Tưởng chừng đơn giản nhưng để có được một gia đình đúng nghĩa hạnh phúc thì các thành viên đều phải cố gắng mỗi ngày. Tình yêu thương và sự sẻ chia chính là nguồn dưỡng nuôi để hạnh phúc luôn đong đầy bên mái ấm.
Những giờ phút quây quần cùng nhau đều rất quý báu đối với gia đình cô Thiều Thị Bảy. |
Tưởng chừng đơn giản nhưng để có được một gia đình đúng nghĩa hạnh phúc thì các thành viên đều phải cố gắng mỗi ngày. Tình yêu thương và sự sẻ chia chính là nguồn dưỡng nuôi để hạnh phúc luôn đong đầy bên mái ấm.
Nhân ngày Gia đình Việt Nam (28/6) với chủ đề “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình”, hãy cùng khám phá những bí quyết giữ gìn hạnh phúc của các nhân vật trong bài viết này.
1. Gia đình chú Dương Ngọc Đa: “Gia đình là cái gốc của con người”
Có gần 20 năm được UBND xã Nhơn Phú (Mang Thít) công nhận là gia đình văn hóa và được UBND tỉnh tặng bằng khen gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc, chú Đa cho rằng: “Gia đình là cái gốc của con người, là cái nôi đầu tiên, cội nguồn của tình cảm”.
Qua hơn 30 năm vun đắp cho gia đình nhỏ, từ ngày lo từng cái ăn, cái mặc, làm ruộng, thuê mặt bằng mở lò gạch, mua ghe chuyển gạch… gia đình chú đã ổn định và có những người con thành đạt.
Con trai lớn công tác ở ngân hàng Singapore; con trai thứ hai học thạc sĩ, làm việc tại Mỹ; con trai thứ ba tốt nghiệp ĐH Bách khoa, làm việc tại TP Hồ Chí Minh và con út hiện làm bác sĩ tại Bệnh viện Huyết học TP Hồ Chí Minh.
Chú Đa cho biết: “Chính tình yêu thương và sự quan tâm của cha mẹ mà các con luôn vâng lời. Thấy cha mẹ cực khổ nên các con tập trung học hành để không phụ lòng. Tôi quan niệm rằng cho con học để có hiểu biết, có trình độ để nhận thức đúng đắn, tiếp thu cái mới, cái hay để làm hành trang cho cuộc sống”.
Vợ chồng yêu thương nhau là sức đề kháng mạnh nhất của một gia đình, là sự giáo dục cơ bản nhất và tốt nhất dành cho con cái. Ông bà, cha mẹ dành nhiều thời gian cho con cháu và ngược lại sẽ học được cách hiểu, yêu thương nhau hơn. Tất cả các thành viên đều trân quý khoảnh khắc quây quần, giá trị mà gia đình đem lại.
Con trai chú Dương Ngọc Đa (thứ 3 từ trái sang) nhận bằng khen của UBND tỉnh tuyên dương gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2015- 2018. |
2. Gia đình cô Thạch Thị Bé Hai: “Ba mẹ là tương lai con đó”
Câu chuyện gia đình của bà con đồng bào Khmer ngày nay, ngoài chuyện hoa màu, lúa thóc, luôn có xen lẫn niềm tự hào về cháu con ngoan hiền, học hành giỏi giang. Hạnh phúc trước hết là một gia đình ấm áp yêu thương, biết quan tâm nhau cùng chia ngọt, sẻ bùi. Đó là chiếc nôi đầu tiên để con người được sinh ra, lớn lên và hình thành nhân cách.
Trong căn nhà tường mới, cô Thạch Thị Bé Hai (ấp Thôn Rôn, xã Trà Côn- Trà Ôn) cười tươi: “Cũng nhờ thằng con trai sang Nhật lao động mà tui mới có điều kiện cất nhà”. Câu chuyện chúng tôi thêm rôm rả khi em Kim Thanh Hoàng- con trai cô- gọi điện qua mạng Zalo về hỏi thăm mẹ. Và, chúng tôi thật sự xúc động khi nghe Hoàng tâm tình cùng mẹ: “Ba mẹ ở nhà ăn uống đừng có tiết kiệm nhe.
Con đi qua đây làm chủ yếu để lo cho ba mẹ thôi. Con nhớ hồi gia đình mình còn nghèo, nhà lá mưa dột, nắng xuyên, ăn uống kham khổ, ba phải chạy xe ôm suốt, còn mẹ thì “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” đi cắt lúa mướn vẫn tiện tặn nuôi con học cao đẳng. Con thấy và hiểu hết nhưng chưa lo được cho ba mẹ. Con sang Nhật làm ổn định. Con chỉ mong ba mẹ ăn uống đàng hoàng, đừng có tiết kiệm. Ba mẹ là tương lai con đó”.
Mắt cô Bé Hai đỏ hoe, nghẹn ngào: “Con ngoan, con nhớ giữ sức khỏe nha. Con yên tâm, ba mẹ ở nhà ổn”. Cô Bé Hai tâm sự: “Con trai tui sống tình cảm vậy đó, thương lắm. Làm được bao nhiêu dành dụm gởi về cho ba mẹ trả tiền vay ngân hàng. Con nói mua thêm ruộng, thêm bò để ba mẹ làm tại nhà, ba đừng chạy xe ôm nữa, xe cộ đông, con lo”.
3. Cô Thiều Thị Bảy: “Chỉ cần vợ chồng đồng lòng”
Cô hiện là Chủ tịch Hội Người tù kháng chiến Phường 8 (TP Vĩnh Long). Trở về từ “địa ngục trần gian” Côn Đảo, năm 1976, từ đôi bàn tay trắng, tài sản lập nghiệp của vợ chồng cô là 1 công đất được người bạn vừa bán vừa cho với giá 200.000đ.
Nuôi 2 con nhỏ, cả nhà khó khăn đến mức “nhà thì dột, ngủ cái mùng chi chít lỗ vá, cán bộ ở xã ai cũng quen mặt vì cứ đầu năm học lại đến để xin giảm học phí, xin học bổng cho con”.
Khó khăn vậy nhưng vợ chồng cô đồng lòng vượt qua và xây dựng gia đình hạnh phúc đáng ngưỡng mộ. Vườn nhãn xum xuê, dãy nhà trọ cho thuê mang lại thu nhập ổn định, các con trưởng thành, người làm công an, người là kỹ sư điện tử.
Với người dân Việt Nam, bữa cơm chính là chiếc gương phản chiếu hạnh phúc gia đình. Bữa cơm nhà vẫn luôn là những giá trị thiêng liêng, là nơi yêu thương tìm về- cả nhà quây quần trò chuyện. Nhờ đó mà thêm tình yêu thương và thấu hiểu. Trước nhà thoang thoảng hương nhãn, vợ chồng cô Bảy với con trai, con dâu và 4 cháu nội thường xuyên quây quần, ăn bữa cơm, trò chuyện cùng nhau.
Cháu nội rôm rả xem hình ảnh kỷ niệm, những bằng khen từ thời kháng chiến của ông bà, nghe ông bà kể chuyện. Lớn lên với tình yêu thương và niềm tự hào từ câu chuyện chiến đấu gian khổ, từ ý chí cách mạng truyền thống của gia đình, các cháu được kỳ vọng sẽ trở thành một người có ích.
Điều cô Bảy muốn nhắn nhủ: “Chỉ cần vợ chồng đồng lòng thì khó khăn là động lực để cố gắng hơn”.
Bài, ảnh: QUYÊN- THÚY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin