Những "bài ca không quên" bên dòng Rạch Súc

05:03, 02/03/2019

Những ngày giáp tết, chúng tôi có dịp tháp tùng cùng đoàn lãnh đạo tỉnh thăm, chúc tết gia đình chính sách ở xã anh hùng Nguyễn Văn Thảnh (Bình Tân). Trong một xóm nhỏ ở ấp Hòa Thạnh, có những gia đình liền kề nhau cùng tham gia cách mạng. Một gia đình có 2 mẹ Việt Nam anh hùng, nhà có 7 người thì 6 người tham gia cách mạng... 

Những ngày giáp tết, chúng tôi có dịp tháp tùng cùng đoàn lãnh đạo tỉnh thăm, chúc tết gia đình chính sách ở xã anh hùng Nguyễn Văn Thảnh (Bình Tân). Trong một xóm nhỏ ở ấp Hòa Thạnh, có những gia đình liền kề nhau cùng tham gia cách mạng. Một gia đình có 2 mẹ Việt Nam anh hùng, nhà có 7 người thì 6 người tham gia cách mạng...

Những câu chuyện nghe được còn dang dở, níu chân chúng tôi- những người may mắn được sinh ra và lớn lên trong hòa bình lại tìm về xã Nguyễn Văn Thảnh, tìm về miệt Rạch Súc- Kinh Mới để lắng nghe trọn vẹn câu chuyện hào hùng.

Kỳ 1: Chuyện người thương binh dân y

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- Lê Quang Trung thăm hỏi, chúc xuân gia đình chú Năm Ái.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- Lê Quang Trung thăm hỏi, chúc xuân gia đình chú Năm Ái.

Chú Năm có tên khai sinh là Nguyễn Hoàng Ái- sinh năm 1946. Năm 17 tuổi, chú đã tham gia cách mạng. Chú là con trai của Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hai và là em trai của Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Ngọc Điệp.

Ấn tượng với chú không chỉ là gia đình cách mạng, những vết thương khiến chú nhìn “lớn hơn tuổi thật” mà bởi cách nói chuyện hóm hỉnh mà đầy ý nghĩa của một người luôn quan tâm đến đất nước…

Thầy Năm Ái của Dân y Bình Minh

Chúng tôi thăm nhà chú Năm đúng ngày 27/2, vì chú không có điện thoại nên không thể hẹn trước được. Sáng sớm đến nơi thì thím Năm nói “chú ra uống cà phê đầu cầu Rạch Súc rồi, mấy đứa qua đó kiếm nha”.

Ra đầu cầu Rạch Súc thì không thấy chú Năm đâu, lòng đã lo ngai ngái “không lẽ về không”, hỏi thăm những người trong quán thì biết chú Năm mới đi với “người lạ” đến một quán cà phê khác. Quyết không nản lòng, chúng tôi chạy đi tìm chú.

Sau một hồi lần tìm, chúng tôi gặp chú ở một quán cà phê khác cách nhà chú chừng 2km! Chú đang ngồi uống nước cùng 2 người khác. Chú Năm giới thiệu: Đó là chú Phan Văn Năm (bí danh Năm Nhỏ) và chú Nguyễn Văn Bảy (bí danh Bảy Nhỏ), đều là đồng đội cùng chú làm việc ở Dân y huyện Bình Minh khi xưa- nay là TX Bình Minh.

Chú Năm Nhỏ cười, nói góp vô: “Cậu Năm là thầy tụi tui, là thủ trưởng của tụi tui hồi ở Dân y Bình Minh, ổng là trưởng ban à”. Ngày 27/2 này cũng như ngày 27/2 những năm trước đây, những đồng đội, học trò của chú Năm ngày nào lại về đây chúc tết thầy!

Chú Bảy Nhỏ giới thiệu thầy mình: “Cậu Năm là y sĩ dân y nhưng mát tay lắm à nhen, bác sĩ khoa ngoại mình bây giờ chưa chắc vững tay kéo bằng ổng đâu. Thời chiến tranh, vết thương lớn nhỏ qua một tay ổng hết”.

Ban Dân y Bình Minh những năm 70 của thế kỷ trước chỉ có 12 người mà “khi trồi khi sụt” vì làm dân y dù ít gặp nguy hiểm hơn nhưng “nhiều anh em vô rồi không làm nổi, vì không chịu được cảnh máu me, chết chóc”- chú Năm Ái nói thêm- “Mà anh em đã vào ban thì thương yêu nhau như anh em ruột, cùng sống chết vậy”.

Tình người, tình đồng đội cao quý và những con người tử tế, hiền lành đến độ “có khi không đủ chỗ ngủ, cả đội nam nữ ngủ chung một chòi vẫn bình thường”. Rồi khi một người bị thương thì “cả đội buồn thúi ruột, không ăn uống vô”.

Đó là một đêm năm 1972, khi chú Năm Ái tự nguyện tháp tùng để bảo vệ Bí thư Huyện ủy Bình Minh vượt sông thì bị địch bắn hủy một chân.

Chú Năm Ái cười: “May mắn là ông bí thư an toàn”. Trước đó ít năm, chú Năm trúng miểng bị thương ở lưng làm gãy 2 xương sườn. Chú lấy tay diễn tả cái lỗ hở ở khớp xương khi vết thương lành rồi cười: “Hồi đó được vô mấy bịch máu ở Nga cho nhen, không biết phải vì vậy không mà giờ tôi bự con hơn anh em”- chú cười khà khà, nói tiếp- “đặc biệt hồi xưa nhóm máu A, giờ thành nhóm O rồi”.

Và những nỗi đau không thể nào quên

Bên cạnh nụ cười hóm hỉnh, chú Năm Ái cũng có những khoảng lặng khi nói về vợ con mình. Đó là người vợ và con đầu lòng của chú đã chết vì chiến tranh, vì thiếu thuốc men và không được sơ cứu kịp thời.

Mối tình đầu của chú Năm Ái- người vợ đầu tiên cũng là dân y ở xã Tân Quới (Bình Tân). Trong một trận bom càn, vợ chú Năm bị phỏng bom. Vết phỏng chiếm khoảng 50% cơ thể. Chú Năm thở dài: “Trong bom đạn mà, nóng quá thì lăn xuống nước không kịp sơ cứu gì”.

Tối ngày hôm đó thì chú Năm nhận được tin vợ hy sinh, bao nhiêu nước mắt cũng chảy xuôi rồi chảy ngược vào lòng. Chôn vợ xong lại tiếp tục làm nhiệm vụ. “Đứa con gửi người quen nuôi lâu lâu tôi ghé thăm, rồi con cũng bị bệnh mà đi theo mẹ nó luôn”- chú Năm nhìn xa xôi. Thím Năm Ái bây giờ cũng là một dân y!

Hớp ngụm trà, chú Năm kể chuyện những ngày ở đội dân y thuốc men có nhưng nhiều khi thiếu thốn và “làm sao mà so được với bây giờ”.

Hay những khi bị địch quần, “bố” thì không còn lương thực cho thương binh ăn đành “hái trái bình bát chín cho anh em ăn dằn bụng”. Có những trận đánh kéo dài từ 6 giờ sáng đến 8 giờ tối, bộ đội ta bị thương nhiều…

Nói rồi, chú Năm Ái nhìn xa xăm, chú nhớ về một cô du kích nhỏ đã thành liệt sĩ. Cô gái mà chú cố gắng quên cái tên đi để miền nhớ của một thầy thuốc tạm bình yên. Cô du kích nhỏ đó quê ở xã Mỹ Thuận (Bình Tân), bị trúng bom trong một trận càn “bầm giập gần hết từ thắt lưng trở xuống”.

Năm nào, nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam, chú Bảy Nhỏ và chú Năm Nhỏ cũng về thăm thầy.
Năm nào, nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam, chú Bảy Nhỏ và chú Năm Nhỏ cũng về thăm thầy.

Dù đã cố gắng cầm máu, chữa trị mà môi trường không thể đảm bảo vô trùng, vết thương cô gái ngày một lở loét nhiều hơn. Chú Năm nói nhỏ: “Dòi đục cuộn cuộn, bò có dây, mùi thịt thối bay xa 500m còn nghe… Tôi ngoài lau vết thương, cho uống thuốc thì luôn nói là không sao cả, vết thương rồi sẽ lành”.

Vậy mà cô gái nhỏ vẫn lạc quan, ý chí sinh tồn của thanh xuân đã giữ cô hơn một tháng, trước khi về đất mẹ cô vẫn không nguôi hy vọng về với mẹ, với gia đình mình.

Chú Năm đã không còn đếm xuể những người thân quen hy sinh: cha, vợ, con, em trai, anh rể, cháu. Về sự hy sinh một phần thân thể của mình, chú Năm Ái cảm thấy rất đỗi bình thường. Khi không còn đủ sức khỏe để công tác, chú Năm Ái về nhà.

Bên dòng kinh Rạch Súc hiền hòa, nhà chú ở cạnh nghĩa trang nơi có 83 ngôi mộ đất của anh em có tên và không tên.

Ngày ngày, chú Năm chống nạng sang đây đốt nhang rồi bảo vệ từng ngôi mộ. Rồi giọng chú chùng xuống: “Những ngày trước giải phóng, lính lấy xe ủi san bằng nghĩa trang, nước Rạch Súc xanh dờn, thúi bum. Bao nhiêu xương cốt anh em đổ xuống rạch”.

Ngày hòa bình, chú Năm cùng bà con tìm nhặt xương cốt còn sót lại đem về nghĩa trang huyện. Chú Năm lại thở dài: “Hồi xưa anh em chôn riêng, có tên họ đàng hoàng, bị xe ủi làm lộn xộn thành những ngôi mộ tập thể, vô danh mà hài cốt thì tìm cũng không đủ 83 bộ”.

Chú Năm Ái kể chuyện về mình- cậu bé chăn trâu mướn “thấy chăn trâu thiệt sướng” đến khi đi làm cách mạng. Mà chuyện theo cách mạng, với chú nó bình dị và hiển nhiên như chuyện ngày nay: trẻ em 6 tuổi sẽ đến trường! “Cha tôi tham gia kháng chiến chống Pháp rồi hy sinh. Mẹ tôi, chị tôi, anh tôi đều góp sức mình cho cách mạng, tôi khi chưa hiểu cách mạng là gì đã đi theo, đó là truyền thống gia đình”. Dần dần chú Năm Ái mới hiểu và càng tin tưởng vào cách mạng, trở thành người có lý tưởng và được cho đi học các lớp y tá, y sĩ.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN- PHƯƠNG THÚY

(Còn tiếp)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh