Rạch Giá - U Minh Thượng (Kiên Giang) từng trải qua một thời mưa bom, bão đạn, nơi Đại tướng Lê Đức Anh từng chia ngọt, sẻ bùi cùng người dân ở đây trong những năm chống Mỹ cứu nước.
Rạch Giá - U Minh Thượng (Kiên Giang) từng trải qua một thời mưa bom, bão đạn, nơi Đại tướng Lê Đức Anh từng chia ngọt, sẻ bùi cùng người dân ở đây trong những năm chống Mỹ cứu nước.
Đại tướng Lê Đức Anh thăm công trình cầu Cái Lớn và Cái Bé bắc qua vùng căn cứ cách mạng U Minh Thượng (Kiên Giang). Ảnh: TTXVN |
Đối với Đại tướng Lê Đức Anh, “vùng Miệt thứ” là đất cưu mang, trung dũng, kiên cường, nhân hậu, thủy chung với Đảng, với cách mạng, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân lịch sử 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trên cương vị Chủ tịch nước và sau này khi đã nghỉ hưu, Đại tướng Lê Đức Anh đã nhiều lần về thăm, làm việc tại tỉnh Kiên Giang.
Xúc động trước sự ra đi của Đại tướng, Chủ tịch nước Lê Đức Anh về cõi vĩnh hằng với “Hồn thiêng sông núi”, Nhà báo Đoàn Hồng Phúc (Đài Phát thanh - Truyền hình Kiên Giang) đã có bài viết “Nhớ lần Đại tướng Lê Đức Anh về thăm Kiên Giang”. Xin giới thiệu cùng bạn đọc:
Ngày 3/1/2014, nhằm mùng 3 tháng Chạp năm Quý Tỵ, trong không khí cả nước đang nô nức chuẩn bị đón Xuân Giáp Ngọ (2014), Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước đã về thăm Kiên Giang và gặp gỡ đồng bào vùng U Minh Thượng - nơi Đại tướng cùng người dân từng trải qua một thời mưa bom, bão đạn, cùng chia ngọt, sẻ bùi trong những năm chống Mỹ, cứu nước. Đó là những nông dân đã có công lớn trong việc bảo vệ vững chắc căn cứ địa cách mạng U Minh Thượng, trong đó có cơ quan Khu 9 Tây Nam Bộ.
Hôm ấy, trời thật đẹp, thời tiết ở Rạch Giá - Kiên Giang chỉ se se lạnh. Khoảng 8 giờ 30 phút, Đại tướng Lê Đức Anh đến Văn phòng Tỉnh ủy Kiên Giang. Ra tiền sảnh đón Đại tướng có đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, lúc đó là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang, hiện là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; đồng chí Trần Minh Thống, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, sau này là Bí thư Tỉnh ủy rồi Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; đồng chí Phạm Công Khâm, hiện là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hiệu trưởng Trường Chính trị Kiên Giang.
Trong phòng khách của Văn phòng Tỉnh ủy Kiên Giang, mọi người đón Đại tướng như đón người thân, người chú, bác của mình. Đại tướng Lê Đức Anh rất vui mừng, xúc động khi gặp gỡ, trò chuyện với cán bộ lão thành cách mạng, lãnh đạo Tỉnh ủy cùng các ban Đảng và phóng viên báo chí.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Sơn trân trọng gửi lời chúc mừng năm mới đến Đại tướng và gia đình. Năm 2014, Đại tướng đã bước sang tuổi 94, sức khỏe có phần kém hơn những năm trước, đôi chân yếu phải đi bằng xe lăn nhưng trí nhớ của Đại tướng vẫn rất sáng suốt, không quên điều gì.
Đại tướng rất vui khi nghe Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Sơn báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2013 của tỉnh. Kiên Giang đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,4%, là con số khá cao và xếp hạng 4/13 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, năm 2013 tỉnh tiếp tục (năm thứ ba) dẫn đầu cả nước về sản lượng lúa.
Đại tướng Lê Đức Anh trồng cây lưu niệm tại Trường THPT Nam Yên, huyện An Biên (Kiên Giang). Ảnh: TTXVN phát |
Nói chuyện thân mật với các đồng chí lãnh đạo tỉnh Kiên Giang tại Văn phòng Tỉnh ủy, Đại tướng Lê Đức Anh bày tỏ hài lòng, vui mừng, phấn khởi về kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Kiên Giang đã nỗ lực, phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhất là về sản lượng lương thực.
Đại tướng Lê Đức Anh khen ngợi: “Phát triển kinh tế - xã hội ở Kiên Giang như vậy là tốt”. Điều mà Đại tướng quan tâm và vui mừng nhất là khi được nghe Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Sơn báo cáo về tình hình đời sống nhân dân Kiên Giang không ngừng được cải thiện và nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm.
Khi còn đương chức hay lúc nghỉ hưu, Đại tướng Lê Đức Anh luôn quan tâm đến hai việc: Một là đoàn kết nội bộ, đoàn kết giữa Đảng, chính quyền và nhân dân; hai là đời sống nhân dân còn nghèo khó ở chỗ nào, nơi nào? Đó cũng là nỗi trăn trở theo ông suốt cả cuộc đời. Đi đến đâu, đặc biệt là những vùng căn cứ cách mạng, Đại tướng không bao giờ quên chỉ đạo, nhắc nhở vấn đề “đoàn kết” và “việc chăm lo đời sống nhân dân”.
Lần về Kiên Giang năm 2014, Đại tướng Lê Đức Anh căn dặn: Tỉnh cần phát huy tốt hơn nữa truyền thống đoàn kết, góp phần xây dựng, phát triển quê hương. Bên cạnh phát triển kinh tế, Kiên Giang cần quan tâm chăm lo tốt đời sống nhân dân.
Nhân dịp đón Xuân Giáp Ngọ 2014, Đại tướng Lê Đức Anh chúc toàn Đảng bộ, quân và dân Kiên Giang luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, lãnh đạo, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đại tướng nhấn mạnh, tỉnh cần tiếp tục phấn đấu để nhân dân có mức sống cao hơn, góp phần cùng Đảng và Nhà nước thực hiện thành công mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Trong chuyến về thăm Kiên Giang lần này, có lẽ niềm vui lớn nhất của Đại tướng là công trình cầu Cái Bé - cầu Cái Lớn bắc qua vùng căn cứ kháng chiến U Minh Thượng vừa thông xe kỹ thuật, đang chờ khánh thành vào đầu năm Giáp Ngọ 2014. Đây là hai cây cầu mà bao đời nay người dân U Minh Thượng chưa dám nghĩ tới, vì đó là cầu bắc qua con sông lớn, khó có thể có vốn đầu tư nếu chỉ trông chờ vào nội lực.
Chính tại nơi này, Đại tướng Lê Đức Anh đã từng sống, chiến đấu và được sự đùm bọc, chở che của nhân dân vùng U Minh Thượng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Vì vậy, khi gặp gỡ nhân dân trên đường từ Rạch Giá qua Châu Thành, An Biên, rồi đến An Minh, giáp với tỉnh Cà Mau, Đại tướng Lê Đức Anh rất vui mừng, phấn khởi. Đại tướng nói: "Hai chiếc cầu này sẽ góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và nâng cao đời sống nhân dân vùng căn cứ U Minh Thượng".
Đại tướng Lê Đức Anh chụp ảnh lưu niệm với các em học sinh Trường THPT Nam Yên, huyện An Biên (Kiên Giang). Ảnh: TTXVN phát |
Đại tướng Lê Đức Anh đến thăm Trường Trung học Phổ thông Nam Yên, huyện An Biên, vừa mới xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng với vốn đầu tư trên 32 tỷ đồng. Chính ngôi trường này, Đại tướng đã vận động Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, tặng huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang. Dịp này, Đại tướng Lê Đức Anh đã trao tặng Trường Trung học Phổ thông Nam Yên 100 triệu đồng và tặng 50 suất học bổng cho học sinh nghèo, trị giá 50 triệu đồng.
Luôn quan tâm đến sự nghiệp giáo dục nước nhà, đặc biệt là chăm lo việc dạy và học tại các vùng căn cứ xưa, trong đó có U Minh Thượng, nguyện vọng của nhân dân và các thầy cô giáo Trường Trung học Phổ thông Nam Yên, huyện An Biên, là muốn được lấy tên Đại tướng đặt tên cho ngôi trường của mình.
Trong dịp Đại tướng về thăm Kiên Giang năm 2014, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Sơn đã thay mặt Tỉnh ủy, nhân dân và các thầy cô giáo Trường Trung học Phổ thông Nam Yên, huyện An Biên, xin ý kiến Đại tướng cho Kiên Giang được đặt tên ngôi trường này là Trường Trung học Phổ thông Lê Đức Anh. Đại tướng đã vui vẻ nhận lời đề nghị của Tỉnh ủy Kiên Giang.
Về Kiên Giang lần này, Đại tướng đã đến thăm nhân dân ấp Xẻo Đôi, xã Đông Hưng A, huyện An Minh. Đây là căn cứ của Khu 9 Tây Nam Bộ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khoảng năm 1970- 1971.
Xúc động được gặp lại nhân dân sau gần 50 năm trở lại căn cứ xưa, Đại tướng đã có buổi trò chuyện thân mật cùng người dân xã Đông Hưng A, ôn lại những câu chuyện cảm động của Đại tướng với nhân dân ở đây. Đại tướng vui mừng khi thấy đời sống người dân ấp Xẻo Đôi không ngừng được cải thiện và nâng cao.
Tuy nhiên, trong đó vẫn còn một bộ phận nhân dân khó khăn. Đại tướng gửi gắm đến chính quyền địa phương, cần quan tâm thực hiện tốt các chính sách đối với người có công với cách mạng và làm chuyển biến tích cực chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhất là xóa đói, giảm nghèo.
Đại tướng chia tay nhân dân ấp Xẻo Đôi, xã Đông Hưng A trong niềm xúc động, bùi ngùi sau gần 50 năm trở về căn cứ xưa, như trở lại gia đình, quê hương thứ hai của mình. Đó cũng là lần cuối cùng Đại tướng về vùng quê cách mạng U Minh Thượng, Kiên Giang.
Theo TTXVN/Báo Tin tức
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin