Bản hòa ca của đôi vợ chồng thương binh

05:12, 28/12/2019

Chú bộ đội Huỳnh Văn Thành sống sót sau 8 lần bị thương. Vợ chú- người quân y Nguyễn Thị Phương cũng "thần kỳ" thoát chết sau 6 lần trúng bom mìn của địch. Đi qua những mưa bom bão đạn, vượt lên nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần, giữa ranh giới của sinh ly tử biệt, họ trở về bền bỉ thương yêu, đỡ đần nhau sống tiếp cuộc sống yên bình. 

Chú bộ đội Huỳnh Văn Thành sống sót sau 8 lần bị thương. Vợ chú- người quân y Nguyễn Thị Phương cũng “thần kỳ” thoát chết sau 6 lần trúng bom mìn của địch. Đi qua những mưa bom bão đạn, vượt lên nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần, giữa ranh giới của sinh ly tử biệt, họ trở về bền bỉ thương yêu, đỡ đần nhau sống tiếp cuộc sống yên bình.

Câu chuyện của đôi vợ chồng thương binh là những ký ức vô giá trong bản trường ca về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, giáo dục tình yêu nước cho thế hệ trẻ mai sau.

Đi qua những tháng ngày mưa bom bão đạn, cô chú vẫn bên nhau chia sẻ vui buồn.
Đi qua những tháng ngày mưa bom bão đạn, cô chú vẫn bên nhau chia sẻ vui buồn.

Cô y tá tổ trọng thương

Cô Nguyễn Thị Phương (sinh năm 1948), làm quân y ở khu trọng thương. Điều khó quên nhất với cô là vào năm 1969 ở cù lao Dung (tỉnh Sóc Trăng), khu trọng thương có nhiều đồng chí bị thương nặng nằm tại An Thạnh Nhì.

Địch xuống quân bắn phá, tất cả mọi người tốc chạy xuống trảng xê cách 700- 800m, những người gãy xương đùi thì tự bò lết, người nào mà không đi được thì kéo, cõng nhau. Lực lượng quân y ở đây chỉ có 1 nam, 4 nữ nhưng phải bảo toàn sinh mạng cho hàng chục thương binh.

Cô Phương kể: “Một mình tui chạy sau cùng, lội trong bùn xách 1 thùng sắt đôi chứa đồ phẫu thuật, cõng một người cụt chân và dẫn thêm một người mù. Mấy trăm quân địch tập trung bắn phá, tui cứ nghĩ không thể nào sống nổi. Còn sống là nhờ bò sát dưới bùn, bập lá dừa che”.

Nhưng trong lần đó, cô Phương bị phóng trái pháo trúng đầu, tay và miểng còn trúng ngay phổi. “Máu trên đầu chảy xuống, tui hết thấy đường. Tui hôn mê cũng hổng biết ai đưa tới phòng mổ”- cô Phương kể.

Cô Phương nhớ như in những năm tháng ác liệt của Chiến dịch Mậu Thân ở Cái Tàu (Đồng Tháp). “Năm đó tui mới 20 tuổi, leo lên đọt cây ở suốt ngày, gác để cho quân y mình giải phẫu.

Thấy sợ các anh hy sinh hết vì vũ khí của địch quá trời mà mình có cái gì đâu, hồi đó còn xài trường bá đỏ mà. Thương binh về tới tấp, tụi tui chuyển sáng đêm luôn. Có khi cả ngày ăn chỉ có cục cơm thôi”.

Cuối năm Mậu Thân, cô Phương được cử đi học y tá, cô là người nhỏ tuổi, nhỏ người nhất trong nhóm y tá đó. “Hồi đó ốm nhách mà tui hổng sợ, cũng hổng biết sao mà đủ mạnh để ôm thùng sắt đôi. Qua những trận bom đạn, thấy hết hồn hết vía thiệt nhưng xong rồi thấy bình thường, không biết sợ, sao thấy thương dân tộc mình quá, hổng bỏ được”.

Sau năm 1969, cô trở về nuôi bệnh tại Cầu Kè, đóng quân gần trường Đảng. Do mọi người phơi đồ nên bị địch phát hiện bỏ bom. Bị trúng bom lần thứ 2, cô Phương bị chấn thương cột sống, giập đại tràng phải cắt 2 lần hết đại tràng, 5 đốt sống cặp inox.

Giữ an toàn cho mình đã khó, chữa trị cho những đồng chí bị thương càng khó hơn và lo cho họ từng miếng ăn cũng là thử thách không nhỏ của những người làm quân y.

Cô Phương nói vui, nghề tay trái của mình là “tát mương” để kiếm cá cho thương binh. “Khoảng năm 1970, người bệnh khổ dữ lắm, không có đủ cơm ăn. Tụi tui phải lấy chuối xiêm cạo ra rồi bỏ muối vô, hái lá mỏ quạ xắt ra nấu canh, nhổ mì nấu canh bột ngọt, leo bẻ dừa cứng cạy về kho mặn”.

Chuyện vui mà cô Phương nhớ hoài là năm giải phóng ở Xóm 6 (xã Mỹ Cẩm, huyện Càng Long- Trà Vinh). Lúc đó, cô nuôi hơn 10 người bệnh, “hòa bình mà hổng hay, đâu có radio, bữa sao thấy vắng teo, không có máy bay. Tới chừng sư đoàn xuống rước, mừng quá ôm đồ nhảy tọt xuống ghe chạy về Vĩnh Long”.

Phải lòng anh dũng sĩ

Chú Huỳnh Văn Thành (tên khác là Huỳnh Văn Miêng) luôn chuẩn bị sẵn trà bánh để “con cháu khách khứa tới chơi ở lâu hơn”. Do di chứng của chất độc da cam, cô chú không thể có con.

Còn người con nuôi thì đã theo chồng, thỉnh thoảng mới về thăm, nên nhà cửa khá vắng vẻ. Chú Huỳnh Văn Thành nay đã 72 tuổi, tóc bạc phơ nhưng vẫn là trụ cột làm hết mọi việc trong nhà, ngoài ruộng vì cô Phương bị bệnh.

“Tui không làm gì được vì đi một chút thì xương sống giật té, té là u đầu, sưng chân”- cô Phương nói. Vậy mà ngôi nhà vẫn tinh tươm, cơm nước một tay chú Thành lo, cơm lành canh ngọt.

Chú là thương binh 3/4, cô là thương binh 4/4. Chiến tranh không cướp đi sinh mạng nhưng cướp đi sức khỏe và quyền làm cha, làm mẹ của cô chú.

Vợ chồng chú cũng muốn có con, nhưng rồi lại từ bỏ ý định, vì: “Sau hòa bình 9- 10 năm, vợ chồng tui lên Bệnh viện Từ Dũ khám, người ta nói cả hai đều bị chích thuốc bi, chất độc da cam/dioxin đến 42% trong máu, đẻ cũng không thể nuôi vì con hổng có xương sống, chỉ bò thôi.

Họ xác nhận vậy nên không cho sanh”- rồi chú Thành cười, nói thêm: “Chúng tôi còn sống là may mắn lắm rồi, biết bao đồng đội của tôi đã hy sinh, không thể chứng kiến giây phút hòa bình”.

Ký ức năm nào vẫn sống mãi trong lòng người lính.
Ký ức năm nào vẫn sống mãi trong lòng người lính.

Nhấm ngụm trà, chú Thành lấy hơi kể lại câu chuyện của mấy mươi năm về trước, từ hồi chú là chàng trai 17 tuổi tham gia cách mạng ở Trung đoàn 3 đến trận đánh cuối cùng ngày 30/4/1975.

Trong khoảng thời gian đó, chú đã 8 lần bị thương. Nhưng những vết thương lớn nhỏ đã làm nên duyên phận cho chú, khi được người y tá Nguyễn Thị Phương tận tình chăm sóc. Chú Thành cười chỉ những vết thương sau ót, trên tay rồi nói: “Nhờ trị thương nhiều lần nên mới quen với vợ tôi”.

Trong ký ức của chú Huỳnh Văn Thành, trận đánh ác liệt nhất chính là trận Mậu Thân 1968. Năm đó, chú Thành là Trung đội phó, Trung đội 1, Đại đội 203, Tiểu đoàn 857, đánh vào sân bay Vĩnh Long. Đây là mũi chủ yếu tiến công vào TX Vĩnh Long và được chọn mở màn cho các hướng tiến công vào thị xã.

Chú Thành nói: “Sân bay Vĩnh Long là 1 trong 4 sân bay chiến thuật lớn của địch ở miền Tây Nam Bộ. Ở đây bố trí 2 đại đội trực thăng vận với 66 chiếc trực thăng vũ trang, trinh sát và vận tải,… cả sân bay có lúc lên đến 1.500 tên… Trung đội tôi mấy chục người thì chỉ 2 người còn sống sau trận đó”.

Chú Thành may mắn sống sót nhưng bị thương cánh tay và sau ót đến bây giờ hai cánh tay không đều nhau, thỉnh thoảng lại đau nhức.

Những ký ức xa xưa ùa về, đủ các trận đánh lớn nhỏ liên tục và những vết thương cứ chồng chéo lên nhau. Những trận mà có khi đánh trường kỳ ngày này qua tháng nọ, đầm mình dưới nước, trong bụi cỏ,… cơm gạo thì không đủ ăn mà không biết mệt.

Trận Bà Dẫm là trận đầu tiên người chiến sĩ trẻ tham gia, chú Thành kể: “Diệt hàng trăm tên địch, đánh từ sáng tới chiều tối thì thắng, trong khi quân mình ít hơn giặc rất nhiều”. Rồi trận binh vận TX Sa Đéc đã tiêu diệt và bắt sống nhiều tên giặc, lấy súng đạn của giặc để trang bị vũ khí cho tỉnh.

Năm 1969, chú tham gia trận đánh tàu trên sông Cái Ngang, bắn chìm tàu chứa 2 giang đoàn của địch. Chú Thành cho biết: “Nhờ chiến công đó, tôi được phong Dũng sĩ. Lần thứ hai được phong Dũng sĩ là trận đánh vào TX Vĩnh Long theo kiểu “thọc sâu vào thị xã mà đánh”.

Niềm tin yêu của bà con nhân dân, đồng đội đã giúp chú Thành bền gan vững chí chiến đấu đến những trận đánh cuối cùng. Chú Thành không quên những giọt nước mắt ngày hòa bình.

“Lúc này tôi ở Trung đoàn 3, là Thượng úy, Chính trị viên Tiểu đoàn 308, nhiệm vụ ngày 30/4/1975 là đánh chiếm quận Mới (chợ Phước Thọ- TP Vĩnh Long). Nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới mà mắt cay cay vì hạnh phúc”.

Chúng ta khép lại quá khứ để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn, nhưng chúng ta cũng không bao giờ quên sự hy sinh anh dũng của các thương binh, anh hùng liệt sĩ trong cuộc chiến đấu giải phóng đất nước, bảo vệ Tổ quốc.

Nhìn về chiếc tủ kính chú trang trọng để đầy những bằng khen và huy chương, đáng quý nhất là những giấy chứng nhận danh hiệu dũng sĩ chú còn lưu: Dũng sĩ Xung kích, Dũng sĩ Quyết thắng cấp 1, Dũng sĩ Quyết thắng cấp 2, Dũng sĩ Quyết thắng cấp 3, Dũng sĩ đánh giao thông. Chú nói “hồi đó, mình tham gia chiến đấu không ngại hy sinh gian khổ cũng không mong mỏi được khen thưởng gì đâu. Tôi và anh em chiến đấu bằng niềm tin, bằng sức mạnh tinh thần của Đảng của Bác Hồ truyền cho mình”.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN-PHƯƠNG THÚY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh