Học, dạy rồi làm quản lý, Ban giám hiệu Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, TS. Nguyễn Thanh Tùng- Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng- ở tuổi 46, đã có gần 20 năm gắn bó với trường. Những bước phát triển của ngôi trường kỹ thuật này dường như đều có bóng dáng thầy.
TS. Nguyễn Thanh Tùng (thứ 2 từ trái sang) hướng dẫn mọi người tham quan Trung tâm Năng lượng mặt trời của trường. |
Học, dạy rồi làm quản lý, Ban giám hiệu Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, TS. Nguyễn Thanh Tùng- Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng- ở tuổi 46, đã có gần 20 năm gắn bó với trường. Những bước phát triển của ngôi trường kỹ thuật này dường như đều có bóng dáng thầy.
Thầy Tùng nói: “Trường chúng tôi đã tạo được uy tín trong lòng phụ huynh và học sinh, đó là công lao sự đóng góp của cả một tập thể”. Người lãnh đạo chính là người lấy được lòng tin, tạo được khí thế thi đua sôi nổi trong tập thể, để từng cá nhân nỗ lực, phấn đấu xây dựng tập thể ngày càng vững mạnh.
PGS.TS. Cao Hùng Phi- Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long nhận xét: Thầy Tùng là người làm việc có trách nhiệm luôn “nói đi đôi với làm”, chịu khó học hỏi, có chuyên môn cao và có khả năng lãnh đạo. |
Hết lòng với công việc chung
Năm 1991, thầy Nguyễn Thanh Tùng bắt đầu học ngành công nghệ kỹ thuật ô tô ở Trường CĐ Kỹ thuật IV, tiền thân Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long. Học giỏi và được giữ lại trường, thầy Tùng tiếp tục theo học ở các bậc học cao hơn.
Là giáo viên dạy nghề tiêu biểu toàn quốc, đạt giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi, thầy Tùng luôn xem nhiệm vụ nâng cao chất lượng đào tạo là tiêu chí đầu tiên. Người giáo viên dạy nghề không chỉ có kiến thức, kỹ năng mà theo thầy Tùng thì: “Là người có thể truyền cảm hứng, tình yêu nghề đến với học trò mình, để các em tự mày mò, nghiên cứu và sáng tạo”.
Phụ trách công tác đào tạo, từ năm 2014, thầy Tùng đã đề xuất áp dụng hệ thống chất lượng ISO 9001: 2008 và mô hình 5s trong toàn trường, nhờ đó tinh thần tập thể được nâng cao, khuyến khích sự hòa đồng của mọi người, giúp mọi người làm việc tích cực hơn, tăng ý thức và trách nhiệm với công việc.
“Học làm theo Bác, bản thân mình phải chí công vô tư những việc mình muốn giảng viên và sinh viên làm thì trước hết mình phải là một tấm gương”- thầy Tùng nói. Xác định chất lượng đào tạo là yếu tố quan trọng nhất để tạo được lòng tin với phụ huynh là động lực thúc đẩy mọi sự phát triển của nhà trường.
Thầy Tùng tham mưu với Hiệu trưởng để có những bước chuẩn bị từ sớm, luôn đổi mới chương trình đào tạo để phù hợp nhu cầu xã hội. Xây dựng thêm chương trình đào tạo, quy chế đào tạo và chế độ làm việc của giảng viên, làm hồ sơ xin phép mở ngành đào tạo trình độ ĐH.
Từ 6 ngành ĐH được đào tạo năm 2014 đến nay, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long đã được Bộ GD- ĐT cấp phép đào tạo 26 ngành trình độ ĐH và 4 ngành trình độ thạc sĩ.
Thường xuyên điều chỉnh chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận với khoa học công nghệ và nhu cầu của xã hội, tăng thời gian thực tập, thực hành, thí nghiệm. Đảm bảo sinh viên ra trường có kiến thức, kỹ năng vững vàng và đạt chứng chỉ kỹ năng nghề 3/5. Định hướng năm 2021 sẽ đào tạo tiến sĩ.
Công tác tuyển sinh luôn là một trong những vấn đề quan trọng nhất của trường, đặc biệt là đối với các trường mới lên ĐH. Thầy Tùng đã tham mưu Hiệu trưởng xây dựng đề án tuyển sinh riêng của trường.
Cụ thể, trường mời học sinh các trường THPT đến tham quan và tư vấn hướng nghiệp tại trường. Qua đó, kịp thời giải đáp những thắc mắc, tâm tư, nguyện vọng của học sinh nhờ đó mà công tác tuyển sinh của trường luôn đạt và vượt chỉ tiêu được giao, thu hút được nhiều học sinh giỏi vào học tập tại trường.
Xây dựng tập thể một lòng
Đối với công việc, thầy Tùng luôn chủ động chuẩn bị trước các bước, làm việc có lộ trình và có tầm nhìn. Từ chuyện mở ngành mới đến chuyện chuẩn bị các tiêu chuẩn theo đánh giá chất lượng giáo dục mới, đáp ứng yêu cầu đánh giá ngoài.
Thầy Tùng cho hay: “Từ năm học 2017- 2018, tôi đã tham mưu triển khai công tác tự đánh giá theo các tiêu chí Bộ GD- ĐT ban hành”. Năm 2019, nhà trường đăng ký kiểm định ngoài do Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục của ĐH Đà Nẵng. Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long được cấp chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục ngày 3/2/2020.
TS. Nguyễn Thanh Tùng muốn khơi tình yêu, niềm say mê nghề đến với sinh viên. |
Nói về thành công của trường sau nhiều năm tuyển sinh thành công, thầy Tùng cho rằng: “Thành công của trường là sự đoàn kết một lòng của tập thể nhà trường, định hướng đúng đắn của hiệu trưởng cho trường phát triển nhanh, bền vững. Khơi dậy khát vọng trong thầy cô, khát vọng nghiên cứu, sáng tạo không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ”.
Lãnh đạo dựa trên tình yêu thương, tôn trọng con người, hiểu biết tâm lý và phong cách quần chúng
Có hình thức khuyến khích, khen thưởng động viên kịp thời và trước hết là đời sống giảng viên phải được đảm bảo. Ngoài mức lương và phụ cấp theo quy định, cán bộ, giảng viên và nhân viên trường còn có phụ cấp cơm trưa, bồi dưỡng,... Những giảng viên làm nghiên cứu sinh tiến sĩ hoặc tiến sĩ về trường sẽ được hỗ trợ 100 triệu đồng-đây là một trong những cách mà trường trưng dụng người có năng lực.
Trong đợt sinh viên phải học online vì COVID-19 vừa qua, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long đã chủ động trong học và thi vì “Ngân hàng câu hỏi và đề thi luôn thay đổi để đáp ứng tình hình mới.
Hiện nay, tất cả các học phần, môn học trong nhà trường đều có ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm và áp dụng hình thức thi trắc nghiệm khách quan trên máy tính”- thầy Tùng cho biết. Việc ra đề, chấm thi được thực hiện bằng phần mềm khảo thí, nhờ vậy mà kết quả kiểm tra đánh giá kết quả được xử lý một cách nhanh chóng, khách quan và chính xác hơn.
Theo thầy Tùng, vấn đề học tập là “suốt đời” chứ không phải chỉ là lớp học, khóa học hoặc mang tính “thời vụ”, nên dù đã là tiến sĩ thầy vẫn luôn tìm tòi, học hỏi và không ngừng nghiên cứu khoa học.
Hiện thầy Tùng là thành viên đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia “Nghiên cứu công nghệ, thiết bị sản xuất rau quả công nghệ cao theo hướng tự động hóa và tương thích điều kiện cây trồng tại Tây Nam Bộ”. Thành viên đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu cải tiến xe lăn điện leo cầu thang đa năng cho người khuyết tật”; Thành viên đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị thu hoạch và thiết bị sấy cây lác ở Vĩnh Long”. Nhiều bài báo tham dự hội nghị khoa học cấp quốc tế, quốc gia và đăng trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Các tin liên quan |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin