Kỳ 3: Làng nghề "nương mình" theo con nước

05:10, 04/10/2019

Mùa nước nổi đồng bằng không chỉ tác động đến sản xuất, đến môi trường mà đâu đó còn ảnh hưởng đến những xóm nghề, làng nghề. Sống "nương mình" theo con nước, người làng nghề đa phần đã chuyển đổi khi mùa nước những năm gần đây "cà giựt"!

Mùa nước nổi đồng bằng không chỉ tác động đến sản xuất, đến môi trường mà đâu đó còn ảnh hưởng đến những xóm nghề, làng nghề. Sống “nương mình” theo con nước, người làng nghề đa phần đã chuyển đổi khi mùa nước những năm gần đây “cà giựt”!

Ông Nguyễn Văn Tốt đã mở ra hướng đi mới cho làng nghề, với sản phẩm xuồng “xách tay” phục vụ khách du lịch, trang trí nội thất.
Ông Nguyễn Văn Tốt đã mở ra hướng đi mới cho làng nghề, với sản phẩm xuồng “xách tay” phục vụ khách du lịch, trang trí nội thất.

Ghe Bà Đài bấp bênh

Đến thăm vùng đất Lai Vung (Đồng Tháp) “đẹp với quýt- thích với nem”, nhưng đâu chỉ thế- nơi đây còn có những làng nghề trăm tuổi nức tiếng gần xa.

Khi chúng tôi hỏi đường về xóm đóng xuồng ghe ở rạch Bà Đài thì anh Nguyễn Văn Liêm- Phòng Kinh tế- Hạ tầng huyện- nhiệt tình: “Làng nghề đóng ghe, xuồng này hiện ở xã Long Hậu hình thành từ xóm rạch Bà Đài, ấp Long Hòa”. Anh mở điện thoại, bảo: “Nghe xong bài vọng cổ “chiếc xuồng cui” là biết hướng đi liền”.

Thiệt vậy, theo lời bài hát, chúng tôi men theo đường đan rộng, thẳng tấp về làng xuồng ghe Bà Đài. Khác xa những gì người dân ở đây mô tả “trước kia cả xóm phải bật đèn làm ngày đêm mới kịp giao hàng”, càng vào sâu trong rạch hiện cũng chỉ thấy vài xưởng gỗ chủ yếu làm đơn hàng cho điểm du lịch, đóng xuồng chở thức ăn nuôi cá hay cũng chuyển qua đóng… giá võng.

Thấy khách tìm, ông Trần Hữu Khoa (ấp Long Thuận- xã Long Hậu) ngưng tay cưa, hỏi: “Tìm chỗ mua xuồng hả cô chú?” Ở tuổi 50, nhưng ông Khoa có đến hơn 30 năm theo nghề. Khi biết phóng viên hỏi xóm xuồng ghe, ông lắc đầu: “Còn gì đâu mà viết, nghỉ muốn hết rồi”.

Những năm trước, nghề đóng ghe, xuồng truyền thống ở đây được sản xuất quanh năm với nhiều chủng loại. Mùa nước đổ về, không khí làm việc càng khẩn trương hơn, cao điểm nhất là từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 8 âl. Năm nào lũ lớn, nhu cầu tăng cao thì mùa cao điểm kéo dài cho đến tận tháng 10.

Mỗi năm, riêng xã Long Hậu cho “xuất xưởng” khoảng 20.000 chiếc xuồng, ghe, giải quyết việc làm cho trên 1.000 lao động địa phương, xuồng làm không kịp giao khắp đồng bằng.

Ông Khoa than thở: “Nước đâu có nhiều, cá mắm giờ ít lắm, trên bờ đường thông thoáng. Nhớ mấy năm trước, xóm này nhà nào cũng có trại xuồng ghe- nghề chính mà! Tụi tui đóng quanh năm chứ đâu như bây giờ, xóm nghề đìu hiu…”

Chúng tôi tiếp tục xuôi theo rạch Bà Đài mới cảm nhận làng nghề này đã dần thay đổi, khi những chiếc ghe bầu gỗ đã thay bằng những xuồng, ghe composite gọn nhẹ.

Trò chuyện với ông Nguyễn Văn Tốt (ấp Long Hưng 2, xã Long Hậu), nghe ông “ước tính sơ sơ” mà thấy giật mình- “người làm giảm khoảng 90% so với năm 2015.

Năm đó cả xã có khoảng 220 hộ làm nghề, nhưng đến nay chỉ còn 22 hộ ở ấp Long Hưng, Long Hòa”. Nhiều thợ đóng ghe xuồng nay phải rời địa phương sang Cái Bè (Tiền Giang) hay Cần Đước (Long An) hành nghề. Ít tháng trước, ông nhận làm cho một khách hàng ở TP Hồ Chí Minh mấy chiếc xuồng cui và xuồng Cần Thơ để họ phục vụ khách du lịch.

Theo ông Tốt, những người còn làm chủ yếu là lớn tuổi, nhiều công ty không nhận nên phải bám nghề, còn thanh niên, hầu như không ai chọn nghề này.

Mà làng nghề “chưa thôi xót xa” khi bắt gặp không ít xưởng đã treo biển bán máy cưa gỗ, nhiều chiếc xuồng chưa kịp hoàn thiện đã bị úp xuống bỏ, vì không có khách đặt mua...

Xóm lọp tép đìu hiu

Rời xã Long Hậu, chúng tôi tìm xóm làm lọp, lờ ở xã Hòa Long (Lai Vung) khi xa xa vẫn còn nghe đài truyền thanh phát thông báo nước lũ đã về thượng nguồn. Cứ ngỡ mọi thứ sẽ khá hơn nhưng lại chứng kiến cảnh đìu hiu tương tự.

Vào đúng làng nghề nhưng hỏi thăm ai cũng lắc đầu bởi “hổng biết ai còn làm, ai đã nghỉ”. Trong ký ức của nhiều người nơi đây, từ tháng 6 âl trở đi, khi nước từ thượng nguồn đổ về cũng là lúc làng nghề đan lọp tép hoạt động hết công suất.

Các cụ cao niên ở xã Hòa Long bảo rằng, trời phú cho những cánh đồng, kinh rạch, con sông ở Lai Vung dồi dào tôm cá nên đã sinh ra nghề đan lọp, lờ. Rồi chính cái nghề “cha truyền con nối” này cũng đã nuôi sống không biết bao nhiêu thế hệ thành đạt.

Những năm gần đây khi mùa nước nổi thất thường, cá tép eo hẹp, xóm lọp cũng kém sung túc. Dọc con sông nhỏ, chỉ còn những người già, phụ nữ tất bật vót tre, chẻ nan, ráp mối lọp…

Nhiều người làm lọp cho hay, năm nay lũ lên muộn khiến “vừa làm vừa phập phồng”, bởi từ tháng 4- 5 âl đã chuẩn bị nguyên liệu sẵn.

Nhiều làng nghề “nương theo” con nước teo tóp dần theo thời gian và chỉ còn ít người lớn tuổi còn đeo nghề.
Nhiều làng nghề “nương theo” con nước teo tóp dần theo thời gian và chỉ còn ít người lớn tuổi còn đeo nghề.

Đã gần 12 giờ trưa nhưng nhà của ông Võ Văn Huệ (Ba Huệ, ấp Long Hội- xã Hòa Long) vẫn có 4- 5 người làm lọp. Ông Ba Huệ năm nay đã ngoài 90 tuổi, còn bà cũng bước qua hàng 80 nhưng hàng ngày vẫn cặm cụi ráp lọp để “có đồng ra đồng vô”.

Ông nói: “Tui theo nghề này hơn nửa đời người, thăng trầm trải qua đủ. Nhiều năm trước, lũ về đều, tôm cá nhiều, nên bán thấy ham lắm. Làm bao nhiêu hết bấy nhiêu. Năm nay, tính đâu nước không lên là thất thu rồi”.

Cô Võ Thị Tuyến (53 tuổi) là con gái của ông Ba Huệ cạnh đó tiếp lời: “Nghề này cực, lời meo lắm, 3 người làm 1 ngày mới được 100 cái hom, ráp lại, tính ra mỗi ngày 1 người được chừng 10.000đ thôi, làm 1.000 cái lọp mới lời được 2 triệu đồng”.

Chính thu nhập không cao cộng thêm những năm gần đây con nước “cà giựt”, nhiều người như chị Nguyễn Thị Bích (con dâu ông Ba Huệ) đã bỏ nghề để đi hái nấm rơm kiếm thu nhập cao hơn. Theo chị Bích: “Nghề này chục năm trước có ăn lắm.

Lúc đó nguyên xóm nhà nào cũng làm, tới mùa là rôm rả cả xóm. Làm xong chở qua Sa Đéc bán hết vèo. Bây giờ 100 nhà thì chỉ còn khoảng 10 nhà làm”. Nhiều người trong xóm đan lọp tép đã bỏ nghề đi Bình Dương làm hoặc chuyển sang nghề khác.

Cũng có hơn 40 năm theo nghề đan nơm, lọp, chú Võ Văn Luyến (ấp Hòa Ninh- xã Long Thắng, huyện Lai Vung- Đồng Tháp) bùi ngùi: “Trước kia, tôm cá nhiều, người dân đánh bắt bằng thủ công nên mặt hàng này hút lắm.

Từ bán tại chỗ, rồi nhiều người ở nơi khác đến mua như ở Tháp Mười, Hồng Ngự, Tân Châu, rồi lan đến xuống vùng miệt thứ Cà Mau, Cần Thơ, Bạc Liêu…

Một năm làm mấy ngàn cái. Còn giờ còn ít người đeo theo nghề. Có nhiều nguyên nhân khiến người dân không mặn mà duy trì với nghề, nhưng nguyên nhân lớn nhất là do nước khi nổi khi không, cá mắm ít dần nên thị trường đầu ra cũng teo tóp dần”.

Có còn “ăn theo” con nước?

Có lẽ vì nặng lòng với lũ miền Tây nên bà con ở các làng nghề vẫn luôn đặt niềm tin rằng con nước rồi sẽ về, chuyện sản xuất rồi sẽ đông vui như xưa. Chuyện duy trì sản xuất giờ này có chăng cũng chỉ là để hy vọng. Dù vậy, để giữ nghề, hầu hết đều tìm hướng rẽ mới riêng cho mình, ít nhất là giữ nghề và hợp xu thế, thời cuộc.

Kỳ sau: Tìm những hướng rẽ mới

Bài, ảnh: NHÓM PV KINH TẾ

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh