Lên núi "massage cá"

08:07, 03/07/2020

Leo ngược lên dốc núi vài trăm bậc, những nỗ lực của bạn sẽ được bù đắp bằng dòng nước mát lạnh từ thác Khuối Nhi (Na Hang, Tuyên Quang), đặc biệt, ở ba tầng thác, bạn sẽ lần đầu tiên được thưởng thức "dịch vụ" massage chân bằng cá suối.

 

 

Một phần của tầng dưới thác Khuổi Nhi.
Một phần của tầng dưới thác Khuổi Nhi.

Leo ngược lên dốc núi vài trăm bậc, những nỗ lực của bạn sẽ được bù đắp bằng dòng nước mát lạnh từ thác Khuối Nhi (Na Hang, Tuyên Quang), đặc biệt, ở ba tầng thác, bạn sẽ lần đầu tiên được thưởng thức “dịch vụ” massage chân bằng cá suối.

Thác Khuổi Nhi thuộc địa phận xã Thượng Lâm, huyện Na Hang, Tuyên Quang. Thác cao ba tầng, nhìn từ ngoài đường đã có thể thấy nước trắng xóa tuôn ào ào từ trên núi xuống. 

Thác có chiều dài khoảng 3km, cao ba tầng, nhưng các tầng cách nhau khá xa, phải leo bộ qua nhiều đoạn dốc quanh co, mới lên đến các tầng trên của thác. Dọc đường lên thác, có nhiều khe nước nhỏ, vũng nước đọng lại nơi khe đá, đây chính là những nơi tập trung nhiều cá suối “massage” nhất.

Theo người dân địa phương kể lại, ngọn thác có câu chuyện truyền thuyết về đôi trai gái yêu nhau. Từ xa xưa, thủa còn hồ Na Hang còn chưa ngập nước, ở vùng này vẫn còn người dân sinh sống. Có một đôi trai gái yêu nhau nhưng không thể đến được với nhau. 

Trong một lần vì lạc mất nhau, cô gái đi tìm chàng trai mỏi miết mà không thấy nên đã hóa thành con thác. Chính vì thế, nhìn từ trên cao, thác nước này giống như mái tóc của một người thiếu nữ buông xuống mặt hồ phẳng lặng.

Khu vực hồ và thác là nơi có hệ sinh thái phong phú, với nhiều cây cổ thụ lớn. Dọc đường lên thác, có những đoạn bướm bay thành từng đàn, tạo nên cảnh sắc rất nên thơ. 

Ở những vũng nước, khe nước dọc đường lên, chỉ cần bạn dừng lại nghỉ chân, ngồi bên vũng nước, thả chân xuống chỉ chừng một phút thôi là cả đàn cá sẽ bơi lại và thi nhau rỉa.

Du khách thưởng thức massage cá tại những vũng nước dưới chân thác.
Du khách thưởng thức massage cá tại những vũng nước dưới chân thác.

Cá ở đây khá dạn người, khua nhẹ chân là chúng tản đi, nhưng chỉ chừng chưa đầy một phút, cả bầy quay trở lại, ríu rít lao vào chân du khách. Rất nhiều du khách đã trầm trồ thích thú bởi ở những nơi làm dịch vụ massage cá khác, thông thường cá được thả trong bể và khách ngồi trên ghế thả chân xuống bể. 

Riêng ở đây, thiên nhiên hoang sơ, bầy cá tự nhiên, ngồi giữa trên những tảng đá lớn mịn nhẵn, dưới tán cây rừng cổ thụ, tiếng ve rừng, tiếng chim hót khắp tán rừng trên rừng dưới…


Đường lên núi cũng là một điểm đặc biệt ở đây. Không có đường, không có bậc, chỉ có những vết lõm được đục vào đá, vào đất dọc con đường lên để lấy đúng chỗ đặt vừa bàn chân cho khách bộ hành.

Tuy nhiên, để khai thác được về lâu dài, cơ quan quản lý và chính quyền địa phương cũng cần lưu ý đến việc tạo một con đường lên thác vừa bảo đảm an toàn cho du khách, vừa bảo vệ cảnh quan, môi trường, không ảnh hưởng đến cảnh quan hiện có. 

Với con đường hiện nay lên, có nhiều đoạn dốc, đá có nước chảy qua và phủ rêu lâu ngày khá trơn trượt, độ chênh giữa các tảng đá lớn để leo lên cũng không thấp, dễ gây nguy hiểm cho du khách, đặc biệt là khi nhiều gia đình đưa cả trẻ nhỏ lên thác chơi.

Những vũng nước dưới chân thác khá rộng đủ để du khách bơi thoải mái. Tuy nhiên, độ sâu của những vũng nước này không đều, có đoạn ngập ngang mặt người lớn, có đoạn chỉ nông ngang bàn chân, dưới đáy vũng lại nhiều đá, rong rêu. Ở những vũng nước này hoàn toàn chưa có biển cảnh báo độ sâu. Ngày hè, nhiều gia đình đưa trẻ nhỏ lên thác chơi, chưa kể học sinh, sinh viên cũng đến đây tham quan khá đông, việc không có cảnh báo độ sâu tiềm tàng nguy cơ gây đuối nước đối với du khách.

Bến thuyền cũng là điểm cần cải tạo ở điểm du lịch này. Hiện tại thuyền chở khách cập thẳng vào núi, điểm cập thuyền lại khá hẹp, khách từ thuyền nọ phải trèo khá cheo leo sang thuyền kia để lên núi. Bến cũng chưa có bậc lên xuống, mà hoàn toàn là dốc đất tương đối trơn, nhiều nữ du khách khi từ trên núi xuống thuyền phải di chuyển khá khó khăn, không bảo đảm an toàn.

Thác Khuổi Nhi là một trong những điểm du lịch thu hút đông khách đến tại quần thể du lịch hồ Na Hang – Lâm Bình. Tuy nhiên, phần lớn khách vẫn là từ trong vùng hoặc các vùng lân cận. Dịp cả nước kích cầu du lịch là cơ hội thuận lợi để tỉnh Tuyên Quang cũng như các địa phương Na Hang, Lâm Bình quảng bá, giới thiệu thác Khuổi Nhi cùng nhiều điểm đến thú vị khác tới du khách cả nước.

Theo báo Nhân Dân

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh