Âm thầm góp nhặt ký ức xưa

05:08, 15/08/2020

Hồi còn nhỏ xíu đã phải ra ruộng phụ cha, hình ảnh cánh đồng trôi vào ký ức tuổi thơ ông Trần Quốc Nam (ấp Hồi Lộc, xã Xuân Hiệp- Trà Ôn). Mấy mươi năm cống hiến cho ngành y, đến tuổi về hưu, ông mới bắt đầu thực hiện ước muốn của cả cuộc đời mà ông gọi là "thú chơi đồ cũ": góp nhặt từng mảnh vỡ văn hóa để làm thành bảo tàng của riêng mình.

Hồi còn nhỏ xíu đã phải ra ruộng phụ cha, hình ảnh cánh đồng trôi vào ký ức tuổi thơ ông Trần Quốc Nam (ấp Hồi Lộc, xã Xuân Hiệp- Trà Ôn). Mấy mươi năm cống hiến cho ngành y, đến tuổi về hưu, ông mới bắt đầu thực hiện ước muốn của cả cuộc đời mà ông gọi là “thú chơi đồ cũ”: góp nhặt từng mảnh vỡ văn hóa để làm thành bảo tàng của riêng mình.

Ông Quốc Nam (trái) dành riêng 1 gian nhà trưng bày nông cụ.
Ông Quốc Nam (trái) dành riêng 1 gian nhà trưng bày nông cụ.

Vẽ lại ký ức xưa

Qua cầu Mương Khai, vừa lọt vô tới mí ấp Hồi Lộc, chúng tôi hỏi thầy Quốc Nam có phòng hốt thuốc từ thiện thì bà con ai cũng biết. Ông Nam khiêm tốn nói “chỉ sưu tầm chút chơi thôi”.

Vậy mà khi đến nhà, chúng tôi choáng váng trước một “bảo tàng” có đến hàng ngàn món, không cách nào đếm xuể. Tuy nhiên, có sự sắp xếp lớp lang theo từng chủ đề, càng tăng thêm sức cuốn hút.

Đặc biệt, ông dành một gian nhà trưng bày riêng về nông nghiệp, còn lại từ ngoài sân đến khắp nhà ông từ phòng khách đến… bếp ăn là hàng chục kệ sắp xếp theo trật tự từ đồng hồ, điện thoại, máy hát đĩa, tiền cổ, đèn cổ, bình gốm, chén bát, bàn ủi,…

Nửa đời người, ông Trần Quốc Nam cống hiến cho ngành y. Năm 1976, sau mấy năm học và làm việc ở Sài Gòn, ông về dạy học ở Trường Đông y tỉnh Vĩnh Long.

Ông là một trong những người đầu tiên đào tạo nguồn nhân lực y tế cho tỉnh nhà sau khi đất nước hòa bình, thống nhất.

“Bảo tàng” của riêng ông Nam được ông âm thầm thực hiện trong 10 năm.
“Bảo tàng” của riêng ông Nam được ông âm thầm thực hiện trong 10 năm.

Ước muốn góp nhặt từng món đồ cũ được ông ấp ủ từ rất lâu nhưng mãi đến khi về hưu, ông mới dám toàn tâm toàn ý thực hiện cách đây tròn 10 năm. Với tấm lòng, là niềm say mê với văn hóa của ông bà, ông âm thầm cất công sưu tầm để phục dựng, để vẽ lại ký ức xưa.

Mà ông làm không phải để... khoe. Ông Nam nói: “Mục đích sưu tầm để ghi nhớ công ơn tổ tiên. Bây giờ ít người còn giữ, nếu lạc hết thì con cháu đâu biết gì”, nhiều năm qua công việc ông làm thầm lặng, im hơi lặng tiếng chẳng mấy người biết đến.

Dẫn chúng tôi đi tham quan khắp nhà, mỗi vật ông sưu tầm không phải là đồ để trang trí mà chạm vào chúng, ông Nam sẽ kể ra câu chuyện chúng có từ lúc nào, thuở xưa dùng làm việc gì và nó để lại gì trong ký ức của ông.

Chúng tôi luôn bất ngờ, trố mắt ô… a ngạc nhiên như tờ vé số to đùng, cái bàn ủi than long phụng dành cho vua chúa và các phi tần hay cái đồng hồ cúc cu khi điểm giờ sẽ mở hộp để một chú chim cất tiếng hót như người nghệ sĩ xuất hiện trình diễn một bản piano…

Ở tuổi 70 lẽ ra là thời gian vui vầy bên gia đình, con cháu, ông âm thầm đi sưu tầm từ TP Hồ Chí Minh, Trà Vinh, Cần Thơ và có chuyến đi tới… Campuchia.

Ông cười sảng khoái: “Hồi đầu cằn nhằn dữ lắm, bây giờ vợ con cũng ủng hộ tui rồi. Chỉ cần đổ bình xăng cho thiệt đầy là tới đâu tui cũng hổng lo khi hứng bất tử vét sạch túi tha một món đồ về, nhớ có lần đi Trà Vinh về còn có 2.000đ trong túi, khát quá ghé quán nước bên đường mà phải hỏi giá trước sợ hụt tiền”.

Một bảo tàng nông nghiệp của riêng mình

Trong 10 năm sưu tầm, ông Nam dành riêng một gian nhà để trưng bày về nông nghiệp. Những ai sinh ra ở vùng nông thôn, gắn bó với ruộng đồng bờ bãi sẽ rưng rưng khi bước vào gian nhà nhỏ này.

Mỗi món đồ với ông Quốc Nam là cả một vùng ký ức.
Mỗi món đồ với ông Quốc Nam là cả một vùng ký ức.

Cả gian nhà như cuốn sổ nhật ký bằng hình ảnh ghi lại một thời gian khó để làm ra hột lúa của ông bà. Các vật dụng từ khâu làm đất trên đồng đến thu hoạch và chế biến trong nhà được ông Quốc Nam sắp xếp tỉ mỉ theo trật tự.

Bộ nông cụ làm việc trên đồng, chủ yếu dành cho nam giới có cày, bừa, trục, lưỡi hái cắt lúa. Dụng cụ dành cho nữ giới cũng đa dạng không kém từ nọc cấy, dụng cụ xay, giã, giần, sàng…

Cây đèn dầu, cái gáo dừa, cái nơm cá treo đung đưa trước cửa, cái lon sữa Guigoz gắn liền với tuổi thơ của nhiều người từ trước 1975 cho đến những năm 1980 cũng được đặt trang trọng trong nhà.

Nông cụ ấn tượng nhất trong gian nhà là cái cày người, mà ông Quốc Nam chia sẻ, cách để có cây cày cũng vô cùng đặc biệt: “Tui nghe ông bà kể lại cây cày người to bằng cái nhà, 6 người kéo và 1 người lái mà không cách nào tìm gặp.

Đến khi đi du lịch bên Campuchia vô tình nhìn thấy, mừng rơn, tui về dẫn theo thợ mộc trở lại Campuchia lần nữa để quan sát, đo đạc về làm cây cày giống hệt để trong nhà”.

Vừa nói xong, ông Quốc Nam kéo chúng tôi ra sau nhà “khoe” chiếc xuồng có lườn bầu để đi sông và dự định đóng thêm chiếc xuồng ba lá nhọn mũi chuyên đi đồng nước, giăng câu...

Chắt chiu từng vật dụng xưa cũ, sợ thời gian sẽ làm lãng quên một thời gian khó. Ngoài những nông cụ, trong bộ sưu tập của ông Quốc Nam còn có những khuôn bánh độc đáo.

Giới thiệu với chúng tôi khuôn bánh men, bánh champane... ông Nam chia sẻ: “Ông bà mình trong cái khó ló cái khôn, từ hột lúa, hột nếp mà làm ra hàng trăm loại bánh, mỗi loại là một “cuộc đời riêng” với biết bao hoài niệm về không gian đời sống mang cái nếp ăn, nếp ở đặc trưng của con người Nam Bộ”.

4 giờ sáng, ông Nam pha ấm trà, đi quanh nhà ngắm “bảo tàng” của riêng mình. Rảnh rỗi, ông lại âm thầm theo đuổi “đam mê trời hành” là lang thang khắp nơi góp nhặt từng mảnh vỡ văn hóa mang về nhà.

Không phải “nhốt hiện vật”, sưu tầm cho thỏa thích, mà mỗi món đồ với ông Quốc Nam là cả một vùng ký ức. Chạm vào hiện vật như ông đang kể ra câu chuyện về một phần đời mình gắn bó với ruộng đồng, dù đi đâu về đâu thì mảnh đất chôn nhau cắt rốn vẫn chờ mình trở về.

Thời gian trôi đi không bao giờ trở lại nhưng ký ức thì vẫn mãi ở đó, chỉ dày thêm khi mạch sống tiếp tục chuyển động về phía trước.

Bài, ảnh: NHÓM PV VĂN HÓA

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh