Đường 1A về Cà Mau dài xa, phẳng phiu xuyên qua những cánh đồng lúa mênh mông, bạt ngàn. Những xóm làng yên bình ẩn khuất dưới bóng dừa xanh. Những ao- vuông nuôi tôm to, nhỏ như ô bàn cờ, lớp lớp, trùng trùng...
Vàm Lũng (xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển- Cà Mau). |
Đường 1A về Cà Mau dài xa, phẳng phiu xuyên qua những cánh đồng lúa mênh mông, bạt ngàn. Những xóm làng yên bình ẩn khuất dưới bóng dừa xanh. Những ao- vuông nuôi tôm to, nhỏ như ô bàn cờ, lớp lớp, trùng trùng...
Xe qua TP Cà Mau đông vui, nhộn nhịp rồi hướng về huyện Ngọc Hiển, vẫn theo QL1A, nơi có mũi Cà Mau nổi tiếng! Chúng tôi ghé xã Tân Ân (Rạch Gốc), sau đó lên ca nô đi Đất Mũi rồi về Vàm Lũng tìm thăm “Bến Cà Mau”.
Đây là bến cuối cùng của những “tàu không số” huyền thoại gắn với “Đường Hồ Chí Minh trên biển”. Hệ thống các bến, cảng xuống hàng của đoàn “Tàu không số” từ Bắc chí Nam gồm có: bến Sa Kỳ (Quảng Ngãi), bến Vũng Rô (Phú Yên), bến Lộc An (Bà Rịa- Vũng Tàu), bến Thạnh Phong (Bến Tre), bến Cồn Tàu (Trà Vinh) và sau cùng là bến Vàm Lũng (Cà Mau)
Đồng Khởi 1960 nổ ra, do những yêu cầu bức xúc về vũ khí, đạn dược tiếp tế cho chiến trường miền Nam, sau Nghị quyết 15 (13/1/1959), Trung ương đã chỉ đạo thành lập “đường Hồ Chí Minh trên biển”.
Đây là con đường bí mật được giao cho lực lượng Hải quân nhân dân đảm trách, vận chuyển vũ khí vào Nam và trở thành con đường huyền thoại với những trang sử anh hùng, vẻ vang, với những con người đã gắn bó cuộc đời, tuổi thanh xuân, xương máu trên những con tàu và những bến cảng thân thương của Tây Nam Bộ…
Đoàn 962 là đơn vị tiếp nhận vũ khí bằng đường biển từ những “Tàu không số” của đoàn 125, địa bàn hoạt động dọc từ duyên hải Bến Tre đến Cà Mau cũng được ra đời từ ấy. Ngoài ra, đơn vị còn có nhiệm vụ bảo vệ kho tàng, phân phối vũ khí, đạn dược cho chiến trường Tây Nam Bộ lúc bấy giờ.
Những người con của đất mũi Cà Mau và các tỉnh vùng ĐBSCL đã về đây xây dựng, chiến đấu, bảo vệ những “Bến cảng giữa rừng”.
Tượng đài bến Vàm Lũng (Cà Mau). |
Tính đến cuối năm 1970, bến Vàm Lũng đã tiếp đón trên 70 chuyến tàu với hơn 4.400 tấn vũ khí, đạn dược, góp phần làm nên Chiến thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước”.
Đại tá Khưu Ngọc Bảy- nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn Hải quân 962 xúc động khi trở về chiến trường xưa. Giọng anh bồi hồi: “Tôi vẫn thường về Cà Mau. Mỗi lần về đây là mỗi lần nhớ lại cái thời ấy. Nhớ những bạn bè, đồng chí, đồng đội…
Có người còn, người mất! Thấy biển, thấy rừng tràm, rừng mắm lại càng nhớ đến những “Tàu không số và những bến cảng giữa rừng!”.
Ông vốn là cựu Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ), anh còn là một tác giả có nhiều tập thơ viết về biển, rừng, lính, đất mũi Cà Mau và đất lửa Vòng Cung- Cần Thơ.
Đại tá Nguyễn Xuân Lai- nguyên Đài trưởng vô tuyến điện (VTĐ) trên tàu Phương Đông 1, con tàu đã đổ chuyến hàng đầu tiên với 40 tấn vũ khí đạn dược ở bến Cà Mau kể: “Đêm 11.10.1962, chúng tôi rời bến Đồ Sơn với 12 thủy thủ đoàn.
Tàu đánh vòng ra hải phận quốc tế, rồi lần về phía Nam. Sau hành trình 7 ngày, chúng tôi vào Vàm Lũng. Tàu được đưa vào rạch Chùm Gọng, bốc và dỡ hàng.
Bến Cà Mau ngày nay. |
Chuyến hàng đầu tiên đã đến được bến Cà Mau! Không thể nói hết niềm vui của ngày hôm ấy khi quân dân ta đang trông ngóng từng ngày sự chi viện!”.
Có một điều làm cho kẻ địch và bạn bè khắp nơi phải thắc mắc và khâm phục. Đó là những bến cảng, kho tàng nằm rải rác ở ven biển Cà Mau với một diện tích khá rộng lớn, kéo dài từ Gành Hào đến Kinh Nam Khai Long, trong một vùng có nhiều dân cư nhưng chưa bao giờ bị lộ dấu vết! Nhân dân ta đã hết lòng che chở, đùm bọc và bảo vệ bí mật tuyệt đối các căn cứ của Cách mạng!
Có rất nhiều con em của nhân dân Cà Mau đã tham gia vào Đoàn 962 chiến đấu suốt thời chống Mỹ. Tôi được nghe một câu chuyện cảm động của một phụ nữ: “Cha tôi là ông Chung Thành Châu- Chính ủy đầu tiên của Trung đoàn 962.
Sau khi ông hy sinh, các chú, các bác của Đoàn 962 đã tìm cách đưa tôi vào vùng giải phóng và gửi tôi ra miền Bắc học tập.
Lúc ấy, tôi mới có 12 tuổi! Mẹ tôi dặn dò trong nước mắt lúc tiễn tôi đi: “Ráng nghe con! Ráng nghe con…” Chỉ có bao nhiêu đó thôi! Tôi đã đi dọc Trường Sơn, khi thì bằng xuồng, khi thì bằng xe bò, khi thì đi bộ, khi thì được các cô chú cõng, vác trên vai…”.
Phù điêu về hoạt động chuyển khí tài ở bến Cà Mau. |
Em bé miền Nam lúc trèo đèo, lội suối đi ra Bắc khi mới 12 tuổi, bây giờ đã là U.60 nhưng trông chị hãy còn nhanh nhẹn, tháo vát và vui vẻ. Chị tên là Chung Ngọc Nhãn- nguyên Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau.
...Từ bến Cà Mau, có 2 trái thủy lôi sừng chạm KB của Liên Xô, mỗi trái nặng 1.075kg, mà con đường đi tới đích của nó cũng rất nhiều nhiêu khê và huyền thoại.
2 trái thủy lôi này xuất phát từ một kho bí mật của Đoàn 962 ở Rạch Gốc (thuộc xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển- Cà Mau ngày nay) và trong lúc di chuyển nó bị rơi xuống lòng rạch do quá nặng. Một chiếc ghe có trọng tải 3 tấn được nhận chìm kế nó.
Có nhiều người lặn xuống nước để đưa nó vào khoang. Sau đó, chiếc ghe được nâng lên và tát cạn nước. 2 trái thủy lôi lại theo ghe ra biển tiếp tục hành trình.
Nó bị máy bay địch theo sát, suýt xảy ra chạm trán, nhưng nhờ trời đã vào tối. Chiếc ghe đâm vào bờ thì bị du kích Mỹ Thanh (Sóc Trăng) dùng súng trường bá đỏ bắn chặn (do đi bí mật nên không có thông báo trước)…
Ghe lại dạt ra và đi về hướng Bến Tre, sau đó lại đi tiếp nữa. Vào bờ thì bị quân ta bắn lầm, ra biển thì bị máy bay địch quần đuổi. Cuối cùng, nó cũng đến được với đặc công thủy Rừng Sác (TP Hồ Chí Minh ngày nay).
... 8 giờ 15 phút ngày 23/8/1966, tàu Balon Ronge Victory có trọng tải trên 2 vạn tấn của Hải quân Hoa Kỳ, vận chuyển rất nhiều khí tài, quân dụng cho Sư đoàn 4 kỵ binh Mỹ bị đánh chìm trên sông Lòng Tàu.
2 trong 4 trái thủy lôi lớn nhất ở Nam Bộ lúc bấy giờ, gài cách nhau 40m, đã hoàn thành sứ mạng của nó! Câu chuyện trên do Đại tá cựu chiến binh Nguyễn Hoàng Hùng (Ba Hùng) kể lại trong một lần họp mặt ở TP Cà Mau.
Đoàn Hải quân 962 và nhân dân Cà Mau đã góp phần không nhỏ cùng với các đơn vị khác làm nên kỳ tích của Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển.
Vài năm trước đây, được sự giúp đỡ nhiệt tình của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Cà Mau, đoàn sưu tầm tư liệu và biên soạn lịch sử Trung đoàn 962 Hải quân đã thu thập được nhiều tài liệu, tư liệu, tìm gặp những nhân chứng còn sống.
Sau những cố gắng và nỗ lực không mệt mỏi, quyển “Đoàn 962 anh hùng”, với nội dung phản ánh, ghi chép lại những thành tích, hoạt động của Bến Cà Mau thời chiến tranh chống Mỹ đã ra mắt bạn đọc. Đây là việc làm có ý nghĩa, rất đáng trân trọng.
Chúng tôi giã từ Đất Mũi thân thương, anh hùng… Nắng và gió biển Cà Mau hôm ấy, bỗng trở nên rực rỡ, dịu dàng.
Bài, ảnh: ĐẶNG HOÀNG THÁM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin