Lão nông Tư Quyết đưa sản phẩm mây tre Việt ra thế giới

07:06, 05/06/2019

Bằng tình yêu, niềm đam mê sáng tạo, ông Lê Văn Quyết (còn gọi là Tư Quyết), ở ấp Xóm Mới, xã Tân Lập Hạ, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh đã đưa ra thị trường những sản phẩm độc đáo bằng nguyên liệu mây tre.

 

Bằng tình yêu, niềm đam mê sáng tạo, ông Lê Văn Quyết (còn gọi là Tư Quyết), ở ấp Xóm Mới, xã Tân Lập Hạ, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh đã đưa ra thị trường những sản phẩm độc đáo bằng nguyên liệu mây tre.

 Ông Tư Quyết giới thiệu cách sử dụng mẹt đựng thức ăn có nắp đậy được xuất khẩu sang Đài Loan (Trung Quốc).
Ông Tư Quyết giới thiệu cách sử dụng mẹt đựng thức ăn có nắp đậy được xuất khẩu sang Đài Loan (Trung Quốc).

Đáng chú ý, nguyên liệu thực hiện các sản phẩm của ông chủ yếu là tre, trúc, lồ ô ở Tây Ninh, Bình Dương, Long An và một số tỉnh khu vực Tây Nguyên nên khá thân thiện với môi trường, chủ yếu phục vụ sinh hoạt hàng ngày.

Xuất thân từ một cán bộ Đoàn cơ sở không ngại khó, năm 2002, ông Quyết bắt đầu bước chân vào nghề đan lát các sản phẩm mây tre, dù khi đó đã sang tuổi tứ tuần.

Ông chia sẻ, tại thời điểm đó, một đối tác Đài Loan (Trung Quốc) đã đến địa phương tìm hiểu các sản phẩm đan lát để đặt hàng. Ông Quyết đã mày mò, tìm hiểu nghề đan lát ở các cơ sở trong vùng, bắt đầu từ những cái mẹt, cái rá… đơn giản. Với khả năng nhạy bén, sáng tạo của mình, ông nhanh chóng ký được hợp đồng cung ứng sản phẩm mẹt đựng thức ăn có lưới đậy xuất sang thị trường Đài Loan với giá bán khá tốt.

Nhớ lại thời điểm “vàng”, ông Tư Quyết chia sẻ, vào mùa cao điểm, cơ sở của ông có đến 150 lao động làm việc thường xuyên, mang lại thu nhập cho gia đình từ 300 - 500 triệu/năm - một con số mơ ước của người nhà nông lúc bấy giờ.

Với mục đích ban đầu chỉ là tăng thu nhập cho gia đình, vậy mà tình yêu nghề truyền thống này chính bản thân ông Tư Quyết cũng không biết đã len lỏi vào cuộc sống của ông từ khi nào. Chỉ biết, có nhiều hôm, ông thức tới sáng để làm cho xong sản phẩm mình tâm đắc.

Chỉ từ sản phẩm mẹt đựng thức ăn ban đầu, từ năm 2013, với lối làm việc tư duy sáng tạo và đổi mới, ông đã tự mày mò, nghiên cứu thị trường và sáng tạo ra nhiều sản phẩm đan lát cao cấp khác cũng làm từ nguồn nguyên liệu mây tre sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày và các nhà hàng thay thế cho vật liệu khác. Đơn giản như thố đựng cơm, mẹt đựng thức ăn, giỏ đựng bánh, trái cây, muỗng đũa… Những mặt hàng độc đáo này đang được ông cung cấp cho nhiều nhà hàng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, với giá bán dao động từ 8.000 - 100.000 đồng/cái. Người dân trong vùng cũng bắt đầu biết đến Cơ sở mây tre lá Tư Quyết nhiều hơn.

Đáng chú ý, từ sự sáng tạo, Cơ sở mây tre lá Tư Quyết đã cho ra mắt thị trường một số sản phẩm tiêu dùng và phục vụ du lịch như vali, ví, túi đựng laptop… cũng bằng vật liệu mây tre rất độc đáo. Ông Quyết tự hào chia sẻ, trong chuyến du lịch nước ngoài mới đây, rất nhiều người trên chuyến bay cùng ông đã tỏ ra khá thích thú khi nhìn thấy ông sử dụng mũ, vali, túi xách làm bằng nguyên liệu mây tre, thay vì những sản phẩm túi xách thông dụng hiện nay.

 Cặp vali, túi xách làm bằng nguyên liệu mây tre.
Cặp vali, túi xách làm bằng nguyên liệu mây tre.

Theo ông Quyết, đây là những sản phẩm bản thân ông cảm thấy tâm đắc, tự hào nhất. Dù bằng vật liệu mây tre, nhưng những chiếc vali, túi xách khá tinh tế, chắc chắn và an toàn khi sử dụng. Những năm gần đây, ông thường mang các tác phẩm của mình tham gia các cuộc thi liên quan đến nông thôn mới của huyện Củ Chi và đều đạt giải cao.

Đặc biệt, đã có công ty du lịch liên hệ với ông để ký mua lại bản quyền những sản phẩm vali, túi xách bằng may tre. Đây cũng là những sản phẩm được Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh gửi tham dự và lọt vào chung kết trao Giải thưởng sáng tạo TP Hồ Chí Minh năm 2019. Các sản phẩm đan đát khác của Cơ sở mây tre lá Tư Quyết hiện được trưng bày, bày bán tại một số điểm du lịch trong nước và xuất khẩu sang một số nước thị trường châu Á.

Không những vậy, mới đây, ông Tư Quyết đã ký kết với một đối tác Nhật Bản trong việc thực hiện các sản phẩm, dụng cụ bằng mây tre theo đơn đặt hàng. Đây là thị trường khó tính đòi hỏi về kiểu dáng, chất lượng nên ông phải thực hiện sản phẩm một cách cẩn thận nhằm ký kết hợp đồng lâu dài, giải quyết việc làm ổn định cho người dân quanh vùng.

Trong thời gian qua, nhiều cơ sở, hợp tác xã mây tre lá ở huyện Củ Chi phá sản do khó khăn về đầu ra, riêng Cơ sở mây tre lá Tư Quyết của ông Lê Văn Quyết nhờ có thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ổn định nên tồn tại lâu dài, nhiều hợp tác xã có từ trước chuyển sang gia công sản phẩm cho cơ sở ông. Tuy nhiên, cũng như các làng nghề mây tre lá khác, cơ sở của ông Tư Quyết đang gặp nhiều khó khăn về nguồn nguyên liệu. Do vậy, hoạt động sản xuất của cơ sở cũng bị thu hẹp nhiều so với trước đây, hiện chỉ có khoảng 50 lao động vệ tinh cho Cơ sở mây tre lá Tư Quyết.

Để giải quyết khó khăn này, ông Quyết đang tập trung cải tiến dòng sản phẩm đan lát cao cấp hơn, phục vụ du lịch; đồng thời, sáng tạo thêm những sản phẩm mới phục vụ trong các lĩnh vực, vừa tạo được sự độc đáo của sản phẩm, vừa góp phần bảo vệ môi trường với những sản phẩm hoàn toàn từ tre, nứa.

Theo Xuân Dự - H.Chung (TTXVN)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh