Những ngày nắng tốt, anh Lộc trồng lác ở xã Trung Thành Đông (Vũng Liêm) vui vì phơi phóng mau khô hơn, cộng với giá bán cọng lác khô năm nay cao. Cũng mùa nắng tốt, cô Liễu ở xã Lục Sĩ Thành (Trà Ôn) mừng khi công việc tráng bánh duy trì mỗi ngày, khách gần xa đặt mua bánh đều đặn...
Những ngày nắng tốt, anh Lộc trồng lác ở xã Trung Thành Đông (Vũng Liêm) vui vì phơi phóng mau khô hơn, cộng với giá bán cọng lác khô năm nay cao. Cũng mùa nắng tốt, cô Liễu ở xã Lục Sĩ Thành (Trà Ôn) mừng khi công việc tráng bánh duy trì mỗi ngày, khách gần xa đặt mua bánh đều đặn...
“Nương nhờ” vào nắng, bánh tráng đi khắp gần xa. |
Mùa khô, mùa của những ngành nghề canh tác, sản xuất “nương nhờ” vào nắng vì thế như rộn ràng, “sáng” và hiệu quả hơn với người làm nghề.
Một ngày đầy nắng cuối tháng 3, nhà anh Lộc (ngụ ấp Phú Nông, xã Trung Thành Đông) phát 3 công lác. Bên đống lác lô nhô mặt ruộng, vợ anh xỏ nắm lác 2m vào máy ép, liền sau đó anh Lộc nắm gọn nắm lác chẻ đôi rút về bên kia tạo nên công đoạn: chẻ lác.
Bên chén trà giữa ruộng lác, anh nói: “Giá lác khô năm nay lái thu mua cao, mừng lắm!” Xong anh liệt kê: lác 2m (mà cán bộ nông nghiệp xã cho biết là lác “ngoại hạng” hoặc lác “đặc biệt”, do lái đặt hàng thì nông dân mới trồng) có giá 19.500 đ/kg, lác loại tầm 1,8m có giá 14.500 đ/kg, lác manh (cỡ 1,4m đổ lại) với giá 11.000 đ/kg...
Các nông dân như anh Lộc, rồi anh Sơn, chú Chín đi ngang qua ruộng lác góp một vài câu với tôi. Ruộng lác anh Lộc hôm ấy ước thu hoạch khoảng 1,1-1,2 tấn lác phơi khô và vậy là “khá lắm”. Còn trúng tới 1,4-1,5 tấn mỗi công lác. “Mần lác trúng khoái lắm, mần không ngán, chứ thất thấy ngán lắm”- trong chiều chói chang, anh Sơn diễn đạt về nghề của nông dân xứ mình. Rồi thêm: nắng thế này, lác phơi 3 nắng là giao thương lái.
Anh Nguyễn Văn Bình- công chức nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của xã Trung Thành Đông- thông tin: Có thể nói mùa thu hoạch lác năm nay trúng mùa, được giá. Xong anh kể về cây lác “ngoại hạng”: như khi lái đặt hàng thì nông dân mới xuống giống, nên chỉ ít nhà trồng loại này, còn không thì chỉ tập trung trồng để ra cọng lác dài 1,8m trở lại.
Toàn huyện Vũng Liêm có hơn 300ha trồng lác, trong đó tập trung nhiều nhất ở xã Trung Thành Đông (224ha). Cây lác chiếm đa số trong diện tích nông nghiệp ở xã này, bên cạnh: vườn có 448ha, lúa còn 83ha, cây màu chuyên canh hơn 16,3ha và cỏ nuôi bò 11,5ha.
Vũng Liêm hiện tại có 4 làng nghề gồm: 2 làng nghề xe lõi lác ấp Phước Bình (xã Quới Thiện), ấp Bình Thủy (xã Thanh Bình); 2 làng nghề trồng lác và xe lõi lác ấp Đại Hòa, ấp Đại Nghĩa (xã Trung Thành Đông) với 443 hộ tham gia, có 796 lao động, diện tích trồng lác 143ha, máy xe lõi lác 462.
Lao động, diện tích trồng và máy xe lõi lác ở 2 làng nghề tại Trung Thành Đông là tính ở khu vực làng nghề. Theo anh Bình, tính cả xã số lao động là hàng ngàn và 800-900 máy xe lõi lác với nghề canh tác, sản xuất này các năm qua...
Cũng mùa nắng ấy, tôi về huyện Trà Ôn, tới làng nghề bánh tráng ấp Tân Thạnh (xã Lục Sĩ Thành) và vốn được biết đến là làng nghề bánh tráng Cù lao Mây. Xã thống kê làng nghề bánh tráng có 57 hộ, sản xuất vào mùa nắng với sản lượng khoảng 350.000 cái/tháng.
Cô Trần Thị Thúy Liễu ở ấp Tân Thạnh là đời thứ 3 tráng bánh ở làng nghề. Cô kể từ thời bà ngoại chồng, đến mẹ chồng và hiện tại là cô. Cô nói nhà mình tráng đến 5 loại bánh tráng, gồm: nhúng, ngọt, ớt, nem, béo (để nướng). Tại đây, giá bán bánh tráng như sau: nhúng 110.000 đ/100 bánh, ớt 150.000 đ/100 bánh, ngọt 300.000 đ/100 bánh, béo 500.000 đ/100 bánh, bánh tráng nem giá bằng giá bánh nhúng.
Lò tráng bánh nhà cô Liễu hầu như cơi lửa trấu mỗi ngày. Mùa này, nếu tráng bánh tráng ngọt, mỗi ngày cô làm ra 300 cái; nếu tráng bánh nhúng, số này là 400. Bánh được tráng suốt mùa nắng trong năm, nhưng rộn ràng nhất là mùa tết, khi số lượng bánh làm ra và giá bán đều tăng lên. Về tiêu thụ, khách hàng trong và ngoài tỉnh, trong nước, Việt kiều đã bao năm quen với bánh làng nghề mà đặt mua ăn, biếu tặng...
Hỏi hơn 30 năm cơi lửa trấu, đan vỉ tráng bánh, phơi bánh... cô Liễu nói bản thân “bâng khuâng về việc truyền nghề”: Làm nghề này lời nhiều thì không, nhưng niềm yêu nghề với “tên tuổi” của cái bánh tráng xứ này vang xa đã “bắt” mình giữ nghề vậy!
Vợ chồng anh Lộc chẻ cây lác loại “ngoại hạng” 2m. |
Cô Liễu có 2 người con trai, giờ đang làm việc ở Cần Thơ và Vĩnh Long. Cô kể có người chị chồng “trước vẫn qua tráng bánh thì nay ở nhà giữ cháu nội”. Có cô em chồng đang làm hàng xáo vùng Cần Thơ, Sóc Trăng lo cho con học. Vào đợt ít hàng hóa, không phải giong ghe đi, cô em chồng vẫn đến nhà phụ tráng bánh với mình. “Sau này truyền nghề lại thì truyền cho em!” Lời trao đổi giữa những người là bà, là mẹ gợi lên sự tiếp nối của người làm nghề. Ở đó ngoài sự mưu sinh, còn là niềm tin yêu được lưu giữ với... cái bánh tráng!
Trong canh tác, sản xuất, niềm vui với nắng, niềm mong mỏi trúng mùa được giá, lòng tin yêu nghề đã hiển hiện ở các câu chuyện trên.
Tự thân cọng lác tới mùa được thu hoạch, chẻ ra, phơi khô... tự thân cái bánh tráng được chăm chút từ nguyên liệu, tráng, phơi... giữa mùa nắng kia đã luôn đầy niềm cảm hứng. Đó là sự đan xen giữa nhọc nhằn vất vả lẫn vui sướng tin yêu của những nông dân, những người làm nghề...
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin