Ấm nồng bếp lửa ngày xuân

Cập nhật, 22:33, Thứ Tư, 29/01/2020 (GMT+7)

Năm rộng tháng dài, thời gian tuần hoàn theo vòng xoay của tự nhiên. Xuân lại về trong hân hoan, rạo rực. Nghĩ về xuân, có muôn vàn lý do để khát khao, mong đợi cùng háo hức. Người sốt sắng chuẩn bị cho kỳ nghỉ dài nhất năm.

Người đắm chìm trong mùi tết thấm đẫm. Người lại rộn ràng những ngày tháng đoàn viên. Và với nhiều người, tết đến xuân về với biết bao điều kỳ diệu. Như được khởi động “công tắc” ký ức, lòng nao nao nhớ về những gì đẹp nhất của tháng ngày đất trời giao mùa nơi miền quê bình dị.

Bếp củi gắn bó trong “miền thương” của bao thế hệ.
Bếp củi gắn bó trong “miền thương” của bao thế hệ.

Tết quê đã là một phần rực rỡ không thể thiếu trong ký ức, đơn sơ, mộc mạc nhưng ngọt ngào, lắng đọng. Ký ức tôi gọi về căn bếp ngày xuân bập bùng ánh lửa yêu thương ấm nồng.

Chợt mỉm cười nhớ đến những câu thơ “Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm/ Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi/ Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui/ Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ”(*) ngày còn cắp sách đến trường. Bếp lửa ngày xuân với tôi là căn bếp tuyệt vời nhất miền ký ức, đi xa là nhớ, đi về là thương.

Dường như cũng tất bật theo không khí ngày cận tết, bếp lửa cuối năm rộn ràng hơn hẳn. Trong tiếng gà gáy sáng, trong cái nắng vàng rót mật sớm mai, tiếng “lép bép” bếp lửa hòa cùng tiếng nước sôi “sùng sục” nhè nhẹ mang hơi thở của mùa xuân về.

Mẹ đi chợ sớm, không quên dặn dò “khi nào nước sôi thì châm bình trà nóng” để lên bàn nước, khởi đầu cho ngày cuối năm rộn ràng. Bên bếp lửa đỏ than hồng, mẹ tất bật chuẩn bị những món ăn ngày tết đậm đà hương vị.

Nồi thịt heo kho rệu bằng nước dừa được bắc lên bếp củi với ngọn lửa nhỏ “riêu riêu”, khi mặt trời treo lủng lẳng trên đầu ngọn tre. Bí quyết “kho thịt phải từ từ bằng lửa nhỏ thì thịt mới thấm và chín mềm” đã làm ra được món ăn đặc trưng của tết miền Tây Nam Bộ bao đời nay.

Cũng trên bếp lửa cháy riêu riêu đó, chảo mứt dừa, mứt gừng tỏa hương thơm lừng buổi chiều cuối năm yên ả. Khói bếp vấn vít trên mái nhà tranh rồi mất hút trong ráng chiều đỏ rực. Dĩa mứt mẹ sên, hài hòa mứt dừa ngọt thanh, vị cay nồng ấm mứt gừng… tròn vị sum vầy tết.

Cái cà ràng nhỏ không chịu nổi sức nặng của nồi bánh tét to. Vậy là bếp củi “dã chiến” bằng những viên gạch ống hình thành, nâng niu nồi bánh truyền thống. Có năm bận rộn nhiều việc, đêm 30 tết rồi mà nồi bánh tét vẫn đang sùng sục sôi.

Những khúc củi cháy hừng hực để kịp vớt bánh tét ra, treo lên giàn đón giao thừa sắp điểm. Ngọn lửa bếp ngày cuối năm, nhen nhóm, bùng lên mãnh liệt rồi âm ỉ cháy. Âm thanh tí tách, tí tách của lửa trong bếp vẫn cứ reo.

Đời sống được cải thiện qua tháng năm, bếp củi dần được thay thế bằng bếp gas, bếp điện. Thế nhưng, cảm xúc xuân về trên bếp lửa hồng không bao giờ có thể thay thế được. Tết gắn kết trong gian bếp bận rộn, xoay quanh bếp lửa đỏ rực than hồng, đoàn viên trên mâm cơm tất niên. Bếp lửa tựa như nơi kết nối yêu thương, gắn kết thế hệ này với thế hệ khác, lắng đọng trong miền ký ức của người Việt Nam bao đời.

Cơn gió lạnh cuối năm khẽ thổi như tô đậm cảm giác ấm áp bên bếp lửa hồng. Giật mình từ tiếng nổ củi khô trong bếp lửa, cảnh xuân rạng rỡ về giữa những đóa hoa xinh trong vườn nhà. Nắng mùa xuân khiến người ta nhẹ nhõm và thả mình vào tiết trời trong lành. Tết vẫn luôn bình yên như thế!

(*) Trích bài thơ “Bếp lửa”- Bằng Việt

Bài, ảnh: AN CHI