Chia sẻ của học viên tham gia 2 lớp trang điểm thẩm mỹ ở xã Ngãi Tứ và xã Long Phú (Tam Bình) toát lên nét chung là: các chị em sẽ tự làm đẹp cho mình, làm đẹp cho nhau và quan trọng là có điều kiện hướng nghiệp, làm nghề, góp phần tạo thêm thu nhập...
Chia sẻ của học viên tham gia 2 lớp trang điểm thẩm mỹ ở xã Ngãi Tứ và xã Long Phú (Tam Bình) toát lên nét chung là: các chị em sẽ tự làm đẹp cho mình, làm đẹp cho nhau và quan trọng là có điều kiện hướng nghiệp, làm nghề, góp phần tạo thêm thu nhập...
Bà Nguyễn Thị Mai Thi- đại diện Công ty TNHH Dạy nghề chăm sóc sắc đẹp Hoa Việt Sài Gòn- tặng quà cho học viên lớp thẩm mỹ. |
Tại xã Ngãi Tứ, 4 tháng trước, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên Tam Bình phối hợp Công ty TNHH Dạy nghề chăm sóc sắc đẹp Hoa Việt Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh) và chính quyền địa phương tổ chức khai giảng lớp học nghề trang điểm thẩm mỹ (làm tóc, trang điểm) cho 18 học viên là chị em lao động nông thôn.
Học viên trải qua 400 tiết học, trong đó lý thuyết là các kiến thức làm đẹp: giới thiệu- hướng dẫn sử dụng an toàn vệ sinh mỹ cụ- mỹ phẩm, nhận dạng- che khuyết điểm trên khuôn mặt, cách vẽ chân mày- mũi- môi- má hồng, tìm hiểu kết cấu mắt và kỹ thuật trang điểm các kiểu mắt, bới tóc cô dâu; khởi sự doanh nghiệp,... Sau lý thuyết, các chị em có 50 tiết thực hành “làm đẹp cho mình” đến khi thành thạo và có thể trang điểm, làm tóc cho bất kỳ khách hàng nào có nhu cầu làm đẹp.
Cùng lúc, một lớp dạy nghề cho lao động nông thôn tương tự cũng được mở cho 17 học viên ở xã Long Phú. Kết thúc lớp học ở Long Phú, trong 17 học viên, thi đạt loại xuất sắc: 9 người, loại giỏi: 8 người. Còn lớp 18 học viên ở Ngãi Tứ, kết quả cuối khóa 15 người đạt xuất sắc, 3 người xếp loại giỏi.
Hôm 18/12/2019, tại lễ bế giảng 2 lớp học, điểm tích cực cho thấy là sự quan tâm của lãnh đạo từ huyện đến xã, sự tận tâm của các thầy cô trung tâm thẩm mỹ và sự nhiệt tình tham gia lớp của học viên, đã tạo nên thành công của lớp học.
Điều khá độc đáo là 2 lớp học nghề trang điểm thẩm mỹ này tính từ đầu năm đến nay là 2 lớp nghề “làm đẹp” duy nhất được mở trong số các lớp nghề dạy cho lao động nông thôn trong tỉnh.
Theo ông Trần Văn Tám- Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên Tam Bình, lớp học đã để lại ý nghĩa tốt đẹp cho học viên. Đây là điều kiện để các chị em có việc làm thêm, chuyển đổi nghề nghiệp và quan trọng là... tạo thêm hương vị sắc đẹp cho mỗi chị em và người xung quanh có nhu cầu làm đẹp.
Bà Nguyễn Thị Mai Thi- Giám đốc Công ty TNHH Dạy nghề chăm sóc sắc đẹp Hoa Việt Sài Gòn- chia sẻ cơ hội việc làm với các học viên: Chuyên viên trang điểm cho trung tâm áo cưới, lập tiệm trang điểm thẩm mỹ, làm cho các spa, beauty salon, nhận trang điểm theo yêu cầu khách hàng...
Ngoài ra, với ai có kỹ năng tay nghề cao, nếu có thể bổ sung kiến thức sư phạm sẽ trở thành giáo viên dạy thẩm mỹ ở trung tâm dạy nghề hoặc học liên thông cao hơn để phát triển kỹ năng nghề.
Ông Phạm Phú Cường- Phó Chủ tịch UBND xã Ngãi Tứ- nói, qua lớp học các chị em nông thôn ngoài tự “làm đẹp” cho mình và các chị em hàng xóm, thì đã được trang bị, rèn luyện cho bản thân cái nghề để tự tạo việc làm, nâng cao thu nhập đời sống.
Chị Nguyễn Thị Ly- lớp trưởng lớp nghề thẩm mỹ ở xã Ngãi Tứ- nói, lớp học đem đến cho chị em lao động nông thôn có được kiến thức cơ bản về thẩm mỹ, tự “làm đẹp” nhưng quan trọng là tiến tới một dịch vụ làm đẹp tùy điều kiện mỗi người để có thêm thu nhập.
“Đó là niềm vui, ý nghĩa mà mỗi chị em tại lễ bế giảng hôm nay đều cảm nhận được”- chị Ly chia sẻ. Đại diện lớp học ở xã Long Phú, chị Võ Thị Trang nói “rất bổ ích với kiến thức cơ bản về chăm sóc sắc đẹp. Bởi đó là điều mình cần, mọi người cũng cần”. Nhiều chị em nói đã có hướng làm nghề tóc, trang điểm và có thể học thêm làm móng để đáp ứng nhu cầu đa dạng về thẩm mỹ.
Một trong các mục tiêu chung của đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn là đem đến cái nghề, giải quyết việc làm hoặc tự tạo việc làm cho lao động nông thôn. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân nông thôn.
Là một nghề trong hệ thống các ngành nghề đã và đang đào tạo trong tỉnh thời gian qua: đan đát, may mặc, xây dựng dân dụng, tiểu thủ công nghiệp, thẩm mỹ,... Nhưng có thể nói vui rằng, nghề thẩm mỹ “đẹp” theo đúng nghĩa nhất của cái đẹp: làm đẹp cho mình, làm đẹp cho nhau.
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin