"Bán ước mơ"- vượt khó thoát nghèo

03:04, 19/04/2019

Một trong các công việc ít vốn mà lại "sống được" là bán vé số dạo. Đây việc mưu sinh của nhiều người nghèo, người già, tàn tật… Hàng ngày, họ lặn lội đi hàng chục cây số, qua các con đường, góc phố để bán từng tờ "vé số ước mơ" để nuôi sống bản thân và gia đình. Giữa muôn ngàn khó khăn của cuộc sống, họ vẫn mơ ước về một ngày mai tốt đẹp.

 

Một trong các công việc ít vốn mà lại “sống được” là bán vé số dạo. Đây việc mưu sinh của nhiều người nghèo, người già, tàn tật… Hàng ngày, họ lặn lội đi hàng chục cây số, qua các con đường, góc phố để bán từng tờ “vé số ước mơ” để nuôi sống bản thân và gia đình. Giữa muôn ngàn khó khăn của cuộc sống, họ vẫn mơ ước về một ngày mai tốt đẹp.

 Hàng ngày ở Vĩnh Long, chúng ta không khó để bắt gặp hình ảnh những người bán vé số dạo.
Hàng ngày ở Vĩnh Long, chúng ta không khó để bắt gặp hình ảnh những người bán vé số dạo.

“Bán ước mơ tỷ phú” để mưu sinh

Bán vé số có nhiều hình thức, người mở quầy ngồi bán, người lấy lại vé số từ các đại lý để bán dạo. Ở Vĩnh Long, khó có thể thống kê được bao nhiêu người bán vé số, chỉ biết rằng trong cuộc sống chúng ta vẫn thường bắt gặp những người khuyết tật, người già,… đi bán vé số dạo. Ở họ đều có chung một hoàn cảnh là cái nghèo đeo bám.

Mỗi ngày chị Nguyễn Thị Lệ Huyền (xã Bình Ninh- Tam Bình) ẵm con trai 3 tuổi đi bán vé số dạo. Ngày bán được từ 90- 100 vé, giúp chị trang trải chi phí ăn uống, tiền sữa, tiền học cho 2 con.

Trưa nắng chang, Đường tỉnh 904 thuộc địa phận thị trấn Tam Bình vẫn nhộn nhịp xe máy, xe tải chở hàng. Cô Phạm Thị Ánh Hoa (52 tuổi, ở xã Hòa Lộc) có gương mặt khắc khổ, sạm nám. Cầm xấp vé số trên tay còn vài tờ, cô mời: “Còn 4 tờ của Vĩnh Long chiều nay xổ nè cô bác ơi!”

Thấy chúng tôi mua giúp cô những tờ vé số cuối cùng đó, cô mừng vui: “Chúc con chiều nay vô độc đắc nhe”. Rồi cô trải lòng về hoàn cảnh riêng, cô và chồng sớm chia tay khi con trai chưa đầy 3 tuổi. Vài tháng sau, cô bồng con đi bán vé số dạo cho tới nay con trai học lớp 9. Mỗi ngày cô bán được 100 vé, tiền lời lo ăn uống hàng ngày và “bỏ ống heo” lo con trai ăn học sau này.

Cứ mỗi chiều, chị Lê Thị Lắm (Phường 4- TP Vĩnh Long) lam lũ đi bán vé số dạo để kiếm tiền lo cho con gái lớn học ĐH và có tiền thuê nhà trọ và cũng để mỗi sáng đem con trai bị bệnh bại não đến phòng tập vật lý trị liệu, hy vọng cải thiện khả năng vận động. Tuy đứa con không tròn vẹn nhưng đó cũng là động lực để chị vượt qua khó khăn trong hiện tại.

Mơ ước về ngày mai tốt đẹp

Những khiếm khuyết cơ thể thường làm nhiều người mặc cảm, tự ti… nhưng vượt qua ranh giới đó, không ít người khuyết tật tự tin hòa nhập cộng đồng bằng chính sức lao động của mình với nghề bán vé số dạo, để từ đó, sống đẹp, sống có ích cho gia đình và xã hội.

Cứ 4 giờ 30 phút, chú Phạm Hoàng Sơn (xã Tường Lộc- Tam Bình) lại cọc cạch trên chiếc xe lắc bắt đầu ngày mới với công việc bán vé số. Đối với chú Sơn: “Ngày nào tui không đi bán là chịu không nổi”.

Dù tật nguyền do bị bướu càm khiến anh Lê Văn Hiền (tên thường gọi Ba Lép, 43 tuổi, Phường 2- TP Vĩnh Long) có cái đầu to bất thường nhưng anh Hiền vẫn rất lạc quan, vui vẻ và thích giúp đỡ người khác.

Một người hàng xóm cho biết mỗi khi kẹt xe, anh Hiền liền xuống đường để ra hiệu chỉ dẫn cho luồng xe lưu thông. Anh Hiền đã bán vé số hơn 20 năm để tự nuôi bản thân và còn phụ giúp gia đình.

Những năm qua, ở Vĩnh Long có hàng trăm số phận người khuyết tật được các công ty, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và cộng đồng chung tay nâng bước trên con đường mưu sinh bằng nghề bán vé số.

Và Công ty TNHH 1TV Xổ số kiến thiết Vĩnh Long là một trong những đơn vị đồng hành cùng Hội Người khuyết tật, Bảo trợ trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo của tỉnh tổ chức nhiều chương trình trao tặng xe lăn, xe lắc tay để người khuyết tật có cơ hội vượt lên số phận ằng cách bán vé số dạo.

Đây được xem là cách trao “cần câu” thiết thực và phù hợp với khả năng, điều kiện sức khỏe của người khuyết tật để họ tự nuôi sống được bản thân.

Bán vé số tuy vất vả nhưng vừa đem niềm vui “ước mơ tỷ phú” đến cho mọi người vừa giúp những người nghèo, người khuyết tật vượt qua khó khăn, có cuộc sống ổn định, nhất là đã nuôi các con học hành tới nơi tới chốn.

Theo ông Nguyễn Thành Tặng- Phó Giám đốc Công ty TNHH 1TV Xổ số kiến thiết Vĩnh Long, thông qua hoạt động xổ số kiến thiết, đã tạo điều kiện giúp cho hàng ngàn người ngoài độ tuổi lao động như người già; người khuyết tật, người chưa có việc làm tự lao động kiếm sống bằng việc tham gia bán vé số kiến thiết của các tỉnh- thành trong khu vực nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng. Thời gian qua, công tác xã hội, từ thiện thường xuyên được công ty quan tâm, nhất là đối với những người bán vé số có hoàn cảnh khó khăn. Hàng năm, công ty đều có kế hoạch tặng túi xách, áo mưa, xe lăn cho người bán vé số, ủng hộ kinh phí để cất nhà tình thương cho những cá nhân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh