Nguyễn Văn Sáng sinh năm Canh Thìn (1940) là con bà Trần Thị Ba ở xã Đồng Phú, là thành viên "tay không hạ đồn giặc" ở Đồng Phú đêm 7 rạng 8/4/1961 (23/2 năm Tân Sửu) dưới sự chỉ huy trực tiếp của Trần Văn Phối.
Nguyễn Hồng Tâm
Nguyễn Văn Sáng sinh năm Canh Thìn (1940) là con bà Trần Thị Ba ở xã Đồng Phú, là thành viên “tay không hạ đồn giặc” ở Đồng Phú đêm 7 rạng 8/4/1961 (23/2 năm Tân Sửu) dưới sự chỉ huy trực tiếp của Trần Văn Phối.
Trong lúc “sáp chiến”, tên đoàn phó Viễn (Già) và tên Tường là 2 tên ác ôn khét tiếng; giương súng chĩa vào quân ta chực siết cò. Nhanh như sóc, Nguyễn Văn Sáng lao lên, bằng 2 nhát mã tấu đâm thẳng vào bụng, làm 2 tên ngã gục…
Tranh minh họa: Trần Thắng |
… Trong trận chống càn ở vàm Rạch Dứa, súng hết đạn, Nguyễn Văn Sáng lọt vào tay giặc. Quân giặc dẫn Sáng đi khắp làng. Chúng bắt dân cả trăm người đến xem chúng hành hình Nguyễn Văn Sáng nhằm dập tắt phong trào nhân dân chống Mỹ- Diệm.
Suốt 3 ngày, giặc ra sức khảo tra, thân xác giập bầm; song, đôi mắt Sáng luôn rực lửa. Kẻ địch chả moi được gì… mà chỉ nghe: “Bà con đừng sợ kẻ thù. Chúng phi nghĩa, nên mới đàn áp khảo tra dân mình. Kẻ làm tay sai rồi sẽ nhục nhã với xóm làng”, “Chúng bây chỉ giết mỗi mình tao. Trước, sau tao, đã và sẽ có hàng triệu thanh niên rầm rập lên đường”.
Bây giờ- sau 58 năm qua ngày Sáng hy sinh, lời bình luận trong dân không dứt. Họ đều gọi Sáng là “siêu sao”. Nhiều người làm lính từng khảo tra Sáng tỏ ra khâm phục. Họ bảo: “Lòng tự trọng của Sáng luôn thể hiện đến phút sau cùng!”
Cách đây 19 năm, trong lễ an vị ngôi “Thần tượng miếu”, ông Sáu Ngại (Nguyễn Văn Ngại), một nông dân chủ trì việc lập miếu có lời phát biểu: “Thưa bà con xóm làng! Lịch sử dân tộc Việt Nam chúng ta không chỉ lập miếu thờ, nhằm ngăn chặn những đấng, vị, vật… gây nguy khốn đến sự sống của chúng ta, mà còn để tôn vinh, gìn giữ những giá trị tinh thần… nhằm biết ơn, trang điểm thẩm mỹ, tạo linh hồn cho mỗi người dân trong làng.
Tư tưởng, hành động của 2 vị Trần Văn Phối, Nguyễn Văn Sáng của làng ta, giá trị không giới hạn ở lĩnh vực, hoàn cảnh chống ngoại xâm, mà còn giá trị trong lao động xây đời ấm no hạnh phúc và tạo nhân cách cho mọi người. Đây là vốn quý ta phải giữ gìn!”
Và từ đó, bác Hai Đờn, nhà cạnh ngôi “Thần tượng miếu” trở thành ông từ của ngôi miếu; hàng năm tổ chức cúng bái, hương khói thường xuyên.
Đúng như lời của Nguyễn Văn Sáng nói trước quân thù. Ở xã Đồng Phú liên tiếp có hàng trăm thanh niên tòng quân ra trận giết quân thù. Và ở quê nhà Đồng Phú có những chiến công, đã thành nét riêng của một xã cù lao: “4 lần tay không hạ đồn giặc”, “Trận địa Trần Văn Bế”, “Trận đánh hợp đồng 4 xã trước đình Phú Mỹ”, “Diệt ác trong lòng địch”, “Dân giải vây cán bộ”, “Diễu binh quy mô lớn (1961) khiến cả tháng địch không dám đi càn chỉ bắn pháo”, “Đội quân tóc dài khiêng áo quan có liệm người chết, chống thảm sát”, “Sản xuất vũ khí hàng loạt”, “Phản công diệt địch giữ căn cứ”, “Trận địa vườn Tre”, “Sản xuất, bào chế thuốc điều trị bệnh phục vụ kháng chiến”,…
… Phía trước khuôn viên Ủy ban xã; ngày xưa là bót Cái, là trụ sở cấp xã của quân giặc xã Đồng Phú. Nơi đó dân làng tiếp tục xây bia kỷ niệm khá rộng. Bia có phù điêu minh họa, ghi rõ vị trí, sự kiện anh Sáu Quá giết chết tên “đoàn phó” Mừng. Nội dung sự kiện như sau:
… Những năm 60 của thế kỷ XX ở khắp vùng Chợ Lách, người ta đồn vị đạo sĩ có búi tóc khá to; mặc áo bà ba, quần đáy nem ống rộng vải đen, đầu bịt khăn rằn thoáng nhìn giống phụ nữ. Đạo sĩ chỉ độc ăn món chuối nấu chấm muối. Vì thế người ta gọi ông là “Đạo Chuối”. Ông Đạo Chuối ra vào sào huyệt giặc để diệt ác ôn thong dong như đi chợ…
Tháng 7/1961, một đêm mưa tầm tã, Đạo Chuối ghé nhà một nông dân ở ngọn Rạch Dứa, thuộc ấp Phú Thuận, xã Đồng Phú. Sau khi được chủ nhà “đãi” bữa chuối già nấu, Đạo Chuối thỏ thẻ: “7 giờ sáng mai con giết thằng “đoàn phó” Mừng tại sào huyệt… Không thể dung thứ tiếp cho tên này nữa …”
Tiếng ông chủ nhà: “Phải hết sức bình tĩnh cháu ạ! Bởi nó có rào gai che chắn. Đi ra lính tráng súng ống lình kình. Đàng mình chỉ có mỗi mình cháu!”
Đạo Chuối: “Con không sợ! Dân làng tội gì? Cày cấy, chăn trâu ngoài đồng nó cũng không tha. Sát nhân phải đền tội!”
Không chờ tạnh mưa, Đạo Chuối đội vải mủ ra khỏi nhà, lẫn vào bóng đêm.
… Đúng 8 giờ sáng ngày 15/7/1961, Đạo Chuối bước vào nhà nông dân tối hôm qua, với vẻ ung dung: “Rồi đó! Con giết nó ngay cửa đồn, ông biểu mấy đứa nhỏ xuống đó mà coi!”
Đúng là tên “phó đoàn dân vệ” Chín Mừng đền tội.
… “Thầy đội” Năm là tên đội trưởng lính Commandos. Sang thời thuộc Mỹ, tên này càng hung hăng táo tợn. Từ Cái Mơn đến Đồng Phú, Bình Hòa Phước, rồi cả vùng Cái Nhum, Măng Thít không nơi nào thiếu vắng bàn tay đẫm máu của hắn. Những người kháng chiến cũ, những gia đình có thân nhân tập kết đều bị đội Năm giam cầm, khảo tra. Khi có luật số 10/59 của Ngô Đình Diệm, đội Năm ghét ai là “bắn bỏ”.
Thời đó đi đến đâu cũng thầm nghe: “Ai về Chợ Lách xa xôi/ Có nghe chăng hỡi muôn lời oán than/ Sài lang Mỹ Diệm bạo tàn/ Chặt đầu mổ bụng moi gan năm người/ Dòng sông Măng Thít ngược xuôi/ Bập bều năm cái đầu trôi bập bều/ Nhìn bao cánh quạ dập dìu/ Lòng dân Chợ Lách càng nhiều hờn căm/ Hờn quân cướp nước dã man/ Hờn quân bán nước lại càng hung hăng…”
Huyện ủy Chợ Lách quyết định phải diệt bằng được tên đội Năm. Người được giao nhiệm vụ lập kế hoạch và trực tiếp giết đội Năm là Thanh C, một ủy viên thường vụ Huyện ủy Chợ Lách.
Sau khi nhận nhiệm vụ giết đội Năm, Thanh C gặp Đạo Chuối và nhờ Đạo Chuối thay mình diệt đội Năm, với lý do vợ sắp đến ngày sinh nở. Đạo Chuối nhận lời.
Chiều 27 tháng Chạp năm Nhâm Dần 1962, chợ Cái Mơn khá nhộn nhịp, chuẩn bị vào xuân. Dưới sông xuồng ghe ngược xuôi đầy ắp hàng hóa tết. Trên bộ, xe Cái Mơn- Chợ Lách- Mỏ Cày lúc nào cũng thành… cộ.
Hành khách đeo bám như kiến bu. Chuyến Cái Mơn, Chợ Lách sắp rời bến. Đội Năm bước lên buồng lái. Vừa yên vị bỗng có một nông dân bới tóc, khăn bịt đầu, đội nón lá buông, tay ôm trái dưa hấu đến trước mặt đội Năm lên tiếng: “Ông xích vô tôi ngồi với!” Như phản xạ, đội Năm thò tay vào báng súng ngắn. Nhanh như sóc, người nông dân thốt lên: “Đã muộn rồi!” Tức khắc từ trái dưa hấu phát ra tiếng nổ, kết liễu cuộc đời tên gian ác. Người nông dân lanh lẹ thoát hiểm.
… Trong một lần chỉ huy du kích xã Đồng Phú, chặn đánh bọn lính do cảnh sát Thiều chỉ huy, tại xóm Ba Xoài (ấp Phú Hòa), bị lạc đạn Đạo Chuối hy sinh. Kẻ thù lùng sục truy tìm xác Đạo Chuối cả ngày trong địa hình trống trải mà bọn giặc không thể nào tìm được xác anh. Bởi, “có lòng dân kẻ địch đui mù”. Chính anh là Sáu Quá- Nguyễn Văn Quá. Gia đình anh có 4 người hy sinh trong 2 cuộc đấu tranh giành độc lập.
Ngay sau khi làng quê bừng sáng, người Đồng Phú xây bia tưởng niệm nơi anh diệt ác trong lòng địch. Sừng sững trước Trường Tiểu học Đồng Phú là dòng chữ: “Tại đây, lúc 7 giờ ngày 15/7/1961, anh Nguyễn Văn Quá giết chết tên “Đoàn phó” Mừng và cũng chính anh diệt tên đội Năm tại chợ Cái Mơn”.
*
* *
Cách bia kỷ niệm Sáu Quá diệt “Đoàn phó” Mừng ác ôn gần 100m trên dòng kinh Mương Lộ, tấp nập ghe tàu ngược xuôi, cận kề bến chợ Đồng Phú, dân làng dựng tấm bia khá rộng, mang nội dung: “Trận địa Trần Văn Bế ngày 16/10/1969”. Đây là trận địa của cá nhân…
Trần Văn Bế là thanh niên làm ruộng; tham gia lực lượng “tay không hạ đồn giặc” hồi 1961. Năm 1969, địch phát hiện anh trong khu đê bao ngăn nước một vùng cây ăn trái, bên bờ sông Cửu Long và sông Đại Tuần. Chúng phá đê cho nước tràn vào. Buộc anh trồi lên bờ đê chiến đấu. Trận ác chiến không cân sức.
Súng hết đạn, anh lọt vào tay giặc. Bọn ác ôn tra tấn hết sức dã man, toàn thân đẫm máu. Chúng trói chặt anh bỏ xuống xuồng, bắt dân đưa về bến chợ Đồng Phú. Sáng sớm, chợ đông người. Bọn giặc hí hửng vì hành quyết Trần Văn Bế sẽ làm quần chúng khiếp sợ, dập tắt phong trào đấu tranh của nhân dân xã Đồng Phú.
Thằng ác ôn sai lầm, vừa móc súng khỏi vỏ, chưa kịp chĩa vào người Bế… Bất ngờ, như một mũi tên, Bế vụt đứng lên lao vút, bóp cổ tên ác ôn dìm hắn xuống nước, trước đông đảo người dân ngưỡng mộ. Đúng là chiến đấu đến hơi thở cuối cùng! Ngày nay mỗi lần nhắc chuyện Trần Văn Bế diệt xã Hùng ác ôn, mọi người đều bảo: “Như xem phim Hồng Kông”.
Người chỉ đường, người tìm đường gặp nhau. Thấy được sức mạnh từ đôi phía. Ước mơ giờ thành hiện thực. Khỏi nhờ vào đấng siêu nhân. Hoặc chờ kiếp sau. Thật vô cùng thú vị!
Tôi vô cùng tự hào về quê hương:
Anh mất để làng ta kiêu hãnh.
Nhãn tỏa ngát hương, bưởi trái nhiều.
Cù lao phà nối liền hai phía.
Làng ta giờ đẹp biết bao nhiêu.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin