Anh bạn đồng nghiệp rủ rê cuối tuần về quê tát ao bắt cá. Cảm nhận ngày tết những năm ấy vẫn còn sặc mùi tết. Vì đây là nét đặc trưng vùng sông nước quê tôi.
Anh bạn đồng nghiệp rủ rê cuối tuần về quê tát ao bắt cá. Cảm nhận ngày tết những năm ấy vẫn còn sặc mùi tết. Vì đây là nét đặc trưng vùng sông nước quê tôi.
Tôi sinh giữa thế hệ 8X nên may mắn biết được cảnh cá ục như cơm sôi, tôm nổi đỏ râu, mắm đầy khạp, đầy hũ. Và nghe được cách gọi tên nơi bắt cá cũng đầy ấn tượng như hố bom, vũng trâu, bãi lầy…
Hỏi ra đơn giản là hố sâu và rộng ấy do quả bom rơi nổ thời chiến tạo thành hố sâu nên gọi là hố bom. Còn vũng trâu? Trâu ngày trước nhiều vô số, có gia đình nuôi cả mười mấy, hai mươi con.
Cái vũng đó do trâu nằm, tắm ngày một to nên gọi là vũng trâu. Và cá vào đó sống, sinh sôi, đến tết mọi người trong xóm rủ rê nhau vô bắt cá ăn tết. Giờ cá tôm không còn nhiều nên nét đặc trưng này dần mai một. Và những hố, những vũng ấy được thời gian lấp đầy.
Cá tôm nhiều nên tết có những món đặc trưng. Nào là cá lóc rộng đầy cả khạp da bò để nướng trui cúng ông bà ba ngày tết, mấy xâu khô cá chạch phơi giăng giăng phía hiên nhà, mấy hũ mắm tép đỏ au. Thấy là thèm ngay. Mùi tết sặc mũi xung quanh chái bếp.
Cũng đúng thời điểm này, những phụ nữ trong xóm í ới rủ nhau chèo xuồng đi chợ sắm sửa những gì cần trong nhà trong cửa. Vén khéo lắm những người mẹ quê ngày ấy mua cho những đứa trẻ bộ quần áo mới. Bọn trẻ vui ngất ngây với mùi áo mới.
Tôi thích nhất những ngày hai mươi lăm, hai mươi sáu tết. Những ngày này, trong xóm nghe mùi chuối thơm ngọt từ những vỉ chuối, những chảo kẹo chuối. Những miếng mứt dừa trắng tinh xen lẫn những miếng mứt dừa xanh màu lá dứa. Những củ kiệu trắng phau dậy mùi được ngào đường phơi dưới nắng xuân.
Trong những món ấy, thức ấy, công phu và cực công nhất chính là món kẹo chuối. Phải ép chuối chín ra vỉ phơi. Phơi khô, chuối được xắt nhỏ thành sợi mỏng rồi bỏ đường và nước cốt dừa vào xào đến khi tan chảy và sánh sệt lại.
Lại được bỏ tí khóm và mạch nha, đậu phộng rang giòn vào để ăn cục kẹo cho thơm, cho béo. Chảo kẹo xào đã “tới” được đổ cán thành miếng mỏng. Chờ kẹo kết dính lại, cắt ra thành từng miếng nhỏ và bao bởi lớp giấy kiếng mỏng.
Những đôi tay phồng rộp cả lên với chảo kẹo chuối vì phải xào không nghỉ tay trong khoảng 3 tiếng đồng hồ. Thật khéo khen những người phụ nữ quê, đảm đan và vén khéo. Những người phụ nữ thương con và hiểu từng sở thích của mỗi đứa con. Đứa nào thích ăn món gì, ăn kèm với gì, họ nhớ tất tần tật.
Cuộc sống buộc con người phải chạy theo nhịp độ mà không chạy nghĩa là thụt lùi là tụt hậu. Chạy theo mãi nên quên cả thời gian lấy đi của ta biết bao điều trân quý. Mà cuộc sống ta không thực hiện được cho gia đình người thân.
Chạy theo mãi mặc cho thời gian trôi qua. Giờ nghe mùi tết chợt nhận ra, còn trẻ gì nữa đâu, cuộc sống cứ thay đổi theo thời gian. Đôi lúc ta nghe những câu không logic nhưng lại đúng với cách nghĩ của nhiều người. “Nhớ ngày ấy mình còn trẻ mà giờ mình đã gần bốn mươi”. “Mới đây mà đã già hết rồi”.
“Già lúc nào không hay, nhìn thấy con lớn mới hay mình già”. Người vặn vẹo nói: “Ừ thì ngày ấy mình còn trẻ, chứ sao già được”. “Thì một năm cũng 365 ngày mà”. Thật thì ai cũng thấy được thời gian trôi qua nhanh quá. Hôm nay, đã gần hai mươi tết rồi. Mình cũng thu xếp chuẩn bị về quê ăn tết thôi. Tết chỉ có một nơi để về đó chính là nơi “tiếng gọi đầu môi”- quê hương.
MAI KHA
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin