Có hai thứ gợi nhớ ký ức là âm nhạc và mùi hương. Những đứa trẻ lớn lên ở quê nhớ quay quắt những buổi lang thang ngược chiều gió, đếm từng mùi hương trong gió. Mùi hương của tuổi thơ có vị của no ấm, yên vui.
Những buổi chiều ngược gió trên cánh đồng tháng Giêng cũng là ký ức sống động trong mỗi người con sinh ra ở miền Tây. Ảnh: AN HƯƠNG |
Có hai thứ gợi nhớ ký ức là âm nhạc và mùi hương. Những đứa trẻ lớn lên ở quê nhớ quay quắt những buổi lang thang ngược chiều gió, đếm từng mùi hương trong gió. Mùi hương của tuổi thơ có vị của no ấm, yên vui. Nó là mùi lúa mới tỏa ra từ khói chiều của những ngôi nhà nhỏ nằm chênh vênh giữa ruộng. Nó là mùi mặn mòi đặc trưng của phù sa đồng bãi, mùi ngai ngái của khói đốt đồng.
Trong tâm trí con người, nốt nhạc bước vào, cảm nhận của ta về nó chộn rộn bước ra. Nhạc xuân lại rất đặc biệt vì rung cảm đến từ những thang âm như có… phép thuật. Nhạc xuân chỉ được mở mỗi khi đứng giữa sân nhà mà nghe gió đùa ngọn cỏ thoảng hương lúa mới, hương mai vàng rực và ngọt lịm đầu lưỡi như bánh mứt của bà. Theo từng thang âm, từng nốt nhạc, tết về đầm ấm trong hơi sương ngọt. Sinh khí len khắp nhựa cây mạch đất và thấm cả vào trong da thịt.
Tờ mờ sáng những ngày cuối tháng Chạp, chúng tôi còn cuộn tròn trong mền ấm thì ngoài ngõ đã nghe mẹ í ới gọi cô Tư hàng xóm đi chợ tết. Đài cassette vang lên những giai điệu “Mùa xuân gọi”: “Mùa xuân hát trên cánh đồng, gọi màu xanh đến vô cùng. Mùa xuân hát trong nắng vàng, gọi trời cao gió xôn xao. Mùa xuân hát trên môi người, gọi niềm vui đến mỗi ngày. Mùa xuân hát trong tim người, gọi tình yêu mãi ban đầu”.
Khi Internet và các thiết bị công nghệ hiện đại chưa thịnh hành, người ta nghe nhạc bằng đầu đĩa DVD, cassette hay loa phát thanh. Nhạc xuân vang lên trên cassette thì tết cũng chạm ngõ. Mỗi nhạc sĩ sẽ có cách xây dựng, cân chỉnh cho tác phẩm âm nhạc của họ khác nhau từ hợp âm, cách đánh nhịp, quãng… Mỗi loại nhạc đều có khán thính giả riêng nhưng nhạc xuân thì ngoại lệ. Dù già hay trẻ thì đó là âm nhạc của ký ức, của những ngày ấm êm sum vầy bên gia đình, của những khoảng trời bình yên mà nhiều người mong ước… Nếu nhạc buồn khiến mọi thứ như lắng đọng, nhạc vui tươi giúp phấn khởi thì nhạc xuân lại hội tụ tất cả những điều đó. Đó có thể là nỗi buồn, nhưng không phải là cái buồn não nề. Có thể là niềm vui, nhưng chẳng phải niềm vui nhanh nở chóng tàn.
Trong ánh mắt của trẻ thơ thì xuân là mùa đẹp nhất, vì được sắm sửa quần áo đẹp, được nhận lì xì, thỏa thích ăn dưa hấu, bánh mứt, nôn nao như nghe “Ngày tết quê em”: “Ngàn hoa thơm khoe sắc xinh tươi. Đàn em thơ khoe áo mới. Chạy tung tăng vui pháo hoa”. Đến khi đi học, đi làm xa quê thì ai mà không rơm rớm nước mắt, đứng tần ngần trước “Xuân này con không về”: “Con biết bây giờ mẹ chờ tin con. Khi thấy mai đào nở vàng bên nương. Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về. Nay én bay đầy trước ngõ mà tin con vẫn xa ngàn xa”.
Tết về với người lớn lắm lo toan hơn khi cô gánh hàng rong, chú chạy xe ôm ngoài đường vẫn còn đau đáu: “Sắp tết rồi, phải bán thêm mấy cái bánh, chạy thêm bao cuốc xe để đủ tiền mua cho sắp nhỏ bộ đồ đẹp hay đôi giày mới”. Bản nhạc xuân vang vọng giống như tiếng chuông báo hiệu một năm nữa sắp trôi qua. Người ta bắt đầu làm việc với năng suất cao hơn, tranh thủ làm thật tốt những điều ở năm cũ để năm mới trọn vẹn hơn.
Bản nhạc xuân vang lên, những người trẻ như muốn “nhảy chân sáo” chạy thật nhanh về nhà, sà vào lòng mẹ cha để quên đi những tất bật ngoài kia. Người buôn bán sẽ vui vẻ vì nhờ xuân mà họ bán đắt hàng. Nhưng cũng có người quen cuộc sống bình lặng, nghe khúc nhạc xuân thì tặc lưỡi “đang yên đang lành, tự nhiên tết”. Chỉ vài ba khúc hát xuân mà sao buồn có, vui có, trong hạnh phúc còn có nỗi lắng lo.
Nhạc xuân vang lên, nhắc nhở chúng ta giá trị của thời gian. Đã đến lúc gác lại những buồn vui của năm cũ. Về với người thân, tìm đến góc sân khoảng trời của riêng mình, nạp năng lượng chuẩn bị cho một khởi đầu mới. Đó là cơ hội để yêu thương bản thân, có thêm lý do để chăm chút cho chính mình, gặp lại người đã lâu chưa gặp…
Khúc nhạc xuân vang lên, lòng người cũng nôn nao lạ thường. |
Khúc nhạc xuân “trăm năm vẫn trẻ”. Khúc nhạc ấy cho chúng ta có chiếc vé trở về với tuổi thơ. Ở đó, hoa trái vườn nhà xum xuê đón tết, ruộng lúa trĩu vàng. Thấy bà đang ngồi xếp bằng trên bộ ván gỗ gói bánh tét, mẹ đang bày mâm ngũ quả và thấy mình cười tươi rói nhận bao lì xì. Chiếc cassette đã mở. Từ những thang âm… mùa xuân đang gọi.l
Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin