Trong những ngày lênh đênh vòng đảo Tây Nam cùng tàu 632, chúng tôi luôn mong chờ khoảnh khắc sáng sớm, trước khi tàu cập cảng, thuyền trưởng sẽ bật vài bài hát về biển rồi mới phát loa thông báo về lịch trình trong ngày.
Trong những ngày lênh đênh vòng đảo Tây Nam cùng tàu 632, chúng tôi luôn mong chờ khoảnh khắc sáng sớm, trước khi tàu cập cảng, thuyền trưởng sẽ bật vài bài hát về biển rồi mới phát loa thông báo về lịch trình trong ngày.
Buổi sớm mai ở Nam Du lắng đọng với “Biển hát chiều nay”: “Ơi biển Việt Nam, ơi sóng Việt Nam!/ Qua bao nhiêu thăng trầm mà chiều nay vẫn dịu dàng/ Vùi sâu dưới đáy những gì đau thương/ Biển lại hát tình ca, biển kể chuyện quê hương”.
Đoàn đến thắp nén hương tưởng nhớ người dân Kiên Giang thiệt mạng trong cơn bão số 5. |
“Khúc tình ca” của Nam Du khiến lữ khách ngẩn ngơ trước biển trời kỳ vỹ như lời ví von “Hạ Long phương Nam”. Tại đây, chúng tôi có cuộc trò chuyện với Thiếu tá Nguyễn Minh Dũng về cuộc hội ngộ tại nơi ông đã gánh từng viên gạch mà xây đắp vùng đất này.
Có một “vịnh Hạ Long” trên vùng biển Tây Nam
Nam Du là quần đảo xa nhất của huyện Kiên Hải (Kiên Giang), nằm cách TP Rạch Giá hơn 80km đường biển. Nơi đây có 21 hòn đảo hoang sơ, đẹp kỳ vĩ tạo thành quần thể được mệnh danh là “Hạ Long phương Nam”, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế.
Bến tàu buổi sáng nhộn nhịp, những chiếc tàu cao tốc lớn nối đuôi nhau xếp hàng dài tại cầu cảng. Bên bờ kè, những tấm phên phơi đầy cá xương xanh. Bất kể đàn ông hay phụ nữ, những bóng người thoăn thoắt xếp cá, phơi cá và thỉnh thoảng lại ra đảo cá cho nắng khô đều. Đi vài bước khỏi khu chợ tấp nập, khung cảnh hiện lên quá đỗi bình yên khi những người phụ nữ đan lưới bên hiên nhà, những người đàn ông xẻ gỗ, đóng đồ đạc cạnh biển.
Không gian biển đẹp mà cứ gợi buồn, gợi thương. Cho đến nay, nhiều người dân vẫn còn sợ hãi khi kể lại thời khắc cơn bão số 5, năm 1997 ập đến và cảnh tượng hoang tàn khi nó quét qua. Cách không xa cầu cảng Nam Du, một tấm bia tưởng niệm những nạn nhân bị thiệt mạng do cơn bão được dựng lên.
Trước hành trình thăm quân và dân trên đảo, đoàn chúng tôi đã đến thắp nén hương tưởng nhớ người dân Kiên Giang thiệt mạng trong cơn bão. Vào tháng 11/1997, cơn bão số 5 đã đổ bộ làm hơn 2.500 tàu cá bị đánh chìm và mất tích, hàng ngàn ngôi nhà bị sập. Càng đau lòng hơn khi cơn bão cướp đi sinh mạng 460 người, làm bị thương gần 340 người khác.
Chở tôi trên chiếc xe máy đi vòng đảo, chú Nguyễn Ngọc Bé cho biết nửa đường vòng quanh đảo khi xưa là vách núi, ghe thuyền đi vòng biển chứ không đi bộ được, từ khi đường quanh đảo thông thương, có khách du lịch, nhà nghỉ, khách sạn, các hàng quán mọc lên, tạo việc làm cho người dân đảo rất nhiều.
Chú Nguyễn Ngọc Bé nói: “Ngày trước nguồn hải sản ít dần, người ta bỏ đảo đi muốn hết, nhưng sau khi có du lịch tự phát thì người ta kiếm sống được, bám trụ lại, phát triển như hôm nay. Giờ mà đến rủ thanh niên ở đây… nhậu cũng hổng có thời gian đâu, ai cũng có công ăn chuyện làm đâu có bỏ bê được. Mỗi ngày có 3 chuyến tàu cập cảng, đón trên dưới 600 khách, cuối tuần thì có thể 1.000- 2.000 khách, hè thì tăng gấp 4 lần”.
Ông Lê Quốc Lệnh- Phó Chủ tịch UBND xã An Sơn- cho biết, xã hướng tới phát triển du lịch khám phá. Đến với Nam Du, du khách được cùng ăn, cùng ở, cùng tận hưởng đời sống gắn chặt với biển của bà con. Những bãi tắm khá hoang sơ thu hút khách như bãi Mến Lớn, Mến Nhỏ, bãi Sỏi, bãi Ngự, hòn Mấu, ngắm đảo san hô Hòn Ông...
“Và điều tạo ấn tượng với du khách không chỉ là cảnh đẹp mà là thái độ thân thiện của người dân. Chúng tôi luôn bảo nhau không vứt rác xuống biển, không bẻ san hô, cùng giữ gìn môi trường sinh thái, dọn rác trên bãi... Tất cả bà con nơi đây, từ người kinh doanh du lịch đến người dân đều có ý thức bảo vệ cảnh đẹp cũng như môi trường nơi mình sống”- ông Lê Quốc Lệnh chia sẻ.
Nam Du được ví von như một “Hạ Long phương Nam”. |
20 năm trở lại Nam Du
Trong mấy ngày vòng đảo Tây Nam cùng tàu 632, Thiếu tá Nguyễn Minh Dũng (Hải đội 511, Lữ đoàn 127) là một trong những người thầm lặng vất vả nhất vì phụ trách máy tàu, kiểm tra vận hành máy móc. Khi đoàn lên thăm Trạm Ra đa 615 ở Hòn Chuối và Trạm Ra đa 600 ở Nam Du, Thiếu tá Nguyễn Minh Dũng đặc biệt có nhiều cảm xúc, chú bảo rằng: “Tôi như được trở về nhà”.
Chỉ vài tháng ra công tác ở Lữ đoàn 127 tại Phú Quốc, năm 1992, trước tình hình phải bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân nhận nhiệm vụ thành lập mới 2 trạm Ra đa ở Hòn Chuối và Nam Du. Chú Dũng cùng các đồng đội là những người đặt chân ra đảo đầu tiên, xây dựng các trạm và phụ trách phát điện làm thông tin liên lạc và cung cấp điện cho trạm ra đa để làm việc.
Hòn Chuối tháng 2/1992 trong ký ức của chú là một hòn đảo không người, chỉ có rừng cây rậm rạp, đầy muỗi và rắn rết.
“Ngày đầu đặt chân ra đảo, chúng tôi phải chặt cây, phát lối đi, xác định tọa độ cao nhất để lập trạm ra đa. Nhà tiền chế chỉ là gác tạm mấy tấm phên, nằm trên phản gỗ mà ngủ. Phải gánh từng thùng nước vượt dốc núi lên để sinh hoạt, phục vụ chạy máy, rồi xây hầm chứa nước để mưa xuống có chỗ trữ nước. Trạm Ra đa Nam Du tháng 10/1992 cũng chỉ là một đồi trống do chính quyền Sài Gòn để lại, anh em lên đảo mới bắt đầu xây nhà tiền chế, gánh từng viên gạch mà xây nên”- Thiếu tá Nguyễn Minh Dũng kể.
Hết thời gian công tác trên trạm ra đa, chú Dũng trở về trạm phát điện Phú Quốc. Tròn 20 năm sau, khi đảm nhận nhiệm vụ máy tàu ở tàu 627, Hải đội 511, chú mới có cơ hội quay lại trạm ra đa: “Mừng rỡ vì cũng có ngày quay trở lại nơi mình đã góp công xây dựng. Kỷ niệm về 2 trạm ra đa và các đồng đội hằn sâu trong ký ức, khi đặt chân bước lên hòn đảo, ký ức đó sống lại. Tôi không ngăn được cảm xúc tự hào vì mình góp công xây dựng “những con mắt thần” quan sát mặt biển. Tự hào hơn khi anh em chiến sĩ hôm nay đã tiếp tục giữ gìn và hòn đảo đã đổi thay, tiến bộ hơn nhiều”.
Làn da rám nắng mặn mòi, nở nụ cười hiền lành, người chiến sĩ dạn dày sương gió bồi hồi: “Trạm Ra đa 615 ở Hòn Chuối là nơi tôi đón tết đầu tiên xa nhà”.
Qua gần 30 cái tết xa quê Hải Phòng, chú không còn nhớ rõ mình đã từng đón tết ở đâu trên biển trời Tổ quốc này nhưng lần đầu ở Hòn Chuối và lần ở Trường Sa thì không thể nào quên: “Tết năm 2014, chúng tôi ăn tết trên quần đảo Trường Sa, vì phải chở vật liệu ra xây dựng công trình trên đảo Đá Lát. Xa nhà, sóng to, gió lớn rất vất vả nhưng anh em có niềm tin, được trui rèn bản lĩnh nên lúc nào cũng lạc quan, yêu đời”.
Tốt nghiệp chuyên ngành máy tàu Trường CĐ Giao thông Vận tải Trung ương VI ở TP Hồ Chí Minh, chú Dũng không do dự xin vào Hải quân chỉ vì “muốn biết biển cả bao la nơi ba mẹ đã công tác như thế nào”.
Thiếu tá Nguyễn Minh Dũng có nhiều kỷ niệm với Trạm Ra đa 600 ở Nam Du trò chuyện cùng phóng viên Báo Vĩnh Long- tác giả bài viết. |
Ánh mắt ánh lên niềm tự hào, chú Dũng kể: “Cả bố và mẹ tôi đều công tác ở Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân. Bố Nguyễn Văn Nghiệp từng công tác ở đoàn tàu không số, trên con đường Hồ Chí Minh trên biển đã cùng đồng đội thực hiện xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam. Với tôi, tình yêu biển, nặng nợ với non nước, muốn đóng góp chút sức mình cho Tổ quốc này đều bắt nguồn từ lòng tự hào về bố”.
Theo chú Dũng đi một vòng thăm Trạm Ra đa 600 ở Nam Du rồi chúng tôi leo lên hải đăng ngắm nhìn toàn cảnh hòn đảo. Khoan khoái chờ gió phả vào mặt, chúng tôi chỉ muốn “nín thở” để thời gian ngưng đọng và ghi nhớ thời khắc “Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi!”
Cảm giác sự trong trẻo, nên thơ của vạn vật được ông trời cất giấu ở Nam Du chờ những kẻ may mắn đến đây tìm thấy. Hạnh phúc là khi được chạm tay vào làn nước trong vắt ở bãi Mến, đứng trên dải cát trắng mịn phóng tầm mắt ra nhìn mặt trời như một quả cam chín mọng khổng lồ lửng lơ treo trên mặt biển.
Ở Nam Du, khung cảnh yên bình này, giọng nói ấm ấp kể về tình yêu biển của Thiếu tá Nguyễn Minh Dũng cho tôi cảm giác như được trở về trong trẻo và nhỏ bé. Giữa chốn an yên thấy mình như một cô nhóc lặng im đứng ngắm xuân về.
>> Kỳ cuối: Hải trình chở nặng những yêu thương
Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin