Chuyện về những người thầy tâm huyết với nghề

07:11, 20/11/2019

Cũng như người lái đò sông Đà phải vượt qua những khúc sông khó, người thầy dạy học sinh khuyết tật, học sinh giáo dục thường xuyên hay trẻ mầm non ở vùng sâu cũng gặp không ít khó khăn. "Lửa thử vàng, gian nan thử sức", các thầy cô vượt qua tất cả để dìu dắt học sinh, nhóm lên hy vọng về một tương lai tươi đẹp hơn cho bao thế hệ học trò.

Cũng như người lái đò sông Đà phải vượt qua những khúc sông khó, người thầy dạy học sinh khuyết tật, học sinh giáo dục thường xuyên hay trẻ mầm non ở vùng sâu cũng gặp không ít khó khăn. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, các thầy cô vượt qua tất cả để dìu dắt học sinh, nhóm lên hy vọng về một tương lai tươi đẹp hơn cho bao thế hệ học trò.

Kỳ 1: “Mẹ” của những đứa con đặc biệt

Dạy trẻ em bình thường đã không dễ dàng, dạy trẻ khuyết tật càng khó khăn hơn. Người thầy dạy trẻ khuyết tật vừa là mẹ dạy kỹ năng, kiến thức vừa chăm sóc trẻ để “những bông hoa khiếm khuyết” sớm hòa nhập cộng đồng.

Một buổi tham gia dạy học cùng cô giáo Nguyễn Thị Kim Thoa- cô giáo trẻ tuổi nhất ở Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Vĩnh Long- tôi càng hiểu hơn những khó khăn mà giáo viên nơi đây đối diện.

Bé ngồi yên chơi thêm một chút đã là niềm vui của cô giáo.
Bé ngồi yên chơi thêm một chút đã là niềm vui của cô giáo.

Nghề của những người kiên nhẫn

7 giờ 30 sáng, tôi vào trường thì cô Thoa và một số bé đã vào học. Cô Thoa đã gắn bó với trung tâm hơn 7 năm nay. Cô dạy những đứa trẻ không may mắn mắc chứng tự kỷ, bại não, tăng động… Các bé gặp nhiều khó khăn về giao tiếp xã hội, có trẻ không có ngôn ngữ và không tự chăm sóc bản thân, cũng như không nhận biết môi trường xung quanh…

Cô Thoa đang ẵm bé Phát trên tay chuẩn bị cho em uống sữa. Phát thường thích xô ngã tất cả những đồ chơi trong tầm tay mình. Phát trèo lên cổ cô Thoa, nắm tóc cô giật. Cô Thoa cười: “Nay bé đỡ rồi, hồi mới đi học còn cắn cô”.

Không cần biết người quen hay lạ, bé Hoàng- năm nay đã 12 tuổi- khuyết tật trí tuệ đang ôm đồ chơi lại kéo chặt tay tôi. Hoàng không biết nói nên tôi cũng không hiểu Hoàng muốn gì, bé càng kéo mạnh hơn. Hoàng ghì tay tôi với sức của một cậu bé tuổi 12 nhưng trí não vẫn non nớt như chưa lên 3. Cô Thoa nói: “Hoàng rủ cô chơi gà với Hoàng đó”.

Trong khi các bạn, các em ầm ĩ, yên tĩnh ở một góc bàn thì Thư đang lật từng trang của một quyển sách bìa cứng.

Cô Thoa đang tập vận động tinh cho Thư vì Thư bị bại não nên gặp nhiều khó khăn về vận động ở tay, chân. Thư đã đi học được 3 năm nay và ban đầu Thư rất nhút nhát, sợ người lạ và khóc suốt 1 tháng khi đến lớp.

Với gương mặt bầu bĩnh trắng trẻo, đôi mắt trong veo, Thư ngoan ngoãn ngồi chơi và rất thích thú, vui vẻ với quyển sách. Cô Thoa cho biết: “Thư đã tiến bộ so với khi mới nhập học, bé mạnh dạn, tự tin hơn trong chơi đùa và giao tiếp”.

Rồi bé Sonic vào học, bé chưa được 3 tuổi và nhỏ nhất lớp. Sonic đi rất giỏi nhưng không nói và không quan tâm ai hay bất kỳ thứ gì. Bé đi liên tục và nhìn theo các bức tường trong lớp. Sonic vừa vào phòng học khoảng 15 phút thì muốn đi về. Trong lúc cô Thoa bận chăm Phát và Hoàng, Sonic đã kéo sập cả kệ dép của lớp, lấy dép mang vào và đeo ba lô lên vai rồi đập cửa đòi về.

Sonic không chịu được không gian nhỏ hẹp nên chơi một lúc, cô Thoa cho Sonic và các anh chị khác ra sân chơi. Vừa được ra sân là các bé tỏa ra người một hướng, cô Thoa chạy vòng vòng sân trường lúc thì ở chỗ Hoàng, lúc thì sang Sonic, Khoa,… Sau độ 15 phút chạy rượt thì cô trò vào lớp tiếp tục học.

Chạy rượt ngoài sân cùng các con.
Chạy rượt ngoài sân cùng các con.

Cô Thoa dẫn tất cả các bé ca 1 sáng nay vào bàn, cho mỗi bé một trò chơi nho nhỏ nhưng chưa được 3 giây thì đã có bé rời khỏi bàn, chạy loạn. Vất vả không đáng kể, cô Thoa cũng thấy bình thường khi bị học trò cắn, quào,… Những hành vi của bé càng làm cô thương bé nhiều hơn, cảm thông hơn cho những đứa con khiếm khuyết của mình.

Nếu không có sự nhẫn nại và lòng yêu trẻ cùng với những kỹ năng sư phạm cho ngành giáo dục đặc biệt thì khó bám được với nghề này. Tuy nhiên, theo cô Thoa, khó khăn lớn nhất là làm sao “phụ huynh chấp nhận được sự đặc biệt ở con mình và cùng giáo viên hỗ trợ can thiệp cho bé được phát triển tốt nhất có thể”.

Chỉ khi thông tư tưởng, chấp nhận sự thật thì các phụ huynh mới đồng hành với giáo viên trong suốt quá trình can thiệp.

Một lớp học- 8 giáo án

Mỗi bé trong trung tâm giáo dục hòa nhập có một kế hoạch giáo dục cá nhân và giáo án riêng vì mỗi bé có một khiếm khuyết riêng và trình độ nhận thức cũng khác. Đến đây, các bé được cô chăm sóc và đưa ra lộ trình can thiệp phù hợp.

Phải quan sát, đánh giá phân tích và hiểu sự phát triển cũng như hành vi của trẻ, sau đó lập kế hoạch giáo dục cá nhân về khả năng, sở thích, nhu cầu, đặc điểm cho từng bé. Lớp học cô Thoa có 8 bạn, thường được chia làm 2 ca theo mức độ nhận thức. Những bé có hành vi đánh, cắn bạn thì phải tập cho bé làm quen rồi mới cho hòa nhập với các bạn trong lớp

Dù đã có giáo án cố định chuẩn bị sẵn cho các bé thì giáo viên phải linh hoạt thay đổi một số bài dạy để phù hợp với tâm lý, cảm xúc của trẻ. Hạnh phúc của các cô là nhìn thấy bé tiến bộ, tự chăm sóc được cho bản thân hoặc có thể học hòa nhập. Cô Thoa chia sẻ: “Đối tượng vào trung tâm học đa phần có hoàn cảnh gia đình khó khăn, có bé bị cha bỏ rơi, sống với ông bà ngoại vì mẹ đi làm xa…”.

Đối với cô Thoa, được nhìn thấy bé trưởng thành, hòa nhập cũng là một niềm hạnh phúc lớn lao. Niềm vui nho nhỏ hàng ngày là thấy các con đã “ngồi chơi lâu hơn một chút” hay “Hai bé song sinh tên Anh- Duy sau thời gian học ở trung tâm đã hòa nhập tốt, năm nay thì học lớp 4 rồi”- cô Thoa cười tươi.

Ông ngoại của Sonic- chú Đặng Văn Nhủ (Phường 8- TP Vĩnh Long) cho biết: “Bé Sonic học cô Thoa chưa lâu nhưng bé tỏ ra rất quý cô. Cô cũng thường chia sẻ với chúng tôi cách dạy cháu”.

Sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cô Thoa không học ĐH ngay sau khi tốt nghiệp. Cơ duyên khiến cô gặp các bé khiếm thị rồi chọn thi vào ngành Giáo dục đặc biệt- Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh.

Cô Thoa có cách giáo dục từng bé, theo giáo án kết hợp thực tiễn.
Cô Thoa có cách giáo dục từng bé, theo giáo án kết hợp thực tiễn.

Cô Thoa chia sẻ: Là giáo viên của trẻ khuyết tật, phải không ngừng học hỏi. Trước đây, khi chưa có tài liệu về trẻ tự kỷ bằng tiếng Việt phải mằn mò dịch lại”. Cô tham gia những diễn đàn trẻ tự kỷ để chia sẻ kinh nghiệm với phụ huynh của mình.

Nói về cô Thoa, chị Thảo là mẹ bé Thư- học trò đã theo học cô hơn 3 năm- nói: “Mỗi ngày tôi đều cố gắng đưa con đến trường học cô Thoa. Hôm nào ở nhà là bé buồn lắm. Cô Thoa thường hướng dẫn và chia sẻ với tôi nhiều thứ, giúp tôi hiểu biết hơn và có thêm nghị lực để chăm sóc bé tốt hơn”.

Dạy trẻ tự kỷ, bại não là một hành trình nhiều nước mắt, đầy khó khăn và muôn vàn thử thách. Các cô giáo cần sự kiên nhẫn, nhiệt tình và trên cả là tình thương, lòng yêu nghề. Bên cạnh sự nỗ lực của giáo viên, việc điều trị cho trẻ cần có sự kết hợp chặt chẽ từ gia đình, nhà trường và xã hội.

Mang theo tình thương của người mẹ với những đứa con đặc biệt, cô Thoa cũng như những cô giáo trong trung tâm này đang âm thầm dạy dỗ, chỉ bảo những đứa trẻ đặc biệt như chính con mình.

Ông Phạm Văn Tư- Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Vĩnh Long- cho rằng: “Cô Thoa là người luôn tận tâm, tận tình với các em và được phụ huynh tín nhiệm. Đối với các giáo viên dạy trẻ khuyết tật, không có tình yêu trẻ thì không bám được với nghề”. Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Vĩnh Long hiện có khoảng 80 trẻ đang học tập, trong đó, giáo viên trực tiếp đứng lớp là 9 người.

 

>> Kỳ 2: Gắn bó với nghề bằng cả yêu thương

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh