Người tử tế

08:07, 14/07/2019

Thường người khách ghé vào quán ăn có hai lý do, thứ nhất họ ghé vào quán ăn vì hợp khẩu vị. Thứ hai, giống như trường hợp của tôi đói quá nên tìm một quán sạch và mát ghé vào ăn để cái bụng thôi kêu "í ới"

Thường người khách ghé vào quán ăn có hai lý do, thứ nhất họ ghé vào quán ăn vì hợp khẩu vị. Thứ hai, giống như trường hợp của tôi đói quá nên tìm một quán sạch và mát ghé vào ăn để cái bụng thôi kêu “í ới”.

Tôi chọn cho mình một chỗ ngồi, cạnh bên bàn ăn tiếng huyên thuyên của một bé gái khoảng 6 tuổi với hàng mi cong vút đang ngồi ăn với cha em.

Cha em là một người đàn ông điềm đàm, tôi đánh giá không biết có sớm không vì tôi dựa vào cách nói của anh đối với “cô công chúa” của mình. Cô bé hỏi gì anh đều giải đáp thắc mắc và giải thích cho bé hiểu, anh hướng bé biết yêu thiên nhiên, cây cỏ, biết giữ gìn vệ sinh, biết thương yêu cha mẹ, biết nhường nhịn bạn bè,…

Tôi nghe anh kể cho bé nghe chuyện lúc nhỏ anh bắt ve ngày hè, anh hứa anh chở bé về quê nội để con được thỏa sức chạy nhảy,… Một bữa ăn sáng nhưng người cha có thể dạy cho con nhiều điều thật. Nể cách giáo dục con của anh.

Tôi nghĩ, anh muốn con mình sống tử tế và hạnh phúc trước khi đạt được thành công. Thật tình thì không ít các bậc làm cha làm mẹ hiện đại có xu hướng dạy con theo cách sống hiện đại với bốn chữ đi đầu “thành đạt- tiền bạc”. Sáng nay, tôi vừa lo cho cái bụng nó no và quan trọng là học được bài học dạy con tử tế trước khi thành đạt.

Hai vị khách bước vào quán, một vị khách cao giọng kèm câu nói gọn lỏn “hai bình thường”. Hà tiện chi vài từ để cho người nghe thấy khó chịu vì câu nói nó thiếu nó cụt đến thế.

Vài phút sau, hai tô hủ tiếu còn bốc khói đặt nhẹ nhàng trước khách. Tôi không để ý đến họ nếu như không nghe câu bé gái cạnh bên hỏi cha: “Sao cô chú ấy không bỏ rác vào sọt vậy cha?”

Tử tế còn thể hiện ở tình yêu thiên nhiên và sống hài hòa với thiên nhiên. Cũng như muốn lấy mật ong xin đừng giết ong.
Tử tế còn thể hiện ở tình yêu thiên nhiên và sống hài hòa với thiên nhiên. Cũng như muốn lấy mật ong xin đừng giết ong.

Tôi đưa mắt nhìn qua nơi hai vị khách, chiếc sọt rác nằm ngay ở dưới chân khách, vậy mà trên sàn nhà những miếng khăn giấy, những miếng xương,… nằm lăn lóc. Nếu sọt rác biết lên tiếng, chắc bảo: “Khách ơi! Em nằm dưới chân khách nè. Mời khách bỏ rác vào để em được no”. Chiếc sọt trống nằm không mà khách cứ vô tư xả rác xuống sàn. Chủ quán cũng không thể hiểu.

Chủ quán muốn được lòng khách nên đành bảo bụng thôi để chút rồi dẹp dọn. Chủ quán muốn khách mới vào ăn phải dọn đám xương cắn dở, cắn dang kia. Trong quán, bao người tử tế tỏ ra có lòng tốt đơn giản với chủ quán là bỏ rác vào sọt. Một hành động nhỏ mà bé gái 6 tuổi bên cạnh làm gọn ơ.

Đó là chuyện trên bàn dưới đất, còn chuyện trên xe dưới đường thì sao? Không ít lần đang chạy xe bon bon, giật mình bởi một vật gì bay vèo ngang mặt, rồi đáp xuống đường.

Đó là chiếc ly nước nhựa còn ly hết nước, hộp cơm còn hộp hết cơm, những bịch không mong muốn khi đi xe say sóng từ trên những chiếc xe buýt, xe khách “rơi xuống” đường hay cảnh trời nắng chang chang mà “mắc mưa” mới giận chớ, người trên xe vô tư tạo ra “cơn mưa” bất chợt làm người khác không thể “trú mưa” kịp.

Người tử tế và không tử tế chỉ thể hiện ở một việc nhỏ! Một hành động cỏn con. Đừng vì một hành động nhỏ mà trở thành người không tử tế! Và nếu bạn muốn người khác tử tế với mình thì trước tiên mình hãy tử tế với người khác.

Bài, ảnh: MAI KHA

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh