Cô Trần Thị Thúy là tấm gương điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh khu vực phía Bắc năm 2019
Cô Trần Thị Thúy là tấm gương điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh khu vực phía Bắc năm 2019
Cuối cùng tôi cũng gặp được cô giáo Trần Thị Thúy tại chương trình “Tuổi trẻ Việt Nam nhớ lời Di chúc theo chân Bác” do Trung ương Đoàn TNCS tổ chức. Cô Trần Thị Thúy vừa vinh dự được trao tặng danh hiệu gương điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Top 50 giáo viên toàn cầu năm 2019.
Cô giáo Trần Thị Thúy không ngừng đổi mới cách dạy để truyền cảm hứng học tiếng Anh cho học sinh. |
Từ lớp học xuyên biên giới nơi làng quê...
Trong một lớp học nằm bên cạnh cánh đồng lúa của vùng quê Đức Hợp, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên giờ học tiếng Anh của cô Trần Thị Thúy rất “lạ” bởi sự náo nhiệt khi cô trò cùng chia sẻ, thảo luận với những học sinh đang ngồi cách nửa vòng Trái đất. Mỗi tháng một lần, cô Thúy lên chủ đề, yêu cầu học sinh chuẩn bị nội dung cho ngày học kết nối. Đó là những buổi thảo luận tìm ý tưởng làm giàu cho quê hương với các học sinh ở Nhật Bản; giới thiệu văn hóa, đất nước, con người với lớp học ở châu Phi... Có lần, học sinh mang dụng cụ lên lớp hướng dẫn qua skype cách làm bánh trôi, chè kho cho các bạn Nhật Bản. Việc sử dụng skype trong lớp học giúp học sinh các khối lớp đã kết nối và có những giờ học tập đầy hiệu quả và bổ ích cùng các bạn học sinh quốc tế và đã di chuyển được hơn 1.900.000km tới các quốc gia: Anh, Mỹ, Thái Lan, Canada, Ấn Độ, Nhật Bản, Pakistan, Ai Cập, Bangladesh, Guantemala, Baranh, Philippines, Australia, Hungary, Nga, Hy Lạp...
Mong ước đưa học sinh Việt Nam vươn xa hơn nữa trên con đường chinh phục tri thức của nhân loại, cô giáo Trần Thị Thúy không ngừng đổi mới cách dạy học để truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ ngày nay. Tự đặt mình vào vị trí của các em học sinh, gần gũi các em để hiểu được các em cần gì và mong muốn điều gì, cô đã ứng dụng những phương pháp dạy học hiệu quả, tạo hứng thú đối với người học. Cô là người đi đầu trong việc ứng dụng skype vào giảng dạy, để học sinh của mình được giao lưu với học sinh, giáo viên và người dân các quốc gia khác nhằm nâng cao khả năng giao tiếp cũng như hiểu hơn về văn hóa trên thế giới. “Mong mỏi lớn nhất của tôi là những học trò quê mình có cơ hội được tiếp cận với những phương pháp học tập mới nhất của giáo dục hiện đại, từ đó giúp các em hội nhập dễ dàng hơn sau khi bước ra khỏi cánh cổng trường phổ thông. Tôi muốn các em có cơ hội học theo cách học của thế kỷ 21. Tôi luôn tin rằng giáo dục là từ khóa để thay đổi mọi thứ”- cô Thúy cho biết.
Cô Thúy càng hào hứng khi biết đến trang Cộng đồng giáo viên sáng tạo của Microsoft toàn cầu MEC và đã được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ tất cả thành viên tham gia. Từ đó, cô có cái nhìn toàn diện nhất về dạy học ở thế kỷ 21 và các phương thức để hỗ trợ học sinh học tập. Khi tham gia cộng đồng MEC, cô Thúy được kết nối với hàng ngàn giáo viên trên khắp thế giới. Tận dụng điều này, cô sắp xếp những giờ học xuyên lục địa nhờ công cụ skype.
Vào thời điểm 2015-2016, cách dạy của cô Thúy quá khác lạ với một trường ở vùng quê như THPT Đức Hợp và phần lớn các bậc phụ huynh làm nông nghiệp. Trường không có wifi, camera kết nối internet nên để tổ chức những buổi học skype cho học sinh, Thúy phải tự trang bị, mang lên lớp máy tính xách tay, bộ phát wifi. Do cần đường truyền ổn định, Thúy đã xin nhà trường cho nối mạng từ phòng phó hiệu trưởng đến các lớp học.
“Các tiết học rất thú vị, sôi động. Chúng em không chỉ mở rộng vốn từ vựng, tự tin giao tiếp tiếng Anh mà còn tăng khả năng thuyết trình, làm powerpoint... Cách dạy của cô Thúy giúp em tiếp nhận kiến thức dễ dàng hơn và hiểu được tiếng Anh rất cần thiết trong kết nối mọi người trên thế giới”, Vũ Thảo Hiền, học sinh Trường THPT Đức Hợp cho biết.
…đến top 50 giáo viên toàn cầu
Với những tâm huyết trong giảng dạy, cô giáo Trần Thị Thúy đã vinh dự lọt top 50 giáo viên được nhận Giải thưởng Giáo viên Toàn cầu (Global Teacher Prize) năm 2019, vượt qua 10.000 ứng viên. Đây là giải thưởng thường niên của Tổ chức Varkey Foundation dành cho những giáo viên có đóng góp xuất sắc trong nghề dạy học, ghi nhận những nỗ lực sáng tạo, tìm tòi, nâng cao phương pháp, chất lượng giảng dạy và sức ảnh hưởng của giáo viên trong nước và thế giới.
Cô Thúy chia sẻ: “Tôi vô cùng ngạc nhiên và xúc động khi nhận được danh hiệu này. Từ những gì đã trải qua, tôi luôn có niềm tin rằng giáo viên là nhân tố vô cùng quan trọng trong quá trình đổi mới giáo dục, nhất là khí chúng ta đứng trước ngưỡng cửa của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tôi đang là giáo viên của thế kỷ 21 và tôi hy vọng sẽ hỗ trợ được các em học sinh của mình phát triển những năng lực của người học ở thế kỷ 21: cộng tác, giao tiếp, tư duy phê phán, sáng tạo, tự điều chỉnh, sử dụng công nghệ, đặc điểm cá nhân. Để trở thành một nhà giáo dục có thể thành công thì điều đầu tiên, giáo viên đó cần không ngừng học tập hoàn thiện hơn nữa để đáp ứng với yêu cầu giáo dục hiện đại.
Cô Thúy luôn tâm niệm: Sau khi đổi mới và chuyển đổi thành công, cô có thể có cơ hội giúp đỡ và hỗ trợ giáo viên trong trường, trong tỉnh, giáo viên của Việt Nam và thậm chí là các giáo viên các nước cần sự hỗ trợ và giúp đỡ từ cô để mở rộng mô hình sử dụng skype trong lớp học. Niềm vui lớn nhất đối với cô là cô có thể chia sẻ các kinh nghiệm của mình với các đồng nghiệp để đẩy nhanh hơn quá trình đổi mới giáo dục.
Dù có những lời mời làm việc ở Canada và một số nơi nhưng cô Thúy đã từ chối, với mong muốn được tiếp tục chắp cánh tri thức cho những học sinh trên chính quê hương mình.
“Bản thân tôi luôn lấy tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác như kim chỉ nam cho các hoạt động của mình. Tôi luôn lấy phong cách giản dị, gần gũi của Bác với nhân dân để học tập Người. Tôi đặt mình vào vị trí của các em học sinh và tìm hiểu những cách thức để “tiếp cận” học sinh của mình được tốt hơn. Hơn thế nữa, việc tận dụng “sức mạnh thời đại” - công nghệ trong dạy học sẽ làm cho việc giảng dạy của giáo viên hiệu quả và cuốn hút được các em học sinh”.
Cô giáo Trần Thị Thúy
Hạnh phúc vì “chạm” được đến học sinh
Cô Trần Thị Thúy chia sẻ: “Năm 2017 tôi được vinh dự là đảng viên Đảng CSVN. Từ đó, trong quá trình học tập và đổi mới của mình tôi luôn tâm niệm câu nói của Bác trong Di chúc của Người về giáo dục là: Đào tạo những thế hệ thanh niên “vừa hồng, vừa chuyên”. Điều Bác mong muốn là giúp các em có đủ cả tri thức và đạo đức, vừa thể hiện được tinh thần yêu nước, vừa phát triển quê hương sao cho xứng đáng với lịch sử dân tộc. Điều này đồng nghĩa với việc phát triển năng lực trí tuệ như IQ cho các em; đồng thời phát triển những kỹ năng mềm và khơi gợi tình yêu thương của các em học sinh, để em yêu bản thân mình nhiều hơn, nỗ lực vượt qua chính mình nhiều hơn và sống tốt với mọi người hơn, làm cho cuộc sống của quê hương mình tốt hơn.
Cô Thúy vui vì đã có thể “chạm” đến các em học sinh, bởi với cô Thúy một giáo viên thành công là người có thể hỗ trợ cho học sinh của mình tham gia vào các hoạt động học tập, hướng dẫn các em khám phá tri thức, định hướng năng lực để tạo ra những học sinh “vừa hồng, vừa chuyên”.
Khi được nhận danh hiệu gương điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh khu vực phía Bắc năm 2019 do Ban Tuyên giáo Trung ương trao tặng tháng 5/2019, cô Thúy cảm thấy luôn biết ơn sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Dù đạt được danh hiệu cao quý, nhưng cô luôn tâm niệm sẽ tiếp tục phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa để “mình không bị để lại phía sau”./.
Cô Trần Thị Thúy là tấm gương điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh khu vực phía Bắc năm 2019 do Ban Tuyên giáo Trung ương trao tặng.
Đạt danh hiệu “Tốp 50 giáo viên xuất sắc Toàn cầu” năm 2019.
Đạt danh hiệu “Nhà giáo tiêu biểu toàn quốc” năm 2018.
Theo VOV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin