Về xã Bình Hòa Phước (Long Hồ) ngay cao điểm hạn, mặn mùa khô năm 2019- 2020, chúng tôi đón tin vui khi làng mai vàng nức tiếng miền Tây không bị ảnh hưởng bởi "nằm ở nửa xã phía sông Cổ Chiên, nhiều nước ngọt". "Nửa xã còn lại giáp sông Tiền" bị ảnh hưởng thì chính quyền và người dân đang linh hoạt các giải pháp thích ứng, trong đó có dẫn nước ngọt từ sông Cổ Chiên vô vườn "giải mặn".
Chú Đài đắp lục bình và bùn non làm mát gốc cây, tích cực cứu vườn. |
Về xã Bình Hòa Phước (Long Hồ) ngay cao điểm hạn, mặn mùa khô năm 2019- 2020, chúng tôi đón tin vui khi làng mai vàng nức tiếng miền Tây không bị ảnh hưởng bởi “nằm ở nửa xã phía sông Cổ Chiên, nhiều nước ngọt”. “Nửa xã còn lại giáp sông Tiền” bị ảnh hưởng thì chính quyền và người dân đang linh hoạt các giải pháp thích ứng, trong đó có dẫn nước ngọt từ sông Cổ Chiên vô vườn “giải mặn”.
Mua nước ngọt cứu vườn kiểng tiền tỷ
Dù chính quyền địa phương đã có dự báo, thông báo trước tình hình nhưng bà con xã cù lao giữa sông Tiền- bao đời nước ngọt mênh mông, cây lành trái ngọt ít nhiều “bỡ ngỡ” khi “lần đầu bị mặn”, linh hoạt xoay xở bằng nhiều cách khác nhau.
Hôm chúng tôi đến, chú Nguyễn Minh Thành (ấp Bình Hòa 1) vừa mua 2 ghe nước (khoảng 40m3) với giá 3,2 triệu đồng tưới kiểng. Trước đó, chú Thành cũng đã mua hết 30 thùng nước lọc loại 20 lít/thùng, đặt dưới mỗi gốc “cho kiểng uống”.
Chú Thành phải mua nước tưới và giảm 50% nước cho kiểng. |
Hướng về phía khu vườn có hàng chục cây mai, nguyệt quế cao to, giá hàng trăm triệu đồng/cây, chú Thành rầu rầu: “Mấy cây này ngày thường phải uống cỡ 70- 80 lít, giờ chỉ lai rai 30- 40 lít cầm chừng cho… đỡ khát”. Trong khi, vườn chú Thành đâu chỉ có kiểng, còn 9 công chôm chôm “nhưng chưa lo tới”. Thiếu nước tưới, chú Thành đã linh động cho “siết nước luôn” nhưng cho hay vài ba ngày nữa nếu chưa có nước ngọt tự nhiên về vườn thì phải mua nước tưới, mỗi đợt 4 ghe- hơn 6 triệu đồng.
Bên cạnh nước máy, nhà chú Thành còn có một hàng kiệu khoảng chục cái chứa nước mưa nên theo chú Thành thì “Đó giờ ở đây nước ngọt quanh năm. Năm 2016 mặn nhiều nhưng nghe đâu chỉ tới Phú Phụng (Bến Tre) thôi nên nghĩ nhà mình đã có nhiều nước rồi. Năm nay lần đầu mặn tới, thấy cây trồng khó khăn quá. Các năm tới, phải chủ động giữ nước trong mương vườn thiệt sớm”.
Thời điểm này chưa tới mùa hè nhưng vườn nhà chú Võ Văn Đài (ấp Phú An 2) râm ran tiếng ve. Khom lưng đắp lục bình làm mát mặt liếp, chú Đài buồn rượi vì 3 công vườn với khoảng 75 gốc chôm chôm “mùa trước trái thấy ham. Mùa này mới ra một cơi (theo chú thì ra đủ 3 cơi mới có thể làm trái- PV) thì bị mặn chụp nên cây bị rụng lá… Kiểu này năm nay chắc mất trắng rồi”.
Bí thư Đảng ủy xã Bình Hòa Phước Trần Minh Cảnh cho hay, xã có 3/6 ấp nằm ở phía sông Hàm Luông chịu ảnh hưởng của hạn mặn là ấp Bình Hòa 1, ấp Bình Hòa 2 và ấp Phú An 2. Tổng diện tích đất nông nghiệp của xã là 900ha. Trong đó có khoảng một nửa diện tích bị ảnh hưởng xâm nhập mặn (chủ yếu trồng nhãn, chôm chôm và một ít trồng sầu riêng, cây giống). Trong đó một số đang cho trái, một số chuẩn bị làm đọt.
Dẫn nước ngọt sông Cổ Chiên vô vườn
Nhằm giúp cho bà con nắm bắt thông tin và chủ động ứng phó, mỗi ngày 2 buổi (sáng- chiều) xã đều cập nhật tình hình độ mặn và thông tin tại nhà văn hóa, các chợ… để bà con tiện theo dõi. Ông Nguyễn Lâm Đệ- Bí thư kiêm Trưởng ấp Bình Hòa 2 thì mỗi ngày 2 buổi đều đến chợ cập nhật thông tin và có khuyến cáo cho bà con trong việc tưới tiêu.
Tại rạch Cầu Mương (ấp Bình Hòa 1), dì Nguyễn Thị Hoa bán nước giải khát ven đường cho biết: “Cánh này không mặn hung. Mỗi khi ở đây có nước ngọt vô là các loại ghe bơm cát, xe ba gác, xe tải… tấp nập tới lấy nước.
Có người còn xách thùng đi bộ lấy nước về. Nghe nói chủ yếu để dành tưới cây. Hồi tối này, nhộn nhịp tới khuya”. Chỉ vào các lu nước bên hông nhà, bà Hoa cho hay: “Nhà tui cũng lấy nước từ rạch này lên xài “ngày bơm, ngày nghỉ”.
Ông Nguyễn Thanh Triết- Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Bình Hòa 1- cho biết, hổm rày đo độ mặn có nơi lên tới 2- 3‰, không cách gì tưới cho cây được nên các xe chở nước chạy liên tục trong xã để đáp ứng nhu cầu cung cấp nước tưới cây cho bà con.
Ông Trần Minh Cảnh nói, ngay sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, nhận định được tình hình xâm nhập mặn lên từ từ: từ Cái Mơn tới Sơn Định, Vĩnh Bình rồi Phú Phụng (Bến Tre) nên xã đã dự báo, thông báo đến người dân, có kế hoạch chủ động ứng phó. Theo đó, đã nạo vét kinh mương để hứng nước từ sông Cổ Chiên qua, vận động người dân trữ nước ngọt và cho đóng 100 nắp bộng để trữ nước. Bên cạnh, UBND huyện hỗ trợ 50 thùng chứa nước (500 lít/thùng)…
Ông Trần Minh Cảnh cũng cho hay, trên địa bàn xã Bình Hòa Phước có QL57 đi qua, dưới đường lộ có cống nước lớn (đường kính khoảng 1,5m) được làm từ lâu nhưng từ lâu không sử dụng nên bị bồi lắng. Vừa qua, xã đã vận động khơi thông để dẫn nước ngọt từ phía ấp Phước Định 1 qua Bình Hòa 1.
Bên cạnh, xã phối hợp với bộ phận chuyên môn của Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện để khảo sát, thiết kế, thi công 2 con đập dã chiến ngăn không cho nước mặn từ phía sông Hàm Luông lấn vô mà dẫn nước ngọt từ sông Cổ Chiên vào, kinh phí từ huy động sức dân và nguồn thủy lợi phí của xã.
Cống nước nằm dưới QL57 từ lâu bị bồi lắng đã được khơi thông để dẫn nước từ sông Cổ Chiên vô các vườn cây. |
Theo ông Trần Minh Cảnh, hạn mặn ảnh hưởng gây nhiều khó khăn nhưng các hộ dân, nhà vườn đang linh động các giải pháp để thích ứng, cứu vườn như nạo vét kinh mương, đặt mô tưa bơm nước, có hộ còn linh hoạt xử lý cho cây ra trái mùa nghịch để tiết kiệm nước…
Là người “cha sanh mẹ đẻ lớn lên ở đất này” đến nay đã 76 tuổi nhưng “lần đầu mới thấy bị mặn”, chú Võ Văn Đài nói: “Mọi năm thời điểm này nước rong là mình thả vô ngập đóng mé, nước ra vô cây mới tốt. Giờ lớp trên khô, dưới mương cũng khô queo, cây không sụp sao được?”
Nói là “buồn ve kêu” nhưng chú Đài không bỏ cuộc mà đang tích cực cứu vườn. “Tui đã lót bạt làm mương dã chiến. Mấy ngày này mua nước ngọt khó trần thân. Ghe nó đi bỏ nước tùm lum nên hẹn nay hẹn mai hoài nhưng cũng kêu được 15 khối. Nắng nóng thì mình đắp lục bình, đắp bùn cho mát gốc cây… Mong cây khỏe để mùa sau cho trái tiếp. Năm tới biết rồi, mình nạo vét mương vườn để giữ nước ngọt được nhiều hơn”.
Ông Nguyễn Văn Đẳng- Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Phước: Bà con cần chia sẻ nguồn nước lẫn nhau Dù đã có chủ động trước nhưng hạn mặn gây ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt, gây khó khăn cho một số hộ dân. Có hộ phải mua nước ngọt (nước sông) với giá cao 50.000- 60.000 đ/m3, thậm chí hơn 100.000 đ/m3. Vừa qua, có tình trạng một số hộ xả nước máy trữ lại để sinh hoạt, tưới tiêu khiến nước máy bị yếu, gây ảnh hưởng các hộ khác. Do đó, xã tuyên truyền người dân sử dụng nước tiết kiệm, chia sẻ nguồn nước lẫn nhau… |
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- TUYẾT HIỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin