Còi tàu 632 của Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân hối hả thúc giục chúng tôi bắt đầu chuyến hải trình thăm, chúc tết cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên vùng biển Tây Nam. "Nín thở" từ trên hải đăng ngắm nhìn dải biên cương xanh thẫm cuối trời Tổ quốc, chứng kiến những giọt mồ hôi, nụ cười của những người con vượt qua gian khó, ngày đêm bám đảo, giữ gìn chủ quyền thiêng liêng, mới thấy mình nhỏ bé đến chừng nào. Đi để thấm thía lời nhắc nhở tự hào "Tổ quốc luôn ở trong tim", phải làm gì khác hơn cho đất nước mình.
Còi tàu 632 của Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân hối hả thúc giục chúng tôi bắt đầu chuyến hải trình thăm, chúc tết cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên vùng biển Tây Nam.
“Nín thở” từ trên hải đăng ngắm nhìn dải biên cương xanh thẫm cuối trời Tổ quốc, chứng kiến những giọt mồ hôi, nụ cười của những người con vượt qua gian khó, ngày đêm bám đảo, giữ gìn chủ quyền thiêng liêng, mới thấy mình nhỏ bé đến chừng nào. Đi để thấm thía lời nhắc nhở tự hào “Tổ quốc luôn ở trong tim”, phải làm gì khác hơn cho đất nước mình.
Cuộc sống đang khởi sắc từng ngày, hệ thống điện, đường, trường, trạm dần hoàn thiện và những tình cảm sâu nặng, hơi ấm từ đất liền, hậu phương tiếp thêm động lực cho những người con nơi hải đảo. Giữa trùng khơi, tàu rẽ sóng, có tiếng hát quyện vào tiếng sóng trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Xuân đang về trên biển đảo Tây Nam…
Kỳ 1: Thổ Chu một sớm mùa xuân
Các bé mẫu giáo trên đảo được cô Kim Anh giới thiệu hình ảnh nhành mai và bánh chưng. |
Chuyến hải trình khởi hành lúc nửa đêm tại Phú Quốc, sóng êm, biển lặng, con tàu băng băng vượt 100km về Thổ Chu nhanh hơn dự kiến. 4 giờ sáng, tàu thả neo giữa biển, chờ nắng lên mới cập cảng. Thổ Chu lãng đãng ẩn hiện trong màn sương sớm, “người đất liền” nôn nao cả đêm không ngủ, mong nghe còi tàu vang lên 3 tiếng… Chúng tôi đến rồi, Thổ Chu ơi!
Nhộn nhịp ngày mới
Tàu vừa cập cảng Thổ Chu đã nghe các đại biểu, phóng viên từ miền Bắc cảm thán: “Ước được ở đây thêm vài ngày, trời ấm áp quá, miền Bắc đang rét buốt đây”.
Đoàn Vĩnh Long thì đặc biệt vui mừng hơn, khi có một vị khách ra tận bến cảng chờ cả tiếng đồng hồ. Anh Đinh Trung Tín (quê ở xã Long Phú- Tam Bình), cùng vợ đều là người Vĩnh Long đã ra Thổ Chu dạy học hơn 10 năm. Lần đầu gặp cứ ngỡ thân quen tự bao giờ, anh nắm chặt tay mọi người trong đoàn, rưng rưng chào và chốt cuộc hẹn “Chiều nay mời đoàn ghé nhà em ăn cơm”.
Thổ Chu một sớm mùa xuân. |
Chúng tôi vừa đi vài bước rời bến cảng là bắt gặp ngay khu chợ. Nếu không có dãy bán hải sản với những loại cá biển rất lạ, rất to thì khó mà biết đây là chợ ở một xã đảo xa xôi. Người mua, kẻ bán tấp nập, rau quả, thịt cá, hàng bán tạp hóa chất đầy, không thiếu thứ gì.
Hiện, chỉ có duy nhất chiếc tàu khách Thổ Châu 09 cứ 5 ngày ra đảo một lần, tàu ở một hai hôm sẽ quay trở lại nên ngày có tàu cập bờ là lúc bến thuyền nhộn nhịp khác hẳn ngày thường. Cô bán quần áo quê ở Cần Thơ, đon đả mời: “Mua đồ tết đi các em ơi, tàu mới cập cảng cái độp, đồ lấy từ chợ An Đông- Sài Gòn về đẹp lắm!”
Băng qua một cổng chào đầy cờ hoa ghi tên đảo, chúng tôi gặp các em học sinh trong bộ đồng phục đang thong thả đạp xe đến trường. Thấy đoàn khách hàng trăm người đang tiến về, chụp ảnh, quay hình, các em bẽn lẽn cười tươi hợp tác: “Con được lên tivi!”
Đoàn chúng tôi trang nghiêm đến thắp nén hương tại đền thờ Thổ Châu. Cách đây 45 năm, chỉ 10 ngày sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Pol Pot đã đưa quân ra đánh chiếm đảo Thổ Chu.
Tại đây, chúng đã bắt, đưa đi và sát hại hơn 500 đồng bào vô tội, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho gia đình các nạn nhân, cho quê hương đất nước. Để tiến công giải phóng đảo Thổ Chu, hàng chục cán bộ, chiến sĩ quân đội đã anh dũng ngã xuống.
Để ghi nhớ công ơn, tưởng nhớ hương hồn chiến sĩ đã hy sinh vì chủ quyền biển đảo của Tổ quốc và đồng bào vô tội bị sát hại, năm 2011, ngôi đền Thổ Châu được xây dựng và trở thành địa chỉ tâm linh để mọi người đến thăm đảo tưởng niệm, ghi công.
Đến thăm, chúc tết các đơn vị trên Trạm Ra đa 610 (Tiểu đoàn 551), chúng tôi đã gặp một vị khách quý. Chú Lê Trường Giang (65 tuổi) đã có gần 30 năm sinh sống trên đảo, cho biết: “Sau vụ thảm sát, một thời gian dài trên đảo chỉ có lực lượng bộ đội đóng quân.
Mãi đến năm 1993, cha của tui là ông Lê Trắc quê gốc ở xã Thành Lợi, TX Bình Minh,Vĩnh Long- cán bộ về hưu, người từng có thời gian dài làm chuyên gia quân sự giúp nước bạn Campuchia dẫn 3 hộ dân đầu tiên ra đây lập nghiệp theo chính sách di dân của Chính phủ, có hỗ trợ kinh phí để sinh sống. Cha tui đã thành lập chi bộ Đảng với 3 đảng viên và trở thành Bí thư chi bộ đầu tiên của xã Thổ Châu”.
Thổ Chu ngày càng sung túc hơn với hệ thống điện, đường, trường, trạm dần hoàn thiện. |
Ấm tình quân dân đồng lòng
Chú Lê Trường Giang kể, khi mới theo cha ra đảo, mọi thứ đều rất khó khăn: “Hồi trước lội đường rừng không à, đâu có cầu cảng, nếu chở dừa ra thì liệng dừa xuống, đu theo dừa lội vô bờ. Ban đêm đốt đèn dầu leo lét, mua lon sữa con bú mà cũng phải chạy vào đất liền. Còn nếu bị bệnh thì chỉ biết lạy ông trời cho khỏi chứ chẳng có thầy thuốc, trạm xá đâu mà đi khám”.
Như một “quyển từ điển sống” thuộc từng ngõ ngách, nhớ rõ từng đổi thay của xã đảo, chú Hai Giang cười sảng khoái chỉ về phía con đường mới tinh dẫn đến Trạm Ra đa 610: “Con đường này mới làm hồi cuối năm, giờ xe đi bon bon vòng đảo rồi nghen, thông thương qua lợi, trường, trạm y tế gì cũng có. Quân dân đoàn kết. Tết nhứt thì bộ đội xuống nhà dân chơi như ở gia đình”.
Buổi trưa trên đảo, chúng tôi thả bộ vào thăm trường mẫu giáo duy nhất ở đây. Cô giáo Võ Thị Kim Anh chính là vợ anh Tín vừa ra đón đoàn lúc tàu cập cảng. Gần 40 bé rôm rả chào hỏi chúng tôi. Các bé đang được cô Kim Anh kể chuyện về bánh chưng và cây mai tết. “Người từ đất liền” ai nấy cũng nghẹn ngào khi nghe chị Kim Anh kể “có bé lớn lắm rồi mà không biết hoa mai tết”.
Những bông hoa mai giả được chị xin của các anh bộ đội từ đoàn chúc tết năm ngoái, cất thật kỹ rồi năm nay lấy ra. Cái bánh chưng thì được tận dụng làm từ vỏ hộp sữa. Không khí tết không rộn ràng như ở đất liền nhưng lại ngọt ngào, ấm áp không kém bởi tấm lòng đoàn kết quân dân.
Đoàn công tác tỉnh Vĩnh Long ghé thăm nhà anh Đinh Trung Tín (quê ở xã Long Phú, huyện Tam Bình- Vĩnh Long). Anh cùng vợ đều là người Vĩnh Long đã ra Thổ Chu dạy học hơn 10 năm. |
Không thể nói bằng lời nhưng chúng tôi cảm nhận sâu sắc, quân và dân trên đảo hỗ trợ, giúp đỡ nhau mà sống, mà bảo vệ chủ quyền trên mảnh đất này. Điều đáng khâm phục nhất chính là họ đã cùng nhau bảo vệ rừng, giữ gìn màu xanh trên đảo. Hòn đảo có diện tích khoảng 14km2 thì rừng chiếm gần 80%.
Xe chúng tôi chạy vòng đảo thấy xanh ngắt một màu. Những cây cổ thụ thẳng đứng, thân cây lớn hơn 2- 3 người ôm, hàng trăm năm tuổi mà người dân hay gọi là cây da, cây kơ- nia. Trước đây, diện tích rừng thường xuyên bị chặt phá nhưng giờ tình trạng này đã không còn nhờ sáng kiến bảo vệ rừng của các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 152.
Đại tá Dương Đức Mười- Trung đoàn Trưởng, Trung đoàn 152- cho biết: Đơn vị phối hợp các lực lượng, nhân dân quyết tâm bằng mọi mặt thay đổi chất đốt trên đảo. Năm 2016, thay vì chặt cây rừng, Trung đoàn mua trấu (được ép thành từng bánh, mỗi bánh nặng 500g) từ đất liền ra để bà con làm chất đốt.
Ban đầu, nhiều bà con cũng không hưởng ứng tích cực, vì cho là tốn kém. Nhưng anh em trung đoàn không ngại chở chất đốt đến tận nhà giúp bà con. Trung đoàn tăng cường vận động, tuyên truyền và bố trí lực lượng tuần tra, xử lý nghiêm những đối tượng cố ý chặt phá cây rừng. Nhờ đó, hơn 3 năm qua, rừng trên đảo không còn bị chặt phá.
Từ 7 hộ dân đầu tiên ra đảo, đến nay đảo có hơn 2.000 nhân khẩu, áp lực sử dụng nước sạch thật không nhỏ. Trung đoàn đã đào hồ dự trữ 260.000m3 nước. Nguồn nước sạch kịp thời cung cấp cho sinh hoạt của bộ đội và người dân trên đảo, phục vụ cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, giữ mãi màu xanh cho hòn đảo tiền tiêu này.
Cờ Tổ quốc bay trên nền trời, xung quanh là rừng núi phủ xanh hòn đảo. Quân và dân đoàn kết, đồng lòng khắc phục từng khó khăn nơi đầu sóng ngọn gió, giữ gìn biển đảo quê hương yên bình. Chạng vạng tối rời bến cảng lên tàu, tôi bỗng muốn giống như đại biểu từ miền Bắc, hay ở lại Thổ Chu thêm vài ngày để tận hưởng những ấm áp nơi này...
>> Kỳ sau: Phút giao thừa giữa biển trời Tổ quốc
Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin