Hạnh phúc đầu tiên của con người chính là được khỏe mạnh, lành lặn, song điều tưởng chừng đơn giản ấy không phải ai cũng có được. Đặc biệt, đối với những người khuyết tật (NKT) nghèo, cận nghèo rất cần sự thông cảm, sẻ chia, tạo sinh kế để họ tự tin, vui sống.
Hạnh phúc đầu tiên của con người chính là được khỏe mạnh, lành lặn, song điều tưởng chừng đơn giản ấy không phải ai cũng có được. Đặc biệt, đối với những người khuyết tật (NKT) nghèo, cận nghèo rất cần sự thông cảm, sẻ chia, tạo sinh kế để họ tự tin, vui sống.
Bà Trương Thị Ba vui vì có khách đến thăm, tặng quà tại nhà. Bà Ba bị tai biến nhiều năm nay không đi lại được, có 2 con khuyết tật nặng. |
Chia sẻ khó khăn
Tỉnh Vĩnh Long có hơn 26.000 NKT, trong đó, có hơn 3.100 NKT thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Nhiều năm qua, các cấp Hội NKT, Bảo trợ trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo cùng với những tổ chức, cá nhân thiện nguyện trong và ngoài tỉnh đã hỗ trợ quà, vốn cho NKT vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Trong căn nhà cột đúc, lót gạch tàu cũ kỹ ở ấp Xuân Minh 2 (xã Trung Thành- Vũng Liêm), cô Nguyễn Thị Quắn (70 tuổi) đang chăm sóc cho 3 người bệnh tật. 2 em trai của cô Quắn là chú Nguyễn Trung Hiếu và chú Nguyễn Thành Vũ bị sốt bại liệt từ nhỏ, tay chân teo lại không đi đứng được.
Mẹ của cô- cụ bà Trương Thị Ba (92 tuổi) bệnh nằm liệt giường. Đôi mắt nhăn nheo của cô Quắn nhìn về chiếc giường mẹ đang nằm, nói: “Cả nhà 4 người sống chủ yếu bằng tiền Nhà nước cấp. Tui thì nhận tiền người cao tuổi, 2 em lãnh tiền khuyết tật, mỗi tháng gần 1,3 triệu. Nếu không có số tiền này, không biết sống sao”. Ngoài được tiền trợ cấp, mỗi đợt địa phương vận động được quà, tết gia đình bà Ba cũng có quà.
Chú Nguyễn Thành Vũ đã ngồi sẵn trên xe lăn ở trước cửa nhà từ sáng sớm đợi khách. Chú run run nói: “Hồi đó nhà lá xập xệ lắm, được địa phương vận động doanh nghiệp Thanh Bình và Vân Mập hỗ trợ cất cái nhà cột đúc, lót gạch tàu và 2 cái vách tường, tui mừng lắm”.
Chú Vũ cho biết thêm: “Nhà cất hơn 15 năm rồi nên bây giờ đã xuống cấp, mong quý nhà hảo tâm xem xét dùm”.
Chú Nguyễn Trung Hiếu tuy không nói gì nhưng cười thật tươi khi được khách hỏi han, tặng quà. Ít ký gạo, chai dầu ăn, nước tương, nước mắm, bịch đường ấy không là bao nhưng đã làm ấm lòng 4 người trong gia đình NKT nghèo này. Quý hơn nữa ở tấm lòng người cho, vì các cô chú trong đoàn đã lội bộ hàng trăm mét, băng ruộng mang quà đến cho gia đình, giữa trưa tháng 4 oi ả này.
Cô Nguyễn Thị Xem ẵm cháu An Khoa đi nhận quà, mệt nhưng vui lắm. |
Ngồi bên những phần quà mới nhận, cô Nguyễn Thị Xem ở thị trấn Vũng Liêm đang ôm cháu trai Nguyễn Hoàng An Khoa (9 tuổi) đợi người rước về nhà. Cô Xem cười thật tươi dù mồ hôi nhễ nhại. Với cô, phần quà sẽ giúp cả nhà gồm cô, bé Khoa và chồng cô không lo ăn 1 tuần rồi. Cô nói: “Số tiền chồng tui chạy xe ôm dành lo cho cháu, mỗi tuần 3- 4 lần tui đưa cháu đi tập vật lý trị liệu ở Vĩnh Long”.
Tạo sinh kế cho NKT nhẹ
Đối với những NKT còn có khả năng lao động, Hội NKT, Bảo trợ trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo các cấp luôn tạo điều kiện cho NKT học nghề, giới thiệu việc làm.
Có những tấm gương NKT không chấp nhận đầu hàng số phận, không muốn bản thân trở thành gánh nặng của gia đình. Họ luôn cố gắng phấn đấu vươn lên, học nghề tự tin hòa nhập cộng đồng. Anh La Phúc ở xã Hiếu Thành (Vũng Liêm) bị sốt bại liệt từ nhỏ đôi chân teo lại không thể tự đi đứng được.
Dù di chuyển bằng nạng khó khăn, anh Phúc chưa bao giờ để mình trở thành gánh nặng cho gia đình. Anh cố gắng học nghề hàn của cha dù “lúc mới học thì bị cha từ chối không muốn dạy” nhưng với quyết tâm của mình, anh Phúc học lỏm được nghề vì “bị tật ở chân thôi chứ tui còn đôi tay rất khỏe”- nói rồi anh Phúc khoe đôi tay chắc chắn, bắp tay cuồn cuộn. Hôm nay, anh Phúc đi nhận tiền hỗ trợ của Tỉnh hội.
Anh nói: “Được hội cho mượn tiền vốn mần ăn, tôi rất mừng. Làm nghề hàn mà không có vốn nên lời lóm không bao nhiêu, giờ tui có gia đình riêng, con tròn 1 tuổi phải lo lắng nhiều hơn”.
Được hỗ trợ 2 triệu đồng, chú Nguyễn Văn Nhu (xã Trung Hiếu- Vũng Liêm) vui hơn vì “sau này lấy vé số không phải gối đầu nữa”. Trước đây, với số tiền được trợ cấp NKT hàng tháng, vợ chồng chú Nhu đi bán vé số “sống lây lất qua ngày chỉ lo lỡ bệnh không đi bán được”.
Chú cười hì hì: “Số tiền này chia đôi cho tui với vợ tui làm vốn lấy vé số, không phải lo nữa. 2 triệu đồng với nhiều người không nhiều nhưng mà vợ chồng già neo đơn, không con cái như tụi tui thì khó kiếm lắm”.
Dù cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn nhưng ấm áp bởi có rất nhiều tấm lòng luôn chung tay chia sẻ. Đi khảo sát hộ nghèo NKT khó khăn nhà ở với Tỉnh hội, cô Quách Thách Vân- nhà hảo tâm ở Phường 4 (TP Vĩnh Long)- không chỉ tặng quà mà còn chụp ảnh, xem xét để vận động thêm những nhà hảo tâm khác nữa hỗ trợ nhà tình thương.
Cô Quách Thanh Vân tặng quà cho chú Nguyễn Thành Vũ. |
Sẻ chia để nhân đôi hạnh phúc và sống trong đời sống cần có những tấm lòng, đó là những tấm lòng cao đẹp cần được nhân lên. Tấm lòng của các nhà hảo tâm, có thể không giàu nhưng “lá rách ít đùm là rách nhiều”.
Tấm lòng của những tổ chức không ngại khó khăn cùng với chính quyền địa phương làm cầu nối vận động nhà hảo tâm giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh. Với NKT, dù là những bông hoa khiếm khuyết nhưng họ vẫn tự tin vươn lên bằng lao động chân chính, tự nuôi sống bản thân để làm ngát hương cho đời.
Bà Lê Thanh Xuân- Chủ tịch Tỉnh hội- cho biết: “Tùy vào đối tượng mà hội có những cách hỗ trợ khác nhau. NKT nặng thì được hỗ trợ quà, nhà vệ sinh,… NKT nhẹ còn khả năng lao động thì được hỗ trợ vốn buôn bán nhỏ hoặc giới thiệu việc làm. Chỉ tính riêng quý I/2019, các cấp Hội NKT, Bảo trợ trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo đã dạy nghề đan thảm lục bình, đan nilon, làm móng, hớt tóc, điện tử cho 44 học viên NKT; giới thiệu việc làm cho 30 NKT; giúp vốn hỗ trợ sinh kế cho 186 NKT. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin