Cũng dịp mùa xuân, năm trước chúng tôi đã lên chuyến tàu Trường Sa 08 do Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân tổ chức đoàn ra thăm, chúc mừng năm mới cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1 và các lực lượng làm nhiệm vụ trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Những ngày lênh đênh trên đại dương xanh là hành trình rất nhiều kỷ niệm, rất nhiều háo hức lẫn bồi hồi…
Cũng dịp mùa xuân, năm trước chúng tôi đã lên chuyến tàu Trường Sa 08 do Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân tổ chức đoàn ra thăm, chúc mừng năm mới cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1 và các lực lượng làm nhiệm vụ trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Những ngày lênh đênh trên đại dương xanh là hành trình rất nhiều kỷ niệm, rất nhiều háo hức lẫn bồi hồi…
Mang mùa xuân đất liền đến với nhà giàn. |
Lên thăm lính nhà giàn
Những ngày giữa cuối tháng Chạp, ở đất liền tết đang mon men tới với những chợ hoa kiểng làm rực rỡ phố phường, nhưng giữa đại dương vẫn còn nhiều sóng to gió lớn. Thế nên, mãi sau nửa hành trình lênh đênh, chúng tôi mới được đặt chân lên Nhà giàn DK1/19- một trong hai nhà giàn thuộc cụm bãi cạn Quế Đường trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.
Trung tá Phạm Công Trãi- Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/19- cho biết: “Nhiệm vụ chính của nhà giàn là chốt giữ, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển được phân công quản lý. Đồng thời, nhà giàn cũng là một trạm khí tượng- thủy văn, thường xuyên thu thập các số liệu thời tiết gửi về đất liền, ngọn hải đăng chỉ đường cho tuyến hàng hải quốc tế. Là điểm tựa của ngư dân, tàu thuyền vươn khơi bám biển”.
Báo Vĩnh Long ra với chiến sĩ nhà giàn. |
Theo Trung tá Phạm Công Trãi, với 50 tuổi đời, ông đã có 30 năm tuổi quân và 26 năm phục vụ Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam. Người sĩ quan dạn dày kinh nghiệm nơi đầu sóng ngọn gió này nói với chúng tôi rằng ông đã đón hơn 10 cái tết ở nhà giàn từ bãi cạn Cà Mau đến Ba Kè.
“Những ngày đầu mới thành lập, nhà giàn còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, vất vả. Tuy vậy, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ đã luôn nêu cao tinh thần, ý chí quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ trên giao”- vừa nói Trung tá Phạm Công Trãi vừa đưa chúng tôi ra thăm vườn rau của lính nhà giàn. Cùng với hệ thống điện năng lượng mặt trời được lắp đặt cung cấp nguồn điện sáng, khu trồng rau xanh nhà giàn được che chắn, bảo vệ cẩn thận để chắn gió, sóng biển.
Giàn rau xanh tốt giữa đại dương của lính Nhà giàn DK1. |
Để có rau xanh mà “hễ từ đất liền ra Nhà giàn DK1 làm nhiệm vụ thì thường vác theo bao đất, túi phân, hạt giống”, cán bộ, chiến sĩ nhà giàn còn kể chúng tôi nghe nhiều câu chuyện rất thú vị. Chẳng hạn, trứng vịt lộn từ đất liền ra tới nhà giàn đã nở thành vịt con, lính nhà giàn vui lắm, “hy sinh” bớt bóng đèn sinh hoạt để ủ ấm cho nó.
Lính nhà giàn cũng thích nuôi chó. Những khi có chó con, đều tranh nhau cho ăn, cho bú sữa. Heo, gà cũng vậy. Nhà giàn nuôi heo to lắm, có con cả tạ rưỡi…
Đối với người lính nhà giàn, màu xanh từ những luống rau nảy mầm trên chậu đất cheo leo giữa trùng khơi, những con vật nuôi thân thương chính là hình ảnh của đất liền, quê hương yêu dấu, giúp họ thêm chắc tay súng, vững tin, vững chân trên các nhà giàn, bảo vệ vùng biển, vùng trời và chủ quyền thiêng liêng trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.
Cụm Kinh tế- Khoa học kỹ thuật- Dịch vụ thuộc tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, gọi tắt là DK1, là vùng biển rộng lớn trên 200.000km2 nằm trên thềm lục địa Đông Nam của nước ta. Toàn khu vực DK1 có 9 bãi ngầm được đặt tên Tư Chính, Phúc Nguyên, Phúc Tần, Huyền Trân, Quế Đường, Vũng Mây, Ba Kè, Bãi Đất, Bãi Đinh. Những chúa Nguyễn có công khai phá, mở mang bờ cõi vùng đất phương Nam được dùng để đặt cho các bãi ngầm ở vùng biển DK1. Đó là “Nguyễn Phúc Nguyên”, “Nguyễn Phúc Tần”. Và cả Huyền Trân công chúa- người đã có công mở mang châu Ô- châu Lý (tức Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế ngày nay). “Quế Đường” là tên hiệu của Nhà bác học Lê Quý Đôn. |
Đón tết trên Nhà giàn DK1
Từ tàu Trường Sa 08, Thiếu tá Nguyễn Tiến Long đi làm nhiệm vụ chính trị viên ở Nhà giàn DK1/8, đem mùa xuân đất liền lên nhà giàn và đón tết trên này.
Thiếu tá Nguyễn Tiến Long cho biết: “Luôn tổ chức đón Tết cổ truyền cho anh em thật đầm ấm, ý nghĩa. Ở nơi xa xôi, thiếu thốn, nguy hiểm nhất và có thể hy sinh bất cứ lúc nào, chúng tôi vẫn hướng về đất liền, gia đình và Tổ quốc”.
Trung tá Nguyễn Xuân Mạnh- Phó Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn DK1- bày tỏ: “Hơi ấm tình thương từ đất liền đem đến cho nhà giàn, anh em rất ấm lòng. Chúng tôi ý thức tinh thần trách nhiệm rất cao. Vui đón xuân mới, nhưng không quên nhiệm vụ, vị trí của từng đồng chí được giao”.
Ông cũng cho biết, so với trước đây, đời sống vật chất, tinh thần của anh em khác hẳn. Sự phát triển của đất nước cộng với nỗ lực của từng đồng chí, sự quan tâm của các cơ quan, ban ngành, đặc biệt Bộ Tư lệnh vùng và Quân đội đã có sự quan tâm đúng mực đối với đời sống bộ đội.
“Ăn tết ở nhà giàn không tết nào giống tết nào”- Thiếu tá Trịnh Văn Sơn- cán bộ Nhà giàn DK1/8- nói ông đã có 28 năm trong quân đội và 20 năm đón tết xa nhà, chỉ có đồng đội và sóng gió biển. Tết ở nhà giàn có đầy đủ hoa đào, bánh chưng, thịt mỡ dưa hành, nhưng “tôi thấy ấn tượng nhất là sự đoàn kết của anh em trên biển, tình cảm chúng tôi gắn bó như một gia đình chia sẻ sự đầm ấm”- Thiếu tá Trịnh Văn Sơn chia sẻ niềm vui.
Đoàn công tác cùng chung tay gói bánh chưng tết với các chiến sĩ. |
“Chúng tôi luôn tổ chức tết nhà giàn cũng như tết đất liền. Tết phải có mai, đào. Cũng mổ heo, gói bánh chưng, đón giao thừa, cùng nghe Chủ tịch nước chúc tết trên ti vi. Các ngày tết thì tổ chức các hoạt động thể thao, văn nghệ, gọi điện thoại về thăm hỏi, chúc tết người thân, gia đình. Mà quan trọng nhất vẫn là vui xuân không quên nhiệm vụ, lính nhà giàn luôn luôn cảnh giác với tinh thần sẵn sàng chiến đấu”- Trung tá Phạm Công Trãi nói về không khí đón tết thật ý nghĩa của người lính nơi biển xa- tuyến đầu thân thương của Tổ quốc.
Đại tá Nguyễn Quốc Văn- Phó Chính ủy Vùng 2 Hải Quân: Hoạt động khẳng định chủ quyền chúng ta Thông qua các chuyến đi, chúng ta khẳng định chủ quyền trên vùng biển thềm lục địa phía Nam. Một số nước ngoài cho rằng vùng biển này là vùng biển chồng lấn, là chủ quyền của họ trong “đường lưỡi bò”, nhưng qua các hoạt động, thực hiện các phong tục, tập quán của người Việt Nam; trong đó có việc chúng ta ra thăm hỏi, chúc Tết cổ truyền cán bộ, chiến sĩ, là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc: một lần nữa khẳng định chúng ta thực hiện việc này trên chủ quyền của chúng ta. Việc đoàn công tác ra thăm bộ đội, chúc tết hàng năm còn có ý nghĩa rất lớn, mang hơi ấm đất liền ra với bộ đội nhà giàn. Cổ vũ, động viên, tiếp thêm động lực, sức mạnh và niềm tin cho bộ đội nơi đầu sóng ngọn gió. Qua đó, bộ đội vững niềm tin vào cấp trên, Đảng và Nhà nước, tin vào Nhân dân để yên tâm, phấn khởi xác định nhiệm vụ vinh dự là người chiến sĩ canh giữ biển trời nơi tuyến đầu Tổ quốc khi tết đến, xuân về. |
Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin