Kỳ 2: Phút giao thừa giữa biển trời Tổ quốc

05:01, 14/01/2020

Mỗi năm, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân đều tổ chức đoàn đại biểu, các phóng viên báo đài ra thăm, chúc tết cán bộ, chiến sĩ nhưng chuyến đi mùa Xuân Canh Tý 2020 lại vô cùng đặc biệt khi hải trình diễn ra đúng vào thời khắc Tết Dương lịch. 

Mỗi năm, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân đều tổ chức đoàn đại biểu, các phóng viên báo đài ra thăm, chúc tết cán bộ, chiến sĩ nhưng chuyến đi mùa Xuân Canh Tý 2020 lại vô cùng đặc biệt khi hải trình diễn ra đúng vào thời khắc Tết Dương lịch.

Đó là may mắn và cũng là ký ức khó phai mờ trong cuộc đời tác nghiệp của những phóng viên như chúng tôi. Một ngày rong ruổi cực nhọc ở Hòn Khoai. Và chúng tôi được chếnh choáng hạnh phúc đón giao thừa lênh đênh giữa biển trời Tổ quốc cùng những “cột mốc sống” ở giữa ngàn khơi.

Các chiến sĩ mừng rỡ đón chào đoàn công tác từ đất liền ra thăm.
Các chiến sĩ mừng rỡ đón chào đoàn công tác từ đất liền ra thăm.

Ngày rong ruổi trên đảo Hòn Khoai

Đảo Hòn Khoai nằm ở phía Đông Nam mũi Cà Mau thuộc địa bàn xã Tân Ân (huyện Ngọc Hiển). Từ đảo Thổ Chu đến đảo Hòn Khoai là khoảng cách xa nhất trong hải trình mà chúng tôi đi qua, mất 11 tiếng đồng hồ.

Để cập bến cảng Hòn Khoai, chúng tôi phải di chuyển thêm một chặng bằng tàu nhỏ của bộ đội biên phòng. Đoàn chúng tôi vừa háo hức vừa lo lắng, chuẩn bị tinh thần vì lời thông báo “phải lội bộ hơn 3km đường dốc để lên Trạm Ra đa 595”.

Các thủy thủ nhễ nhại mồ hôi chuyển từng thùng hàng, quà xếp gọn và chằng cột cẩn thận để theo xe của các chiến sĩ chinh phục đường dốc.

Đường đi quanh đảo có nhiều vực dốc, với những viên đá nằm ngổn ngang, chồng chất lên nhau chạy dài. Đường lên Trạm Ra đa thì chỉ có thể thốt lên 2 từ “dựng ngược”.

Đoạn thì đá lởm chởm, gồ ghề, đoạn thì được trải nhựa từ thời thực dân Pháp còn ở đây, tuy dễ đi hơn nhưng ai nấy cũng “mệt bở hơi tai” vì con dốc thăm thẳm.

Đoàn hơn 160 người thì có gần 1/3 là nữ, dù chân yếu tay mềm nhưng không một ai bỏ cuộc. Điều cảm động nhất là lời rủ rê của các phóng viên trẻ: “hôm lên Hòn Khoai nhớ mặc áo in hình cờ Tổ quốc nhé”.

Đoàn người mặc áo cờ đỏ sao vàng nắm tay nhau vượt dốc giữa bốn bề là núi, là rừng, với động lực chinh phục đỉnh núi để được gặp gỡ các chiến sĩ, cán bộ công tác ở nơi này, trao nhau lời động viên và cổ vũ của hậu phương.

Người đầu tiên chúng tôi gặp trên đảo Hòn Khoai là Trung sĩ Trần Minh Tâm- Trắc thủ Trạm Ra đa 595. Tâm cũng đang hì hục, nhưng không phải leo dốc như chúng tôi mà là đang… quét lá rụng, “lá cây mùa này rụng dữ quá, phải dọn dẹp thật sạch đẹp để đón đoàn lên chúc tết”- Tâm cười, chia sẻ.

Theo Trung sĩ Trần Minh Tâm, điều kiện sinh hoạt ở đây vô cùng thiếu thốn vì không có dân sinh sống, mọi thứ phải gửi mua theo từng ghe cá, ghe lưới thân cận.

Tầm 3 ngày người ta sẽ đem thực phẩm ra. Đoàn chúc tết năm rồi tặng cho 4 chiếc xe để chở lương thực, chứ mấy năm trước hoàn toàn bằng sức người, để đồ vô đòn gánh mà gánh. Tâm cho biết: “Em 20 tuổi, quê ở Sóc Trăng, đến Hòn Khoai công tác đã 2 năm.

Năm rồi ăn tết cùng các đồng đội, năm nay em sắp ra quân. Vui là sắp hoàn thành nhiệm vụ đối với đất nước, đoàn tụ với gia đình nhưng cũng thấy buồn lắm vì sắp xa những người anh em nơi này.

Đây giống như ngôi nhà thứ 2 của em. Khoảng thời gian công tác, học tập ở đây, em thay đổi hẳn ra, trưởng thành hơn, tự hào hơn khi là một người lính ở biên cương”.

Thượng úy Nguyễn Minh Mạng- Chính trị viên Trạm Ra đa 595- cũng cho biết, thời tiết ở đây rất khắc nghiệt, hàng năm tháng 11 đến tháng 5 thì thiếu nước sinh hoạt. Mùa mưa thì mây, giông sét...

Mặc dù còn nhiều khó khăn trong sinh hoạt, song cán bộ chiến sĩ nhận thức sâu sắc vai trò trách nhiệm và hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Chưa đến Tết Nguyên đán nhưng những cây mai trên Trạm Ra đa 595 đã trổ vàng. Tết nơi đầu sóng, ngọn gió dường như đến sớm hơn so với mọi nơi. Đó là khi những cán bộ, chiến sĩ được đón nhận tấm lòng ấm áp của hậu phương hướng về hải đảo thông qua những chuyến tàu chở hàng.

Những tình cảm, lời động viên từ hậu phương chứa đựng trong những cánh thư cũng sẽ giúp các anh vơi đi nỗi nhớ nhà, thêm vững vàng tay súng nơi cuối trời Tổ quốc.

Cách Trạm Ra đa 595 không xa là tháp hải đăng do thực dân Pháp xây dựng vào năm 1920. Tháp hải đăng Hòn Khoai là một trong những công trình đèn biển có mặt sớm nhất tại hải phận Việt Nam. Dù đã tồn tại gần 100 năm nhưng kiến trúc của nó vẫn còn khá nguyên vẹn.

Đây là một trong những ngọn hải đăng nằm trong hệ thống đèn biển Cần Giờ- Côn Đảo- Hòn Khoai- Phú Quốc để chiếu sáng cho tàu biển đi lại trên biển Đông.

Tại tháp hải đăng này, ngày 13/12/1940, thầy giáo, chiến sĩ cách mạng Phan Ngọc Hiển lãnh đạo quân nổi dậy khởi nghĩa Hòn Khoai giành thắng lợi, ghi mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc.

Phút giao thừa giữa biển

Nhóm phóng viên cùng mặc áo in hình cờ Tổ quốc, vượt dốc để lên Trạm Ra đa 595 trên đỉnh núi.
Nhóm phóng viên cùng mặc áo in hình cờ Tổ quốc, vượt dốc để lên Trạm Ra đa 595 trên đỉnh núi.

Chuyến thăm đảo Hòn Khoai kết thúc trong tiếc nuối khi có một phóng viên trong đoàn phải gác lại hải trình sớm hơn dự kiến.

Trên đường leo dốc Hòn Khoai đi về tàu, chị không may bị ngã và bị thương ở tay. Dù đau nhưng không hề rớt một giọt nước mắt, chị chỉ nghẹn ngào “còn chưa được đi vòng hết đảo Tây Nam, còn chưa gặp gỡ hết các chiến sĩ”.

Mới chỉ một ngày nhưng chúng tôi đã thấm thía cuộc sống nơi này gian khó đến mức nào, vậy mà quanh năm, các chiến sĩ, cán bộ phải vượt rừng lên xuống, bám đảo để giữ gìn mảnh đất này. Quá đỗi tự hào khi được làm nghề cầm bút và có những chuyến đi thực tế.

Chính mắt thấy, chính tai nghe mới có những tư liệu, tình cảm thật nhất mà hiểu rằng viết về biển đảo quê hương là trách nhiệm, và ý thức bảo vệ bình yên Tổ quốc này phải là của tất cả chúng ta.

Chiều 31/12, ngày cuối cùng của năm 2019 dần khép lại. Gió lớn, con sóng vồn vập mạnh hơn thường ngày. Ráng chiều ửng hồng nấp sau Hòn Khoai đang mờ dần, mờ dần khi tàu chúng tôi tiến về phía đảo
Hòn Chuối.

Tàu thả neo giữa biển, đợi trời sáng để lên Hòn Chuối. Vào 23 giờ 30 phút, đoàn công tác đã tổ chức lễ mừng năm mới cho hơn 160 cán bộ, chiến sĩ và phóng viên báo chí.

Đại tá Lê Xuân Phong- Phó Chính ủy Vùng 5 Hải quân- đã gửi những lời chúc tốt đẹp đến cán bộ lãnh đạo các tỉnh phía Nam và phóng viên báo chí có mặt trên chiếc tàu 632. Mừng xuân trên tàu, lênh đênh trên biển là khoảnh khắc thường xuyên của các cán bộ chiến sĩ nơi đây.

Tôi leo mấy bậc cầu thang, ngồi vào chỗ cao nhất phía cuối tàu. Ánh trăng vằng vặc sáng rực in bóng xuống mặt biển đang gợn sóng. Gần bờ Hòn Chuối có mấy con tàu bật đèn nhấp nháy, nhấp nháy như những con đom đóm ở đất liền.

Bài hát “Happy new year” được các anh chiến sĩ hát là khúc nhạc xuân hay nhất mà tôi từng nghe. Bài hát của những người canh giữ biển khơi là bản hòa ca thêm tiếng sóng, tiếng gió, thêm tình yêu biển, đảo này và thêm hy vọng vào một ngày mới thật đẹp.

Tết của những người lính hải quân rất đặc biệt. Nó là sự hội tụ đầy đủ các phong tục vùng miền của cả nước, nào là những đòn bánh tét, cành mai vàng rực rỡ của phương Nam hay những cặp bánh chưng, bánh giầy và cành đào đỏ thắm của phương Bắc…

Có người không nhớ nổi mình đã có bao nhiêu cái tết xa nhà, từng đón tết ở đâu trên mảnh đất hình chữ S. Tuy nhiên, dù ở đâu thì quê nhà vẫn theo họ trên mỗi chặng hành quân.

Tình đồng chí, đồng đội sum vầy và quây quần bên mâm cỗ ngày tết đã khiến cho đoàn công tác chúng tôi hiểu hơn về tinh thần đoàn kết, gắn bó keo sơn, tình đồng chí của người con đất Việt nơi đảo xa.

Tôi bỗng thấy nhớ câu “Hát mãi khúc quân hành” của Trung tá Nguyễn Văn Khiêm- Lữ đoàn 127- khi cùng các đồng đội gói bánh chưng. Người “thầy”, người “bố” của các chiến sĩ Tàu 954 đã có 30 năm kinh nghiệm gói bánh chưng ở đơn vị.

Xác định “Tàu là nhà, biển cả là quê hương”, trong hơn 20 cái tết xa nhà, Trung tá Nguyễn Văn Khiêm nhớ nhất tết năm 2016: “Từ 29 đến mùng 3 tết, anh em ở trên biển cứu kéo 3 chiếc xà lan bị trôi dạt. Bánh kẹo tết có sẵn nhưng không có thời gian dùng, trang trí tết ở ngoài cổng, phông bạt bị gió cuốn bay hết.

Giao thừa đến khi đang thực hiện nhiệm vụ, biết là đến giờ nhưng vì bảo đảm an toàn cho ngư dân nên anh em động viên nhau hoàn thành nhiệm vụ. Sau mùng 3, anh em mới về đón tết nhưng thấy rất vui”. Tất cả dù là niềm vui hay nhọc nhằn, những người lính “áo vằn cánh sóng” vẫn kiêu hãnh, kiên cường bám đảo quê hương.

Kỳ 3: Về xuôi, nhớ thương hoài Hòn Chuối

Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh