TP Hồ Chí Minh trong những ngày "giãn cách xã hội"

05:04, 13/04/2020

Lần gần nhất tôi về thăm nhà là cuối tháng 2, trước khi phát hiện bệnh nhân thứ 17, tính đến nay đã gần 1 tháng rưỡi. Trong những ngày tháng 3, khi mà số ca bệnh tăng dần, có không ít lần gia đình kêu tôi về tránh dịch. Nhưng vì ý thức được việc hạn chế di chuyển trong giai đoạn này rất cần thiết, tôi kiên quyết lựa chọn ở lại và khuyên gia đình đừng quá lo lắng vì tôi có thể tự chăm sóc bản thân được.

Lần gần nhất tôi về thăm nhà là cuối tháng 2, trước khi phát hiện bệnh nhân thứ 17, tính đến nay đã gần 1 tháng rưỡi. Trong những ngày tháng 3, khi mà số ca bệnh tăng dần, có không ít lần gia đình kêu tôi về tránh dịch. Nhưng vì ý thức được việc hạn chế di chuyển trong giai đoạn này rất cần thiết, tôi kiên quyết lựa chọn ở lại và khuyên gia đình đừng quá lo lắng vì tôi có thể tự chăm sóc bản thân được.

Mong cho “chân cứng đá mềm” và dân tộc Việt Nam ta sẽ lại một lần nữa cùng nhau đứng lên vượt qua cơn đại dịch này.
Mong cho “chân cứng đá mềm” và dân tộc Việt Nam ta sẽ lại một lần nữa cùng nhau đứng lên vượt qua cơn đại dịch này.

Gần cuối tháng 3, dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn. Chính phủ ra chỉ thị chính thức “cách ly xã hội” trên phạm vi toàn quốc. Và tôi đã chứng kiến một TP Hồ Chí Minh có “1-0-2” (một không hai) trong thời gian này.

Tôi từng ước ao có một năm được ăn tết ở TP Hồ Chí Minh để tận hưởng cảm giác xe cộ vắng vẻ, không khí trong lành mà những ngày thường không có. Từ đầu tháng 4 đến nay, đã có một TP Hồ Chí Minh như thế, nhưng buồn thay không phải là để tận hưởng mà là để đối phó với đại dịch COVID-19.

Các quán xá đóng cửa hàng loạt. Từ dịch vụ bình thường như hớt tóc, thể dục thể thao cho đến những dịch vụ giải trí chiếu phim, spa,… đều đóng cửa tắt đèn. Các cơ sở ăn uống thì cố gắng chuyển đổi mô hình từ bán tại chỗ sang “Chỉ bán mang về. Xin quý khách thông cảm”.

Ý nghĩa hơn, các phong trào thiện nguyện xuất hiện khắp nơi. Cư dân mạng cùng nhau chia sẻ các thông tin về những quán cơm từ thiện (miễn phí hoặc bán với giá tượng trưng 1.000- 2.000đ). Ai có điều kiện sẽ dành thời gian ở nhà rảnh rỗi để hỗ trợ phân phát các bữa ăn miễn phí đến những người vô gia cư trên đường.

Ai ngại ra đường thì có thể quyên góp tùy tâm đến các số tài khoản của các tổ chức thiện nguyện. Khắp nơi là một bầu không khí chan hòa nghĩa cử “lá lành đùm lá rách” trong giai đoạn khó khăn này. Tôi thuộc nhóm người ở nhà và đóng góp qua chuyển khoản.

Là một người trẻ, tuy chịu ảnh hưởng tạm hoãn việc làm vì dịch COVID-19, tôi vẫn bình tâm để lo liệu và sắp xếp lại cuộc sống của mình. Cả nhà và tôi đều thống nhất sẽ mua đồ ăn về nấu để vừa tiết kiệm vừa đề phòng dịch bệnh diễn biến kéo dài.

Thế là tôi tạm biệt thói quen ăn tiệm hàng ngày, thay vào đó là những bữa cơm nhà cùng những anh em còn ở lại. Trong mỗi bữa ăn, mọi người có thêm thời gian để tâm tình với nhau về cuộc sống mà thường ngày hiếm có dịp tỏ bày. Xen kẽ đó là những dự báo tình hình dịch và các kế hoạch để anh em cùng “sống sót” tốt trong giai đoạn này.

Chung cư tôi ở, ban quản lý cũng rất chấp hành và tích cực tuyên truyền cư dân phòng chống dịch. Luôn có những chai nước rửa tay có cồn trước khi lên thang máy. Mọi người nhắc nhở nhau đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà. Có lần tôi sơ ý vì nghĩ chỉ xuống rồi lên lẹ thôi cũng được chú bảo vệ tận tình nhắc nhở.

Chưa bao giờ tôi thấy không khí người người, nhà nhà quan tâm đến nhau như thế. Đây có thể coi là một niềm vui nho nhỏ trong những ngày này. Khi trước đây mọi người không có thói quen bảo vệ sức khỏe, mang khẩu trang khi ra đường thì giờ đây ai nấy cũng đều tự giác chấp hành.

Về phía bản thân mình, vì không muốn lãng phí thời gian, tôi tranh thủ thời gian nghỉ “bất đắc dĩ” này để ra sức học thêm những kỹ năng mới mà vì công việc hàng ngày, tôi không có nhiều thời gian để rèn luyện. Tuy có nhiều người than phiền, lo lắng vì chán nản trong cảnh ở nhà, tôi lại rất hào hứng với những kế hoạch đề ra cho bản thân.

Tôi ra sức học tiếng Anh mỗi ngày 3-4 giờ vì mục tiêu thi đạt chứng chỉ IELTS 7.0 vào cuối năm. Tôi đọc sách mỗi ngày để trau dồi tri thức. Đọc sách còn có tác dụng giúp tôi bình an, vững chãi và bớt lo nghĩ lung tung khi mà dịch bệnh diễn biến khó lường.

Tôi còn trang bị, đầu tư thêm cặp tạ để rèn luyện sức khỏe trong những ngày phòng tập đóng cửa. Qua tìm hiểu, tôi được biết SARS-CoV-2 rất ưa “tấn công” những người có sức đề kháng yếu. Do đó, tôi vẫn luôn tâm niệm mình sẽ chăm sóc sức khỏe và tinh thần thật tốt để hạn chế tối đa khả năng xấu có thể xảy ra.

Giờ đây mỗi ngày, chỉ cần 30 phút tập luyện thì tôi đã cảm thấy sảng khoái để bắt đầu ngày mới rồi. Ăn uống điều độ, tập thể dục mỗi ngày, ngủ sớm dậy sớm, đó là 3 điều đơn giản nhất mà mọi người có thể làm để nâng cao sức khỏe của mình. Đặc biệt càng phải quyết liệt hơn để phòng tránh sự xâm nhập của COVID-19.

Đối với tôi, giãn cách xã hội là một bước đi rất đúng đắn của Chính phủ và các ban ngành. Mặc dù có nhiều bất tiện và lạ lẫm so với thời gian trước, nhưng tôi nghĩ đây là giải pháp tốt nhất mà chúng ta có thể chung tay để đẩy lùi đại dịch này. Được biết, các quốc gia khác còn khắc nghiệt và áp lực hơn nhiều so với cách làm của Việt Nam. Nên chúng ta vẫn còn rất may mắn.

Hiện nay số ca bệnh phát sinh đã giảm hẳn so với lúc trước là minh chứng cho tác dụng của nó. Chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc đợt cách ly xã hội 15 ngày, tôi mong rằng mọi người dân có thể tuân thủ và chấp hành nghiêm chỉnh Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, để bảo vệ lợi ích và sức khỏe của chính mình và cho toàn xã hội.

Bài, ảnh: PHẠM HOÀNG NGUYÊN

 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh