Gần 60 năm trôi qua, ký ức về tình đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ nhau giữa những người con quê hương Thái Bình nghe theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước đã vào Vĩnh Long với mong muốn đóng góp một phần công sức để miền Nam tiến kịp miền Bắc vẫn còn mãi và nhắc nhở các thế hệ tiếp nối truyền thống, chung tay xây dựng vùng đất nằm ở miền Tây Nam Bộ ngày càng phát triển.
Gần 60 năm trôi qua, ký ức về tình đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ nhau giữa những người con quê hương Thái Bình nghe theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước đã vào Vĩnh Long với mong muốn đóng góp một phần công sức để miền Nam tiến kịp miền Bắc vẫn còn mãi và nhắc nhở các thế hệ tiếp nối truyền thống, chung tay xây dựng vùng đất nằm ở miền Tây Nam Bộ ngày càng phát triển.
Dù ở đâu, ông Lê Minh Đức (đứng thứ 6, bên trái) luôn nhớ về quê cha đất tổ. |
Bước đường vào quê hương thứ hai
Khi còn học phổ thông tại Thái Bình, chị Trương Thị Oanh- Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Vĩnh Long- được nghe nhiều về đất và người Vĩnh Long qua những dòng thư tay của chị gái đang làm việc ở Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Cửu Long (nay là Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Vĩnh Long) với những dòng sông, vườn cây, rặng dừa xanh mát, con người nhân hậu, hiền hòa.
Năm 1985, sau khi tốt nghiệp THPT, chị Trương Thị Oanh theo chị gái vào Vĩnh Long sinh sống. Thế rồi mảnh đất Vĩnh Long nằm giữa 2 nhánh sông Tiền, sông Hậu hiền hòa, quanh năm nước ngọt với đồng lúa bao la đã níu chân cô gái đất Thái Bình. Chị tiếp tục học chuyên môn rồi vào ngành ngân hàng làm việc cho đến nay. “Thấm thoát đã 34 năm gắn bó và lập nghiệp ở quê hương thứ hai Vĩnh Long rồi đó”- chị Trương Thị Oanh nhớ lại.
“Tôi vốn không sinh ra ở huyện Long Hồ, nhưng suốt tuổi thơ của tôi lại gắn bó với vùng quê này. Hạt gạo, giọt nước Long Hồ đã nuôi tôi lớn lên, mái trường Long Hồ đã rèn luyện, đào tạo tôi trưởng thành. Nơi đây chính là quê hương thứ hai và sẽ là nơi tôi gửi gắm suốt cuộc đời mình”- anh Phạm Công Toàn- Giám đốc Trung tâm Văn hóa- Thông tin và Thể thao huyện Long Hồ- chia sẻ.
Ông Phạm Công Toàn (bìa trái) đã có gần 40 năm vào Vĩnh Long sinh sống và làm việc. |
Theo anh Phạm Công Toàn, có nhiều người từ Thái Bình vào làm việc ở tỉnh Cửu Long trước đây. Những người này là cán bộ thuộc diện đi B, tức là đi chi viện cho chiến trường miền Nam, sau ngày giải phóng thì ở lại tiếp quản và tham gia
chính quyền.
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Phạm Công Đoàn (cha anh Phạm Công Toàn)- trước đây là giáo viên dạy cấp 3 ở huyện Hưng Hà (Thái Bình)- được phân công làm Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Long Hồ, sau đó là Phó Ban Tuyên giáo Huyện ủy kiêm Giám đốc Trường Đảng huyện Long Hồ.
Sau thời gian làm việc, ông Đoàn xin chuyển công tác về quê nhà ở Thái Bình, nhưng lúc này ông Hồ Minh Mẫn- nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cửu Long lúc đó là Bí thư Huyện ủy Long Hồ- đã khuyên ông Đoàn nên chuyển gia đình vào miền Nam vì thời điểm năm 1978, Long Hồ chưa có đủ nhân sự đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo ngành giáo dục.
Vậy là năm 1979, vợ ông Đoàn đã đưa con trai (anh Phạm Công Toàn) vào thăm cha và học tiếp lớp 3 rồi cả gia đình vào Vĩnh Long và chọn đất Long Hồ định cư cho đến giờ.
Mãi nhớ về đất tổ
Là thanh niên xung phong, sau 4 năm sang giúp nước bạn Lào làm công trình giao thông, ông Trần Tiến Khanh (sinh năm 1956, quê ở xã Minh Hòa, huyện Hưng Hà- Thái Bình) trở về dạy học tại Trường Cơ giới 1 ở huyện Ba Vì (Hà Tây, nay thuộc Thủ đô Hà Nội).
Qua gửi thư thăm hỏi người quen, năm 1982, ông Khanh quyết định vào Vĩnh Long lập nghiệp rồi đón vợ con vào sinh sống.
Trong các bữa ăn gia đình và thết đãi khách, gia đình ông Khanh (bìa phải) luôn nấu ăn theo khẩu vị của dân Thái Bình. |
Sau 7 năm công tác ở Phòng Giao thông Vận tải huyện Long Hồ, thời điểm đó Nhà nước có chủ trương phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, kinh tế tư nhân được Nhà nước khuyến khích. Nhận thấy cơ hội lập nghiệp trước mắt, ông Trần Tiến Khanh xin thôi việc ra ngoài kinh doanh xe vận chuyển khách và hàng hóa.
“Đây là cả sự thay đổi về nhận thức và quyết định làm ăn táo bạo vào thời điểm đó”- ông Phạm Công Toàn nhận xét về ông Trần Tiến Khanh.
Lúc mới vào Vĩnh Long, ông Trần Tiến Khanh chỉ có hai bàn tay trắng nhưng nay đã tạo dựng sự nghiệp, nhà cửa khang trang. |
Nhờ có bằng lái xe cơ giới và làm ăn uy tín, ông Khanh ngày càng có thêm nhiều mối lớn. Công việc thuận lợi, ông có điều kiện lo cho con ăn học đến nơi đến chốn. Hiện, ông đã cất được căn nhà tường khang trang với đầy đủ tiện nghi, có 2 chiếc xe tải loại 2,5 tấn và 3,5 tấn do ông và con trai lớn điều hành, chở hàng hóa từ TP Vĩnh Long về Long Hồ và các nơi lân cận.
Sống ở trong miền Nam nhiều năm nhưng gia đình ông Khanh luôn nhớ về quê hương, nhớ nhất là vùng đất Thái Bình được bao quanh bởi biển và sông, được thiên nhiên trao cho phong cảnh hữu tình, con người thật thà, chất phác, sống rất lạc quan.
“Nếu như ở Vĩnh Long là nơi mình cống hiến và làm việc, phát triển sự nghiệp thì quê hương Thái Bình là nguồn cội, nơi mình sinh ra và gắn bó suốt những năm tháng tuổi thơ, thời học sinh tươi đẹp”- chị Trương Thị Oanh tâm sự. “Những ký ức thời thơ ấu vẫn còn hiện diện, và chính “quê hương 5 tấn”- Thái Bình đã cho tôi những bài học cuộc sống đầu tiên, làm hành trang giúp mình hình thành nhân cách”- chị Trương Thị Oanh chia sẻ.
Năm 1977, khi tuổi mới lên 10, ông Lê Minh Đức- hiện là Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bình Tân- đã theo cha vào Vĩnh Long sinh sống. Cha ông là cán bộ A chi viện vào Vĩnh Long từ năm 1976. Ông Lê Minh Đức cho biết: “Dù Vĩnh Long là quê hương thứ hai nhưng đây là nơi tôi đã gắn bó lớn lên, học hành, trưởng thành... Và tình cảm tôi dành cho Vĩnh Long cũng như quê hương Thái Bình đều rất đặc biệt vì Thái Bình là quê cha đất tổ, tình cảm tôi dành cho người dân Thái Bình như là trong gia đình”. |
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN- XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin