Miền Tây thuở xưa có biết bao nhiêu là cái thú vui tôm cá, đủ các "thể loại" săn bắt con tôm, con cá, con lươn… Mà còn sướng nữa là học hành cũng quá là thong thả thời gian, hầu như suốt ngày cứ long nhong ngoài đồng, trên sông đủ các trò chơi. Nhưng chuyện câu lưới mùa nước nổi là nó chộn rộn, là thú vui dường như bất tận.
Quăng chài bắt cá. Ảnh Lê Hiếu |
Miền Tây thuở xưa có biết bao nhiêu là cái thú vui tôm cá, đủ các “thể loại” săn bắt con tôm, con cá, con lươn… Mà còn sướng nữa là học hành cũng quá là thong thả thời gian, hầu như suốt ngày cứ long nhong ngoài đồng, trên sông đủ các trò chơi. Nhưng chuyện câu lưới mùa nước nổi là nó chộn rộn, là thú vui dường như bất tận.
Cái con sông trước nhà nhỏ xíu, tụi nhỏ có thể lặn hai hơi là từ bờ này qua tới bờ kia, mà ta nói mùa nào thức nấy quanh năm. Vài cái lọp lớn bỏ miếng dừa cứng cạy, sáng sớm là kiếm vài con tôm càng cỡ cườm tay người lớn về kho tàu.
Vài chục cái lọp tép thì có nước mà bưng đi bán. Mùa nước kiệt, xách thùng thiếc lội theo các bãi, móc “mà” cá chạch, lươn, lịch một buổi là xách oằn tay. Hông thôi giậm dấu bắt cá lóc, nhưng vui nhất là đi nơm vào mùa có cả mấy chục người giăng hàng ngang nơm sồn sộn, cười nói trửng giỡn náo nhiệt khúc sông.
Nào là kéo lưới, quăng chài, vớt cá sông ban đêm. Thèm hến, thèm vẹm thì xúc vài rổ mặc sức mà ăn. Dòng sông quả là giàu có và hào phóng với mọi người.
Khi nước lên đồng, thì chuẩn bị những đồ nghề khác. Tụi nhỏ cỡ lớp 6, lớp 7 là có thể làm mọi thứ rồi, không còn nhờ người lớn nữa.
Từ chuyện đốn trúc, đốn tre tự đốt lửa uốn cho thẳng rồi tra mũi chĩa, tự vót cần câu cặm cá lóc, tự mua dây nhợ về tóm giềng câu, cả chuyện lưới còn có thể tự đan luôn, làm cây cự với cái lẹm bằng tre, muốn bắt cá cỡ nào thì làm cự cỡ đó; nhưng tệ cũng phải từ 3- 4 phân trở lên, càng về cuối mùa nước thì đan lưới to thêm một chút.
Nhớ cái lưới 4 phân vào con nước chạy cá linh nó dính trắng lưới, có nước cuốn lưới về nhà xỏ những tay lưới lên cái sào tre, rồi cả nhà, hàng xóm xúm lại cùng gỡ cá mới xuể. Sợ nhất là chơi mồi lúa bắt cá rô đồng, nó chịu dính có nước… ngồi khóc trên xuồng, gỡ cá chảy máu tay. Hồi đó, con cá rô biển chả thèm ngó ngàng tới.
Nhưng giăng lưới thì nó chưa bao giờ hấp dẫn, chỉ có các loại câu mới sướng cái sự đời, cảm giác dính con cá trực tiếp nó mới đã tay.
Nước vừa lên ruộng cạn thì lội bộ giăng câu treo mồi chạy, móc vào miệng con nhái cơm cho chân vừa chấm nước nó chòi chum chủm, có người móc bắp đùi nhái sống dai hơn; nhiều khi mới bủa câu phía trước chưa xong, đàng sau cá lóc đã táp bầm bập.
Nước lên đồng nhiều chút không còn lội bộ nữa, thì chống xuồng và xài mồi trùn. Khi nước đã lên đồng sâu mấy thước, giăng câu thả dây chùng chuyển qua xài mồi ốc hoặc mồi cua non là hết sẩy. Một ngày xúc ủ lươn có đến cả giạ cua, lựa sẵn cua non làm mồi câu.
Thích nhất vẫn là các loại đi câu tay, từ câu cặm, câu quăng, câu rê, câu nhấp, hay câu ngồi đồng trong các bụi rậm bắt ổ cá he hay cá rô đồng, hoặc rình mò mấy chỗ có nhiều lục bình câu ếch.
Chuẩn bị vài cần cho ngon để sẵn trên xuồng, lần mò dưới mấy cây to sau hè dùng sào thọt ổ kiến vàng lấy trứng. Cái thứ mồi bén này là đệ nhất nhạy của đi câu tay, cá rô cứ câu hết ổ, cá trê cũng trườn tới ăn, cứ lo mà giựt. Cứ nhìn màu nước, nhìn cách cá ục là biết loại cá gì, rồi cặm cây sào cột xuồng lại mà câu.
Riêng câu cá trê thì mang thêm cái vợt cho chắc ăn, nhiều khi lưỡi không dính mép mà móc vào râu cá nếu giựt lên cao thì vuột con cá tiếc lắm. Hồi đó chỉ bắt mấy ổ kiến vàng ngoài bụi rậm cây hoang, chớ không hề lấy kiến trong các vườn cây, vì đây là loài thiên địch có lợi, giúp trừ sâu bọ và trái cây ngon ngọt.
Đi cặm câu thì nó bắt đầu lai rai từ khi người ta chuẩn bị đất làm lúa cho đến khi nước ngập cạn thì cặm theo bờ mẫu, theo các mé vườn. Ban ngày thì cặm mồi trùn, chiều tối cặm mồi nhái bầu hoặc nhái cơm cũng được.
Nhưng thích nhái cơm hơn vì nó khỏe đạp nước, cá lóc thích ăn hơn. Khi ruộng người ta cấy lúa rồi thì không được lội vào, chỉ cặm câu dọc theo mấy bờ mẫu. Con nít có thể cặm vài ba chục cần, người lớn chơi số lớn, tới hàng trăm, lội xa qua nhiều khoảng đồng rộng. Cặm câu cá rô thì tóm lưỡi móng heo (loại nhỏ), lưỡi câu dấu ó (uốn tròn) thì bắt cá trê, còn cá lóc ăn táp nên dùng lưỡi câu đúc (vuông).
Phân biệt vậy theo hiệu quả, chớ cặm xuống cá nó cũng ăn lộn xộn nhiều khi cả rắn, lươn nó cũng “quất”. Hồi xưa tụi bạn hay đồn mua lưỡi câu dấu ó Long Hòa (Đồng Tháp) bảo đảm cá ăn nhạy mà không bị vuột. Cũng như giăng câu, đi cặm câu vào khoảng cuối mùa nước, thì dùng mồi cua con để bắt cá lóc bự, con phải từ nửa ký lô trở lên, mập ú.
Đặt dớn trên đồng nước nổi. Ảnh: NGỌC TRẢNG |
Hồi đó, mùa nước nổi ban ngày đi học một buổi thì một buổi đi xúc ủ lươn, nên thường buổi chiều mới bắt đầu đi giăng câu với mấy đứa bạn. 4- 5 chiếc xuồng thả câu xong thì chụm mũi lại, có khi hái ấu nấu ăn ngay trên xuồng.
Tầm khoảng 1 tiếng đồng hồ thì tản ra đi thăm câu. Chết sống gì cũng xét giỏ hơn thua dính nhiều ít, cá bự, cá nhỏ thiệt vui. Vài ba lần vậy thì về ngủ sáng sớm thăm lại và cuốn câu luôn. Cứ thế mà rong chơi qua hết mùa nước nổi.
NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin