Đồng bằng giữa mùa khát nước ngọt

08:04, 11/04/2020

Giữa tháng 3/2020, chúng tôi qua dòng Cổ Chiên sông nước miệt vườn, xuôi sông Tiền từ Bến Tre qua Tiền Giang… giữa mùa hạn mặn với nhiều điều "chưa từng có": xâm nhập mặn nhanh và sớm, thiếu nước ngọt gay gắt.

Giữa tháng 3/2020, chúng tôi qua dòng Cổ Chiên sông nước miệt vườn, xuôi sông Tiền từ Bến Tre qua Tiền Giang… giữa mùa hạn mặn với nhiều điều “chưa từng có”: xâm nhập mặn nhanh và sớm, thiếu nước ngọt gay gắt.

Ở ĐBSCL, mùa khô năm 2020 đã phá vỡ mọi kỷ lục được xác lập năm 2016 trước đó. Tình trạng thiếu nước ngọt, khô hạn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, nguồn nước sinh hoạt của người dân.

Người dân chờ lấy nước ngọt ở một điểm tư nhân chia sẻ trên Đại lộ Đồng Khởi (TP Bến Tre) ngày 21/3/2020.
Người dân chờ lấy nước ngọt ở một điểm tư nhân chia sẻ trên Đại lộ Đồng Khởi (TP Bến Tre) ngày 21/3/2020.

Trên sông không còn nước ngọt để lấy

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Bến Tre, ngay từ tháng 12/2019, mặn trên các sông chính của tỉnh đã xâm nhập nhanh và sớm so với trung bình nhiều năm khoảng 2 tháng, độ mặn đo được tại các trạm ở mức rất cao. Độ mặn 4‰ xâm nhập cách cửa sông 45- 60km, 1‰ xâm nhập cách cửa sông 52- 76km.

Từ tháng 1 đến tháng 2/2020, mặn tiếp tục diễn biến gay gắt, khốc liệt, nhanh và sâu hơn trong các sông chính vượt mức cao nhất năm 2015- 2016. Cụ thể, trên sông Hàm Luông xâm nhập mặn đã đạt mức kỷ lục ngày 11/2, độ mặn 4‰ cách cửa sông 76- 78km. Cùng thời gian này trên sông Cổ Chiên độ mặn 4‰ xâm nhập cách cửa sông 60- 64km.

Trên sông Cửa Đại- sông Tiền độ mặn 4‰ xâm nhập cách cửa sông 70km và xâm nhập từ sông Hàm Luông qua… Chính mức độ gay gắt, khốc liệt như vậy, Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Bến Tre đánh giá “trên sông Hàm Luông và sông Cửa Đại đã không còn nước ngọt để lấy”, từ tháng 2/2020.

Từ diễn biến xâm nhập mặn trên đây cho thấy “toàn tỉnh Bến Tre đều bị mặn”. Tại xứ sở cây giống, hoa kiểng Chợ Lách toàn huyện cũng đã bị nhiễm mặn, ở nơi sâu nhất là xã Phú Phụng đã ghi nhận độ mặn 3‰, còn độ mặn 10‰ “chưa từng thấy” trước đây cũng đã xuất hiện ở cù lao này. Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT Chợ Lách, xâm nhập mặn đe dọa trực tiếp hơn 8.575ha cây ăn trái, 1.300ha cây giống, hoa kiểng…

Giữa hạn mặn gay gắt tháng 3/2020, chúng tôi chứng kiến người dân dùng mọi phương tiện xe ba gác, xe máy chở từng can, bồn nước ngọt từ nơi khác về hoặc đào hồ trữ nước tạm, khoan giếng tầng nông lấy nước ngọt cứu vườn cây ăn trái, cây giống, hoa kiểng…

Nước sông đã mặn, nước ngọt cũng đắt đỏ có khi lên tới 100.000 đ/m3, nói như anh Nguyễn Văn Nhân ở xã Long Thới “vài ba chục mét khối tưới 1ha vườn sầu riêng không thấm vào đâu, tiền mua nước 5, 7 triệu cho một đợt tưới là bình thường. Nhưng cũng bấm bụng tưới cho cây, ai yếu vốn thì bỏ mặc vườn cây chết khát”.

Mương, vườn trong các vườn cây ở Chợ Lách hầu hết đều không còn nước tưới.
Mương, vườn trong các vườn cây ở Chợ Lách hầu hết đều không còn nước tưới.

Trong khi miệt vườn Chợ Lách quay cuồng tìm nguồn nước ngọt, thì tại TP Bến Tre chúng tôi lại rất bất ngờ cảnh người dân xếp hàng chờ đợi xin nước. Một đồng nghiệp báo Đồng Khởi bảo rằng: “Ở thành phố, hàng ngày người dân xếp hàng xin nước ngọt từ sáng sớm đến chiều tối như ngày mùng 10 vía Thần Tài xếp hàng mua vàng vậy”.

Chú Tư Thơ ở Phường 5 (TP Bến Tre) xếp can theo hàng dài đứng đợi xin nước trên đại lộ Đồng Khởi bảo: “Nước máy tại chỗ mặn chát không xài được, cả tháng nay tôi phải đi xin từng can nước về ăn uống, sinh hoạt. Năm nay mặn dữ dội hơn mọi năm nhiều”.

Vậy nên, “bà con ở đây rất tiết kiệm, nước vo gạo rồi rửa rau, rửa chén để dành tưới cây… không lãng phí một giọt nào”.

Cùng hỗ trợ chia nước từ xe bồn 15m3 cho bà con sáng 21/3, anh Phúc cho biết: “Ngày nào, chúng tôi cũng chở nước ngọt của chùa vận động nhà hảo tâm từ TP Hồ Chí Minh xuống Bến Tre, Gò Công (Tiền Giang)…”.

Trên nhiều tuyến đường thành phố, có nhiều điểm cung cấp nước sạch miễn phí do các tổ chức, cá nhân, nghệ sĩ… hỗ trợ bà con. Thời gian này mới thấy nước ngọt không phải vàng bạc, nhưng rất quý giá, cả trong tình người sẻ chia.

Những dòng kinh cạn trơ đáy

Trong khi các dòng sông của Bến Tre “không còn nước ngọt để lấy”, thì phía bên kia cầu Rạch Miễu sông Tiền xuôi dòng ra biển, các tuyến kinh từ Chợ Gạo đến Gò Công (Tiền Giang) cũng cạn trơ đáy. Thật sự chúng tôi chưa từng nhìn thấy dòng kinh cạn khô, nứt nẻ như vậy.

Còn chú Nguyễn Văn Năm (ấp Tân Xã, xã Long Hòa, huyện Gò Công Đông) so sánh: “Thiếu gạo còn nhịn đói được, thiếu nước không chịu nổi. Tui năm nay 62 tuổi, ở đây từ nhỏ tới lớn chưa khi nào thấy nước cạn dưới kinh, người dân phải chắt chiu từng giọt nước”.

Nhà chú Năm ở TX Gò Công Đông, thường ngày tìm cỏ cho đàn dê ăn dễ ụi, nhưng thời gian này phải đi xa dọc tuyến kinh 14 cả nửa ngày mới cắt đầy bao cỏ.

Chú Năm uống ngụm nước giải khát, sau khi cắt đầy bao cỏ dọc kinh 14.
Chú Năm uống ngụm nước giải khát, sau khi cắt đầy bao cỏ dọc kinh 14.

Câu chuyện thiếu nước ngọt khiến người dân quay quắt trong cái nắng chang chang giữa tháng 3. Tại một vòi nước ngọt ở ấp Thạnh Yên, xã Thạnh Trị (Gò Công Tây), cô Dương Thị Tuyết đang chờ hứng nước vô can chở về nhà sử dụng.

Tìm bóng mát tàn cây trò chuyện, cô Tuyết chỉ dòng kinh An Thạnh Thủy “dẫn ngọt từ Chợ Gạo về đây, nhưng cả tháng nay cạn ráo. Nhà tui và hàng chục hộ ở cuối xóm cách đây chừng cây số, người hứng, người chở nước về chứa lu sử dụng”.

Nhà cô Tuyết nuôi hơn chục con bò, mọi năm nước kinh, ao đìa xung quanh vẫn có nước chăn nuôi, nhưng năm nay cạn khô.

Dòng kinh An Thạnh Thủy cạn khô.
Dòng kinh An Thạnh Thủy cạn khô.

Cũng cùng cảnh ngộ, chị Trinh và con trai hứng nước đầy rồi bỏ can vô bao “để lên xe chở cho nó chắc. Cả tháng nay tui chạy chở nước… mắc chết. Chồng tui đi mần hồ, chuyện nước nôi sinh hoạt mình phải lo. Chỉ mong nước ngọt trở lại”. Khát mong của chị Trinh, cô Tuyết cũng là ước muốn của bà con khu vực ngọt hóa Gò Công này.

Vùng ngọt hóa Gò Công của tỉnh Tiền Giang trong mùa khô năm nay hầu hết các tuyến kinh đều cạn khô. Tất cả hệ thống cống đập ven sông Tiền, kinh Chợ Gạo, sông Tra đều đóng kín, nước mặn trên 3‰ bao phủ.

Để đối phó với hạn mặn, Sở Nông nghiệp- PTNT cho biết các địa phương đã có nhiều giải pháp công trình theo phương châm “4 tại chỗ”, giúp người dân nhận thức tiết kiệm nguồn nước. Ngoài ra, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cũng là giải pháp tiết kiệm nước hiệu quả, hiện vùng này đã có hàng trăm héc ta đất lúa chuyển sang trồng các loại rau màu, cây ăn trái, trồng cỏ nuôi bò… nhờ vậy thiệt hại giảm đáng kể.

Đó cũng là tín hiệu tích cực trong mùa hạn mặn năm nay, khi các tỉnh vùng ĐBSCL đang vất vả đối phó với tình trạng hạn gay gắt và mặn xâm nhập càng sâu gây ảnh hưởng trực tiếp đến mùa màng. Người dân vùng ngọt hóa Gò Công nói với chúng tôi: “nhân dân đang cùng Nhà nước chung tay chống hạn như cứu hỏa, bằng mọi cách, rất quyết liệt”.

Thách thức lớn đối với ĐBSCL hiện nay là không để thiếu nước sinh hoạt, bảo vệ an toàn vùng sản xuất phù hợp tình hình nguồn nước và cần có những giải pháp ứng phó, “sống chung” hạn, mặn lâu dài, bền vững.

Hạn mặn vượt mốc lịch sử 2016, 5 tỉnh ĐBSCL là Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Kiên Giang, Cà Mau đã công bố tình huống khẩn cấp, tập trung ứng phó.

Theo Bộ Nông nghiệp- PTNT, đến đầu tháng 3/2020, miền Tây có khoảng 20.000ha lúa bị mất trắng do hạn mặn, bằng khoảng 7% so với năm 2016. Đợt hạn mặn lịch sử năm 2016 được cho là 100 năm mới lặp lại, khiến 600.000 người miền Tây thiếu nước sinh hoạt và 160.000ha đất bị nhiễm mặn, gây thiệt hại hơn 5.500 tỷ đồng. 10 trong số 13 tỉnh- thành phải công bố thiên tai.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh