Trước khi dẫn xe ra khỏi nhà, tôi thường có thói quen nghe qua chương trình dự báo thời tiết. Chuẩn bị đi về vùng sâu mà những ngày này, có nhiều cơn áp thấp nhiệt đới tràn về.
Trước khi dẫn xe ra khỏi nhà, tôi thường có thói quen nghe qua chương trình dự báo thời tiết. Chuẩn bị đi về vùng sâu mà những ngày này, có nhiều cơn áp thấp nhiệt đới tràn về.
Cam Thuận Thới chuẩn bị xuất bến. Ảnh: NGUYỄN VĂN HAI (TP Vĩnh Long) |
Nhìn vào bản đồ Google-map trên chiếc điện thoại di động, thoáng chút bâng khuâng tôi tự hỏi, con đường dài loằng ngoằng gần năm mươi ki-lô-mét về xã Thuận Thới (Trà Ôn) mưa gió thế này liệu có kham nổi không?
Nhưng công lệnh đã nhận rồi, lịch làm việc với chính quyền địa phương đã sắp xếp, không thể nại ra bất cứ lý do nào để vắng mặt.
Rong ruổi qua những con đường làng miệt vườn vào những ngày thời tiết thất thường. Hôm nay, tôi cùng chị bạn ghé thăm vài hộ trong Hội Cựu chiến binh xã Thuận Thới.
Nghe nói, các anh là đầu tàu trong phong trào xây dựng nông thôn mới, điển hình là tu bổ, chăm sóc con đường hoa trên Huyện lộ 72. Ngoài ra, gia đình các anh rất thành công trong việc chuyển đổi canh tác từ ruộng sang vườn.
Qua nhiều tài liệu, được biết thời xa xưa, Thuận Thới thuộc vùng đất trầm tích dạng phù sa mới ở ĐBSCL, rừng hoang vu rậm rạp, lau sậy mọc um tùm, có nơi voi khỉ muông thú sinh sống từng đàn. Người dân đến khai hoang mở đất lập nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
Bù lại, sông rạch chằng chịt, khí hậu ôn hòa thích hợp phát triển nông nghiệp do năm có 2 mùa mưa nắng rõ rệt; mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 10, mùa nắng từ tháng 11 đến tháng 5. Vùng đất này lắng đọng nhiều phù sa, quanh năm nước ngọt thuận lợi cho việc chăn nuôi và trồng trọt.
Vào khoảng đầu và giữa thế kỷ thứ XX, mỗi năm làm ruộng lúa một mùa cũng đủ ăn vì dân số thưa, ít người, nhu cầu cuộc sống đơn giản. Ngày nay, hệ thống đường sá phát triển nhiều, xe cộ đi lại tấp nập, mạng lưới điện nước tỏa khắp thôn xóm, khoa học tiến bộ, thông tin liên lạc bùng nổ, người dân tiếp cận và áp dụng nhiều công nghệ mới.
Để đáp ứng nhu cầu cuộc sống trong thời hiện đại không riêng gì những tầng lớp khá giả ở thành thị, mà cán bộ cũng như người dân vùng quê, vùng sâu xã Thuận Thới không ngừng đổi mới tư duy, dám nghĩ dám làm, dám vượt qua thử thách, khó khăn, gian khổ ở những bước đi ban đầu, chấp nhận thất bại dẫu vấp ngã cũng vững bước đứng lên chung tay cùng góp sức xây dựng cho quê nhà giàu đẹp.
Họ bắt tay vào cải tạo đồng ruộng, đưa máy móc, phân bón, thuốc kháng sâu rầy, không lệ thuộc nhiều vào việc dẫn thủy nhập điền như cha ông xưa mà có thể dùng máy bơm hoặc khoan giếng để lấy nước tại chỗ tưới xanh ruộng rẫy.
Họ mày mò chế ra công cụ phục vụ nông nghiệp như cải tiến máy bơm nước với nhiều vòi phun để tưới, phun xịt chất kích thích lành mạnh nhằm nuôi dưỡng cho cây tăng trưởng và thuốc kháng sâu rầy, sáng tạo ra máy xới đất, máy cắt cỏ tuy còn dạng thô sơ nhưng rất hiệu quả.
Miệt này trồng cây lúa 3 vụ mỗi năm nhưng lợi nhuận không nhiều. Đất chuyên canh trồng màu tập trung các loại như dưa hấu, bắp, bầu bí, khổ qua, cà, đậu. Ngoài ra, họ còn trồng xen vào vườn các loại cây ăn trái để lấy ngắn nuôi dài. Kinh tế vườn chủ yếu là cây cam, bưởi, mãng cầu, mít, dừa.
Chúng tôi theo chân anh Lê Văn Bê về Tổ 15 (ấp Vĩnh Thới). Nhà anh cách trụ sở UBND xã khá xa, tầm ngoài 2 cây số. Sau khi chạy xe tách khỏi QL54, rẽ vào một con đường đan gửi nhờ xe ở một nhà dân, vì lúc này nhiều con đường của xã đang thi công mở rộng hoặc nâng cấp.
Với một nụ cười rất tươi đầy mãn nguyện, anh chỉ vào con đường đang làm dang dở phía trước có tên là đường Ông Lãnh rồi khoe “mai mốt ghé nhà tui không còn gởi xe và đi bộ lầy lội nữa, chạy thẳng một mạch là đến nhà liền, khỏe re như bò kéo xe vì con lộ sẽ hoàn thành trước Tết Nguyên đán”.
Vợ anh- chị Lê Thị Hồng Lê- rót nước châm trà mời chúng tôi. Sau khi nghe tôi đặt ra nhiều câu hỏi, chị tế nhị nhường phần trả lời lại cho chồng rồi ra góc sân trồng tiếp mấy cây đu đủ.
Anh Hai Bê cho biết, nếu 4 công đất của anh làm ruộng thì mỗi năm thu hoạch khoảng 120 giạ lúa, bán chỉ được mười mấy triệu đồng “bao nhiêu đó không đủ tiêu xài đâu vào đâu”.
Hơn nữa, xung quanh người ta đã lập vườn khó mà giữ nước và đưa phương tiện máy móc vào cày ải, vun xới, gặt hái, vận chuyển lúa sau khi thu hoạch.
Ở tình thế này, bắt buộc anh phải chọn lựa lên giồng làm rẫy hay lên liếp lập vườn. Mà làm vườn phải trồng cây gì mới mang về hiệu quả kinh tế cao? Nhiều đêm suy nghĩ trao đổi với vợ con cùng bè bạn và quyết định cuối cùng, anh chọn trồng cam.
Qua tìm hiểu kinh nghiệm của những người đi trước thì mương đào phải vừa đủ rộng, thông thoáng để xuồng (có đặt máy nổ) dễ bề xoay xở khi xịt thuốc và tưới cây mà không phí đất.
Từ suy nghĩ này sang trăn trở khác, anh tự đặt ra nhiều câu hỏi, lên liếp như thế nào để canh tác hiệu quả? Có người quá tận dụng đất, một liếp trồng hai hàng, mỗi liếp rộng 2m8, đến khi cây ra trái thì khoảng giữa 2 hàng cam ấy xịt thuốc, tưới nước không tới nên cây ra quả không đồng đều, khi cây lớn ta chăm cành lẩy lá, đi lại khó khăn, vướng nhánh dễ va chạm làm rụng trái non.
Anh Hai Bê chọn theo cách, một liếp trồng một hàng, mỗi liếp rộng 2m2, cây này trồng cách cây kia 1m2. Như vậy khi xịt thuốc, vòi phun phân bổ lượng nước cho cây đều hơn, người làm vườn cho xuồng chạy vòng quanh được tất cả các liếp, dễ quan sát và phát hiện cây nào có dấu hiệu sâu bệnh kịp thời chữa trị hoặc nhổ bỏ thay vào cây khác.
Ban đầu, anh bỏ ra gần 22 triệu đồng, mua 2.300 cây giống trồng vào 4 công đất. Sau 8 tháng, cây lớn nhanh là vào giai đoạn “phủi” và chọn “đọt thở”, nghĩa là thấy cây nào tượt ra đều, tám mươi phần trăm có khả năng sống được thì bắt đầu phủi (cắt bỏ), chừa lại 3 tượt chính (đọt thở).
Công việc ở giai đoạn này gọi là tạo tàn cho cây, nó có tính cách quyết định số phận cho nhà vườn. Hễ ai giỏi thì phát hiện được nhánh tốt mà chừa lại, mạnh dạn cắt bỏ nhánh không đủ sức.
Nếu tham lam giữ lại nhiều cành thì cây không đủ sức nuôi trái, giống như nhà nghèo mà cố đẻ ra con đàn cháu đống vậy. Sau 17 tháng ra công chăm sóc, mỗi công cho 14 tấn cam. Chỉ với 4 công đất trên, anh thu về hơn 700 triệu đồng, trừ hết chi phí ra, anh lời được 460 triệu đồng.
Để mục sở thị, anh đưa tôi ra vườn cam xem cách chăm sóc và tưới cây. Anh nói, không thể dùng gàu tưới vào từng gốc, muốn đem về hiệu quả kinh tế cao phải mạnh dạn đầu tư trang bị máy móc.
Anh chỉ về chiếc xuồng nhỏ dạng như một chiếc trẹt con con, bên trong gắn chiếc máy dầu, có bộ phận đề bằng bình ắc quy. Tôi hỏi, chi phí hết bao nhiêu? Đưa bàn tay hất ngược mái tóc về phía sau, anh nhoẻn miệng cười: “Hết thảy 10 triệu đồng”.
Người ta bán sẵn hay tự chế? Vẫn nụ cười hiền, anh nheo mắt: “Đỏ mắt đi tìm cũng không có đâu, mà nếu có cũng chưa chắc xài được!”
Ngạc nhiên, tôi hỏi: “Sao vậy?” Vừa cặm cụi đổ xăng dầu vào máy vừa xô chiếc xuồng ra khỏi mái che, anh nói: “Nhờ thằng cháu gần nhà lên mạng internet tìm tòi cách lắp ghép rồi đo ni tấc đóng chiếc trẹt sao cho vừa tầm cái mương vườn để dễ bề xoay xở”.
Ngồi yên vị trên chiếc xuồng, anh đề nghị tôi nếu có muốn chụp ảnh thì phải đứng xa kẻo ướt quần áo. Nghe lời anh, tôi đưa máy ảnh vào tầm ngắm gài ở chế độ chụp liên tục nhiều hình.
Anh ung dung cầm sào hết chống qua bên phải rồi đảo người về phía trái dọc theo con mương. 8 ngọn nước thi nhau phun ra theo trình tự thiết kế từ gốc đến ngọn vượt cao khỏi tàn cây như những chiếc vòi rồng ửng lên trong một buổi chiều thơ mộng.
Thuận Thới- Trà Ôn
13/10/2019
VĂN QUỐC THANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin