Đến nay, tỉnh Vĩnh Long có 45/89 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), trong đó có 4 xã có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Đạt được kết quả như trên là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong đó có đồng bào dân tộc Khmer, đã và đang góp phần quan trọng vào tiến trình xây dựng quê hương Vĩnh Long.
Quê hương xã có đông đồng bào dân tộc đang ngày càng khởi sắc. |
Đến nay, tỉnh Vĩnh Long có 45/89 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), trong đó có 4 xã có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Đạt được kết quả như trên là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong đó có đồng bào dân tộc Khmer, đã và đang góp phần quan trọng vào tiến trình xây dựng quê hương Vĩnh Long.
Đổi thay đời sống người dân tộc
Trở về xã Đông Bình (TX Bình Minh), chúng tôi cảm nhận vùng đất nơi đây đã có nhiều đổi mới. Từ một xã khó khăn có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống với hàng trăm căn nhà tạm, điều kiện kinh tế cũng như cơ sở hạ tầng còn yếu kém, nhưng giờ đây đã được xây dựng hoàn thiện, chất lượng cuộc sống của người dân không ngừng được nâng lên.
“Trước đây, nhà ở là một trong những tiêu chí khá “nặng lo”, nhưng xã vẫn quyết tâm thực hiện thông qua vận động các nguồn tài trợ.
Bên cạnh, để giúp cho người dân nâng cao thu nhập, xóa nghèo, xã đã tập trung hỗ trợ con giống (bò, dê…) để phát triển chăn nuôi và hỗ trợ cây giống bưởi Năm Roi, thanh long ruột đỏ... để phát triển sản xuất. Đồng thời tập trung giới thiệu việc làm, vận động xuất khẩu lao động mà đời sống người dân ngày càng được nâng lên”- Bí thư Đảng ủy xã Đông Bình- Nguyễn Văn Mễ cho biết.
Chúng tôi đến dự Tết Chol Chnam Thmay tại chùa Hạnh Phúc Tăng (xã Trung Thành- Vũng Liêm). Nghe hỏi về chuyện mừng năm mới của bà con Khmer, chị Thạch Thị Tiếp cười tươi: “Năm nào làm có nhiều tiền thì mình ăn tết vui hơn. Những năm qua nhờ Nhà nước quan tâm chăm lo cho đồng bào dân tộc mà chuyện sinh sống, học hành của con em người Khmer ngày càng tốt hơn”.
Là cựu học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Vĩnh Long, đến nay cô Thạch Thị Sô Chét đã có việc làm ổn định tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long. Hiện, trường có 198 sinh viên dân tộc Khmer. Các em nhận được nhiều chính sách ưu tiên của trường như: cộng điểm khi ưu tiên xét trúng tuyển, miễn giảm học phí, xét cấp học bổng, trợ cấp xã hội từng học kỳ.
Theo khảo sát năm 2018, sinh viên dân tộc Khmer đã tốt nghiệp tại trường đều có việc làm ổn định tại các cơ sở dạy nghề. Ngoài ra, trường cũng có 1 giảng viên người dân tộc Khmer đã hoàn thành chương trình thạc sĩ và thực hiện tốt nhiệm vụ công tác.
Theo cô Thạch Thị Sô Chét, thời gian qua Nhà nước đã tập trung tăng cường hỗ trợ, đầu tư nhiều chính sách lớn cho đồng bào dân tộc trong đó có đồng bào Khmer bằng các chương trình 134, 135, chính sách vay vốn ưu đãi, chính sách tái định canh định cư, chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sạch, điện sinh hoạt, chính sách cử tuyển, dự bị đại học... góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc từng bước phát triển.
Xóa 1.745 căn nhà tạm
Ông Thạch Dương- Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh- cho biết: Toàn tỉnh hiện có 19 dân tộc sinh sống, trong đó có 22.000 người dân tộc Khmer- chủ yếu ở các huyện Trà Ôn, Tam Bình, Vũng Liêm, TX Bình Minh, tập trung nhiều nhất ở 59 ấp thuộc 16 xã.
Chính phủ đã ban hành Quyết định số 33 hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo giai đoạn 2016- 2020 với tổng kinh phí trên 93 tỷ đồng.
Riêng đối với đồng bào dân tộc Khmer không tham gia vay theo chính sách này mà được Tỉnh ủy, UBND tỉnh có chính sách đặc thù (hỗ trợ cho không) đến nay đã cất được 1.745 căn, mỗi căn trị giá 40 triệu đồng do Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long hỗ trợ, đã cơ bản xóa nhà tạm, giúp đồng bào ổn định cuộc sống, an tâm sản xuất. Đây là chính sách đặc thù mà trên phạm vi cả nước chỉ riêng tỉnh Vĩnh Long mới có chính sách này.
Hàng năm, Bộ Kế hoạch- Đầu tư luôn dành nguồn lực cho Vĩnh Long thực hiện chương trình xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững. Trên cơ sở đó, Sở Kế hoạch- Đầu tư đã phối hợp cùng các sở, ngành tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ nguồn lực về các địa phương, trong đó ưu tiên cho các xã vùng dân tộc có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn.
Qua đó, đã giúp cho vùng đồng bào dân tộc có bước chuyển tích cực, bộ mặt nông thôn thay đổi rõ nét. Nổi trội nhất đó là về cơ sở hạ tầng thiết yếu luôn được quan tâm như điện, đường, trường, trạm được đầu tư khang trang.
Hiện nay, đa số các trường học vùng dân tộc đều đạt chuẩn quốc gia, các trạm y tế trên địa bàn tỉnh đều đạt chuẩn 100%. Hàng năm, tỉnh dành ngân sách 13 tỷ đồng để hỗ trợ mua và cấp thẻ BHYT cho người dân sinh sống ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn. Đến nay, có 4 xã vùng đồng bào dân tộc Khmer sinh sống hoàn thành 19 tiêu chí NTM, qua đó đã giúp đồng bào Khmer cải thiện chất lượng đời sống.
Nhiều căn nhà tường khang trang ở các xã có đông đồng bào dân tộc đang được đầu tư xây cất cho thấy cuộc sống đang ngày càng ấm no hơn. |
Đồng chí Trần Văn Rón- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy- cho rằng: Thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tạo điều kiện để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, trong đó có đồng bào dân tộc Khmer.
Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long cũng luôn khẳng định, đồng bào dân tộc Khmer là bộ phận không thể tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hòa hợp cùng nhân dân trong tỉnh phấn đấu vươn lên trong sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống vật chất tinh thần, góp phần xây dựng quê hương Vĩnh Long ngày càng phát triển.
Tại buổi lễ họp mặt Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay, Bí thư Tỉnh ủy- Trần Văn Rón cũng lưu ý các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các ban ngành đoàn thể các cấp trong tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước, các vị chức sắc, chức việc Phật giáo Nam tông Khmer trong tỉnh, tham mưu đề xuất kịp thời những chủ trương, chính sách về dân tộc, tôn giáo; quan tâm hỗ trợ để đồng bào Khmer nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần; khuyến khích phong trào khởi nghiệp, tạo việc làm, nâng cao thu nhập; thực hiện tốt cuộc vận động “cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin