Xuyên qua Đồng Tháp Mười, chúng tôi ngược dòng lên thượng nguồn vùng tứ giác Long Xuyên đón con nước sông Mekong cuồn cuộn đổ về ĐBSCL. Nước về muộn gần 1 tháng so với mọi năm và lên nhanh kéo theo nhịp sống mưu sinh chộn rộn hẳn lên.
Xuyên qua Đồng Tháp Mười, chúng tôi ngược dòng lên thượng nguồn vùng tứ giác Long Xuyên đón con nước sông Mekong cuồn cuộn đổ về ĐBSCL. Nước về muộn gần 1 tháng so với mọi năm và lên nhanh kéo theo nhịp sống mưu sinh chộn rộn hẳn lên.
“Bến cua đồng” ở xã Vĩnh Hội Đông (huyện An Phú- An Giang) cũng đang vào thời điểm rộ. |
Bến cá đông nhưng… chưa vui
Xã Khánh An (huyện An Phú- An Giang) là nơi đón lũ đầu nguồn từ nước bạn Campuchia vào lãnh thổ Việt Nam. Hơn 11 giờ trưa, bến cá chợ biên giới Khánh An vẫn tấp nập hàng chục vỏ lãi, ghe xuồng ra vào mua bán. Đang vào cao điểm, bến chợ đông đúc, nhộn nhịp cả ngày.
Anh Nguyễn Văn Mẫn- chủ vựa cá có tiếng ở chợ Khánh An- giới thiệu chúng tôi làm quen bến cá nổi trên sông với những tấm ván bắc cầu từ vựa này sang vựa khác.
Chúng tôi xuống khu vực bến cá, thời gian này về chợ nhiều nhất là cá linh non, khi vỏ lãi tấp vào, cá linh được xúc từ khoang lên còn nhảy tanh tách.
Nhóm nam nhân công nhanh nhẹn dùng rổ lựa ra loại cá linh rặt bằng ngón tay út bán chợ, loại nhỏ hơn lẫn các loại cá tạp bán cá mồi. Sau đó, cá linh rặt lên thùng xe tải hoặc xe máy cho “thở oxy” chở tiêu thụ khắp các chợ miền Tây, TP Hồ Chí Minh và trở thành đặc sản “đắt như tôm tươi”.
Theo anh Nguyễn Văn Mẫn, nguồn cá đồng về chợ do người dân đánh bắt ở các sông, ruộng đồng giáp biên giới và từ Campuchia sang. Hiện giá cá linh mua vào 55.000 đ/kg, giảm so với đầu mùa 70.000- 80.000 đ/kg, cá mồi chỉ 7.000-10.000 đ/kg.
“Mọi năm mùa cá linh còn có vài ba chiếc ghe đục từ Hồng Ngự xuống cân cá, trên bến xe tải chở cá đi thành phố, nhưng năm nay xe honda chở lần vài chục ký cũng không đủ cá”- anh Mẫn nói, điều đó phản ánh lượng cá “nhóng chừng năm ngoái 10 phần, nay chỉ còn
2- 3 phần”.
Từng có thời gian sống ở Biển Hồ làm nghề đánh bắt cá, gần 40 năm sống trên sông, “nghiên cứu” từng con nước, thời điểm cá ra sông nên anh Mẫn hiểu khá rõ sự “vắng bóng” của tôm cá về vùng châu thổ Cửu Long những năm gần đây.
“Tôi để ý thấy, mấy năm trước nước lên nhiều cá theo lên đồng đẻ trứng, nở con. Năm nay nước về trễ, lại cà giựt gặp mưa, nguồn nước ô nhiễm nên trứng cá hư hết”- vừa nói anh vừa chỉ tay ra hướng bến chợ:
“Cá về chợ đa phần do ngư dân từ Campuchia qua bán cho các thương lái người Việt Nam. Bởi đồng bên đó rộng, lúc này nước sâu 5- 6m, cá mắm còn nhiều hơn bên mình”.
Nói như vợ chồng anh Huỳnh Văn Thủ và chị Nguyễn Thị Bén ở ấp Phú Thạnh (xã Phú Hữu, huyện An Phú- An Giang): “Tụi tui ở đây sống quen đó giờ, nước lên làm nghề ăn cá; nước xuống làm lúa, trồng ớt, bắp, khoai…”.
Năm nay, anh chị cho biết nước lên trễ nên cá nhỏ lại ít hơn mọi năm, ngày đổ dớn chỉ vài ký cá linh. Nước ít nên bông điên điển, rau muống… cũng ít.
Cá linh được lựa nhanh ngay tại bến sông, phân loại cá chợ và cá mồi. |
Mùa nước mang theo sản vật cá tôm là nguồn thu nhập đáng kể của người dân và sống “nương theo” đó. Thậm chí, nhiều người đi làm Bình Dương, TP Hồ Chí Minh tới mùa nước nổi lại về quê “kiếm tiền”.
Nguồn thủy sản về bến cá Khánh An thường được phân thành hàng chợ, hàng cung cấp cho lò mắm và cá mồi.
Theo anh Mẫn, đầu mùa nước có cá lăng, mè vinh, cá trèn… nhưng năm nay nhất là “cá trèn về yếu xìu, hiếm lắm. Mà mắc gần chết chứ có rẻ đâu, trèn mỡ trên 200.000 đ/kg, cá kết nhỏ 150.000 đ/kg, loại lớn trên 200.000 đ/kg cũng không có mà cân”.
Trong khi mùa này, ngoài cá linh, hàng chợ còn có lươn, cá lóc, cua, rắn… Cá cung cấp cho các lò mắm thường tháng 10, 11, 12… khi nước rút các loại cá linh, sặt, chốt, trèn mỡ… đạt kích cỡ lớn hơn mới vô lò làm mắm được.
Làng mắm 100 năm lo thiếu cá nguyên liệu
Năm nay nước lên trễ, nên cá cũng ít. Không chỉ tác động đến thu nhập của người dân, mà còn làng nghề mắm cá Châu Đốc cũng thấp thỏm lo thiếu nguyên liệu.
Theo ông Nguyễn Phụng Hoàng- truyền nhân đời thứ tư của nhãn hiệu mắm Bà Giáo Khỏe và hiện là Giám đốc Công ty TNHH 1TV Bà Giáo Khỏe 55555 (TP Châu Đốc, An Giang): “Nguồn nguyên liệu cá là nhân tố quyết định chất lượng thương hiệu mắm”.
Thường thì vào khoảng tháng 6 âl nước đổ, tháng 9, tháng 10 âl tới tháng 12 là thời điểm thích hợp cho các cơ sở thu mua nguyên liệu làm mắm.
Do nguồn nguyên liệu phụ thuộc vào nguồn cá thiên nhiên nên hiện làng mắm đang đứng trước khó khăn khi nguồn cá nguyên liệu sút giảm mạnh.
“Khoảng 10 năm nay rồi, nguồn cá thiên nhiên mỗi năm mỗi giảm. Và rõ ràng, năm nay lũ về trễ 1 tháng, cá lớn chậm, thời gian nối vụ sẽ giãn ra và sản lượng giảm thì khó càng thêm khó”- ông Nguyễn Phụng Hoàng cho biết vậy.
Là một doanh nghiệp với các sản phẩm đặc trưng truyền thống là mắm, sản xuất bình quân 200 tấn/năm (60% xuất khẩu), thì nguồn cá thiên nhiên ngày càng cạn kiệt đang là thách thức lớn của doanh nghiệp.
Những bà con theo nghề làm mắm ở Châu Đốc cho biết, để tạo ra những loại mắm ngon ngoài công thức gia truyền và tay nghề chế biến của “thợ”, phải chọn lọc kỹ nguồn nguyên liệu thủy sản nước ngọt thì sản phẩm làm ra mới được hương vị đậm đà, thơm ngon, đặc trưng của “vương quốc mắm”.
Cùng là cá lóc Châu Đốc nhưng cá lóc bên cạnh tứ giác Long Xuyên là da trắng, chỉ chệch qua Hồng Ngự, Đồng Tháp thôi thì cá lại bị lốm đốm, không đạt yêu cầu. Con cá chốt mua phía kinh Vĩnh Tế thì trắng tròn, còn ở miệt khác lại không bằng.
Vấn đề là thổ nhưỡng, kinh nghiệm trong nhiều thế hệ rút tỉa, nhưng phải tìm hiểu cơ sở khoa học để giải thích được bí quyết đó, để biết khu vực nào cho nhiều cá, cá khu vực nào ngon, theo quy trình nào cho chất lượng tốt nhất.
Nghề làm mắm hiện diện ở TP Châu Đốc (An Giang) đã ngót nghét hơn một thế kỷ. Hiện tại, nơi đây có hàng trăm hộ dân chuyên nghề làm mắm với các nhãn hiệu được nhiều người biết đến.
Mắm “Bà Giáo Khỏe” là một trong những nhãn hiệu mắm lâu đời tại Châu Đốc và ngày nay đã được truyền đến đời cháu.
Có cơ sở đã phát triển lên thành công ty như mắm “Bà Giáo Khỏe 55555”, sản xuất với quy mô lớn và cho “ra đời” nhiều loại mắm, không chỉ bán cho khách thập phương tìm về Châu Đốc, mà còn xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới như: Úc, Nhật,
Lào, Campuchia…
“Tôi phải lặn lội từ thượng nguồn sông Mekong đổ về Biển Hồ Campuchia, liên kết những thương lái xuyên quốc gia bảo đảm nguyên liệu trong lúc khó khăn.
Tìm đến những cơ sở đánh bắt nhỏ tận vùng sâu vùng xa sát biên giới để thu mua cá, nhiều khi phải giành giật với mối lái để bảo đảm nguồn nguyên liệu”- ông Nguyễn Phụng Hoàng chia sẻ. Ngày nay để tìm ra nguồn cá thiên nhiên bảo đảm đúng “chất lượng cá mắm” là cả một hành trình gian nan.
Lại bị “lũ chụp” Ông Phạm Thành Tâm- Phó trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện An Phú cho hay, tình hình nước năm nay “y chang” năm 2011. Đầu tiên không có lũ, tới khi gần thu hoạch vụ 3 thì lũ đổ về. Vùng sản xuất của huyện An Phú chia làm 2 khu vực: trong và ngoài đê bao. Dù huyện có cảnh báo những vùng ngoài đê bao không được sản xuất lúa Thu Đông. Tuy nhiên, một số bà con chủ quan, bị “lũ chụp” chết giống sạch. |
Kỳ 3: Làng nghề “nương mình” theo con nước
Bài, ảnh: NHÓM PV KINH TẾ
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin