Tôi lại dong con mô tô Suzuki to kềnh càng và nặng nề như một gã xe hai bánh lực sĩ về miền sông nước Tây Nam Bộ. Rong ruổi xứ kinh rạch ở cả chục tỉnh sông nước mà giam mình trên những ông xe giường nằm sang trọng, bóng lộn quả không hạp.
Du khách ở các tỉnh- thành trải nghiệm dịch vụ tát ao bắt cá tại xã cù lao An Bình. |
Tôi lại dong con mô tô Suzuki to kềnh càng và nặng nề như một gã xe hai bánh lực sĩ về miền sông nước Tây Nam Bộ. Rong ruổi xứ kinh rạch ở cả chục tỉnh sông nước mà giam mình trên những ông xe giường nằm sang trọng, bóng lộn quả không hạp.
Ô tô đâu thể lên thuyền, cưỡi bo bo xuôi ngược trên những con kinh có khi chỉ rộng vài chục sải tay bơi bướm; rồi làm sao ngắm những nữ tú chân trần trắng muốt nhưng lấm lem bùn đất bê những giỏ chôm chôm lắt lẻo qua cầu đẹp như làm xiếc…
“Chàng” mô tô dềnh dàng của tôi thế mà hay, tha hồ ngắm nhìn và đắm đuối. Gần 150 cây số từ Sài Gòn về với quê hương Giáo sư Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, kẻ lữ hành tôi đã chọn cù lao An Bình ở xứ rạch Long Hồ để làm điểm phượt đầu tiên nơi miền sông nước.
Dù chỉ đứng ngóng con phà vượt cỡ ngàn mét ngang sông Tiền mà người cù lao còn gọi là dòng Hàm Luông nhưng cảm giác nóng lòng cứ dậy lên trong lòng lữ khách.
4 năm trước, tôi đã từng về doi đất rộng hơn sáu mươi cây số vuông này nhưng chỉ là khách mời độ nửa ngày và chỉ đủ thời gian để ăn một bữa cơm Nam Bộ ở nhà người bạn bên bờ sông Cổ Chiên, con nước ôm phía Tây cù lao. Màu xanh mướt mát ngút mắt, hàng trăm vườn cây trái hấp dẫn như thôi miên, đam mê ngăn rạch tát cá nhưng đó vẫn chỉ là nỗi khát khao.
Chuyến này khác! Về với bốn xã cù lao, không hạn định thời gian và quyết tâm dấn thân với cảm xúc đong đầy. Tôi đi qua khá nhiều vùng đất được sông nước bọc ôm ở miền Tây, những vùng xanh ngút ngàn nằm trong hàng loạt chi lưu của đôi dòng Tiền Giang, Hậu Giang tuyệt mỹ và vô cùng trù phú ấy nhưng chưa nơi nào có những con đường nho nhỏ, hun hút và ngoằn ngoèo luồn lách qua vô vàn vườn cây lại gây ấn tượng như ở An Bình.
Nhỏ đến rất khó để hai xe gắn máy ngược chiều tránh nhau. Bằng phẳng như tấm lụa uốn lượn một màu xanh rêu. Cua gấp cùi chỏ theo hàng ngàn triền vườn, bờ rạch và chạy bám theo hai bên là thảm cỏ dờn dợn…
Đó mới chỉ là những điểm xuyết của lắm điều đáng nói về vẻ đẹp ấn tượng của đường ngang, ngõ dọc trong triền miên vườn cây trái xum xuê, ngọt ngào ở đất cù lao bên sông Cổ Chiên, sông Hàm Luông.
Con Suzuki kềnh càng của tôi được gửi lại và kẻ “khát” khám phá là tôi vắt mình lên chiếc “bicycle” và toát mồ hôi trong cảm xúc tĩnh lặng rong ruổi mà không có gì cần phải giải thích nữa. Và, mèn ơi cây trái!
Từng leo cây vải, cây nhãn cổ thụ ở Hưng Yên, Bắc Giang và lắm nơi khác ven sông Thái Bình hay Bắc Giang nhưng chưa ở đâu cây cối lại cho quả như từ đất đùn lên ấn tượng như ở cù lao này. Ngồi trên cái xe cà khổ của học trò, kẻ có tầm thước rất hạn hữu là tôi quơ tay là hái được nhãn, với người rướn lên chút xíu là lặt chôm chôm, măng cụt… Đất đai phì nhiêu và làng quê trù phú quá!
Qua một phút phone, Sáu Tuấn- tay bạn làng quê “U.50” của tôi vào bốn năm trước- nói ngắn gọn: “Ông có ba giờ để tát cá! Ăn đủ đầy ruột trước nhé!” Nhà hắn ở xã Bình Hòa Phước, gần công trình nhà cổ Cai Cường của xứ cù lao song cái công trình bê tông quá nổi tiếng ấy không cuốn hút tôi bằng cái thú quái đản là lăn xuống rạch dầm bùn nước và săn cá.
Con rạch nhỏ gần nhà tay cố tri của tôi có tên lạ: vàm Bà Vú. Chủ nhân là hắn đã khoanh một vùng khoảng 60 mét vuông để nhử cá độ gần ba mươi con trăng đã qua, giờ um tùm cỏ lia thia trông hơi ngán nhưng màu nước đục cá quẫy đã khiến thằng mê cá đến cuồng là tôi chỉ còn duy nhất niềm ham muốn lao xuống khuấy tát ngay.
Không phải là ba giờ như hắn nói mà hình như đến hơn nửa ngày, chúng tôi quên hết cả đói, mệt đứng trông hàng trăm chú cá hoảng loạn rẽ bùn chạy chí mạng. Trời! Cá! Quả thật về miền Tây Nam Bộ, về An Bình mới được tận mắt diện kiến cá nhiều như trong mơ ấy! Lóc, ba sa, thờn bơn,… đến cả vài chục loài cá lạch, cá nuôi xổng ra trong một ô đìa như thế.
2 thằng tôi không phải làm nghề bùn đất, ruộng đồng nhưng chỉ còn lại mỗi tròng mắt là không lấm bùn và còn đủ khả năng nhìn thấy đã khênh cả hơn một cần xé cá lên bờ vườn nhà hắn. Răng trắng lóa sau bùn, mắt rực sáng sau bùn vì niềm vui và hạnh phúc miệt vườn.
Tôi quay qua hắn: “Bà con cù lao, người dân miệt vườn sông nước đôn hậu và phóng khoáng cũng chuẩn thôi. Thiên nhiên, đất trời ưu đãi quá mà!” Hắn cười: “Nhờ ăn lắm cá nữa đấy!” Tay “quỷ” cố tri thông minh trong tình huống này và cũng… không hề sai.
Đi tìm những cái thú “quái” như vừa mô tả hay để đắm mình trong cả ngàn tố chất hồn hậu phóng khoáng của cư dân Nam Bộ nơi cù lao, ngập chìm lãng mạn với những điệu hát đối bên dòng Cổ Chiên mỗi đêm trăng thanh,... cũng đã có cả ngàn lượt người trong số hơn triệu du khách trong và ngoài nước tìm về An Bình trong năm 2018 như tôi.
Sáu Tuấn bảo rằng, những tháng đầu năm 2019, “lão” đã thấy ở các xã An Bình, Hòa Ninh, Đồng Phú và Bình Hòa Phước có rất nhiều khách du lịch người Đức, Liên bang Nga hay Tây Ban Nha cùng nhào xuống rạch săn và tát cá cùng dân bản địa.
Những điệu múc nước còn vô cùng vụng về rồi trầy trật té lấm lem bùn đất vì chưa bao giờ sục xuống bùn nhão như vậy. Nhưng lại trắng lóa những nụ cười hạnh phúc trộn bùn. Xứ cù lao này là điểm nhấn hút khách của ngành du lịch tỉnh Vĩnh Long. Chỉ bốn xã cách sông này đã có tới hai mươi trên hai mươi sáu mô hình homestay của toàn tỉnh.
Khách tham quan cả ta và Tây đều vô cùng “khoái” hình thái lưu trú cùng ăn, cùng ở, cùng làm với những chủ nhà mà họ tìm đến. Tuy vài trăm ngàn trong tổng số gần mười sáu triệu du khách ngoại quốc đến Việt Nam đã tìm về An Bình trong năm 2018 chưa phải là tỷ lệ lớn nhưng hầu hết số khách này đều chọn hình thức lưu trú là homestay trên miền cây trái nằm kẹp giữa hai dòng sông.
Họ đã khá tinh tường khi chọn được một điểm đến để tiêu tiền, để vui thú trong không gian sinh thái tuyệt hảo bên cạnh những cư dân Nam Bộ luôn hởi lòng hởi dạ chào đón khách xa.
Đi bo bo hay xuồng đuôi tôm ngắm chim cồng cộc lông đen lánh với những cái đầu y chang đầu con vịt đang ngang dọc lượn trên tầm thấp bỗng duỗi chân màu vàng nâu ra sau và lao như mũi tên xuống mặt sông lặn bắt cá sẽ không thể nào mãn nhãn bằng ngồi bè chuối ngắm loài vừa “thiên” và “thủy” này.
Có loài chim chi lạ! Bay trên trời, ngủ trên đất mà lại ăn dưới nước. Đen tuyền, hiền lành và đáng yêu. Bà con cù lao nhà mình không phải thích mạo hiểm mà kết bè chuối ngắm chim.
Khách Tây tại những homestay nhà cổ xung quanh là vườn cây ăn trái xanh rì, mát rượi. Ảnh: VINH HIỂN |
Già Tám Hoành- một lão nông tri điền đã gần bát thập ở xã Hòa Ninh tại cù lao- khề khà kể: “Chống bè chuối đi thì yên lặng nhiều nên cồng cộc không e sợ mà lao xuống nước bắt cá rất gần ta. Nếu có tiếng máy là thua!” Hơi mạo hiểm nếu du khách không rành sông nước tham gia dịch vụ này nhưng cái thằng lớn lên vùng sông nước như tôi thì hứng thú với cồng cộc và bè chuối trên sông Hàm Luông đến hết dùng câu chữ mô tả lại.
Trước khi rời cù lao sau gần tuần lễ đắm đuối với bùn, nước, cá và “kễnh bụng” với trái cây miễn phí từ vô vàn vườn thửa của các má, dì, bác, cụ bỗng nhớ lời mời tha thiết của cô bạn có tên khá ấn tượng Ngọc Diệp.
Lá xanh màu ngọc bích chăng? Nàng bảo là nàng sẽ đãi tôi một món canh chua có cái tên cũng lại lạ nữa: “Canh thủy liễu”. Chưa bao giờ được nếm cái món dân dã có cái tên quá lạ đó hay mong ngóng gặp nàng, tôi chẳng rõ. Nhưng nội mỗi cái tên món ăn thôi đã khiến tôi tò mò và cũng không thể từ chối lời mời tha thiết của mỹ nữ cù lao.
Đứng ở sân chùa Tiên Châu tọa lạc tại ấp Bình Lương của xã An Bình, ngắm sông Hàm Luông cuộn lên triệu triệu làn sóng khá dữ dằn, lòng khách phù hoa dội lên cảm xúc nôn nao. Thèm bùn, thèm đất, thèm ngắm cồng cộc hay ôm chặt vai một má già, con trẻ nơi miền cù lao vẫn còn tiếp tục là thèm muốn, khát nóng.
Sẽ trở về vùng quê của bốn xã miền đường đẹp, vườn đẹp và ngàn vạn điều ấn tượng trong một ngày gần nhưng lên phà sang sông để rời xa kinh rạch lúc này, thú thật lòng là tôi chưa muốn!
TRẦN SƠN TÙNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin