Rắn mối từ lâu đã trở thành món ăn đặc sản của người dân miền Tây, giờ đây nó được nhiều người biết đến. Hiện tại giá rắn mối khá cao, dao động từ 250.000- 300.000 đ/kg. Nhiều người dân ở miền Tây tranh thủ lúc nông nhàn đi câu rắn mối để kiếm tăng thêm thu nhập.
Rắn mối từ lâu đã trở thành món ăn đặc sản của người dân miền Tây, giờ đây nó được nhiều người biết đến. Hiện tại giá rắn mối khá cao, dao động từ 250.000- 300.000 đ/kg. Nhiều người dân ở miền Tây tranh thủ lúc nông nhàn đi câu rắn mối để kiếm tăng thêm thu nhập.
Câu rắn mối ở nơi có nhiều bụi rậm, cây cỏ. |
Vào những ngày đầu tháng 8/2019, tình cờ chúng tôi gặp một thanh niên đi men theo tuyến kinh nội đồng thuộc xã Phú Lộc (Tam Bình) và mang theo nhiều vật dụng như cần câu, túi ny lông, lòng gia cầm…
Hiếu kỳ, tôi thắng xe lại hỏi thì mới biết anh này đi câu rắn mối. Qua trò chuyện làm quen, anh giới thiệu tên Đỗ Minh Phụng quê ở tận Cai Lậy (Tiền Giang). Từ lần gặp tình cờ này, tôi có dịp theo chân anh Phụng, để tận mắt chứng kiến cách anh câu rắn mối.
Theo anh Phụng, vào thời điểm này, rắn mối xuất hiện rất nhiều ở những bụi cây, cỏ. Bởi vì nước ngoài đồng cũng lên cao, vùng trú ẩn của rắn mối bị hạn chế, nên chúng buộc phải trú ngụ trên các bờ đê cao tránh mùa nước nổi.
Để câu được nhiều rắn mối thì thời gian câu thích hợp nhất vào lúc từ rạng sáng đến trưa. Phương tiện chính là cần câu cá, chiếc vải mùng được khâu nhỏ bằng ngón tay cái. Chiếc túi nhựa cặp nách để hứng rắn mối khi chúng cắn câu. Mồi câu làm từ trứng kiến được nhét sâu trong túi vải.
Nói thì đơn giản vậy nhưng khi chứng kiến anh câu rắn mối thì không hề đơn giản chút nào. Nếu là người không chuyên thì không biết nơi đó có rắn mối ở hay không chứ chưa nói việc câu. Quan sát cách anh câu, chúng tôi mới biết là chỉ cần để túi lưới cùng với mồi nhấp vài cái là biết nơi đó có rắn mối có hay không.
Đi cùng anh trong một buổi sáng, chúng tôi thật bất ngờ với tài nghệ của “cần thủ” này. Anh câu được hơn 120 con. Anh cho biết “Rắn mối mùa này mập lắm, tầm khoảng 30 con là vô ký. Với giá bán như hiện nay, mỗi ngày tôi thu nhập không dưới 500.000đ.
Nghề này, ngoài sức khỏe dẻo dai còn đỏi hỏi kinh nghiệm. Chúng tôi phải đi nhiều nơi như Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ. Tôi câu rắn mối cũng được hơn 6 năm rồi, nhờ nghề này mà đủ điều kiện lo cho con đi học”.
Theo kinh nghiệm của một số người câu rắn mối, thời điểm loại bò sát này ăn mồi nhạy nhất từ sáng sớm đến 11 giờ cùng ngày. Rắn mối sống nơi bụi rậm, chui rúc rất nhanh đòi hỏi người câu phải có kinh nghiệm và xử lý nhanh khi chúng ăn mồi.
Cách câu rắn mối rất đơn giản, người câu chỉ việc bỏ trùn hoặc dế vào túi mùng sau đó buột vào dây câu là có thể câu được rắn mối không cần lưỡi câu. Khi rắn mối cắn túi lưới, người câu giật mạnh và đồng thời đưa túi ny lông ra hứng.
Ông Lê Văn Danh (huyện Lai Vung- Đồng Tháp) cho biết cụ thể như sau: “Cột mồi bỏ vô túi lưới, trùn hay dế gì đó cũng được. Có bữa làm 70- 80 con, có khi trúng cũng được 100 con, giá 10.000 đ/con”.
Cũng theo chia sẻ của ông Danh, do nhu cầu tiêu thu mạnh nên rắn mối câu về không đủ bán cho thương lái. Thịt rắn mối rất thơm ngọt và bổ dưỡng có thể làm nhiều món như: rắn mối xào lăn, xào nghệ, nướng, chiên. Với giá bán như hiện tại, người câu có thể thu nhập từ 500.000- 600.000đ. Đây là một nguồn thu không nhỏ với nông dân lúc nhàn rỗi.
So với rắn mối được nuôi công nghiệp của nhiều trang trại ở miền Tây, rắn mối tự nhiên có giá cao gấp 2 lần. Hầu hết nông dân sau khi bắt được rắn mối ngoài tự nhiên đều được các vựa thu mua nông thủy sản trong vùng mua hết.
Rắn mối sau đó cũng được chuyển thẳng về các thành phố lớn như Cần Thơ hay TP Hồ Chí Minh để tiêu thụ. Với lợi thế là khỏe mạnh, sống tốt trong môi trường khô ráo, rắn mối săn bắt được có thể sống khỏe hàng tuần liền, nên thuận lợi trong vận chuyển đi tiêu thụ.
Bài, ảnh: PHƯỚC GIANG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin