng của tôi cùng với các khoản khác mỗi tháng chưa đến 2 triệu đồng. Mỗi ngày đóng tiền ăn tập thể 18.000 đ/buổi. Biết làm sao hơn. Thôi thì tới đâu hay đó.
Đã vậy khi bắt được các trường hợp đánh bắt trái phép, khai thác gỗ lậu, mình đâu có quyền xử phạt, giữ người nên chỉ có cách duy nhất là tịch thu dụng cụ, buộc viết cam kết không tái phạm rồi cho đi”.
Một vấn đề nan giải khác đã kéo dài trên 30 năm qua là hiện có 120 hộ dân sống đan xen trong khu bảo tồn thiên nhiên từ bao đời nay nên việc phòng chống cháy rừng, đánh bắt thủy sản, động vật hoang dã lại càng thêm khó khăn.
Lý giải về vấn đề này, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên lung Ngọc Hoàng Lư Xuân Hội cho biết: “Họ nhận đất này từ khi còn là nông trường, đã mấy mươi năm rồi.
Hiện nay chính quyền vận động họ di tản ra khỏi nông trường với những chính sách ưu đãi như: cấp đất xây nhà tái định cư, cấp đất sản xuất nông nghiệp (bên ngoài khu bảo tồn thiên nhiên), ưu tiên vay vốn,… nhưng chưa được sự đồng thuận cao của họ vì nguồn lợi thực tế hiện nay của họ trong khu bảo tồn thiên nhiên là rất lớn.
Vậy là dự án phát triển khu du lịch sinh thái tại đây đã từng được bàn bạc, xem xét, quy hoạch rất nhiều lần vẫn đang là điều xa vời khi đường giao thông vẫn chưa thông thoáng; 120 hộ dân vẫn “an cư” tại khu bảo tồn thiên nhiên; hàng chục nhân viên bảo vệ vẫn đang căng mình bảo vệ “nàng công chúa” mỹ miều trước nạn cháy rừng, khai thác gỗ và đánh bắt thủy sản, động vật quý hiếm trái phép.
Chúng tôi khá chạnh lòng vì một sự lãng phí tài sản vô giá hiếm hoi của ĐBSCL chưa được quan tâm khai thác đúng mức, đúng tầm đáp ứng nhu cầu tham quan, thưởng lãm của du khách trong và ngoài nước.
Và liệu những loại thú, cá quý hiếm có còn tồn tại, phát triển khi sự đầu tư, khai thác, bảo tồn tại đây chưa được địa phương thực sự vào cuộc.
Bài, ảnh: TÔ PHỤC HƯNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin