Quê tôi đang mùa lúa chín, chiếc máy gặt đập liên hợp cắt lúa thẳng hàng, từng hàng từng hàng rơm nối tiếp nhau. Những bao lúa được xe chở về tận nhà chủ. Máy cuộn rơm cứ nuốt rơm vào rồi đẩy cuộn rơm dẽ dặt lăn tròn trên mặt ruộng. Chỉ trong ngày thôi, cánh đồng rộng lớn đã trơ gốc rạ.
Quê tôi đang mùa lúa chín, chiếc máy gặt đập liên hợp cắt lúa thẳng hàng, từng hàng từng hàng rơm nối tiếp nhau. Những bao lúa được xe chở về tận nhà chủ. Máy cuộn rơm cứ nuốt rơm vào rồi đẩy cuộn rơm dẽ dặt lăn tròn trên mặt ruộng. Chỉ trong ngày thôi, cánh đồng rộng lớn đã trơ gốc rạ.
Hình ảnh người dân quê tôi với đôi tay thuần thục, tay nắm bó lúa, tay cầm lưỡi hái gặt từng mớ lúa vàng nặng trĩu hạt. |
Những đứa trẻ chạy theo chiếc máy gặt đập để bắt chuột, bắt chim. Hình ảnh của đám trẻ làm cuộc sống tôi chảy chậm quanh những lối rẽ cuộc đời với nét đẹp dung dị đời thường. Với hình dáng thân quen một thời tay thoăn thoắt gặt từng mớ lúa chín, khói đốt đồng bay theo con gió… Tôi đứng giữa đồng, mùi thơm rơm rạ làm trái tim với nhịp đập chậm lại, làm thức dậy những ký ức tuổi thơ.
Ngày ấy, người dân quê tôi gặt lúa bằng lưỡi hái. Lưỡi hái làm bằng chất liệu sắt, có chuôi cầm bằng gỗ. Những người phụ nữ với đôi tay thuần thục, tay cầm lưỡi hái đưa vào móc quơ vài bụi lúa, tay kia gom những bụi lúa rồi gặt lưỡi hái, cứ hai ba lần gom gặt rồi nắm lúa đầy tay được xếp thành hàng trên thân rạ cứng. Những người đàn ông thì bó lúa, dùng những cây đòn xóc xóc bó lúa vác gom lại để tuốt.
Đòn xóc được làm bằng tre, giống như đòn gánh nhưng hai đầu được vạt nhọn, không có mấu, dùng để xóc những bó lúa, rơm rạ,… mà gánh. Những giọt mồ hôi mặn mòi rơi xuống rơm rạ ta mới có những hạt ngọc. Cứ thế, những gia đình trong xóm vần công với nhau gặt, bó, xóc, tuốt đến khi cánh đồng chỉ còn lại gốc rạ.
Còn lũ con nít chúng tôi mót từng cọng lúa rơi trên đồng. Sau khi tuốt lúa xong, lũ con nít lại kéo đến đống rơm giũ từng mớ rơm để mót những hạt lúa còn sót lại,… Có được hạt cơm trắng người lớn phải đổ mồ hôi nên lũ con nít chúng tôi nhớ nằm lòng câu nói “Phải biết quý từng hạt lúa, hạt cơm rơi phải nhặt”. Tính tiết kiệm, dè xẻn của lũ con nít chúng tôi khi lớn lên có được là từ đây.
Tôi thơ thẩn một mình trên cánh đồng, bước chầm chậm hít thở không khí thân quen của mùi rơm, hương rạ. Thả mình trong những con nắng yếu ớt. Trên bờ đê măng lú nhú khắp rặng tre. Rồi ước được nghe lại từ xa xa tiếng gọi cơm chiều của nội, để tôi được lần về với tuổi thơ.
Í ới gọi cơm chiều lại gọi dậy ký ức những hình ảnh khói chiều lãng đãng trên mái nhà lá và bao hình ảnh nữa cứ tiếp nối. Thật đúng với câu nói của một người về sức mạnh một kỷ niệm: “Một kỷ niệm đã gợi lên hàng trăm kỷ niệm khác, tất cả những cái đã qua hầu như bị lãng quên nay đã sống lại”. Gợi lại hồi ức, khơi nguồn một mạch cảm xúc dù chỉ là một sự vật, dù chỉ bông hoa dại, một mái tóc non cháy nắng, một quả bần chua, một hương vị giông giống,...
Mà chẳng riêng ai, người họa sĩ, nhà văn nhà thơ cũng thế, vẫn thích vẽ cảnh nông thôn với giếng nước, bụi chuối, khóm tre, con đường làng quanh co… như những bến đỗ tâm hồn. Những cảnh vật neo giữ được tâm hồn con người nhiều nhất chính là những cái còn đọng lại nhất.
Đó là tuổi thơ với thiên nhiên, là những kỷ niệm, là quá khứ, là những ấn tượng vui buồn của cuộc đời… Cái đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm hồn, đó là sự tĩnh lặng để có dịp ngẫm nghĩ, hồi tưởng chớ ít khi là sự ồn ào, xô bồ.
Bài, ảnh: MAI KHA
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin