Về Bạc Liêu hôm nay, nhiều du khách không khỏi thích thú bởi rất nhiều người dân địa phương thuộc lòng mấy câu ca dao dân gian thân thuộc nhưng chứa đựng lòng tự hào về cuộc đấu tranh xây dựng và bảo vệ đền thờ Bác Hồ tại xã Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi).
“Bà Chăng đi dễ khó về
Khi vô tàu sắt, khi về tàu cây
Kẻ thù ngoan cố vào đây
Ăn đạn du kích phải đi chầu Diêm vương”
Đền thiêng trong lòng nhân dân
Về Bạc Liêu hôm nay, nhiều du khách không khỏi thích thú bởi rất nhiều người dân địa phương thuộc lòng mấy câu ca dao dân gian thân thuộc nhưng chứa đựng lòng tự hào về cuộc đấu tranh xây dựng và bảo vệ đền thờ Bác Hồ tại xã Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi).
Thương binh 4/4 Nguyễn Văn Khoa. |
Sau khi được tin Chủ tịch Hồ Chí Minh mất, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bạc Liêu quyết định xây dựng đền thờ Bác tại xã Châu Thới để tỏ lòng thương nhớ Bác. Ngày 19/5/1972, ngôi đền được hoàn thành.
Lúc này, ông Nguyễn Văn Khoa được điều động về đây làm nhiệm vụ đội trưởng đội bảo vệ đền thờ Bác. Đội gồm 7 thành viên.
Điên cuồng vì đền thờ Bác đã được xây dựng hoàn tất, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã tập trung rất nhiều đợt đánh phá bằng bộ binh, pháo 105 ly, máy bay trực thăng hòng phá hủy ngôi đền thiêng liêng này.
Điều đặc biệt ở người cộng sản kiên cường Nguyễn Văn Khoa này là thủ thuật sử dụng cài đặt trái nổ xung quanh đền rất khoa học với những loại vật liệu nổ khác nhau như: lựu đạn, thủ pháo, đạp lô, đầu đạn 6, 8 và 105 ly (thu được của địch) nên nhiều lần địch càn quét bị thương vong rất nhiều dẫn đến sự hoang mang lo sợ không dám liều lĩnh và hung hăng như trước đây.
Người thương binh luôn giữ tròn chữ hiếu với Bác Hồ
Ông Nguyễn Văn Khoa (70 tuổi)- người đã có 48 năm bảo vệ đền Bác Hồ tọa lạc tại xã Châu Thới kể: “…Tôi rất tự hào khi được làm nhiệm vụ thiêng liêng này trong thời chiến lẫn thời bình, đó cũng là công việc báo “hiếu” với Bác kính yêu”.
Năm 1965, khi mới 15 tuổi, ông đã xung phong làm giao liên thuộc đơn vị B.37 đưa rước bộ đội vào ra chiến trường Sóc Trăng. Năm 1969, ông bị thương ở đầu và rất nhiều vết đạn khác trên thân thể trong một trận chống càn.
Có một kỷ niệm rất sâu sắc luôn in đậm trong đời ông là trận đánh với 4 chiếc máy bay trực thăng của địch năm 1972. Sáng hôm ấy, chúng liên tục quần đảo và bắn phá khu vực đền Bác.
7 chiến sĩ bảo vệ vác súng AK, CKC trên vai, vừa chạy ra đồng để thu hút hỏa lực địch, vừa bắn trả quyết liệt. Sau hơn 3 giờ giao tranh, giặc phải tháo lui. Năm 1973, trong một trận chống càn, ông bị thương và mất đi 4 ngón chân. Vậy là lần thứ hai ông trở thành thương binh trên trận địa nhưng một lòng bảo vệ đền Bác với lòng dạ sắt son.
Ông Nguyễn Văn Khoa kể: “…Tôi vinh dự được Đảng và Nhà nước phân công nhiệm vụ bảo vệ đền thờ Bác, vì vậy dù phải hy sinh tôi vẫn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống, giữ tròn chữ hiếu với Bác Hồ…”.
Đền thờ Bác ở xã Châu Thới. |
Năm 1975, nước nhà thống nhất, ông tiếp tục nhận nhiệm vụ chăm sóc đền thờ Bác. Hiện nay dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn hợp đồng công tác với Khu di tích đền thờ Bác ở xã Châu Thới và là nhân chứng sống rất hấp dẫn với nhiều du khách bởi những câu chuyện bi hùng có thật xung quanh việc hình thành, xây dựng và bảo vệ đền thờ Bác trong giai đoạn chiến tranh ác liệt nhất.
Em Võ Hoàng Khoa Nam- sinh viên ĐH Cần Thơ xúc động nói: “Chúng em đã đi tham quan hầu hết những đền thờ Bác Hồ ở ĐBSCL nhưng chưa đâu có được một người bảo vệ tận tâm đáng trân trọng như bác Bảy Khoa. Song song đó, bác còn là nhân chứng sống với những câu chuyện kể bi hùng rất thật, rất hấp dẫn với du khách”.
Tiễn chúng tôi rời đền thờ Bác với nét mặt đầy tự hào và đôi mắt sáng lên một niềm tin rất lạ, chúng tôi cảm nhận được sự kính yêu Bác luôn cháy bỏng trong trái tim của người cựu binh già nay đã vào tuổi người xưa hiếm nhưng vẫn nguyện suốt đời chăm lo, gìn giữ đền Bác như một sứ mạng rất thiêng liêng không phút giây xao lãng.
Bài, ảnh: VÂN ANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin