Như một duyên may, 2 năm trước tôi được hầu chuyện nhà quay phim lão thành Hồ Tây bên vàm rạch Thủ Cù (Song Phú- Tam Bình), ông cũng là người thầy đào tạo những lớp phóng viên chiến trường đầu tiên thời kỳ chống Mỹ ở miền Tây Nam Bộ.
Thắp hương tưởng nhớ những đồng nghiệp là nhà nhiếp ảnh, quay phim, chiếu bóng đã ngã xuống trên khắp chiến trường Tây Nam Bộ. |
Như một duyên may, 2 năm trước tôi được hầu chuyện nhà quay phim lão thành Hồ Tây bên vàm rạch Thủ Cù (Song Phú- Tam Bình), ông cũng là người thầy đào tạo những lớp phóng viên chiến trường đầu tiên thời kỳ chống Mỹ ở miền Tây Nam Bộ.
Và hôm nay, thật hạnh phúc khi được chứng kiến những phút giây xúc động của các “tay máy” chiến trường ác liệt năm xưa hội tụ về Năm Căn- Cà Mau, nơi dựng lên Bia lưu niệm Nhiếp ảnh- Điện ảnh Tây Nam Bộ vào đúng ngày 21/6/2020, những nụ cười mãn nguyện và có cả những giọt nước mắt buồn vui lắng đọng.
Sự ra đời của “binh chủng đặc biệt”
Có những dòng tin, những bài báo đủ sức lay động lòng người, nhưng lịch sử cần những tấm hình, những thước phim chứng minh sự thật. Đặc biệt, những phóng viên chiến trường họ phải lăn mình vào hiểm nguy, sẵn sàng đánh đổi mạng sống của mình để có những “khuôn hình” lịch sử. Tổ Nhiếp ảnh- Điện ảnh Tây Nam Bộ đã ra đời trong điều kiện thiếu thốn trăm bề và giữa lúc chiến trường miền Nam đang bước vào giai đoạn khốc liệt nhất.
Năm 1963, dưới tán rừng đước mênh mông của rạch Xẻo Cùi (xã Tam Giang, huyện Năm Căn- Cà Mau), Tổ Nhiếp ảnh- Điện ảnh Tây Nam Bộ đã được ra đời. Ban đầu chỉ có vài người được tập hợp lại, là những cán bộ tuyên truyền, thợ ảnh, thợ cơ khí. Trong đó, có 2 người được cử đi học ở Điện ảnh giải phóng (R).
Nhiệm vụ được giao là chụp thật nhiều hình ảnh về cuộc kháng chiến chống Mỹ đang khơi dậy khắp nơi sau Đồng khởi năm 1960 và phải làm cho những tấm hình “chết” cho nó động lên thành những bộ phim. Từ đội ngũ và điều kiện thiếu thốn, thô sơ, những cán bộ đầu tiên ấy đã làm nên câu chuyện dài cho lịch sử nhiếp ảnh- điện ảnh Tây Nam Bộ.
Trong kháng chiến chống Pháp, những bậc tiền bối đã làm nên một “Điện ảnh bưng biền” ở Đồng Tháp Mười, đã trở thành truyền thống, niềm tin cho lớp sau vững bước.
Đồng thời còn là sự hỗ trợ tiếp sức của điện ảnh Nam Bộ mà trụ cột là Xưởng phim Giải phóng, vừa đào tạo phóng viên quay phim, vừa cử những cán bộ kỹ thuật, phát hành phim chiếu bóng và cả những nhà đạo diễn “gạo cội” như cố đạo diễn Trần Nhu và Vũ Sơn nhiều lượt lên xuống miền Tây xây dựng lực lượng.
Ngoài ra, tỉnh Ninh Bình kết nghĩa Cà Mau đã cử 2 đồng chí mang máy móc vào thành lập đội chiếu bóng đầy nghĩa tình.
Giữa rừng đước mênh mông làm gì có điện thời đó, nhưng họ đã làm ra ảnh, ra phim dưới ánh đèn măng- xông, dưới đóm sáng tù mù của đèn dầu con cóc. Còn những chòi lá trong rừng tràm khô hạn hay ngôi nhà sàn nhỏ dưới tán đước xanh là những “studio” và những căn hầm trú ẩn là phòng “lab” để rửa phim và rọi ảnh dưới đèn pin.
Những tấm ảnh, bộ phim đã nắm bắt những khoảnh khắc chiến trường, ghi lại những hình ảnh lịch sử từ những điều nghe như huyền thoại.
Ông Nguyễn Văn Quân- nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long- bồi hồi nhắc lại một thời gian khó với biết bao kỷ niệm, ân tình: “Chúng tôi làm được phim ảnh không chỉ nhờ tinh thần vượt khó, mà còn nhờ vào sự giúp đỡ đùm bọc của nhân dân.
Vào mùa khô hạn, giữa bốn bề là nước mặn quanh năm, bà con đã nhín từng chút nước ngọt để chúng tôi in tráng phim ảnh. Bà con qua mắt địch mua giúp chúng tôi nào là phim quay, giấy ảnh, máy ảnh, máy quay phim, máy chiếu bóng cồng kềnh khó bề cất giấu, những thứ mà địch xem là hàng quốc cấm.
Cùng với đó, là sự tin tưởng, tạo mọi điều kiện của Khu ủy và Ban Tuyên giáo. Ngược lại, nhiếp ảnh- điện ảnh ngày ấy là binh chủng không thể thiếu của Đảng, là “ruột rà” với nhân dân”.
Ghi lại những khoảnh khắc lịch sử
Do điều kiện chiến tranh cơ quan nhiếp ảnh- điện ảnh Tây Nam Bộ phải thường xuyên di dời qua nhiều nơi, nhưng rừng đước Năm Căn- Cà Mau vừa là nơi khai sinh, vừa là địa bàn vững chắc phát triển nghiệp vụ và từ đây những tác phẩm lịch sử đã được ra đời.
Điển hình, năm 1964 có bộ phim “Trận Gò Quao” do 2 nhà quay phim Lê Châu và Thanh Hùng, năm 1965 có bộ phim “Bệnh viện trong rừng đước” do nhà nữ quay phim duy nhất của miền Nam trong chống Mỹ là Nguyễn Thúy Liễu thực hiện.
Hai dòng sông Tam Giang, Cái Lớn như đôi cánh tay dang rộng ôm lấy đôi bờ biển Đông- Tây và những cánh rừng ngập mặn mênh mông.
Tại đây, nhà quay phim Trần Phong- người con của Cà Mau- đã giương máy giữa làn đạn của tàu chiến địch, dũng cảm bấm hình tàu chiến Mỹ mịt mùng khói lửa vì trúng đạn phi lôi của bộ đội Đoàn 962 và du kích Kinh 17. Để sau đó, bộ phim “Một trận đánh tàu” đã kịp thời ra mắt được bộ đội và nhân dân miền Tây nhiệt liệt đón nhận.
Từ Năm Căn qua Ngọc Hiển, Cái Nước, Đầm Dơi… nhà quay phim hàng đầu Lê Châu đã ghi lại hình ảnh những phút giây lịch sử đồng bào miền Tây thọ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh, rồi từ đây đền thờ Người được dựng lên ở nhiều nơi. Đây là những hình ảnh chân thật về tấm lòng của người dân nơi cuối trời Tổ quốc là xã Thới Bình, từng gửi tặng cụ Hồ cây vú sữa miền Nam.
Khánh thành Bia lưu niệm Nhiếp ảnh- Điện ảnh Tây Nam Bộ tại huyện Năm Căn (Cà Mau) hôm 21/6/2020. |
Ông Nguyễn Văn Quân cho rằng: “Nếu chỉ kể tên phim thì chỉ mới là một phần thành quả của nhiếp ảnh- điện ảnh Tây Nam Bộ, vì còn rất nhiều ảnh chụp, cảnh quay chưa kịp dựng thành phim hay in thành ảnh. Tất cả giờ đây đã trở thành “quốc bảo” của ngành truyền hình Việt Nam”.
Phía sau những bức ảnh, những khuôn hình từ chiến trường dù đã thành tác phẩm hoàn thiện hay còn dang dở, là những hy sinh thầm lặng, là biết bao gian khó, bao giọt mồ hồi, nước mắt và cả máu xương đã hòa vào sông rạch, cánh đồng, rừng đước Nam Bộ.
Nhà điện ảnh lão thành Hồ Tây cho rằng: “Người nhiếp ảnh, quay phim chiến trường là những người đứng giữa 2 làn đạn. Họ phải luôn có mặt ở những điểm nóng, ở phía trước những đoàn quân chiến đấu, để có được những bức ảnh, những khuôn hình đắt giá”.
Đã có 19 nhà nhiếp ảnh, quay phim, chiếu bóng đã ngã xuống trên khắp chiến trường Tây Nam Bộ. Sự hy sinh của những người ngã xuống, sự đóng góp của binh chủng đặc biệt, là lý do những người còn lại hôm nay cùng nhau dựng lên Bia lưu niệm Nhiếp ảnh- Điện ảnh Tây Nam Bộ.
Ông Nguyễn Văn Quân, nhấn mạnh ý nghĩa bia lưu niệm: “Chúng tôi gọi là bia, trước hết là để có chữ khắc mãi mãi lưu danh những đồng nghiệp của mình đã ngã xuống. Chúng tôi xây dựng thành hình tượng những nhà quay phim, chụp ảnh, chiếu phim hết sức khiêm tốn, nên không phải để thành tượng đài ngoài trời, mà thành tượng đài mãi mãi trong lòng chúng tôi và những ai trân trọng nền điện ảnh cách mạng đã có những đóng góp xứng đáng cho lịch sử chiến tranh ở Việt Nam”.
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin