Bảo vệ rùa biển ở Côn Đảo

08:11, 24/11/2019

Cứ vào dịp từ tháng 5- 10 hàng năm, du khách cũng như nhiều tình nguyện viên lại về với Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) để tìm hiểu về chương trình bảo tồn rùa biển…

 

Cứ vào dịp từ tháng 5- 10 hàng năm, du khách cũng như nhiều tình nguyện viên lại về với Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) để tìm hiểu về chương trình bảo tồn rùa biển…

Tiêu bản rùa xanh giúp nâng cao nhận thức của du khách.
Tiêu bản rùa xanh giúp nâng cao nhận thức của du khách.

Nơi bảo tồn nhiều rùa biển nhất

Nhiều địa phương vùng biển đã hình thành khu bảo tồn biển với các hoạt động cứu hộ rùa biển, bảo vệ các bãi đẻ, trứng rùa như Ninh Thuận, Quảng Ninh, Quảng Bình… Côn Đảo được xem là hình mẫu, cũng là nơi bảo vệ nhiều rùa biển nhất Việt Nam.

Theo số liệu từ Vườn quốc gia Côn Đảo, hiện có 14 bãi biển có rùa lên đẻ trứng với tổng diện tích các bãi đẻ hàng ngàn mét vuông. Một số bãi đẻ của rùa có diện tích lớn và số lượng rùa mẹ lên đẻ nhiều như bãi cát lớn (hòn Bảy Cạnh), bãi cát lớn (hòn Cau), bãi cát lớn (hòn Tre), bãi cát hòn Tài,… Các bãi đều được bố trí trạm kiểm lâm để làm nhiệm vụ bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường cho rùa biển.

Hàng năm từ tháng 5-10, có trên 400 rùa mẹ lên các bãi cát thuộc Vườn quốc gia Côn Đảo để làm tổ, đẻ trứng. Đến nay, đã có trên 150.000 rùa con được cứu hộ và thả về biển, tỷ lệ trứng nở thành công đạt đến 87%. Vào mùa cao điểm, một số bãi biển ở hòn Bảy Cạnh, hòn Tre Lớn, mỗi đêm có 10- 20 rùa mẹ lên làm tổ.

Bắt đầu từ năm 1994, Ban Quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo đã tiến hành chương trình bảo tồn rùa biển với nội dung nghiên cứu đặc tính sinh thái học của rùa biển thông qua hoạt động đeo thẻ, đeo máy định vị vệ tinh, đo đạc kích thước… bảo vệ sinh cảnh làm tổ và các tổ trứng thông qua các hoạt động tuần tra kiểm soát; san lấp, vệ sinh bãi đẻ; di dời các tổ trứng đến nơi an toàn; kiểm tra và thả rùa con về biển…

Hiện nay, Vườn quốc gia Côn Đảo là nơi đầu tiên của Việt Nam thực hiện thành công chương trình bảo tồn rùa biển. Số lượng rùa biển lên bãi đẻ ở Côn Đảo chiếm trên 85% số rùa về đẻ ở vùng biển Việt Nam. Đặc biệt, quần thể rùa xanh về đẻ trứng tại Côn Đảo là một trong những quần thể rùa xanh lớn nhất Đông Nam Á. Vườn quốc gia Côn Đảo được sách kỷ lục Việt Nam ghi nhận là nơi thả rùa con về biển nhiều nhất.

Trong hành trình tìm hiểu về hoạt động bảo tồn rùa biển, chúng tôi tìm đến hòn Bảy Cạnh. Phải mất gần 20 phút chúng tôi mới đến được Trạm kiểm lâm bởi Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo quyết định giữ nguyên cấu trúc cảnh quan, hệ sinh thái biển đang được bảo tồn thay vì làm cầu cảng.

Ông Nguyễn Đình Lý- Trưởng Trạm Kiểm lâm Bảy Cạnh- dẫn chúng tôi tham quan một số điểm rùa đẻ trứng cũng như nói về hoạt động bảo tồn rùa biển. Ông kể, khi theo dõi định vị, có những con rùa biển xuất phát từ hòn Bảy Cạnh có chiều dài di cư lên đến hàng ngàn ký lô mét.

Hòn Bảy Cạnh cũng là nơi có nhiều du khách đến tham quan, tìm hiểu về hoạt động bảo tồn rùa biển. “Đối với việc xem rùa đẻ, chúng tôi để khách ở trạm, khi nào anh em kiểm lâm đi tuần phát hiện có rùa đẻ mới thông báo về dẫn khách xuống xem. Trước đó, chúng tôi yêu cầu khách phải tuân thủ chỉ dẫn của kiểm lâm viên, nhất định không được ồn ào và không đánh đèn nếu có chụp hình, mỗi lần đi không quá 6 khách”- ông Nguyễn Đình Lý chia sẻ.

Nâng cao ý thức, trách nhiệm cộng đồng

Hàng năm, Vườn quốc gia Côn Đảo đưa ra chương trình tình nguyện tham gia bảo tồn rùa biển dành cho tất cả những người quan tâm đến môi trường, động vật hoang dã, có điều kiện tham gia đầy đủ các công việc bảo vệ rùa biển. Hoạt động này đã và đang nâng cao nhận thức của người dân địa phương cũng như du khách trong công tác bảo vệ rùa biển ở Côn Đảo.

Là người có dịp tham gia chương trình, chị Lương Hải Luyến (Bình Định) cho biết, tham gia hoạt động để hiểu rõ hơn về môi trường, đặc tính cũng như các nguy cơ mà loài rùa biển gặp phải. Bởi có khi đưa về biển 1.000 rùa con, nhưng tỷ lệ sống sót là rất ít. “Từ đó mới nhận thức được việc bảo vệ loài động vật này là vô cùng cấp thiết và có ý nghĩa quan trọng”- chị Luyến chia sẻ.

Bảng thông tin theo dõi đường di cư của rùa biển từ Côn Đảo.
Bảng thông tin theo dõi đường di cư của rùa biển từ Côn Đảo.

Cô Trần Nguyệt Nga (Long Hồ- Vĩnh Long) cho biết, gia đình cũng vừa đi du lịch Côn Đảo trong mùa rùa biển đẻ. Không chỉ được tận mắt chứng kiến rùa đẻ mà còn tích lũy cho mình những kiến thức cũng như tự mình nâng cao ý thức bảo vệ loài rùa này và thiên nhiên. “Mình có thể góp phần tuyên truyền, giáo dục con cháu ý thức hơn trong việc bảo vệ động vật hoang dã và tài nguyên thiên nhiên của đất nước, quê hương…”- cô cho biết.

Hiện nay, hoạt động bảo vệ rùa biển cũng gắn với phát triển du lịch. Ông Nguyễn Đình Lý cho biết, du khách đến đây đều được hướng dẫn cũng như tuyên truyền để nâng cao ý thức bảo vệ rùa biển.

Vườn quốc gia Côn Đảo được công nhận là khu Ramsar thứ 2.203 của thế giới và là Ramsar đầu tiên của Việt Nam. Vùng biển Côn Đảo là sinh cảnh đẻ trứng của rùa xanh (vích) và đồi mồi. Từ năm 1994, Ban Quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo tiến hành chương trình bảo tồn rùa biển và kêu gọi tình nguyện viên tham gia…

 

Bài, ảnh: KHÁNH DUY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh