"Chết khát" giữa dòng

03:04, 14/04/2020

Tin về hạn hán và xâm nhập mặn cứ liên tục đưa về từ các báo, bản tin thời sự, khiến tôi sau nhiều đắn đo, quyết định điền dã một chuyến.

 

Tin về hạn hán và xâm nhập mặn cứ liên tục đưa về từ các báo, bản tin thời sự, khiến tôi sau nhiều đắn đo, quyết định điền dã một chuyến.

Liên hệ một người quen, anh bạn hứa đưa tôi về thăm vùng cù lao Minh. Địa chỉ đầu tiên là xã Đồng Phú thuộc huyện Long Hồ. Theo hẹn, tôi có mặt tại UBND xã lúc 13h15. Gọi điện, anh bạn cho hay không đến được nên nhờ một cô công tác ở Hội Phụ nữ hướng dẫn thay. Rất tiếc, nhưng dù sao cũng cảm ơn.

Cái nắng chang chang giữa trưa tháng 3 khiến tôi cảm thấy chồn chân dù đứng dưới bóng cây. Tôi lên xe quay ngược lại nơi vừa nãy chợt thoáng qua khi sang cầu: đình Đồng Phú.

Đình Đồng Phú tọa lạc trên một doi đất ở ấp Phú Mỹ 2, trước là thôn Phú Hòa, hai mặt có lạch nước đi qua. Muốn vào đình phải vòng cổng hậu.

Không gian có vẻ tĩnh mịch, một cổng sắt với dòng Hán tự:

Nguyên Phú Hòa thôn y cựu phụng tự hỷ

Kim Đồng Phú đắc khánh vũ thuận phong hòa

(Nguyên là thôn Phú Hòa vẫn phụng thờ như cũ

Nay là Đồng Phú mừng được mưa thuận gió hòa)

Nơi hậu đình, khách cảm nhận chuyện vật đổi sao dời, tách nhập thuở trước, bao thế hệ đi qua đình còn đây cô tịch cùng tuế nguyệt. Hàng cây sanh thay cho cây dương soi bóng bên lạch nước, những chiếc lá khô gió lùa rải trên hành lang thiếu dấu chân người. Tôn men con đường đất định vòng lên phía trước, nhưng chó hàng xóm không được thân thiện, đành trở ra.

… Trở lại nơi hẹn, đón tôi là một phụ nữ trông khá duyên, tên Trinh, trạc ba mươi ngoài. Xe chúng tôi cùng len lỏi vào ấp Phú Thanh 3 thuộc xã Đồng Phú.

Chúng tôi đến thăm nhà anh Nguyễn Thành Sơn. Anh Sơn có việc phải lên xã, tiếp chúng tôi là mẹ anh. Dáng người phụ nữ lưng như gù hơn khi ngang qua dãy chuồng heo trống trơn vì trận dịch năm trước. Cả trại heo rộng ngàn mét vuông chỉ nhốt mỗi con ngỗng, tiếng nó “quác... quác” khi thấy người lạ. Sau trại heo là vườn cây ăn trái với những mít, sầu riêng, dăm bụi chuối...

Vườn sầu riêng khoảng 10 năm tuổi xơ xác lá, khô cành. Cây chết từ đọt xuống, khô từ ngoài vào trong. Một vài cây còn vắt vẻo đôi trái, vỏ nám, cơm sượng giá bán rẻ bèo. Dưới mỗi gốc nhãn là hệ thống phun nước đã dừng hoạt động.

Mẹ anh Sơn nói: “Năm trước, vườn này thu mấy trăm triệu, nay mười triệu không có!” “Cây bị nhiễm mặn đó chú!”- Bà nói mà mắt buồn đờ đẫn hướng về con mương có tấm bạt ny lông chứa nước ngọt nhưng đã cạn từ lâu.

Chào chủ nhà, chúng tôi sang nhà anh Nguyễn Văn Út Lâm. Anh Lâm là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân nên khá am hiểu tình hình trong ấp. Nhà anh có 7 công sầu riêng, năm trước cho 8 tấn với giá bình quân 60 ngàn một ký, anh thu gần 500 triệu.

Ngồi trong nhà nhìn ra vườn sầu riêng đang ra hoa mà xót cả ruột. Nắng tháng 3, ra ngoài như cháy da, ngồi trong nhà thấy hầm hập trong người. Để cứu đợt bông này, cứ 2 ngày anh mua một ghe nước 18 khối, giá “một triệu tư”.

Mẹ già trong vườn cây chết khô. Ảnh: LÊ MINH HÀ
Mẹ già trong vườn cây chết khô. Ảnh: LÊ MINH HÀ

Nhưng có thấm tháp vào đâu, nắng lên nhìn lá héo đi mà lòng vợ chồng anh thấp thỏm. Việc ăn uống, tắm phải dùng nước bình, đồng tiền năm ngoái hao đi rất nhanh. Muốn mua ghe chở nước nhưng giá quá cao nên anh dần dừ chờ mưa.

Anh Út Lâm là người thạo thời sự nhưng chuyện nước mặn xâm nhập là điều bất ngờ đối với anh và những nông dân vùng này. Từ đời cha ông cho đến anh, chuyện nước mặn đến xứ này là không thể. Nó tận Mỏ Cày, Thạnh Phú ở gần cửa biển ấy, xa đến trăm kilomet chứ ít đâu.

Nay bước ra ngõ lại nước mặn. Cả một vùng cây ăn trái chỉ tính từ kinh Mương Lộ đổ về Bình Hòa Phước xuống Phú Phụng với hàng ngàn héc ta bị nhiễm mặn đang chết mòn. Nhạy cảm nhất là sầu riêng, đến chôm chôm, nhãn, cây có múi,… Cây mít có vẻ chịu đựng được với mặn nên vẫn còn xanh.

Dân ở đây lấy nước từ vàm Thủ Thể chảy vào. Tháng Giêng, tháng 2 trời trở chướng, con nước ngày rằm, 30 lên cao, nhà vườn tha hồ tưới cho cây ra lộc đơm hoa, nào ngờ nhiễm mặn nên ra thế này! Độ mặn của nước dao động ở mức 1,86 phần ngàn và nhạt dần về phía Bà Cò (ấp Phú Thuận 1) ở mức 0,29 phần ngàn. Với độ mặn này, dân vùng trên còn tưới được bởi nó gần chân cầu Mỹ Thuận.

Nhà vườn các vùng An Bình, Hòa Ninh, mấy năm nay giao thông nông thôn kết hợp đê bao chống lũ phát triển, khép kín nên sắm xe gắn máy thay thế cho những chiếc ghe máy cao tốc. Những chiếc ghe trị giá trên dưới 5 cây vàng phải nằm bến. Cái thời chạy đua đi chợ bán trái cây đã qua, ghe mục, máy rỉ sét dưới lớp bùn nơi bến sông. Bây giờ nước mặn tràn lên, người ta nhăm nhe kéo lên tân trang lại để chở nước ngọt tưới cây.

Dân vùng Đồng Phú đi rảo thăm dò, đồ bỏ đi nhưng có người hỏi, chủ nhà hét giá, khách méo mặt chê mắc, mong ngóng tháng hạn sớm đi qua. Có ai ngờ, vùng đất cù lao Minh nằm lọt thỏm giữa dòng sông Tiền và sông Cổ Chiên rộng mấy mươi kilomet, cứ bước chân ra là gặp nước, nay phải chịu khát giữa dòng. Cổ kim hy hữu! Đã đến lúc người dân phải thay đổi cách nghĩ của mình.

Chào anh Út Lâm, cảm ơn cô cán bộ phụ nữ xã, xe tôi rảo theo con đường đê bao đang thi công. Trên đường, tôi bắt gặp những vườn chôm chôm đang kỳ ra hoa nhưng lá cháy khô, những cây nhãn mang trái nhưng lá rũ, thiếu sức sống. Những can nhựa chứa nước dựng bên đường chỉ làm tăng thêm cơn khát mà thôi.

Đến một khúc cua, không gian mở ra, bên kia là một vùng đất mới với những ao nuôi cá.

Con đường tôi đi qua hứa hẹn là điểm nhấn rất đẹp của vùng cù lao, nó tạo nên cú hích du lịch đầy triển vọng. Con đường này từ cầu Thủ Thể dẫn về chợ Đồng Phú, chiều ngang 6m dần hoàn thiện. Đoạn thứ hai đang thi công kết nối từ Đồng Phú qua An Bình, những “miệt vườn” hàng bao đời cách biệt, cô liêu nơi vùng sông nước như: Bà Cò, Doi Đồn sẽ hanh thông, phát triển.

Tôi dừng xe trên cầu, bên kia cầu là Quán Gió- Cá chiên xù. Muốn vào, nhưng lại thôi, ráng chịu cho cơn khát đi qua. Mùa dịch quán vắng hiu hắt. Từ cầu phóng tầm mắt nhìn qua con sông rộng, cửa sông mở ra cho đến tận cù lao Tân Phong- quê ngoại tôi. Nơi này rộng không kém khu vực đầu cồn An Bình, dưới chân cầu Mỹ Thuận.

Ngày bé, tôi vẫn hay đi chợ từ An Bình sang Cái Bè bán hàng rau quả cùng mẹ, có khi qua tận Cái Thia. Thời ấy nhà có ghe máy nên không phải chèo. Cửa sông này vào mùa gió Nam thổi mạnh, sóng to ghe chèo nhỏ phải dè chừng khi qua đây.

Con sông Tiền khi qua khúc hẹp đôi bên cầu Mỹ Thuận, cửa sông mở ra, phù sa tụ lại tạo thành dãy cù lao Minh. Cù lao chia sông làm 2 nhánh: sông Tiền và sông Cổ Chiên. Sông Tiền tiếp tục xuôi dòng, sự bồi đắp của tự nhiên: lở bên An Bình, bồi phía Đồng Phú làm cho sông hẹp lại đoạn giáp giới Đồng Phú- Hòa Khánh thuộc huyện Cái Bè.

Từ đây dòng sông mở dần ra kéo dài hơn 4km có cù lao Tân phong chắn dòng, chia sông làm 2 ngã: Trái về Cái Bè, Tiền Giang; phải theo sông Hàm Luông về Chợ Lách, Bến Tre. Khi chạy xe máy lên TP Hồ Chí Minh, tôi thường hay đi tắt theo tuyến: Phú Phụng- Tân Phong- Ngũ Hiệp đổ ra QL1A đoạn gần cầu Cai Lậy. Đoạn đường được rút ngắn khoảng 40km, qua 3 chuyến phà và đi giữa vườn cây ăn trái ngút ngàn xanh mát…

Việc có cùng bình độ và kinh tuyến nhưng xâm nhập mặn ở phía sông Tiền lại nhiều hơn bên Cổ Chiên thì các nhà khoa học lý giải: Sông Hàm Luông thẳng, ít bị cù lao chắn dòng nên nước chảy mạnh, xâm nhập mặn nhanh hơn. Theo tôi, còn có yếu tố nữa là hợp lưu của sông Tiền và sông Hàm Luông đoạn Chợ Lách qua Ngũ Hiệp thuộc Cai Lậy làm dòng chảy tăng mạnh khi triều lên.

Nắng đã dịu khi tôi đến đoạn cuối con đường đang ngổn ngang vật liệu thi công cầu. Đánh một đoạn vòng qua ngõ hẹp, tôi thẳng về phà Đình Khao. Chiều muộn, xe xếp hàng đợi chuyến. Bên đường, đỏ vàng mấy đống vun cao, với dòng chữ nguệch ngoạc trên tấm giấy bìa cứng: “chôm chôm 15.000 đ/4kg”.

Một em trai nài nỉ, tôi mua một tụm đem về nhà, 10 trái được 3- 4 trái. Tiếng là chôm chôm đường nhưng nhạt nước, nhỏ trái. Hàng này từ Phú Phụng, Bình Hòa Phước đưa lên. Cây nhiễm mặn, không hái thì chết cây. Hái, môi cũng thấy mặn!

Ký của LÊ MINH HÀ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh