Trong lịch sử Việt Nam hiện đại, dòng sông Bến Hải, cầu Hiền Lương có ngót nghét 21 năm là chứng tích của sự chia cách, sự chờ đợi, ngóng trông và nỗi đau mất mát của người dân hai miền Nam- Bắc.
Cụm di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải đã là điểm đến không bao giờ thiếu của du khách khi đến vùng đất Quảng Trị. |
Trong lịch sử Việt Nam hiện đại, dòng sông Bến Hải, cầu Hiền Lương có ngót nghét 21 năm là chứng tích của sự chia cách, sự chờ đợi, ngóng trông và nỗi đau mất mát của người dân hai miền Nam- Bắc.
Lịch sử đã nhẫn tâm buộc dòng sông, cây cầu hiền hòa trở thành vành đai lửa, vành đai máu của cuộc xung đột giữa quyết tâm thống nhất và âm mưu chia cắt lâu dài Tổ quốc thiêng liêng.
Đó còn là biểu tượng cho khát vọng thống nhất non sông của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu với ý chí sắt đá phải giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước cho dù phải hy sinh nhiều người, nhiều của; dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn; dù Hà Nội, Hải Phòng có thể bị tàn phá vì bom đạn Mỹ...
Cầu Hiền Lương nối liền QL1 bắc qua sông Bến Hải (thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị). Còn sông Bến Hải bắt nguồn từ đại ngàn Trường Sơn và chảy dọc theo vĩ tuyến 17° từ Tây sang Đông rồi đổ ra biển ở Cửa Tùng. Sông có tổng chiều dài khoảng 100km, nơi rộng nhất khoảng 200m, là ranh giới giữa 2 huyện Vĩnh Linh và Gio Linh thuộc tỉnh Quảng Trị.
“Cách một con sông mà đó thương đây nhớ
Chung một nhịp cầu mà duyên nợ cách xa”…
Bờ Nam cầu Hiền Lương trong thời gian chia cắt đã bị quân đội Mỹ và chính quyền Sài Gòn biến thành vành đai trắng với hàng rào điện tử McNamara đầy chông mìn, chất nổ, dây kẽm gai để ngăn lực lượng miền Bắc xâm nhập,.... trở thành “nhân chứng lịch sử” mang trên mình nỗi đau chia cắt đất nước.
Từ trong cuộc đấu tranh trên nhiều mặt trận chống quân xâm lược Mỹ và chính quyền tay sai của quân dân 2 miền Nam, Bắc, đôi bờ Hiền Lương trở thành biểu tượng của nỗi đau chia cắt và rạng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cuộc đấu tranh vì khát vọng thống nhất của dân tộc.
Trong thời kỳ chiến tranh, sau khi Hiệp định Genève được ký kết năm 1954, chọn sông Bến Hải làm ranh giới tạm thời trong 2 năm để tập kết lực lượng 2 bên và tổng tuyển cử tự do thống nhất đất nước.
Song, do Mỹ - Diệm cố tình không thi hành hiệp định, hòng thực hiện âm mưu chia cắt lâu dài nước Việt Nam, cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải trở thành giới tuyến quân sự tạm thời, là ranh giới chia cắt Việt Nam thành 2 miền Bắc- Nam từ năm 1954 đến năm 1975. Cầu Hiền Lương phải chia làm 2 phần, mỗi bên 89m.
Bờ Bắc 450 tấm ván mặt cầu, bờ Nam 444 tấm. Vì là ranh giới chia cắt 2 miền nên cầu Hiền Lương được sơn bằng 2 màu khác nhau, miền Bắc sơn màu xanh, miền Nam sơn màu vàng.
Trong thời gian tồn tại, ở khu vực cầu Hiền Lương diễn ra nhiều cuộc chiến không tiếng súng, đó là “chọi loa”, “chọi cờ”... giữa chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (phía Bắc) và chính quyền tay sai Việt Nam Cộng hòa (phía Nam).
Cột cờ của chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa những năm đầu được làm bằng cây phi lao cao 12m, cờ bằng vải satanh rộng 24,2m2. Việc nâng chiều cao của cột cờ và bề rộng của lá cờ là cuộc chạy đua giữa 2 bờ.
Năm 1962, với vật liệu từ Hà Nội, quân và dân miền Bắc xây dựng cột cờ mới cao 38,6m với lá cờ rộng 134m2, nặng 15kg. Đây là cột cờ cao nhất giới tuyến. Theo ước tính, đến 1967 đã có 264 lá cờ được kéo lên.
Cuộc chiến màu sơn cũng diễn ra quyết liệt. Với khát vọng thống nhất, phía bờ Bắc sơn lại màu xanh thì bờ Nam sơn vàng. Cuộc chiến màu sơn kéo dài mãi đến 1960 thì giữ nguyên 2 màu xanh- vàng. Năm 2014, cầu Hiền Lương lần đầu tiên được phục dựng 2 màu xanh- vàng như từng tồn tại, nhằm nhấn mạnh khát vọng thống nhất của dân tộc Việt Nam.
Để cột cờ và lá cờ biểu tượng của dân tộc đứng vững dưới bom đạn kẻ thù đã có 13 đồng chí hy sinh, hơn 50 đồng chí bị thương và còn nhiều tấm gương giữ cờ vô cùng cảm động, như mẹ Nguyễn Thị Diệm- một người mẹ già yếu đã không đi sơ tán- kiên quyết ở lại vá cờ.
Ở địa danh này còn có dàn loa công suất 180.000W, hàng ngày phát sang bờ Nam những chương trình phong phú, đa dạng, lấn át giàn loa của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, giành phần thắng trong “cuộc chiến âm thanh” ở đôi bờ, góp phần giữ trọn niềm tin vào Đảng và Bác Hồ, vào ngày thống nhất đất nước.
Hiện nay, nằm trên trục đường thiên lý Bắc- Nam, cụm di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải đã là điểm đến không bao giờ thiếu của du khách khi đến vùng đất Quảng Trị.
Năm tháng trôi qua, đất nước thống nhất tròn 45 năm, nhân dân 2 bên bờ sông Bến Hải ngày nay đã xóa hoàn toàn vết thương chiến tranh nhưng đôi bờ Hiền Lương cùng với cây cầu, cột cờ, dàn loa… mãi mãi là biểu tượng về ý chí và sức mạnh của dân tộc Việt Nam, là hình ảnh thu nhỏ về thắng lợi giữa ta và địch trên quê hương Quảng Trị anh hùng.
Anh Nguyễn Thanh Duy (TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Đi trên nhịp cầu Hiền Lương, để tưởng nhớ những người đã ngã xuống trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Qua từng câu chuyện kể của hướng dẫn viên Ban quản lý di tích tôi khâm phục khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam”.
“Sông Bến Hải bên trong bên đục
Trách ai làm cho non nước chia đôi…”
Đằng đẵng 21 năm, sông Bến Hải là chứng nhân của biết bao cuộc chia ly, vợ xa chồng, anh xa em, mẹ xa con... Chỉ cách một gang tay mà xa ngàn dặm... “Hai bờ Nam- Bắc chỉ cách nhau một câu hò mà cả dân tộc phải chiến đấu, hy sinh ròng rã 21 năm trời mới có ngày thống nhất.
Hôm nay, tôi đến đây để ngắm nhìn cụm di tích đôi bờ Hiền Lương thiêng liêng, chiêm nghiệm về những ngày tháng gian khổ và cuộc chiến đấu bền bỉ, anh hùng của quân dân Quảng Trị nói riêng và quân dân 2 miền Nam Bắc nói chung. Đi trên chiếc cầu Hiền Lương, nghe những câu chuyện lịch sử để trân quý hơn giá trị của độc lập, hòa bình”- chú Phạm Hoàng Việt (TP Vĩnh Long) tự hào.
Qua 45 mùa xuân thống nhất, ký ức những năm tháng hào hùng và bi tráng của dòng sông và nhịp cầu lịch sử Hiền Lương- Bến Hải mãi mãi còn in đậm trong ký ức triệu triệu người Việt Nam. Từ đó, nhắc các thế hệ người Việt Nam phải luôn luôn ghi nhớ sự kiện sông Bến Hải, cầu Hiền Lương chia cắt mà giữ gìn để không xảy ra trong tương lai vì “nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”.
Mỗi dịp kỷ niệm ngày đất nước thống nhất 30/4, tỉnh Quảng Trị lại long trọng tổ chức lễ thượng cờ tại cụm Di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải. Trong suốt chiều dài của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, lá cờ Hiền Lương là niềm kiêu hãnh, là niềm tin, ý chí, khát vọng và là sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Lễ thượng cờ thống nhất non sông là dịp để tôn vinh những chiến công bất tử, những hy sinh của nhân dân 2 miền Nam- Bắc trong thực hiện khát vọng thống nhất độc lập tự do cả dân tộc. Thực hiện di huấn thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. |
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin