Cái Ngang tháng 4 lại về

08:04, 28/04/2019

Tháng 4 này, khi về lại nơi đây chúng tôi càng vui hơn, càng xúc động hơn khi Khu Di tích lịch sử cách mạng Cái Ngang đã được công nhận di tích cấp quốc gia đáp ứng được lòng mong đợi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương. 

 

 

Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ngọt.
Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ngọt.

Chúng tôi đã đến Cái Ngang nhiều lần để cảm nhận không khí bi hùng của một chiến khu đã làm nên bao huyền tích anh hùng.

Tháng 4 này, khi về lại nơi đây chúng tôi càng vui hơn, càng xúc động hơn khi Khu Di tích lịch sử cách mạng Cái Ngang đã được công nhận di tích cấp quốc gia đáp ứng được lòng mong đợi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương.

Niềm vui thứ hai là Đảng bộ, chính quyền tỉnh Vĩnh Long vừa khánh thành tượng đài “Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ngọt”- biểu tượng cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam với 8 chữ vàng mà Bác Hồ kính yêu phong tặng “Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang”. Mẹ Ngọt là mẹ Việt Nam anh hùng có chồng và 6 người con đã hy sinh vì nước. Mẹ là người có nhiều người thân là liệt sĩ nhất tỉnh Vĩnh Long.

Ông Trần Văn Tám (78 tuổi, ngụ ấp Long Công, xã Phú Lộc) xúc động nói: “Hình tượng mẹ Ngọt là niềm tự hào cho người dân chúng tôi. Tượng mẹ đặt trong Khu Di tích Cái Ngang càng tôn thêm vẻ đẹp anh hùng của một phụ nữ anh hùng. Từ đó chúng tôi càng ra sức xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp”.

Đường vào khu di tích.
Đường vào khu di tích.

Theo nhiều tư liệu lịch sử để lại: Cái Ngang là tên một con rạch nhỏ chảy qua vùng đất này. Ngày 23/11/1940, nhân dân Cái Ngang đã anh dũng vùng dậy tiến công giành được quyền chủ động trong một thời gian ngắn, thu 20 súng, đánh lui nhiều đợt tiến công lớn tại thị trấn Cái Ngang.

Từ đầu năm 1949, Cái Ngang đã trở thành một căn cứ chiến lược quan trọng của Vĩnh Long, là nơi lãnh đạo, tiếp nhận chỉ thị, quân nhu, thuốc men, hàng hóa từ Sài Gòn- Chợ Lớn về để phân phối lại cho các tỉnh miền Tây.

Năm 1966, Tỉnh ủy Vĩnh Long chọn Cái Ngang làm khu căn cứ chiến lược chủ yếu. Năm 1967, Tỉnh ủy chuyển hẳn về khu căn cứ cách mạng này. Từ đây có biết bao chuyến tập kết vũ khí, tài liệu, bao lần đón đưa lãnh đạo về đây chỉ huy các trận đánh lớn.

Trong thời gian dài, Mỹ và chính quyền Sài Gòn tập trung càn quét bằng bộ binh, dùng máy bay phản lực ném bom ngày đêm quyết tiêu diệt, xóa trắng căn cứ “đầu não Việt cộng” này nhưng đều thất bại. Cái Ngang vẫn hiên ngang bất khuất tồn tại xanh tươi một màu hy vọng.

Ông Võ Hoàng Thanh- du khách đến từ Kon Tum- nhận xét: “Khu di tích này rất hấp dẫn vì sự nguyên vẹn của chiến trường xưa. Cạnh đó còn trưng bày nhiều hiện vật lịch sử có giá trị nên thu hút khách tham quan. Chiến trường miền Nam quả gay go và ác liệt quá”.

Đứng giữa những cánh rừng xưa mát rượi trong tiếng chim kêu bên cạnh tàn tích những hố bom, chúng tôi cảm nhận trong gió, trong mây của vùng đất thiêng một thời bom đạn này như đang phảng phất đâu đây hào khí oai linh dấu xưa còn lưu giữ lại rất lạ thường.

Chúng tôi xúc động và dừng lại rất lâu trước các phương tiện, vật dụng, trang thiết bị thô sơ của những người anh hùng đã làm nên huyền thoại anh hùng. Đây chiếc vỏ lãi máy PS 16 bao lần đón đưa cán bộ, tiếp lương tải đạn trong mưa bom bão đạn của địch.

Đây khu căn cứ địa với đầy dẫy các loại cây tra, đủng đỉnh, trâm bầu, méc, gõ nước,… vẫn sừng sững nguyên sơ như những chứng nhân của lịch sử chiến tranh. Đó những hố bom từ những chiếc máy bay hiện đại của đế quốc Mỹ nay đang xanh tốt dưới những đám lục bình,...

Rất bất ngờ khi tận mắt chứng kiến những cây cầu chông, bãi lửa được du kích ta ngụy trang khéo léo khiến địch sập bẫy, những công sự, những hầm trú ẩn, nơi học tập, hội họp, làm việc của lãnh đạo Tỉnh ủy Vĩnh Long xưa vẫn đang tồn tại với thời gian. Đặc biệt chúng tôi dừng chân khá lâu để chiêm nghiệm, thấm thía những vần thơ, lời hiệu triệu năm xưa được ghi lại trên Văn Bia di tích lịch sử.           

Cầu Chông.
Cầu Chông.

Năm 2001, Khu Di tích lịch sử cách mạng Cái Ngang 5ha được đầu tư trùng tu, tôn tạo, xây dựng mới với các hạng mục chính: bãi lửa, cầu chông, chốt bảo vệ, nhà thường trực, hội trường, hệ thống hầm trú ẩn, nhà thông tin, công sự chiến đấu, hệ thống hầm bí mật, hố bom, bãi đỗ xe, nhà lễ tân, nhà truyền thống, đường dẫn vào khu di tích, nhà dịch vụ… Hiện đây là nơi được nhiều cơ quan trong và ngoài tỉnh đến tham quan, tìm hiểu.

Đây còn là dịp để các tổ chức Đoàn, Đội làm nơi sinh hoạt truyền thống, hành quân dã ngoại về nguồn, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, tìm hiểu về thiên nhiên kỳ thú. Đi trong khu rừng mát dịu âm âm, nghe tiếng chim kêu gợi nhớ một thời khai hoang mở đất. Băng qua những chiếc cầu bắc qua khe, qua rạch; đặt chân trên những lối mòn từng in đậm dấu chân của những chiến sĩ năm nào.

Tận mắt thấy những hố bom, hầm trú ẩn, chúng tôi mới thấm thía những mất mát đau thương, sự chịu đựng kiên cường của những người cộng sản chân quê đã làm nên đại thắng để có hòa bình như ngày hôm nay.

Năm 2017, Khu Di tích lịch sử cách mạng Cái Ngang đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia, đáp ứng lòng mong đợi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tam Bình nói riêng và tỉnh Vĩnh Long nói chung.

Bài, ảnh: TRƯƠNG THANH LIÊM

 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh